Pages

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Top ten ấn tượng 2011

Trương Duy Nhất
-
“Trong khi tình hình kinh tế ảm đạm, bi đát nhất trong vòng 20 năm qua, lạm phát cao nhất châu Á, nhì thế giới, đời sống dân tình khó khăn, thu nhập thực tế thấp hơn 9- 10 năm về trước, thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại được báo chí nước ngoài 2 lần “ca ngợi” là “Thủ tướng xuất sắc nhất châu Á”. Lần thứ nhất là bài ngợi ca trên trang quảng cáo của 1 tờ báo lá cải của Đức. Lần 2 là một tờ báo Hàn Quốc. Tác giả của những bài “ngợi ca” đều là ông chủ của các công ty TNHH.”
Làn sóng xuống đường biểu tình của nhân sĩ trí thức và dân chúng xứng đáng là sự kiện ấn tượng nhất trong các sự kiện ấn tượng của năm 2011.
1. Biểu tình
11 cuộc xuống đường biểu tình của nhân sĩ trí thức và dân chúng tại Hà Nội và TP HCM phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và gây hấn trên biển Đông. Tác động khiến Thủ tướng và quốc hội buộc phải đưa luật biểu tình vào chương trình dự luật sớm ban hành. Đồng thời tạo hiệu ứng đánh động ý thức chủ quyền, hóa thành chất men cho hàng loạt các chương trình và phong trào rầm rộ về biển đảo trong năm 2011.

01_bieutinhhanoi5.jpg
2. Tổng Bí thư không dấu ấn
Trước một giai đoạn đáng ra cần tìm một nhân vật cứng rắn, quyết liệt, đòi hỏi ở sự xuất hiện của một người đứng đầu đủ tầm khuynh loát, đủ bản lĩnh bẻ lái các tình thế bức bách, thì đại hội đảng XI lại chọn ông Nguyễn Phú Trọng, một nhân vật nhu mì như… ông giáo làng lên làm Tổng Bí thư với phương châm “không dấu ấn”.
02_nhanvat99.jpg
3. Thủ tướng 2 lần “xuất sắc nhất châu Á”
Trong khi tình hình kinh tế ảm đạm, bi đát nhất trong vòng 20 năm qua, lạm phát cao nhất châu Á, nhì thế giới, đời sống dân tình khó khăn, thu nhập thực tế thấp hơn 9- 10 năm về trước, thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại được báo chí nước ngoài 2 lần “ca ngợi” là “Thủ tướng xuất sắc nhất châu Á”. Lần thứ nhất là bài ngợi ca trên trang quảng cáo của 1 tờ báo lá cải của Đức. Lần 2 là một tờ báo Hàn Quốc. Tác giả của những bài “ngợi ca” đều là ông chủ của các công ty TNHH.
03_thutuongnguyentandungdoanhnghiep5.jpg
4. Quốc hội lắm đại gia
Quốc hội khóa XIII với sự góp mặt của một đội ngũ quá nhiều doanh gia máu mặt (hơn 40 đại gia). Sự góp mặt của nhóm đại gia này đã tạo ra nhiều tấn trò hề cười ra nước mắt trên nghị trường. Một nguy cơ khác đáng lo hơn: với sự ít học, thiếu hiểu biết và chí thú làm tiền, nguồn vốn “quan hệ” cùng chiếc bánh lợi ích quốc gia sẽ được chia sẻ, bấu xé ra sao và liệu có lúc nào quốc hội biến thành “sân chơi” cho nhóm thương nhân máu mặt này?
04_quochoidaigia5.jpg
5. Chiến dịch chữa ghẻ cho rùa hồ Gươm
Cả thủ đô, cả nước quýnh lên vì một con rùa già ghẻ lở. Sốt sắng, chộn rộn ra quân tổng lực chữa mấy vết ghẻ lở cho một con rùa hơn cả cứu người sắp chết. Nhốn nháo lo âu như thể nước Việt sắp mất đi một loài… quốc thú! Một con rùa già ghẻ lở được thiêng hóa thành “cụ”. Chữ “Cụ” cũng được viết hoa kính cẩn như chữ “Người” khi nói về cụ Hồ Chí Minh.
05_batrua28.jpg
6. Người Việt lạc quan nhất thế giới
Viện dư luận BVA và tổ chức quốc tế Gallup đánh giá Việt Nam là dân tộc lạc quan nhất thế giới. Trong top 10 quốc gia đầu bảng, Việt Nam chiếm vị trí số 1. Với chỉ số 61%, Việt Nam bứt xa các quốc gia cùng nhóm như Trung Quốc, Brazil, Peru (đều ở mức 49%). Báo chí và chính phủ hồ hởi reo mừng. Nhưng tôi nhìn đó là một nỗi lo. Một đất nước, một dân tộc mà chỉ số lòng tin trong dân chúng luôn ở mức hài lòng, dễ dàng chấp thuận thực tại thì đó là một dân tộc không có khao khát lớn.
06_0401.v55.jpg
7. Cù Huy Hà Vũ & làn sóng phẫn nộ mang tên “dân chủ”
Vụ án Cù Huy Hà Vũ đã vô tình dựng ông “như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ…” trong mắt các “nhà dân chủ” và phong trào chống đối. Đồng thời tạo nên một làn sóng phẫn nộ mang tên “dân chủ” ngập tràn các trang mạng lề trái cực đoan. Vụ án và những dư âm hậu án phơi lột những điểm bất ổn nhất của cả hai phía, chính quyền và các nhà “dân chủ”.
07_cuhuyhavuvadanchu5.jpg
8. Bầu chọn Hạ Long
Vịnh Hạ Long chiến thắng trong cuộc bầu chọn “kỳ quan mới” của công ty New Open World để trở thành 1 trong 7 “kỳ quan thiên nhiên mới” của thế giới với một cuộc bầu chọn ồn ào, tốn kém, tai tiếng, một phương cách bầu chọn không khách quan, không trung thực, gian lận và thậm chí rất phản văn hóa.
08_HaLong55.jpg
9. Một thế hệ “Bộ trưởng mới”
Vương Đình Huệ, Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình… với dăm ba câu chém gió và phát động phong trào kiểu tư duy đoàn hội được thổi dựng thành “hiện tượng”, bốc thơm là “một thế hệ Bộ trưởng mới” và xem như kỳ vọng lớn cho sự… thay chuyển!
09_botruongmoi5.jpg
10. Sự ồn ào của giải thưởng nhà nước & Hồ Chí Minh
Giải thưởng Nhà nước & Hồ Chí Minh năm 2011 với hàng loạt những khiếu nại kiện tụng, chửi bới inh ỏm từ các nhà “đại trí thức”. Một mùa giải ồn ào và tai tiếng. 4 ứng viên có lòng tự trọng thì tự rút ngay vòng đầu, 1 không chịu viết đơn. Người bị đánh rớt, không đoạt giải thì quay ra cạnh khóe, chửi bới hằn học hội đồng chấm giải. Chưa có năm nào giải thưởng nhà nước và HCM lại bốc mùi đến thế.
10_giaithuongnhanuoc5.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét