Pages

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

BAO GIỜ VIỆT CỘNG TỈNH GIẤC BẠO LỰC?

Năm 1978, một người Bulgary tên Georgi Markov đang sống lưu vong ở Anh Quốc đột ngột qua đời. Cái chết của ông được nhiều người chú ý vì Georgi Markov là một phần tử đối lập; nổi tiếng về những tranh đấu của ông ta chống lại chính quyền Cộng sản Bulgaria và chống lại nhà lãnh đạo Todor Zhirkov.
Mặc dù người ta thắc mắc, chính quyền Anh Quốc đã giữ im lặng trước cái chết này trong một thời gian khá lâu.
Oleg Kalugin là một cựu tướng lãnh chỉ huy KGB trong nhiều năm. Năm 1990, ông có lên tiếng về vấn đề đổi mới, cải tổ của Liên Sô; kêu gọi Gorbachev nới rộng dân chủ. Ông bị Gorbachev huyền chức sau đó. Sau khi Liên Sô tan rã, trên chương trình truyền hình “60 Minutes”, ông Kalugin đã tiết lộ những chi tiết có liên quan đến cái chết của Georgi Markov.

“… Lãnh tụ Cộng đảng Bulgaria đã bí mật thỉnh cầu Liên Sô giúp đỡ ông thanh toán đối thủ chính trị của mình là Georgi Markov đang sống ở Anh Quốc. Trong một cuộc họp bí mật giữa Yuri Andropov, Giám đốc KGB và Kryuchkov, đệ nhất phó Giám đốc KGB, có mặt tôi (Oleg Kalugin). Hai ông này đã thảo luận với nhau về lời yêu cầu của Todor Zhirkov. Yuri Andropov có vẻ không muốn chấp thuận biện pháp ám sát Georgi Markov, trong khi đó ông Kryuchkov lại tỏ ra sốt sắng. Cuối cùng tôi được giao nhiệm vụ giúp đỡ cơ quan mật vụ Bulgaria. Còn Ban Khoa học và Kỹ thuật của KGB đã hợp tác chế tạo cho chúng tôi một vũ khí đặc biệt, ngụy trang như một cây dù cầm tay. Cây dù này sau đó đã được một số điệp viên dùng để bắn một viên thuốc độc thật nhỏ, đường kính 1,7mm vào bắp chân ông Markov, giết chết ông ta…”
Yuri Andropov sau đó đã kế vị Leonid Breznev giữ chức Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Sô. Còn Vladimir Kryuchkov trở thành Giám đốc KGB. Tháng 8-1991, sau cuộc đảo chánh Gorbachev bất thành, Kryuchkov bị bắt giam và được Quốc hội Liên bang Nga ân xá sau này.
Chi tiết do Oleg Kalugin kể lại trên đây đã được một số điệp viên khác của Liên Sô xác nhận trong cuốn “KGB: The Inside Story”.
Năm 1985, Oleg Gordievsky, một nhân viên của KGB đã đào ngũ sang Anh Quốc, mang theo một số tài liệu bí mật, để vợ con lại Liên Sô. Năm 1991, ngay sau khi cuộc đảo chánh tháng 8 bất thành, gia đình ông này đã được cho sang Anh Quốc đoàn tụ với ông. Oleg Gordievsky liền cho phổ biến các tài liệu mật.
Sau đó ông đã hợp tác với Christopher Andrew, là một giáo sư khoa Sử trường Đại học Cambrige để viết cuốn “KBG: The Inside Story”. Trong quyển sách này có đưa ra những chi tiết xác nhận vai trò của Kryuchkov trong việc ám sát Oleg Markov.
Một trong những tài liệu bí mật mà Oleg Gordievsky phổ biến, có liên quan tới cái chết của một nhà ngoại giao Thụy Điển, ông Raoul Wallenberg.
Trước năm 1945, Raoul Wallenberg là một nhân viên Ngoại giao của Thụy Điển tại Hungary. Trong thời gian Đức Quốc Xã chiếm đóng Bulgary, ông này đã dùng vị thế ngoại giao của mình để cứu thoát hàng ngàn người Do Thái Hungary đang bị Liên Sô lùng bắt. Năm 1945, ông Raoul Wallenberg bị Liên Sô bắt giam, bất chấp công pháp quốc tế. Chính phủ Thụy Điển đã nhiều lần chính thức lên tiếng đòi Liên Sô phải thả ông này ra. Trong hơn mười năm trời, Liên Sô đã trả lời rằng mình không hề có tin tức gì về Wallenberg. Cho tới năm 1957, Liên Sô đổi giọng thú nhận có bắt giam Wallenberg, nhưng ông này đã qua đời tại nhà giam Lubyanka ở Moscow năm 1947. Nội vụ chìm vào quên lãng.
Sau cuộc đảo chánh tháng 8-1991, cơ quan KGB của Liên Sô liên tiếp công bố năm tài liệu có liên quan đến Raoul Wallenbreg và cái chết của ông. Phía Thụy Điển cho rằng các giấy y chứng của bác sĩ nhà giam viết năm 1947 về cái chết của ông này và các tài liệu khác đều là ngụy tạo.
Oleg Gordievsky cho biết ông ta đã tiếp xúc với những người được xem hồ sơ. Những người này cho biết Oleg Wallenberg đã bị bắn chết năm 1947 vì không chịu hợp tác với KGB. Và lẽ dĩ nhiên KGB cũng không muốn ông này sống để kể lại mọi chuyện với người khác.
*
Cứ mỗi lần có một tin tức bí mật cần giấu giếm bị công bố ra, KGB lại công khai hóa một số hồ sơ đang lưu trữ. Những hồ sơ được công khai hóa thường không còn giá trị bí mật trước khi bị đưa ra ánh sáng. Nhưng có thể nói văn khố lưu trữ hồ sơ của KGB đã là một cái gì bí mật, kích động sự thèm thuồng của mọi người.
Sau khi Liên Sô tan rã, Vadim Batin, một đảng viên đảng Tự Do nắm quyền lãnh đạo cơ quan KGB của nước Cộng hòa Liên bang Nga. Ông này đồng ý sẽ trao lại tất cả những hồ sơ của KGB cho chính phủ của Tổng thống Boris Yeltsin trong vòng 6 tháng, nhưng chống lại những ai đòi công khai hóa các hồ sơ này.
Một người khác, ông Vladimir Bukovsky, trước đây là một phần tử đã chống đối đảng Cộng sản Liên Sô, sau khi Liên Sô tan rã, đã đến Moscow vì những vấn đề có liên quan đến văn khố của KGB và của Trung ương Đảng. Ông này có cùng quan điểm với Giám đốc KGB Vadim Bakatin: Không nên công khai hóa các hồ sơ đang lưu trữ. Và họ đưa ra những quan điểm không phải là không có tính xác đáng:
“… Có hàng triệu hồ sơ được lưu trữ một cách hết sức hoàn hảo. Khi được người quản thủ đưa tôi đến khu lưu trữ hồ sơ cá nhân của các nhân vật cao cấp, tôi rút thử một bộ. Đó là hồ sơ của Nguyên soái Klemeni Vorashilov, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dưới thời Stalin…”
Voroshilov là một người tuyệt đối trung thành với Stalin, đã theo lệnh nhà độc tài này thanh trừng các sĩ quan cao cấp của Hồng quân Liên Sô trước thế chiến thứ hai.
Bukovsky kể tiếp:
“… Tôi rút một hồ sơ khác, thì đó là hồ sơ của Mikhail Solokov, nhà văn đoạt giải văn chương Nobel với cuốn “And Quiet Flows The Don” (Sông Đông Êm Đềm). Tôi cũng đã được xem hồ sơ liên quan tới việc ông nội tôi bị bắn chết. Nội vụ dài ba trang giấy. Qua đó tôi đã biết tên người đã tố cáo ông nội tôi và tôi sẽ mãi mãi nhớ cái tên ấy. Nhưng tôi tự hứa sẽ không bao giờ nhắc lại chuyện đã qua và cũng sẽ không để ai biết những điều ấy…”
Vladimir Bukovsky là một người trước đây đã tranh đấu cho dân chủ và giống như các nhà tranh đấu ở Liên Sô khác, ông đã bị nhốt vào nhà thương điên trong 11 năm rưỡi. Ông đã giải thích lý do tại sao ông ủng hộ quan điểm không nên công khai hóa các hồ sơ được lưu trữ ở văn khố KGB:
“… Chúng tôi tính là ở Đông Đức có khoảng 10% dân chúng đã cộng tác hoặc làm điềm chỉ viên cho mật vụ Stasi. Nếu bây giờ chúng ta cho rằng chỉ có 5% dân chúng ở Liên Sô cũ cộng tác với KGB thì con số này cũng lên tới 15 triệu. Nếu chúng ta công khai các hồ sơ trong văn khố KGB thì số người bị tố cáo làm điềm chỉ viên sẽ không biết bao nhiêu mà kể, những cuộc khủng bố, trả thù đại quy mô sẽ diễn ra. Ai sẽ bảo vệ hữu hiệu số người điềm chỉ viên này? Một số lớn dân chúng sẽ bị coi là có tội. Nội chiến sẽ không thể tránh được…”
Còn về phần Vadim Bakatin, ông cũng tán thành quan điểm ấy:
“… Nếu chúng ta công khai hóa tất cả tất cả các hồ sơ trong văn khố KGB; tôi cam đoan không phải chỉ có thân nhân các điềm chỉ viên cho KGB; mà cả thân nhân của các nạn nhân cũng sẽ bị liên lụy… Đời sống xã hội sẽ xáo trộn…”
Những lý lẽ của Bukovsky và Bakatin không phải là không có lý. Mạng lưới kềm kẹp của KGB quá lớn, số điềm chỉ viên quá đông. Nước Đức thống nhất cũng đã lâm vào một hoàn cảnh như vậy. Lo ngại trước các vụ trả thù và các vụ xáo trộn xã hội chắc chắn sẽ xảy ra, Đức Quốc đã quyết định tiếp tục giữ kín các hồ sơ trong văn khố của cơ quan mật vị Stasi. Ông Vladimir Bukovsky đã có lý khi ông nói đến vấn đề này trên một khía cạnh khác, khía cạnh đạo đức:
“… Những điềm chỉ viên này phần đông đều bị cưỡng ép làm việc cho KGB. Một số khác bị hăm doạ, kể cả gia đình của họ. Công khai hóa các hồ sơ này sẽ gây ra nhiều thảm cảnh. Tôi nghĩ nên để mỗi cá nhân tự vấn lương tâm của mình thì hơn.”
Trong một cuộc thảo luận trên truyền hình, ông gợi ý nên dùng các hồ sơ này để soi sáng các chi tiết lịch sử. Chẳng hạn về các vụ thanh trừng dưới thời Stalin, vụ ám sát lãnh tụ cao cấp Sergei Kirov ở Leningrad năm 1934 v.v… Một vài người khác thì muốn biết về các hoạt động của Quốc tế Cộng sản hoặc các cuộc tranh chấp giữa Stalin và Trotsky.
*
Duy trì một bộ máy theo dõi, kềm kẹp lớn và mạnh là đặc điểm của tất cả các quốc gia theo chế độ Cộng Sản. Điều này tương đối dễ hiểu bởi vì bộ máy cai trị của bất cứ chế độ Cộng Sản nào cũng là một chế độ độc tài và chủ trương điều khiển đất nước bằng bạo lực. Chế độ Cộng Sản Hà Nội cũng không đi ra ngoài quy luật đó. Chế độ Cộng Sản luôn luôn phải có trong tay một công cụ trấn áp quần chúng để bảo vệ chế độ, núp dưới danh từ “bảo vệ chuyên chính vô sản”. Điều ngược đời là chính người dân phải thắt lưng, buộc bụng để nuôi chính cái hệ thống kềm kẹp, đàn áp mình.
Không có hệ thống đàn áp và kềm kẹp đó, chế độ Cộng Sản sẽ bị tan rã như một tảng nước đá dưới ánh sáng mặt trời. Nó cũng chứng minh rằng chế độ độc tài luôn luôn đi ngược lại lòng khao khát cuộc sống tự do, dân chủ của người dân; do đó, muốn tồn tại, chế độ đó bắt buộc phải sử dụng đến bạo lực và đặt nền móng cai trị trên căn bản gieo rắc sự sợ hãi đến từng mỗi người dân.
Cuộc sống luôn luôn thay đổi để tiến tới những ước vọng chính đáng của con người: sự thịnh vượng, tự do, dân chủ. Các chế độ lỗi thời sẽ bị lịch sử đào thải. Chế độ nô lệ, chế độ quân chủ phong kiến… đã bị đào thải…
Chế độ Cộng Sản đã bị đào thải một phần lớn và sắp sửa bị đào thải hoàn toàn.
Chế độ Cộng Sản Hà Nội cũng vậy, họ đang có những cố gắng vùng vẫy cuối cùng, Liệu họ được bao lâu nữa.
Những người cầm quyền đảng CSVN nghĩ gì trước những hậu quả đầm đìa xương máu mà những kẻ cai trị bằng bạo lực Mubarak, Gadhafi… gây ra cho dân chúng của họ và cái kết quả bi thảm mà những kẻ này phải gánh chịu?
Bao giờ thì nhà cầm quyền VC tỉnh giấc bạo lực?!
NGUYỄN THIẾU NHẪN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét