Pages

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Nên hay không nên sử dụng năng lượng nguyên tử

Nguyễn Duy Vinh (Tiến sĩ Cơ khí về hưu, hiện cư ngụ tại Canada)

Trong bài viết trước đây (Trái đất ngày càng nóng, Bauxite Việt Nam, 18/11/2011), tôi đã nhấn mạnh về sự phế thải khí CO2 vào bầu khí quyển của quả đất là một trong những nguyên nhân chính và trầm trọng nhất trong việc hâm nóng toàn cầu (global warming), một hiện tượng nhà kính (greenhouse) đã được các nhà khoa học khảo sát trong rất nhiều năm và kết luận. Và tôi nghĩ ai trong chúng ta biết lo lắng cho thế hệ đàn con đàn cháu chúng ta đều có thể có những ưu tư không ít thì nhiều tìm cách làm giảm bớt việc thải khí CO2 vào không khí quanh ta.

Và câu kết luận của tôi “Cha ơi, bớt ăn mặn đi, con sẽ đỡ khát nước hơn” đã đưa đến một vài phản biện mà tôi đã nhận được qua điện thư. Một trong những phản biện này đã gây sự chú ý đặc biệt của tôi: “Một trong những cách, thưa anh, để bớt ăn mặn đi, là chúng ta nên ủng hộ nhà nước Việt Nam trong việc xây hai lò điện hạt nhân ở Ninh Thuận vì các lò điện hạt nhân này được xem như “sạch” (tức là cho ra ít CO2) hơn các lò điện dùng những năng lượng khác”.


Lời phản biện này rất quan trọng vì nó đến đúng vào một thời điểm thông tin trên mạng về việc Chính phủ Việt Nam, sau khi đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và chấp thuận (nghị quyết năm 2009) về việc sử dụng điện hạt nhân, đã quyết định tiến hành việc xây hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Vì lý do đó, tôi xin vội vàng viết thêm bài tản mạn này để nói lên cái nhìn của tôi về điện hạt nhân.

Tuy không phải là chuyên viên trong ngành năng lượng nguyên tử, tôi cũng có chút hiểu biết về cách dùng năng lượng tái tạo sau hơn 10 năm dạy học và nghiên cứu trong ngành điện gió (wind energy) ở hai đại học Université de Sherbrooke và Université Laval ở Québec (Canada).

Theo sự hiểu biết của tôi, trong những thập niên sắp tới đây, loài người (nhất là chính phủ các nước) sẽ phải đương đầu với những khó khăn gây ra bởi tốc độ tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ điện khắp nơi trên thế giới.

Riêng ở nước ta, việc tiêu thụ điện có chiều hướng tăng lên trung bình khoảng từ 14% đến 16% trong năm năm sắp tới (2010 – 2015). Theo thống kê gần đây nhất của Công ty Điện Việt Nam (EVN) thì sự tăng trưởng này sẽ thấp đi sau năm 2015. Và cũng theo EVN, nguồn cung cấp điện tại Việt Nam hiện nay dựa phần lớn trên than đá và dầu khí (khoảng 46%) và thủy lực (khoảng 42%), phần còn lại phát xuất từ điện nhập khẩu từ Trung Quốc và Lào và một phần rất nhỏ đến từ năng lượng tái tạo (khoảng xấp xỉ 1%). Giá điện tại Việt Nam hiện nay tương đối khá rẻ (khoảng dưới 6 cents USD mỗi kWh). Số điện sản xuất từ các nguồn cung cấp khác nhau được sử dụng như sau:

· Công nghiệp: 46%

· Gia đình dân cư: 44%

· Dịch vụ nông nghiệp: 10%

Vào cuối năm 2015, nhà nước hy vọng sẽ cung cấp được 200 tỉ kWh cho toàn quốc trong đó có một phần điện sẽ được nhập khẩu từ Lào và Trung Quốc (khoảng 1 tỉ kWh). Và để đủ sức bảo đảm nhu cầu tiêu thụ này, nhà nước Việt Nam dự trù xây thêm 48 nhà máy thủy điện, 17 nhà máy dùng than, 5 nhà máy dùng dầu hỏa và 2 nhà máy ở Ninh Thuận dùng năng lượng nguyên tử.

Tôi xin mượn cái nhìn gần dây nhất của các giáo sư trường đại học danh giá M.I.T. trong phân khoa vật lý nguyên tử ở Hoa Kỳ và khai triển ảnh hưởng của những cái nhìn này đối với trường hợp Việt Nam. Theo các giáo sư này, nếu chúng ta muốn giảm bớt việc thải khí CO2 vào bầu khí quyển, có một vài giải pháp mà chúng ta có thể thực hiện được:

1. Phải tìm cách nâng cao hiệu năng sử dụng điện và giảm thiểu sự lãng phí tiêu thụ. Tức là chúng ta phải cung cấp và sử dụng điện thông minh hơn và nghiêm túc hơn, chúng ta phải có kế hoạch bảo tồn và tiết kiệm năng lượng. Theo những nguồn tin tức từ trong nước, mỗi năm chúng ta làm thất thoát khoảng 16% tổng số điện sản xuất. Việc giảm thiểu sự lãng phí và tăng cường hiệu năng sử dụng điện sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm được từ 600 MW đến 800 MW mỗi năm theo EVN.

2. Phát triển việc sử dụng điện từ những năng lượng tái tạo (renewable energy) như năng lượng gió (wind energy), mặt trời (solar), sinh khối (biomass), sóng biển (wave) và địa nhiệt (geothermal). Việt Nam có đến 3000 km đường đất chạy ven biển, năng lượng gió hiện tại được EVN ước lượng khoảng 1785 MW (theo Viện Khoa học Việt Nam thì năng lượng điện này có thể lên đến 10000 MW nếu chúng ta biết dùng những trại gió (wind farm) đúng tiêu chuẩn và chúng ta có thể cắt giảm khoảng 45 nghìn tấn khí thải CO2 với việc dùng năng lượng gió này). Năng lượng mặt trời ở Việt Nam cũng rất lớn vì Việt Nam nằm trong khu vực có cường độ quang xạ mặt trời rất cao nhưng hiện nay Việt Nam chưa có những thực hiện nào đáng kể về nguồn điện này, ngoại trừ một vài dự án nhỏ (cung cấp khoảng từ 100 đến 200 kW) dùng điện mặt trời cho các dân tộc thiểu số phía Bắc. Theo nguồn tin trong nước, nhà nước đang có những nỗ lực tăng việc sản xuất điện từ những nguồn năng lượng tái tạo lên 4.5 % vào cuối năm 2020 và khoảng 6% vào cuối năm 2030.

3. Cất giữ (nắm bắt) khí thải CO2 ngay khi chúng vừa được sản xuất tại các lò điện dùng than hoặc dầu khí và tìm cách cô lập chất carbon (C) từ khí thải này. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Việt Nam bắt đầu phát triển nghiên cứu về đề tài này.

4. Nên sử dụng (hay tăng trưởng việc sử dụng) năng lượng nguyên tử. Việt Nam với hai lò điện hạt nhân ở Ninh Thuận sẽ cung cấp khoảng 2000 MW điện (khoảng 2.6% tổng số nguồn điện) vào cuối năm 2015.

Mục số 4 này là một đề tài nóng bỏng, nhất là từ khi có quyết nghị của Quốc hội Việt Nam cho phép Chính phủ tiến hành việc xây hai lò điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Tôi xin mời các bạn lên mạng và tìm đọc những bài viết thật hay của các nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước về đề tài này. Cái nhìn hiện nay của tôi là chúng ta không nên vội vàng khi chưa nắm vững được những câu trả lời cho những bài toán hóc búa mà tôi sẽ tuần tự ghi dưới đây. Theo tôi, Quốc hội Việt Nam nên có thêm một hay nhiều buổi điều trần trước Quốc hội trong những tháng sắp tới để duyệt lại quyết nghị đã phê chuẩn về điện hạt nhân. Trong những buổi điều trần này, Quốc hội Việt Nam nên mời các chuyên viên nổi tiếng trong ngành vật lý nguyên tử trong và ngoài nước đến trình bày về cái nhìn và sự hiểu biết của họ về đề tài điện hạt nhân cho Việt Nam.

Câu hỏi cho buổi điều trần này có thể thật đơn giản: “Nên hay không nên xây nhà máy điện hạt nhân ở nước ta?”.

Các chuyên viên này sẽ tuần tự phúc trình cho cả nước Việt Nam biết sự hiểu biết của họ. Từ đó Quốc hội mới nên lấy biểu quyết. Và theo thiển ý của tôi, một cái nhìn quán triệt và thấu đáo của các đại biểu Quốc hội rất cần thiết để đi đến quyết định việc xây nhà máy điện hạt nhân. Cái nhìn mới này phải chứa đựng những câu trả lời rõ ràng cho ba yếu tố hóc búa sau đây:

1. Giá cả: Chi phí (costs) trong việc xây và sử dụng cũng như việc tháo gỡ (sau 40 năm) những lò điện hạt nhân rất lớn, lớn hơn gấp bội tốn kém trong việc dùng những kỹ thuật phát điện hiện tại dùng thủy điện hoặc than hay dầu khí. Việc xây cất hai nhà máy ở Ninh Thuận có thể lên đến 20 tỉ đồng đô la Mỹ (USD) theo nhiều bài viết về đề tài này. Nếu tôi là nghị viên Quốc hội, tôi sẽ có một câu hỏi như sau cho Chính phủ Việt Nam: nước Việt Nam chúng ta trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn và vật giá leo thang hiện tại, liệu có đủ sức bảo đảm việc chi phí một số tiền khổng lồ như thế cho việc dùng điện hạt nhân không? Xin Chính phủ cho biết sẽ lấy tiền từ đâu ra, vay mượn như thế nào?

2. An toàn: Đây tôi không nói về an ninh quốc phòng hay an ninh quốc gia, mà đây chính là vấn đề an toàn (safety) về môi sinh và sức khỏe của người dân trong việc sử dụng điện hạt nhân. Từ cách chuyên chở an toàn nhiên liệu nguyên tử đến các nhà máy cho đến việc đương đầu khẩn cấp khi có những thiên tai như động đất và sóng thần, và đó là không kể đến trường hợp có chiến tranh và có nước “lạ” muốn tấn công Việt Nam với dã tâm chú trọng vào việc đánh phá các nhà máy điện hạt nhân. Câu hỏi ở đây: Nước Việt Nam chúng ta trong hoàn cảnh thiếu thốn về nhân lực có chuyên môn (skilled technicians) cũng như về hạ tầng cơ sở (bệnh viện đầy đủ, có bác sĩ chuyên môn, đường sá tốt, có trường đào tạo chuyên viên, v.v.), liệu có đủ sức bảo đảm việc tung ra những phương sách cấp cứu khẩn cấp để đối phó với những vấn đề an toàn môi sinh và sức khỏe của người dân cũng như để đáp ứng với những thảm họa như thiên tai và chiến tranh khi chất phóng xạ nguyên tử thoát ra?

Và một việc nữa cũng động đến việc an toàn của người dân là:

3. Việc “chôn cất an toàn” chất thải phóng xạ (radioactive wastes), tức là những nhiên liệu còn lại sau khi được “dùng” trong lò điện hạt nhân. Việc “chôn cất an toàn” này là một bài toán nan giải hiện nay trên toàn cầu và cho tới nay chưa có một đáp số khẳng định. Đó cũng là lý do tại sao một số các quốc gia đã sử dụng năng lượng nguyên tử đang gấp rút rời bỏ nó vì số lượng rác phóng xạ cất giữ trong những hầm tạm đang đe dọa trở thành nguy cơ. Câu hỏi ở đây: Nước Việt Nam chúng ta trong hoàn cảnh đất hẹp người đông, liệu có đủ sức bảo đảm việc cất giữ an toàn những chất liệu phóng xạ phế thải từ các lò điện hạt nhân cho tới ngày thế giới tìm được giải pháp thích đáng?

Tôi hy vọng đề tài xây lò điện hạt nhân này sẽ được bàn cãi nhiều hơn trong và ngoài nước để người dân bình thường có thể đạt được sự hiểu biết tối thiểu về việc sử dụng điện hạt nhân tại Việt Nam. Và tôi nghĩ những buổi điều trần hay những bàn tròn chung quanh đề tài này sẽ giúp nhà nước Việt Nam lấy quyết định trong tinh thần hiểu biết và trách nhiệm, hầu tránh mang tiếng về sau này với hậu thế là đã có một quyết định sai lầm về một công nghiệp có khả năng đưa đến một thảm họa lớn và lâu dài cho dân tộc.

N. D. V.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét