Pages

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Việt Nam Hợp Tác Chiến Lược Với Ấn Độ Có Lợi Hay Hại

Trúc Giang MN
1* Việt Nam cần dựa vào một cường quốc để đối trọng với Trung Cộng
Đối trọng là trọng lượng dùng để làm thăng bằng với một trọng lượng khác.
Trước sức ép của Trung Cộng, CSVN cần một cường quốc để dựa vào mà mặc cả, trong đàm phán ở thế bình đẳng trong tranh chấp ở Biển Đông. Chính sách ngoại giao đa phương của CSVN đã có những hợp tác quốc tế trong những lãnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục, y tế, khai thác tài nguyên…
1.1. Đối với Nga
Nga là đồng minh lâu đời của CSVN từ thời Liên Xô, và hiện nay, Nga đã bán cho VN những vũ khí hiện đại gồm tàu chiến, tàu ngầm, hoả tiễn phòng thủ và phi cơ chiến đấu. Nga phụ trách huấn luyện hải quân và xây dựng căn cứ tàu ngầm cho VN, nhưng Nga không phải là một cường quốc đáp ứng những nhu cầu của VN.
1.2. Đối với Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là một cường quốc với sự hiện diện của lực lượng quân sự hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á. Hoa Kỳ có khả năng bảo vệ VN, nhưng CSVN rất e ngại, là Hoa Kỳ có thể kích động một cuộc “cách mạng màu” hay là diễn biến hoà bình để lật đổ chế độ Cộng Sản. Chính Ngoại trưởng Clinton xác nhận: “Chúng ta đã nói rõ với Việt Nam, việc phát triển quan hệ chiến lược đòi hỏi phải có những bước bảo vệ tốt Nhân quyền và tự do chính trị”.

1.3. Cộng Sản Việt Nam chọn Ấn Độ
Trước hết, Ấn Độ không xen vào chế độ chính trị độc tài của CSVN.
Ngày 11-10-2011, Trương Tấn Sang bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ 3 ngày, đã thu hút sự chú ý của các nhà quan sát, về tầm quan trọng trong việc hợp tác chiến lược thuộc an ninh quốc phòng của hai nước.
Giáo sư Bharat Karnad, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách tại New Delhi, trả lời phỏng vấn BBC, cho biết: “Nước Nga ngày nay không thể đóng vai trò mà VN mong đợi, còn Hoa Kỳ thì không đáng tin cậy, bởi vậy, dường như Hà Nội đạt hy vọng vào Ấn Độ”.
Ấn Độ đã có từng loạt hợp tác quân sự với VN, như giúp nâng cấp 100 phi cơ MiG-21, (thuộc thế hệ 2) giúp huấn luyện hải quân, nhất là trong việc điều khiển tàu ngầm lớp Kilo mà VN đã đặt mua của Nga, tham gia huấn luyện hỗn hợp, trao đổi kinh nghiệm tác chiến rừng núi.
CSVN đã cho Hải quân Ấn Độ xử dụng quân cảng Nha Trang.
2* Hợp tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ
2.1. Ấn Độ bán hoả tiễn cho Việt Nam
Ấn Độ đồng ý bán cho VN hai loại hoả tiễn hành trình (Cruise Missile) siêu âm BrahMos và hoả tiển đạn đạo (Ballistic Missile) Prithvi. Ấn Độ có mỗi thứ 1,000 quả.
2.2. Việt Nam cho Hải quân Ấn Độ xử dụng quân cảng Nha Trang
Ấn Độ duy trì một đội tàu nhỏ, có mặt thường xuyên trên vùng biển, ở giữa Biển Andaman phiá đông Nam Ấn Độ Dương và Nha Trang của VN, đội tàu nầy dùng Nha Trang làm căn cứ.
Trung Cộng cho rằng, sự hiện diện của đơn vị hải quân Ấn Độ nầy báo hiệu việc phá hủy tính chiến lược của Hải quân Trung Quốc. Vùng biển ngoài khơi VN mà tàu hải quân Ấn Độ triển khai thuộc về vùng biển mà TC cho rằng thuộc chủ quyền của họ.
2.2.1. Nha Trang một căn cứ chiến lược
Tờ Hoàn Cầu Thời báo (The Global Times) và các phương tiện truyền thông cho hay, TQ rất nhạy cảm và lo lắng trước sự hợp tác quân sự của VN và Ấn Độ ở đó, vì Nha Trang chỉ cách căn cứ Tam Á ở đảo Hải Nam có 700 km.
Tam Á là căn cứ tàu ngầm có nhiệm vụ kiểm soát vùng biển hình lưỡi bò mà TC cho là có chủ quyền.
Đài truyền hình trung ương TC loan tin, Biển Nha Trang của VN chỉ cách Nam Sa (Trường Sa) có 350 km, và Nha Trang là một căn cứ quân sự hoàn hảo mà Hoa Kỳ đã xây dựng trước kia. Tóm lại, VN và Ấn Độ đã đe dọa TC trên quần đảo Nam Sa (Trường Sa). Và sự có mặt của tàu chiến Ấn Độ làm mất cân bằng thế lực quân sự ở Biển Đông, có nghĩa là TC hù dọa là sẽ gia tăng lực lược quân sự ở Biển Đông, cụ thể là nhắm vào VN. Áp lực vào VN sẽ nặng hơn.
Một quan chức Trung Cộng tuyên bố, “Việt Nam mượn Ấn Độ để kềm chế TQ là một sự sai lầm to lớn”.
3* Chính sách “Hướng Về Phương Đông” của Ấn Độ
Ấn Độ bắt đầu theo đuổi chính sách “Hướng Về Phương Đông” từ năm 1992, nhưng mãi cho tới những năm gần đây, Ấn Độ mới thật sự thực hiện. Ví dụ như những thỏa thuận về thương mại, với tổ chức ASEAN, với Nhật, Thái Lan, Nga, Singapore, Việt Nam và một số nước châu Á khác.
Ngày 15-9-2011, trong cuộc đối thoại thường niên cấp bộ trưởng Ngoại giao và Quốc Phòng ở San Francisco, Hoa Kỳ lập lại một lần nữa, chính thức kêu gọi Ấn Độ, thực hiện chính sách Hướng Đông, một cách quy mô lớn hơn.
Tuy nhiên, nhiều quan sát viên cho rằng, Ấn Độ khó đóng vai trò lớn hơn khi chưa thấy có những lợi ích nào rõ ràng tại khu vực nầy cả, nhất là ở Biển Đông.
3.1. Hai phe đối nghịch trong chính sách Hướng về phương Đông của Ấn Độ.
3.1.1. Phe dân sự ôn hoà
Phe dân sự chủ trương ôn hoà, cho rằng tranh chấp có thể giải quyết bằng đàm phán. Lợi ích ở Biển Đông không lớn, ưu tiên chiến lược thấp, nếu Ấn Độ đưa tàu chiến vào Biển Đông, thì bị TQ kềm chế tại Ấn Độ. Một cựu bộ trưởng cho rằng, sự có mặt của HQ/AĐ ở BĐ là một khiêu khích TQ, không cần thiết.
Ông Shivshankar Menon, cố vấn an ninh quốc gia cho rằng: “Lợi ích của Ấn Độ rõ ràng nằm trong một trật tự thế giới, và Trung Quốc là một trong các thành viên “hợp tác”. Mục đích của Ấn Độ là phòng thủ chớ không phải xâm lăng”.
Việc bán hoả tiễn siêu âm BrahMos cho VN là quá chậm, nên không cần thiết. Điều nầy đáng lẻ phải bán ở 15 năm trước, vì VN ngày nay không còn có một chút lợi thế nào đối với TQ cả. Hơn nữa, Ấn Độ hợp tác quân sự với VN là một sai lầm, bởi vì CSVN không có ý chí chiến đấu nào đối với TQ nữa cả.
CSVN chọn một đồng minh “lừng khừng” như thế thì không có lợi, mà trái lại, còn bị TC siết cổ thêm nữa mà thôi.
3.1.2. Phe quân sự cứng rắn
Phe quân sự chỉ trích phe dân sự rằng: “Ấn Độ đang bị cai trị bởi chế độ dân sự cực đoan”, yếu kém về ý chí, và tin tưởng hão huyền”. Thủ tướng Manmohan Singh bị chỉ trích là quá cẩn thận, tạo ra thỏa hiệp hơn là rào cản.
Ông Vikram Sood, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo đã viết: “Trung Quốc đã quyết tâm làm cho chúng ta tật nguyền về tâm lý và chiến lược”.
3.1.3. Chiến lược thấp của Ấn Độ ở Biển Đông
Ngày 26-9-2011, mạng lưới phân tích tình báo Stratfor (Mỹ) loan tin: “Trong những tháng gần đây, quan hệ VN-AĐ gia tăng và củng cố, nhất là về mặt an ninh quốc phòng. Cả hai nước coi việc tăng cường quan hệ là một đối trọng với Trung Quốc”.
Stratfor báo cáo rằng, Biển Đông là ưu tiên thấp về chiến lược của New Delhi, vì BĐ không quan trọng về mặt an ninh, về kinh tế và năng lượng đối với Ấn Độ. Ấn Độ chỉ muốn có một chỗ đứng, một vai trò khi Biển Đông được quốc tế hoá.
4* Trung Cộng tăng cường khống chế Ấn Độ
4.1. Chiến lược Xâu Chuỗi Ngọc Trai (String of Pearls)
Chiến lược Xâu chuỗi ngọc trai (Nhất xuyến trân châu) mục đích trực tiếp là kiềm chế Ấn Độ bằng một loạt các căn cứ quân sự rất hiện đại, được xây dựng trên các hải cảng Chittagong, Bangladesh ở phiá đông Ấn Độ, hải cảng quân sự Hambantota ở Sri Lanka (tên cũ là Tích Lan) chỉ cách bờ biển Ấn Độ có 31 km, ở phía Nam. Căn cứ hải quân Gwadar, Pakistan, phiá Tây Ấn Độ. Như vậy, Ấn Độ bị bao vây từ phía đông, phiá Nam và phiá Tây, và trên phía Bắc có 100,000 quân TC thường trực sát biên giới giữa 2 nước.
4.2. Trung Cộng ủng hộ Pakistan và Bangladesh chống Ấn Độ
Ba nước Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh xuất phát từ một nước Ấn Độ mà ra.
Năm 1947, trước khi trao trả độc lập, Anh quốc chia nước này ra thành 2 quốc gia vì sự khác biệt gây mâu thuẩn về sắc tộc và tôn giáo. Một nước Ấn Độ với đa số người theo Ấn Độ giáo
(Hindu) và một nước đa số theo Hồi giáo là Pakistan. Nước Pakistan ở trên 2 vị trí cách xa nhau 2,000km, gọi là Đông Hồi và Tây Hồi. Đông Hồi ly khai tuyên bố độc lập lấy tên là Bangladesh, và Tây Hồi là Pakistan.
Mặc dù xuất thân từ một quốc gia, nhưng 3 nước nầy luôn luôn đánh nhau để tranh giành đất đai dọc theo biên giới. Ấn Độ và Pakistan thù nghịch nhau, không đội trời chung, qua 3 cuộc chiến tranh làm chết hàng trăm ngàn người. Cho đến ngày nay, căm thù vẫn chưa dứt.
Một vài chi tiết về 3 quốc gia đó:
Ấn Độ
Diện tích: 3,287,590 km2
Dân số: 1.19 tỷ
Thủ đô: New Delhi
Pakistan
Diện tích: 880,254 km2
Dân số: 163,985
Thủ đô: Islamabad
Bangladesh
Diện tích: 144,000 km2
Dân số: 144,319,682
Thủ đô: Dhaka.
Ấn Độ và Pakistan đều có vũ khí nguyên tử:
Ấn Độ: Từ 100 đến 120 đầu đạn hạt nhân
Pakistan: Từ 60 đến 100 đầu đạn.
Trung Cộng ủng hộ Pakistan chống Ấn Độ toàn diện.
Ngày 22-5-2011, Bộ trưởng Quốc Phòng Pakistan, Ahmad Mukhtar, cho biết, nước nầy rất khích lệ và ủng hộ Trung Cộng xây một căn cứ hải quân ở Pakistan.
Tháng 11 năm 2010, sau khi nhận lô hàng gồm 18 chiếc F-16 của Hoa Kỳ, Pakistan tuyên bố mua 1 loạt hoả tiễn để trang bị các chiến đấu cơ JF-17 do Pakistan hợp tác với TC sản xuất. Đồng thời, một hợp đồng với TC trị giá 1.3 tỷ USD để mua 250 chiếc JF-17 của TC trong 5 năm. TC là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất của Pakistan.
Giới quan sát cho biết, sau vụ HK xâm nhập lãnh thổ Pakistan để giết tên trùm khủng bó al-Qaeda là Bin Laden, thì Pakistan ngã về phía TC nhiều hơn.
Bangladesh cũng có chiến tranh biên giới với Ấn Độ, mục đích tranh giành ngôi làng Pyrdivah. Hai bên tấn công nhau bằng 300 quả súng cối, làm chết 16 người. Trung Cộng đã xây hải cảng ở Bangladesh để bao vây Ấn Độ.
4.3. Trung Cộng tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương
Ngày 17-9-2011, ngay sau khi Ấn Độ quyết định tiếp tục hợp tác với Việt Nam để thăm dò dầu khí ở Biển Đông, thì TC tuyên bố mở rộng cuộc thăm dò dầu khí của mình lên tới 10,000 km2 trong vùng thềm lục địa của Ấn Độ về phía Tây của Ấn Độ Dương.
Theo Công Ước QT về Luật Biển, thì Thềm lục địa cách bờ biển của một quốc gia 350 hải lý.
Lãnh hải: 12 hải lý cách bờ biển
Vùng tiếp giáp lãnh hải: cách bờ biển 24 hải lý.
Vùng Đặc quyền kinh tế: (Exclusive Economic Zone-EEZ) cách bờ biển 200 hải lý.
Trung Cộng tìm dầu cách bờ biển Ấn Độ 350 hải lý là sự hiện diện đầy thách thức và đe dọa.
4.4. Ấn Độ và Trung Cộng gia tăng căng thẳng
1) Việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông
Mặc dù bị Trung Cộng hăm dọa, nhưng công ty Ấn Độ ONGC (Oil and Natural Gas Corporation) vẫn dự định tiếp tục thăm dò dầu khí ở 2 lô 127 và 128 mà VN đã cấp giấy phép cho họ.
Bộ Ngoại giao Trung Cộng tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng những nước bên ngoài khu vực sẽ tôn trọng những nước bên trong khu vực, trong việc giải quyết tranh chấp thông qua các kênh song phương.”
Thật ra, việc dò tìm dầu khí cũng gần giống như mò kim đáy biển, chưa biết bao giờ gặp được mỏ dầu, mỏ lớn hay nhỏ, hoặc không có gì, rồi sau đó, ký hợp đồng đi tìm ở những lô khác.
2) Vụ chạm trán với tàu Hải quân Ấn Độ
Ngày 4-9-2011, nhà phân tích Quốc phòng Ấn Độ cho đăng bài viết trên báo Foreign Policy Journal (Mỹ) như sau:
“Cuộc va chạm mới nhất và lần đầu tiên trên Biển Đông vào hồi tháng 7 năm 2011, chiếc tàu đổ bộ tấn công INS (India Naval Ship) Airavat, sau khi rời quân cảng Nha Trang, trên đường đi đến cảng Hải Phòng, thì nhận được tín hiệu điện đàm, tự xưng là HQ/TQ, yêu cầu giải thích sự hiện diện của tàu nầy trên vùng biển của Trung Quốc”.
Sau đó, cả TQ và VN tuyên bố rằng họ không nhận được tin tức gì về vụ việc đó cả.
Câu chuyện nổ lớn trên báo chí Ấn Độ.
Ngày 22-7-2011, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết: “Khi cách bờ biển VN 45 hải lý (83km) thì tàu Airavat nhận được điện đàm, tự xưng là HQ/TQ, cảnh cáo tàu Ấn Độ là “đang tiến vào hải phận của TQ”. Tuy vậy, không thấy phi cơ và tàu chiến nào trong khu vực, nên chiếc Airavat tiếp tục hải trình đến cảng Hải Phòng.”
5* Phe theo Dân Tộc Chủ Nghĩa nổi lên Trong đảng Cộng Sản Trung Quốc
Tại cuộc họp Trung Ương đảng CSTQ ngày 15-10-2011, các nhà quan sát nhận thấy vai trò của quân đội nổi vượt lên với chủ nghĩa dân tộc theo đường lối cứng rắn.
Tướng Lưu Nguyên, con của Lưu Thiếu Kỳ, tuyên bố “Nếu trong thế kỷ 21 mà TQ không vươn lên vị trí hàng đầu, không trở thành một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, thì sẽ bị bỏ rơi và bị tiêu diệt”.
Người Cộng sản coi Chủ Nghĩa Dân Tộc là hẹp hòi, không phù hợp với cách mạng XHCN đưa thế giới đến đại đồng.
Chủ nghĩa dân tộc (Nationalism) đưa đến hình thức quốc gia, dân tộc cực đoan, như chủ nghĩa “Sô Vanh” (Chauvinism) đưa đến tinh thần bài ngoại và cho rằng dân tộc của muình là siêu đẳng, như Hitler lấy cớ để tiêu diệt dân Do Thái.
Thuật ngữ Chauvinism bắt nguồn từ tên của người lính cuồng tín của Napoléon Bonaparte mà đặc điểm là sự tôn thờ của anh ta đối với hoàng đế Napoléon, nước Pháp và Tổ quốc của anh ta, khiến cho anh ta bị thương 17 lần trong các cuộc chiến tranh xâm lược của Napoléon.
Tương truyền rằng, trong trận đánh quyết định tại Waterloo, khi quân Pháp bị đập tan nát, anh ta thét lên rằng: “Đội cận vệ có chết cũng không đầu hàng!”.
Nhiều người cho rằng đó là mù quáng, vì không phân biệt được chiến tranh xâm lược nước khác là không có chính nghĩa. Mù quáng, do niềm tin và bị nhồi sọ.
5.1. Chế độ “kỹ trị” ở Trung Cộng
Kỹ trị viết tắt từ chữ Kỹ thuật trị (Technocracy).
Sau năm 1990, Đặng Tiểu Bình từ bỏ chính trị giáo điều của CNCS, và cho “lên ngôi” một lớp tinh hoa mới, trí thức lên cầm quyền, áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc hoạch định chính sách phát triển quốc gia. Những công trình chú trọng về hiệu quả kinh tế có ưu tiên cao.
Ký giả Lorenz của tờ Spiegel (Đức) cho biết, các lãnh đạo TC có thể nói chuyện hàng giờ với Hồ Cẩm Đào ở Trung Nam Hải (tên cũ của Bắc Kinh) về khoa học kỹ thuật như đường cáp, bộ chuyển mạch, các máy công cụ, các thiết bị điều khiển, nói chung là kỹ thuật hiện đại.
Hồ Cẩm Đào được đào tạo trong ngành xây dựng thủy điện, luyện kim và địa chất.
Ông Jame Tong, chuyên viên nghiên cứu của Đại học UCLA, cho biết, 9 ủy viên thường vụ Bộ CT/CSTQ hiện nay là những kỹ sư. Không có một nhà lý luận về CNCS (như Tô Huy Rứa của CSVN), không có ai từ tình báo, từ công nhân cả. Cấu trúc nầy dứt bỏ chủ nghĩa giáo điều của CS.
Trong Đại hội Trung Ương đảng vừa qua, phe quân sự với chủ nghĩa dân tộc nổi lên với những biện pháp cứng rắn trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
5.2. Các học giả phe cứng rắn đưa ra chính sách Biển Đông
GS Lý Kim Minh
Đưa ra những biện pháp như sau:
- Tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế để ngăn chận các công ty nước ngoài, đầu tư vào Biển Đông ở VN.
- Xử dụng lực lượng Hải giám, Ngư chính để tăng cường chấp pháp (nghĩa là bắt giữ và phạt) bảo vệ chủ quyền ở BĐ.
- Xử dụng quân sự
- Tiến hành khai thác tài nguyên
- Giành quyền lãnh đạo ở BĐ
Tóm lại, dùng sức mạnh quân sự và ngoại giao để bảo vệ việc khai thác tài nguyên “vùng biển thuộc quyền” của TC (Vùng lưỡi bò).
Chính sách cứng rắn nầy không có phần nào nói về việc đàm phán cả.
GS Lý Quốc Cường
1). Chuẩn bị lực lượng quân sự.
- Sẵn sàng chiến đấu.
- Hạn chế tối đa việc quốc tế hoá, phức tạp hoá
- Dùng ngoại giao
- Dùng pháp lý. (Tức là chấp pháp hay là quyền tài phán trên vùng biển chủ quyền, như bắt giữ, tịch thu ngư sản, dụng cụ hành nghề của ngư dân)
2). Lấy việc chống cướp biển làm bước đột phá
- Đưa lực lượng hải quân đến khẳng định chủ quyền trên BĐ
- Lấy chiêu bài chống cướp biển để lãnh đạo khu vực, mà trong đó có VN tham gia, và dưới quyền chỉ huy của TQ. Chống cướp biển sẽ đưa TQ thoát ra khỏi thế bị động mà Hoa Kỳ và Philippines đã bày ra.
Chính vì thế mà những văn bản được ký bởi Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào chưa ráo mực, thoả thuận về việc giải quyết tranh chấp bằng đàm phán hoà bình, thì báo chí hung hăng kêu gọi giải quyết nhanh chóng vấn đề BĐ bằng võ lực và bằng những trận đánh lớn.
6* Trung Cộng càng siết Cộng Sản Việt Nam
Viêt Cộng hợp tác quân sự với Ấn Độ khiến cho TC ngày càng siết chặt VN hơn.
Ngày 29-8-2011, TC và Campuchia đã ký trên 30 thoả thuận hợp tác giữa 2 chính phủ và các tư nhân với nhau, bao gồm nhiều lãnh vực như năng lượng, nông nghiệp, xây dựng cầu đường…
Châu Vĩnh Khang (TC) và Hun Sen cùng tuyên bố là kỹ nguyên mới về hợp tác giữa TQ và Campuchia.
Hun Sen nhắc lại lập trường, là ủng hộ chính sách một nước Trung Hoa (Đài Loan-Hoa lục), ủng hộ tuyên bố chủ quyền về các đảo của Trung Quốc.
Điều nầy có nghĩa là công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Có lẻ vì thế mà Nguyễn Phú Trọng chỉ thăm Lào mà không thăm Campuchia.
Ngày 23-8-2011, tờ Asia Times dẫn lời của TNS Lao Meng, một nhân vật có nhiều quyền lực, cho biết, Campuchia và công ty Erdos Hongjun (TQ) ký kết hợp đồng 2 tỷ USD về dự án thủy điện và khai thác quặng mỏ. Hợp tác với TQ, nước nầy không cần vay tiền của Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB), cho nên không bị ràng buộc bởi một điều kiện nào cả.
Ông Lao Mong Hay, nhà phân tích chính trị Miên, nêu nhận xét: “Ngoài lợi ích thương mại, kinh tế và khai thác tài nguyên, TQ còn có mục đích chiến lược nữa. TQ coi Campuchia là một vành đai an ninh trong vùng”.
7* Kết
Trung Cộng tuyên bố: “Việt Nam mượn Ấn Độ để kềm chế Trung Quốc là một sai lầm tai hại rất lớn”. Bởi vì, chiến lược của Ấn ở Biển Đông rất thấp, vì không có quyền lợi rõ ràng. Chỉ vì muốn bảo vệ đảng mà dựa vào một anh “lừng khừng” là tự trói chặt mình hơn bởi những phản ứng và kềm chế của Trung Cộng. Lừng khừng đến nổi, nhiều lần HK lên tiếng yêu cầu Ấn Độ nên có vai trò lớn hơn. Ấn Độ chưa phải là đối thủ của TC, CSVN dựa vào một đồng minh yếu là tự chuốc lấy khó khăn và thất bại là dĩ nhiên.
Trung Cộng càng siết mạnh, thì VC càng tỏ ra hèn nhát, nhu nhược, bộc lộ rõ cái bản chất làm tay sai cho quan thầy TC mà thôi.
Trên tờ Việt Báo Online, bản tin ngày 28-10-2011, lời kêu gọi của 14 giáo sư các trường Đại học Quốc Tế, kêu gọi VN từ bỏ CNCS, thân với Mỹ, bỏ hộ khẩu, cho tự do báo chí và biểu tình, dân chủ hoá, để toàn dân góp sức chống lại Trung Cộng.
Đó là con đường đúng đắn nhất vì nó phù hợp với xu thế của thời đại và nguyện vọng của toàn dân VN ở thế kỷ 21 nầy.
Trúc Giang
Minnesota ngày 31-10-2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét