Pages

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Ủy hội Sông Mêkông: cuộc họp quan trọng về đập Xayaburi của Lào


clip_image001

Công trình xây đập thủy điện Xayaburi (DR)

Kể từ hôm nay, 07/12/2011, Bộ trưởng bốn nước thuộc Ủy hội Sông Mêkông khai mạc ba ngày họp tại Siem Reap (Cam Bốt). Đây là một cuộc họp được đánh giá là tối quan trọng vì các đại diện Việt Nam, Thái Lan, Lào và Cam Bốt phải quyết định là có bật đèn xanh cho Lào xây dựng đập thủy điện Xayaburi trên dòng chính sông Mêkông hay không.

Đập thủy điện Xayaburi trên dòng chính sông Mêkông là một công trình mà hầu như tất cả các nhà nghiên cứu khoa học đều cho là sẽ tác hại nặng nề đến môi trường và đời sống hàng chục triệu cư dân sống hai bên bờ con sông.


Xin nhắc lại rằng Xayaburi là một công trình trị giá khoảng 3,5 tỷ đô la, do chính quyền Lào chủ trương, giao cho một nhà thầu Thái Lan xây dựng với nguồn vốn đến từ các ngân hàng Thái. Khi hoàn thành, đập này sẽ sản xuất khoảng 1.260 MêgaWatt điện, mà 95% sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan.

Tuy nhiên, công trình đầu tiên trong số hơn một chục con đập mà Lào, cũng như là Cam Bốt và Thái Lan, muốn xây dựng trên dòng chính của sông Mêkông đoạn ở vùng hạ nguồn, đã làm dấy lên một làn sóng phản đối trước nguy cơ tiềm tàng của con đập đối với môi trường.

Đối với giới hậu thuẫn cho công trình này, từ chính quyền Lào, nhà thầu cũng như giới tài phiệt Thái Lan, con đập sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế rất cần thiết cho Lào và toàn thể khu vực. Ngược lại, các nhà khoa học đã cảnh báo về nguy cơ lợi bất cập hại vì công trình này sẽ kéo theo nhưng tổn hại vĩnh viễn cho môi trường, cũng như kế sinh nhai của hàng chục triệu người, nhất là các cư dân tại Cam Bốt và Việt Nam ở phía dưới con sông.

Bất chấp các phản đối, chính quyền Lào đã tỏ quyết tâm xúc tiến công trình, kể cả khi không được các láng giềng đồng ý, vì trên nguyên tắc, ý kiến của Ủy hội Sông Mêkông chỉ mang tính chất tham khảo.

Về phần các láng giềng của Lào, Thái Lan mới đây đã cho biết là không phản đối đề án này vì đó là quyền tối thượng của Lào. Về phần Cam Bốt và nhất là Việt Nam, nước đã công khai phản đối công trình Xayaburi một cách mạnh mẽ nhất trong thời gian qua, phản ứng trong những ngày gần đây rất kín đáo.

Chính trong bối cảnh kể trên mà giới bảo vệ môi trường càng lúc càng gia tăng sức ép. Sau kiến nghị hơn 22000 chữ ký của tổ chức Sông ngòi Quốc tế International Rivers, hôm qua, đến lượt liên minh Hãy cứu sông Mêkông (Save the Mekong) tập hợp 39 nhóm xã hội dân sự và tổ chức phi chính phủ, gửi thư ngỏ đến Ủy hội Sông Mêkông để yêu cầu đình hoãn công trình Xayaburi.

Để đánh động dư luận, Liên minh Hãy cứu sông Mêkông còn cho đăng quảng cáo trên nhiều tờ báo ở Thái Lan và Cam Bốt, kêu gọi thủ tướng hai nước này cùng với các đồng nhiệm Việt Nam và Lào ngăn chặn đề án Xayaburi.

Báo giới Thái Lan cũng tiết lộ một công trình nghiên cứu xác định rằng Thái Lan trong vòng 20 tới đây, không cần bất kỳ nguồn điện nhập khẩu nào, do đó không cần đến điện năng từ đập Xayaburi. Theo dự kiến, quyết định về Xayaburi sẽ được đưa ra vào ngày mai.

T. N.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét