Pages

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Quy định pháp luật về bắt người và tạm giữ – tạm giam


 Thực tế tại Việt Nam hiện nay là những cơ quan hành pháp của nhà cầm quyền không tuân thủ pháp luật. Bản thân pháp luật có những bất cập chưa kịp khắc phục theo đà tiến của xã hội, cộng thêm sự coi thường và ngồi xổm trên pháp luật của các cơ quan công quyền, đặc biệt là công an.
Vì thế, trong hoàn cảnh hiện nay mọi công dân Việt Nam cần có những hiểu biết cơ bản về các quy định pháp luật liên quan đến đời sống và hoạt động chính trị của mình.
Xin giới thiệu với quý độc giả bài viết sau đây của một chuyên gia về luật pháp Việt Nam để nhận định về quá trình tố tụng mà công an Việt Nam đã thực hiện đối với 15 thanh niên Công giáo và Tin Lành từ ngày 30/7/2011 đến nay. Công dân có quyền giám sát hành vi của các cơ quan công quyền trong việc “sống là làm việc theo hiến pháp và pháp luật” để có thể lên tiếng khi cần thiết, tránh tình trạng lạm dụng quyền lực vi phạm nhân quyền…

————————
Nhân sự kiện 15 thanh niên Công giáo “mất tích” bí ẩn, chúng tôi cung cấp đến quý độc giả những nội dung điều Luật qui định tại Bộ Luật Tố tụng Hình sự (“BLTTHS”), về bắt người, tạm giữ, tạm giam…
1. Bắt, tạm giữ, tạm giam [1]: là một trong những biện pháp ngăn chặn chỉ áp dụng trong các trường hợp: để kịp thời ngăn chặn tội phạm, hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo [2] sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án…
Như vậy, nếu 15 thanh niên Công giáo chưa bị khởi tố (tức chưa phải bị can) trước khi bị bắt thì chỉ có thể bị bắt trong trường hợp “để kịp thời ngăn chặn tội phạm”. Nhà cầm quyền VN chưa có đủ bằng chứng để kết luận 15 thanh niên Công giáo này thuộc trường hợp “để kịp thời ngăn chặn tội phạm”.
2. Có 3 trường hợp bắt là (i) bắt bị can, bị cáo để tạm giam, (ii) bắt người trong trường hợp khẩn cấp và (iii) bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Loại trừ trường hợp 15 thanh niên Công giáo là bị can thì họ chỉ có thể bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang.
Việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp phải có lệnh bắt, người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Khi bắt người phải có sự chứng kiến của đại diện Chính quyền, người láng giềng (nếu ở nơi cư trú), đại diện cơ quan, tổ chức (nếu ở nơi làm việc) chứng kiến.
Người thi hành lệnh bắt trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản, phải đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe và cùng ký vào biên bản.
3. Những việc cần làm ngay sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt trong trường hợp không phải là bị truy nã thì cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.
4. Người ra lệnh bắt, cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay.
5. Do 15 thanh niên Công giáo đã bị “bắt” quá 9 ngày mà không được trả tự do, nếu làm đúng quy định thì chắc chắn họ đã bị khởi tố và bị tạm giam. Trong trường hợp này được xác định là bị can.
Bị can có quyền: (khoản 2 Điều 49 BLTTHS)
a) Được biết mình bị khởi tố về tội gì;
b) Được giải thích về quyền và nghĩa vụ;
c) Trình bày lời khai;
d) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
đ) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này;
e) Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa;
g) Được nhận quyết định khởi tố; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố; các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
6. Lưu ý quan trọng là: “Khi người bị tạm giữ, tạm giam có con chưa thành niên dưới 14 tuổi hoặc có người thân thích là người tàn tật, già yếu mà không có người chăm sóc, thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam giao những người đó cho người thân thích chăm nom. Trong trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam không có người thân thích thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam giao những người đó cho chính quyền sở tại chăm nom” (khoản 1 Điều 90 BLTTHS).
7. Luật sư có quyền tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ (trong trường hợp bắt người khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang) hoặc từ khi khởi tố bị can. Tuy nhiên “trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra” (khoản 1 Điều 58 BLTTHS). Luật sư có quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng… thu thập tài liệu, đồ vật… gặp người bị tạm giữ, gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam…
8. Thời hạn tạm giam để điều tra: Có thể được gia hạn kéo dài tối đa đến 16 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Chưa kể thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại.
9. Trong thời giam bị giam, giữ: được sử dụng quần, áo, chăn, chiếu, màn cá nhân. Nếu thiếu thì trại giam cho mượn theo tiêu chuẩn mỗi người một chiếu, màn, chăn (từ thành phố Đà Nẵng trở vào dùng chăn sợi, từ Huế trở ra dùng chăn trần bông loại 2 kg), một đôi dép và hai loại quần áo dài theo màu thống nhất. Hàng tháng được cấp 0,2 kg xà phòng giặt, hai tháng được cấp một khăn rửa mặt. Nếu là nữ được cấp thêm một số tiền (tương đương 2 kg gạo) để mua đồ dùng vệ sinh phụ nữ.
Một tháng không quá ba lần được nhận quà và đồ dùng sinh hoạt của thân nhân gửi đến: Lượng quà cho mỗi ngày bị tạm giam không được vượt quá ba lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Nghiêm cấm dùng bia, rượu, thuốc lá, chất kích thích…
Bình quân diện tích tối thiểu 2 m2/người, có bệ nằm bằng xi măng hoặc gạch men và có chiếu trải để nằm.
Một Luật sư tại Sài Gòn
Gửi riêng cho VRNs


[1] Tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã (khoản 1 Điều 86 BLTTHS)
Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây:
a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;
b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội (điểm a, b khoản 1 Điều 88 BLTTHS).
[2] Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự (khoản 1 Điều 49 BLTTHS)
Bị cáo là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử (khoản 1 Điều 50 BLTTHS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét