Pages

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Hiến Pháp Chưa Sửa Đã Phá

Phạm Trần
Công tác sửa đổi Hiến pháp 1992 của Nhà nước Việt Nam mới nhúc nhích quanh Ban Biên tập dự thảo nhưng bằng chứng “có đổi cũng như không” đã thấy ngay tại cửa miệng những người Lãnh đạo Quốc hội, cơ quan có trách nhiệm biểu quyết Bản Hiến pháp mới dự trù vào cuối năm 2013.
Trước hết, hãy nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu tại phiên họp của Quốc hội ngày 4/8 (2011): “Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bảy định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, bao gồm: chế độ chính trị; chế độ kinh tế; văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ; bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân; tổ chức bộ máy nhà nước; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Theo đó, về chế độ chính trị, khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đã được nhân dân ta, mà đại diện cao nhất là Quốc hội thừa nhận và ghi vào Hiến pháp.” (Báo Tổ Quốc)

“Sự lãnh đạo toàn diện” này đã được ghi trong Điều 4 Hiến pháp 1992: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”
Tuy nhiên điều 4 này không phải là của dân, do dân và vì dân bởi dân không viết, không ai hỏi ý kiến dân xem họ có bằng lòng trao cho đảng quyền “lãnh đạo Nhà nước và xã hội” hay không mà đảng đã tự viết ra điều này rồi bảo Quốc hội, cũng toàn là người của đảng hay ủng hộ đảng hợp thức hóa bằng cuộc bỏ phiếu để rồi nói rằng “Quốc hội đã thay mặt dân” trao quyền cho đảng !
Như vậy, một khi đã “khẳng định” rồi thì còn chỗ nào để sửa, mà ai dám thay đổi nên Hiến pháp tương lai sẽ vẫn dành chỗ cai trị cho cái đảng “theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Đến ngày 7/9 (2011) tại Phiên họp đầu tiên của Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội cũng nói rõ: “Những nội dung sửa đổi sẽ bám sát và kế thừa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các văn kiện khác của Đại hội lần thứ XI của Đảng.”
Vậy “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)” nói gì ?
Điểm quan trọng nhất viết trong phần IV của Cương lĩnh (Hệ thống Chính trị và Vai trò Lãnh đạo của Đảng) xác quyết rằng :” Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.... Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Ngay cả Bản Điều lệ đảng, được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011 cũng viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc...”
“…Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.”
Như vậy, nếu cộng cả 3 Văn kiện (Điều 4 Hiến pháp, Cương lĩnh và Điều lệ đảng) thì rõ ràng đó là ý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi ông này nói việc sửa đổi Hiến pháp 1992 phải “bám sát và kế thừa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các văn kiện khác của Đại hội lần thứ XI của Đảng.”
LÃNH ĐẠO TUYỆT ĐỐI
Và một khi đã “bám sát” thì Hiến pháp mới cũng phải viết theo “miệng lưỡi” độc quyền, độc đảng của Cương lĩnh, theo đó sẽ xác nhận: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược.... Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.... Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị.... Đảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị....”
Và Bản Cương lĩnh tụt hậu, cướp cả quyền tự quyết của dân khi Đảng tự nhét chữ vào miệng dân để bắt dân hô hoán lên rằng : “ Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.”
Để rồi phải để cho đảng tự ý “Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng - an ninh.”
Nếu còn phải nghe theo Nguyễn Sinh Hùng để “bám sát” cả cái sai lầm, hão huyền của Cương lĩnh thì Hiến pháp mới sẽ phải tiếp tục “quá độ” lên Xã hội chủ nghĩa theo kiểu Việt Nam, dù chưa ai trong đảng CSVN có thể hình dung ra cái xã hội này nó như thế nào !
Cương lĩnh trong thực tế đã cho cả nước ăn bánh vẽ khi cả gan đoán rằng : “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.”
Về phương diện xây dựng đất nước, Cương lĩnh nói rõ vai trò “chủ đạo” của Nhà nước trong lãnh đạo kinh tế, dù đảng không phủ nhận vài trò của nền kinh tế tư nhân.
Cương lĩnh viết: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo . Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế.”
Như thế rõ ràng là đảng đã nắm tất cả mọi thứ, mặc dù ngay trong Điều thứ 1 của Hiến pháp tiên khởi 1946 đã viết :
“Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà.
Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.”
Hiến pháp 1946 còn công nhận quyền “phúc quyết” của người dân.
Điều thứ 70 trong Hiến pháp 1946 viết nguyên văn:
“Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây:
a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.
b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.
c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.”
Tuy nhiên kể từ Hiến pháp 1959 cho đến Hiến pháp 1992 Quốc hội của đảng đã tự ý chiếm quyền “phúc quyết” của dân để thao túng Hiến pháp, dù Điều 4, Hiến pháp 1959 cũng viết : “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thống qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan Nhà nước khác đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ.”
Đến lần sửa đổi 1980, một lần nữa quyền lực của dân được lập lại trong Điều 4:”Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dâm chủ cộng hoà đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thống qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan Nhà nước khác đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ.”
Và sau cùng, lần chỉnh sửa năm 1992 còn ghi vào Hiến pháp việc Nhà nước “bảo đảm”: “Phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân” bhư ghi trong 2 Điều sau đây:
Điều 2: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.”
Điều 3: “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.”
TIẾNG NÓI NHÂN DÂN
Trước việc các Lãnh đạo Quốc hội đặt cái cầy trước con trâu khi sửa đổi Hiến pháp 1992, Cử tri cả nước đã gửi Kiến nghị đến Quốc hội đòi đảng trả lại “quyền làm chủ đất nước”.
Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam viết : “Cử tri và nhân dân phấn khởi trước việc Quốc hội ban hành nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, mong muốn việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Hiến pháp cần quy định rõ cách thức sử dụng quyền lực nhà nước của nhân dân thông qua dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp; tiếp tục khẳng định Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền công dân, quyền con người; xác định rõ quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp cần quy định những vấn đề cơ bản nhất, có tính ổn định lâu dài, làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật nhằm huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các cơ quan hữu quan cần thật sự phát huy dân chủ, huy động tối đa sự đóng góp trí tuệ của các tầng lớp nhân dân vào việc tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.” (Kiến nghị cử tri gửi Khóa QH 2, công bố ngày 20-10-011)
Như vậy đã rõ ràng chưa hay cần phải vạch tai đảng ra để bắt phải nghe thêm nhiều lần nữa câu nói ngắn ngủi, nhưng mang nặng tính thượng tôn người dân là chủ nhân của đất nước: “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.”
Theo Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp thì: “Dự kiến, tháng 4/2012 sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương Báo cáo Tổng kết việc thi hành và những nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp 1992.
Tháng 10/2012 trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo 1 của Hiến pháp. Tháng 1/2013 tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, và đến Tháng 10, hoặc 11/2013 sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua.” (Báo Tổ Quốc)
Nhưng việc tổ chức “lấy ý kiến nhân dân”sẽ được tổ chức ra sao, nếu Điều 4 Hiến pháp 1992 vẫn được giữ nguyên trong dự thảo Hiến pháp mới ?
Bởi lẽ khi phải “bám sát Cương lĩnh” để sửa đổi Hiến pháp theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì đương nhiên vai trò lãnh đạo tuyệt đối cả “nhà nước và xã hội” của Đảng phải được bảo vệ không khác gì khi chưa sửa đổi, kể cả việc kiên định Chủ nghĩa Mác-Lenine và tư tuiởng Cộng sản Hồ Chí Minh.
Nếu thế thì việc sửa đổi lần này chỉ còn là một trò hề trước mắt người dân và Thế giới./-
Phạm Trần
(11/011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét