Pages

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Những việc Việt Nam 'cần làm trước hết'

Trả lời BBC, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói về nhu cầu tái cấu trúc bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị, mục tiêu của Đảng Cộng sản và sức mạnh của dân khi bước vào một năm mới đầy thách thức.


Ông cho biết những việc cần làm ngay cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012 là phải tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm là tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc thị trường tài chính, ngân hàng và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trong đó trọng tâm là tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế nhà nước và các công ty nhà nước.
 
Nhưng để làm những việc trên, việc đầu tiên mấu chốt cần phải làm ngay, theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh là: "tái cấu trúc bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị".

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh giải thích thêm: "Nếu muốn tái cấu trúc ba lĩnh vực trên mà không tái cấu trúc lại bộ máy nhà nước, cứ để bộ máy nhà nước như hiện nay làm đủ mọi thứ việc thì theo tôi có một sự nhầm lẫn rất lớn."
Liên hệ với vụ tranh chấp đất đai Bấm Tiên Lãng, TS Lê Đăng Doanh cho rằng nếu không có những cải cách rất mạnh bạo đối với vấn đề đất đai, không có sự công khai minh bạch, và không có sự mở rộng dân chủ để người dân nói lên tiếng nói thì các sự việc như vụ Tiên Lãng, như các vụ việc khác, sẽ rất khó tránh khỏi.
Theo ông, bộ máy nhà nước cần tập trung vào y tế, giáo dục, kết cấu hạ tầng, và chăm lo đời sống của người dân, phải đảm bảo cho tòa án xử luật pháp được nghiêm minh, phải bảo đảm việc điều tra được công khai minh bạch và công lý phải được bảo vệ.
Ngoài ra, ông nói, "những quyền lợi và quyền dân chủ, tự do của người dân phải được bảo đảm".
"Muốn sửa đổi hiến pháp phải đưa ra trưng cầu dân ý"
TS Lê Đăng Doanh
Năm 2012 khác hẳn 1986
TS Lê Đăng Doanh trích lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, và lợi ích nhóm. Tuy nhiên, ông Doanh nói ông Trọng "chưa xác định rõ những nội hàm của khái niệm 'tư duy nhiệm kỳ' bao gồm những gì, và 'lợi ích nhóm' là lợi ích của những nhóm nào, ở đâu, đến cấp nào."
Thế nên, để vượt qua được những rào cản trên, ông Doanh nói cần phải xác định rất rõ 'tư duy nhiệm kỳ' bao gồm những biểu hiện như thế nào, bản chất của nó là như thế nào và cách khắc phục được như thế nào. Còn 'lợi ích nhóm' thì lợi ích nhóm bắt đầu ở những đâu, đến cấp nào, và biểu hiện ra làm sao, và có những phương pháp gì để khắc phục được cái lợi ích nhóm đó.
Để làm được như vậy, theo lý giải của TS Doanh, thì phải phát huy sức mạnh của người dân, phải phát huy quyền tự do dân chủ của người dân, phát huy vai trò có trách nhiệm và xây dựng của hệ thống báo chí Việt Nam.
Theo ông, "đó là những điều rất quan trọng, và để làm được việc ấy, thì tôi nghĩ phải bắt đầu bằng đổi mới tư duy."
TS Lê Đăng Doanh tình hình nay khác hẳn giai đoạn Đổi Mới 1
Khác với đợt đổi mới tư duy năm 1986, lần này, 'đổi mới tư duy' sẽ đụng chạm tới một bộ phận đáng kể những người đang cầm quyền thuộc các nhóm lợi ích và đang có 'tư duy nhiệm kỳ'.
Cải cách, theo nhận định của TS Doanh, là nhằm bảo vệ và thực thi quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam một cách chân chính.
Trích lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc không khắc phục được những sự suy thoái ở trong Đảng và sự đe dọa đến sự tồn vong của chế độ, TS Doanh nói đó là nhận định hết sức cầu thị và thẳng thắn.
Theo ông, chính cải cách như vậy là bảo vệ lợi ích của dân tộc, bảo vệ lợi ích của đất nước, phát huy các động lực chân chính của nền dân chủ, phát huy sức mạnh, sự năng động, sáng tạo của người dân và bảo vệ được công lý, bảo vệ được pháp luật, tránh được, khắc phục được, ngăn chặn được các hành vi lạm dụng quyền lực, là lợi ích nhóm, là tư duy nhiệm kỳ.
TS Doanh liên hệ với việc dựa vào dân để phát huy dân chủ "như Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây đã làm năm 1946".
Đảng phải làm gì để đổi mới?
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng Đảng phải dựa vào dân để tiến hành đổi mới trong năm mới 2012 này.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
Sửa đổi Hiến pháp
Khi được hỏi về dự án sửa đổi Hiến pháp, TS Doanh nói, theo quy định muốn sửa đổi hiến pháp phải đưa ra trưng cầu dân ý. Bởi vì hiến pháp phải được toàn dân biểu quyết thì mới có hiệu lực.
Ông nhắc lại thời điểm đưa ra hiến pháp năm 1946, "Lúc đó vì hoàn cảnh Việt Nam đang bị quân đội Pháp lăm le xâm chiếm, nên chưa thể thực hiện trưng cầu dân ý. Nhưng bây giờ thì tình hình đã khác".
Theo ông, điều rất quan trọng là phải đưa toàn bộ dự thảo hiến pháp ra để công khai và trưng cầu ý kiến của người dân. Nếu không trưng cầu được từng điểm thì cũng trưng cầu ý kiến, những nội dung cơ bản quan trọng nhất và cần phải công khai minh bạch quá trình chuẩn bị và đưa ra sửa đổi hiến pháp. Chỉ bằng cách đó thì mới phát huy được sức mạnh của người dân.
BBC sẽ tiếp tục đăng tải các bài viết, phỏng vấn liên quan đến giới Trí thức và quan hệ của họ với Đảng Cộng sản Việt Nam. Mời quý vị theo dõi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét