Pages

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Lập quan hệ đối tác chiến lược Việt-Đức

Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, và Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Đức và Thủ tướng Việt Nam nói
tới việc mở rộng quan hệ hai nước lên thành
 đối tác chiến lược.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Tuyên bố chung Hà Nội, đưa quan hệ giữa hai quốc gia lên thành quan hệ đối tác chiến lược.
Bà Merkel đang ở Hà Nội trong chuyến thăm hai ngày, chặng đầu tiên trong chuyến công du châu Á.

Các lĩnh vực hợp tác Việt-Đức then chốt bao gồm chính trị chiến lược; thương mại đầu tư; tư pháp và pháp luật; phát triển và bảo vệ môi trường; giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội.

Thủ tướng và các quan chức cao cấp của hai nước cũng đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng khác.
Quan hệ đối tác chiến lược được ký kết giữa hai quốc gia này cũng tương tự như Việt Nam đã từng ký với bảy quốc gia khác trong đó có Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thương mại
Phát biểu tại cuộc họp báo chung tại Hà Nội sau khi gặp người tương nhiệm chủ nhà, Thủ tướng Merkel nói: "Các quốc gia trong khu vực đồng euro có quyết tâm chính trị để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay. Cội rễ của vấn đề là ở các ngân hàng."
So sánh Việt Nam với các nước khác có dân số trẻ, bà Merkel nói thêm rằng các nước châu Âu sẽ phải đương đầu với những thách thức to lớn hơn khi họ cố gắng giảm mức nợ công.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì nói tại cuộc họp báo chung rằng vẫn có thể mở rộng quan hệ thương mại giữa hai nước, mà hiện đang ở mức 5 tỷ đôla vào năm ngoái.
Đức là đối tác thương mại châu Âu lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó quan hệ thương mại song phương của Việt Nam đạt mức 30 tỷ đô với Trung Quốc và hơn 20 tỷ đô với Mỹ.
Thủ tướng Đức thăm Việt Nam
Bà Angela Merkel gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội hôm thứ Ba, nhằm thúc đẩy các quan hệ thương mại với Việt Nam.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
Hãng AFP trích một nguồn tin cao cấp trong chính phủ tại Berlin, cho biết trước chuyến viếng thăm này, rằng bà Merkel dự định thúc đẩy một hiệp ước tự do thương mại giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam.
Vẫn theo AFP trích một nguồn tin từ Bộ ngoại giao Đức, có hy vọng vòng một thương thuyết cho hiệp ước này sẽ được bắt đầu "trong vài tháng tới".
Đức cũng là nước có cộng đồng người Việt lao động và học tập khá đông, tới gần 100 ngàn người, theo số liệu của Văn phòng thống kê Liên bang Đức.
Nhân quyền
Tuy nhiên Thủ tướng Merkel nói hợp tác kinh tế phải gắn liền với tuân thủ các tiêu chuẩn về các quyền và nhân quyền; và rằng bà sẽ không ngại động chạm tới những gì chính phủ Đức xem là một sự "thiếu hụt" về thành tích nhân quyền của Việt Nam.
"Phát triển nhân quyền cũng như tự do tôn giáo và tự do báo chí là rất quan trọng," bà Merkel nói.
Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu vẫn thường chỉ trích Việt Nam về việc hạn chế tự do ngôn luận, bỏ tù các blogger và các nhà hoạt động dân chủ, những người thách thức sự cầm quyền độc đảng của chính phủ Hà Nội. Hồi tháng Tám, Liên hiệp châu Âu đã kêu gọi thả blogger người Pháp gốc Việt Phạm Minh Hoàng.
Thủ tướng Merkel sẽ rời Hà Nội tới thành phố Hồ Chí Minh vào thứ Tư 12/10 trước khi tới Mông Cổ vào chiều tối cùng ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét