Pages

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Miến Điện ân xá hơn 6.300 tù nhân

Kiều dân Miến Điện tại Malaysia biểu tình phản đối Tổng thống Thein Sein trước đại sứ quán Miến Điện ở Kualar Lumpur ngày 11/10/2011.
Kiều dân Miến Điện tại Malaysia biểu tình phản đối Tổng thống Thein Sein trước đại sứ quán Miến Điện ở Kualar Lumpur ngày 11/10/2011.
REUTERS/Samsul Said
Đức Tâm
 
Hôm nay, 11/10/2011, chính quyền Miến Điện chính thức thông báo ân xá hơn 6.300 tù nhân, làm tăng hy vọng là các tù nhân chính trị sẽ được trả tự do. Nếu việc này xẩy ra, thì đây sẽ là một cử chỉ mang tính biểu tượng rất cao của chính quyền Naypyidaw hướng tới các nước phương Tây.
Theo đài truyền hình Nhà nước Miến Điện MRTV, Tổng thống Thein Sein đã quyết định, vì « lý do nhân đạo », sẽ ân xá các tù nhân, để họ có thể « hỗ trợ công cuộc xây dựng đất nước ». Việc thả tù nhân được bắt đầu từ ngày mai.
Từ nhiều năm nay, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và phe đối lập Miến Điện đã đòi nhà cầm quyền phải trả tự do cho khoảng 2.000 tù chính trị bao gồm các nhà tranh đấu chính trị, luật sư, nghệ sĩ, nhà báo, và coi đây là bằng chứng thực tâm của chính quyền muốn tiến hành các cải cách chính trị và dân chủ hóa.

Sau khi lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa bình, được trả tự do, việc thả các tù chính trị được coi là điều kiện tiên quyết để phương Tây tính đến khả năng bãi bỏ lệnh cấm vận được áp dụng từ cuối những năm 1990 đối với Miến Điện.
Thông báo chính thức về lệnh ân xá công bố ngày hôm nay không nói rõ là có tù chính trị hay không, nhưng theo giới quan sát, trong thời gian gần đây, có nhiều động thái cho phép lạc quan.
Ngày hôm qua, một số quan chức của chính phủ Miến Điện nói với AFP là sắp có lệnh ân xá, trong số này có tù chính trị. Hôm nay, Ủy ban Quốc gia về Nhân quyền, một tổ chức do chính quyền lập ra vào tháng trước, đã kêu gọi Tổng thống Thein Sein trả tự do cho các « tù nhân lương tâm », một danh từ mà thông thường chính quyền cấm sử dụng.
Trong bức thư ngỏ đăng trên nhật báo tiếng Anh New Light of Myanmar, được coi là cơ quan ngôn luận của chính quyền, Ủy ban Quốc gia về Nhân quyền đã nhắc lại rằng « Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và một số nước đòi trả tự do cho những người mà họ miêu tả là « tù nhân lương tâm ». Vẫn theo bức thư, việc trả tự do cho những tù nhân không phải là các mối đe dọa đối với ổn định của Nhà nước và sự bình an của xã hội, sẽ cho phép họ tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước.
Theo giới phân tích, rất hiếm khi một tổ chức do chính quyền lập ra lại thừa nhận là có tù chính trị tại Miến Điện.
Ông Thein Sein, nguyên là tướng trong quân đội, mới nhậm chức Tổng thống từ tháng Ba năm nay sau khi hội đồng tướng lãnh cầm quyền giải tán. Từ vài tuần qua, nguyên thủ Miến Điện đã có nhiều tuyên bố hoặc cử chỉ mang tính biểu tượng cao để chứng minh quyết tâm thực hiện cải cách
Chính Tổng thống Thein Sein đã tiến hành đối thoại với lãnh đạo đối lập bà Aung San Suu Kyi. Cuối tháng Chín, ông đã thông báo đình chỉ dự án xây đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc tài trợ để « tôn trọng ý nguyện của người dân ». Lần đầu tiên, khóa họp của Quốc hội của Miến Điện mở cửa cho các nhà báo vào theo dõi đưa tin và ngày 07/10, chính lãnh đạo cơ quan kiểm duyệt Miến Điện lại kêu gọi tự do báo chí.
Các nhà phân tích đưa ra hai lý do chính có thể lý giải những động thái đáng khích lệ đến từ phía chính quyền « dân sự » Miến Điện : Trước tiên là nhà cầm quyền Miến Điện muốn thoát ra khỏi tình trạng bị cấm vận, đang gây nhiều khó khăn về kinh tế tài chính cho nước này. Mặt khác, chính quyền Miến Điện cần thuyết phục Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) trao cho quyền là chủ tịch luân phiên vào năm 2014, qua đó, tạo dựng được phần nào uy tín trên chính trường quốc tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét