Pages

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Cái chết của Gaddafi và “chính quyền sinh ra trên đầu họng súng”

/           
Gaddafi khi bị bắt

Theo: Blog Đầu gối


Cả tuần nay cái chết của Moammar Gaddafi đã được báo chí khắp thế giới loan tải với nhiều thái độ khác nhau. Dư luận phần lớn các nước, nhất là các nước phương Tây tỏ ra hoan hỷ trước cái chết của viên sĩ quan quân đội chỉ mang hàm đại tá nhưng lại là người đứng đầu bộ máy cai trị đầy quyền lực suốt 42 năm qua trên đất nước Libya giầu có tài nguyên dầu mỏ này. Người ta gọi chế độ của Gaddafi là chế độ độc tài, tước đoạt mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân, vì thế nên cần phải loại bỏ.

Từ cuối năm 2010, đầu năm 2011, một làn sóng biểu tình đòi tự do dân chủ bắt đầu từ Ai Cập lan rộng sang một loạt nước thuộc khu vực Bắc Phi thì Libya không nằm ra ngoài vùng ảnh hưởng, cũng bị rúng động, nhất là từ tháng 2/2011 trở đi. Các cuộc xuống đường biểu tình đòi tự do dân chủ ở các nước Bắc Phi đã được nhiều nhà bình luận gọi là các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” hoặc ví von hơn gọi đó là các cuộc “cách mạng hương thơm”, “hương lài”. Cách đây hơn 20 năm tôi từng chứng kiến kiểu cách mạng đường phố như thế ở Tiệp Khắc được mọi người gọi là cuộc “cách mạng nhung”, mà là nhung thật bởi không có đổ máu.
Gaddafi bị môt người cầm súng dí vào đầu sau khi bị bắt
Nhưng những gì diễn ra trong những tháng qua ở các nước Bắc Phi không giống như thế. Chẳng có hương, có hoa gì ở những cuộc cách mạng này. Máu thực sự đã đổ ở Ai Cập, ở Sirya, nhất là ở Libya. Ở Libya thực chất đã xảy ra một cuộc chiến tranh đẫm máu làm cho hàng nghìn người chết, hàng chục thành phố và thị trấn với hàng vạn ngôi nhà bị san bằng. Nếu chỉ là người dân tay không xuống đường biểu tình đòi tự do dân chủ thì không thể trong chốc lát đã có thể thành lập các đơn vị chiến đấu được trang bị đầy đủ vú khí, gồm cả vũ khí hiện đại, như xe tăng, đại bác mà quân nổi dậy ở Libya đã sử dụng. Thực tế cuộc chiến tranh này đã được quốc tế hóa. Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết chống lại chế độ của Gaddafi. Mỹ, Anh, Pháp và nhiều nước trong Khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã trực tiếp nhúng tay vào cuộc chiến ở Libya, không những viện trợ tiền bạc, vũ khi cho quân nổi dậy mà còn trực tiếp tham gia tấn công bằng không quân và tên lửa vào thủ đô Tripoli và nhiều thành phố khác, nhằm mục tiêu tiêu diệt ông Gaddafi và chế độ của ông ta. Phó Tổng thống Mỹ xác nhận Mỹ đã chi ra hơn 2 tỷ đô la tài trợ cho quân nổi dậy ở Libya. Đó là không kể hàng tỷ đô la khác mà các nước đã viện trợ trực tiếp cho lực lượng nổi dậy. Thật là chớ trêu khi nhớ lại cách đây hơn 30 năm khi chế độ diệt chủng Pôn Pốt tàn sát hàng triệu người dân Campruchia, không những đã tạo ra những cánh đồng chết ngay trên đất nước Chùa Tháp mà còn đưa quân sang tàn sát đồng bào ta ở các tỉnh biên giới với Campuchia, thì các nước phương Tây làm như không hay biết gì! Và khi Việt Nam đưa quân tình nguyện sang giúp lực lượng cách mạng của bạn tiêu diệt chế độ diệt chủng Pôn Pốt thì lại bị Mỹ và các nước phương Tây phản đối, cấm vận!
Xe tăng quân nổi dậy
Vì sao Mỹ và các nước phương Tây lại có sự viện trợ “vô tư” như thế cho quân nổi dậy ở Libya, nếu không muốn nói thẳng ra rằng vì Libya là quốc gia hàng đầu trên thế giới sản xuất dầu mỏ, thứ “vàng trắng”, “máu trắng” của nền công nghiệp và kinh tế Mỹ và nhiều cường quốc phương Tây hiện nay. Thế mà Gaddafi và chế độ của ông ta lại không theo Mỹ, trái lại còn chống Mỹ! Để rồi, với sự giúp đỡ được “quốc tế hóa” như thế, quân nổi dậy ở Libya đã đạt được mục tiêu là lật đổ chế độ của Gaddafi và bắn chết ông sau khi đã bắt sống trong một đường cống ở thành phố Sirte được coi là thành trì cuối cùng của ông ta.
Cảnh tượng đổ nát trong chiến tranh
Cái chết của Gaddafi không chỉ mang lại sự hoan hỷ cho những người, những nước muốn tiêu diệt ông mà trái lại, đã mang đến sự phẫn nộ trước cách hành xử dã man của những người nổi dậy đã bắt được ông, bắn chết ông, kéo lê xác ông trên đường phố. Tôi không phải là người ủng hộ Gaddafi nhưng tôi cũng như nhiều người không thể chấp nhận được hành động của những người được coi là “người chiến thắng” đã hành xử một cách dã man với ông. Bởi vì, nói gì thì nói Gaddafi cũng là một lãnh tụ của một quốc gia có chủ quyền, từng là thành viên của Liên hợp quốc trong suốt mấy chục năm qua.
Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh ra ngày 26/10/2011 đã đưa tin về Di chúc mà ông Gaddafi để lại trước khi bị bắn chết do trang Web của ông là Seven Day News đăng tải. Ông bày tỏ mong muốn được chôn cất bên cạnh “gia đình và bạn bè” ở quê hương mình, Sirte. Ông cũng kêu gọi những người ủng hộ ông tiếp tục chiến đấu, khẳng định đã lựa chọn đấu tranh và chết ở Libya thay vì cách dễ dàng hơn là chạy trốn ra nước ngoài. Ông viết: “Nếu bị giết, tôi muốn được chôn cất theo những nghi lễ Hồi giáo với quần áo tôi đang mặc vào lúc tôi qua đời và thi thể tôi không tẩy rửa tại nghĩa địa Sirte, bên cạnh gia đình và những người thân của tôi. Tôi muốn gia đình tôi, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, được đối xử tử tế sau khi tôi qua đời. Người dân Libya nên bảo vệ bản sắc, những thành tựu, lịch sử và hình ảnh danh dự về tổ tiên và những người anh hùng của mình”.
Người dân Libya mừng chiến thắng sau khi nghe tin Gaddafi bị giết chết
Báo còn đưa lại clip quay cảnh bắt sống ông Gaddafi và sau đó ông bị bắn chết. Trên nhiều trang mạng còn đăng nhiều bức ảnh về cái chết của ông, có trang còn cẩn thận cảnh báo là dưới 18 tuổi không nên xem các bức ảnh này, có lẽ vì nó quá dã man. Tôi cũng đọc không ít bài báo, bài thơ viết về cái chết của Gaddafi với giọng thật hoan hỷ, thích thú. Nhưng tôi cũng đã đọc nhiều comments của bạn đọc lên án hành động dã man của quân nổi dậy Libya giết chết Gaddafi khi ông đã bị bắt sống, không một tắc sắt trong tay. Có bạn đọc còn so sánh hành động của “những người chiến thắng” này khác xa, rất xa, nếu không muốn nói là đối lập hẳn hành động đối sử nhân đạo của Quân đội nhân dân Việt Nam với tù binh sau chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trước đây.
Chiến sự ở Libya cuối cùng đã chấm dứt. Hội đồng chuyển tiếp dân tộc Libya (NTC) hôm 23-10 đã tuyên bố giải phóng hoàn toàn đất nước sau 42 năm cầm quyền của đại tá Moammar Gaddafi. Mặc dù vẫn còn không ít người ủng hộ ông Gaddafi, thực hiện lời ông kêu gọi trước khi chết; “Tôi kêu gọi những người ủng hộ tôi tiếp tục chống đối và chiến đấu chống lại bất cứ thế lực nước ngoài nào tấn công Libya hôm nay, ngày mai và mãi mãi…”, song tôi mong và tin rằng tình hình Libya sẽ sớm ổn định.
Những ngày này, đọc các tin tức về cuộc chiến tranh ở Libya, xem những hình ảnh trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến với việc quân nổi dậy bắt sống và giết chết Gaddafi, tôi chợt nhớ hình như mình đã nghe, đã đọc ở đâu đó một câu “văn vẻ” của Mao Trạch Đông cách đây mấy chục năm, từ hồi còn có phong trào “Mao ít” ở một số nước trên thế giới. Câu ấy có thể tôi không nhớ nguyên văn nhưng đại thể là: “Chính quyền sinh ra trên đầu họng súng”. Nói một cách nôm na, là bạo lực đã đẻ ra chính quyền, chẳng có thứ hương, hoa nào lại có thể mang chính quyền về cho những người muốn làm cách mạng cả.Phải chăng cuộc “cách mạng nhung” ở Tiệp Khắc năm 1989 là một trường hợp ngoại lệ?
Nghĩ thế tôi lại giật mình tự đặt câu hỏi: Chả lẽ sau hơn 20 năm kết thúc cuộc chiến tranh lạnh phân chia ra hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa đối đầu nhau căng thẳng hàng nửa thế kỷ, thì nay thế giới vẫn còn đang nằm trên các thùng thuốc súng? Và liệu các “cuộc cách mạng đường phố” thực sự là các cuộc “cách mạng nhung”, “cách mạng hoa lai” hay lại diễn ra đầy cảnh bạo lực, chết chóc và cả chiến tranh đổ máu như ở Libya và một số nước Bắc Phi vừa qua? Nói một cách khác, có ai đang muốn làm nổ tung các thùng thuốc súng hay không?…Hỏi thế để rồi tôi tự tìm câu trả lời: Chắc không mấy người lại muốn có một thùng thuốc súng nào đó nổ ra ở Việt Nam! Bởi vì Việt Nam đã trải qua quá nhiều năm tháng chiến tranh, cái giá phải trả để có hòa bình hiện nay là quá đắt. Chắc chẳng ai muốn mảnh đất hình chữ S này lại xảy ra chiến tranh, bạo loạn để rồi lại lâm vào cảnh núi xương, sông máu kinh khủng biết nhường nào!
Vì thế, dù có ai muốn “chính quyền sinh ra trên đầu họng súng” thì tôi nghĩ, mỗi người chúng ta hãy làm như một nghệ sĩ nước ngoài nào đó tôi quên tên đã làm, không phải chỉ tạo ra một tác phẩm điêu khắc để đời mà là tạo ra một viễn cảnh tương lai của nhân loại mà mọi người yêu chuộng hòa bình trên trái đất này đều mong muốn: Vặn quăn nòng khẩu súng như ta vặn một sợi dây thừng để nó không bao giờ nhả đạn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét