Pages

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Thứ trưởng Kurt Campbell thăm Việt Nam

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell
Ông Kurt Campbell là quan chức ngoại giao
cao cấp nhất chuyên trách châu Á
Thự trưởng Ngoại trưởng Hoa Kỳ chuyên trách các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương, Kurt Campbell thăm Việt Nam để bàn về các vấn đề an ninh vùng và trao đổi với chính giới ở Hà Nội về nhân quyền.
Thăm Việt Nam sau khi đến Nam Hàn để bàn về an ninh châu Á, ông Kurt Campbell sẽ hội đàm với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và dự định có buổi gặp các nhà báo vào thứ Năm 2/1/2012.

Chuyến thăm của ông Kurt Campbell tới Hà Nội lần này diễn ra chưa đầy hai tuần sau chuyến công du Việt Nam của bốn thượng nghị sĩ Mỹ tại Hà Nội, trong đoàn đã gặp mặt một số nhà hoạt động vì dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam hôm 20/1.
Phát ngôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội Beau J. Miller xác nhận với BBC Tiếng Việt về chuyến thăm từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 2.

Ông Miller cũng cho hay trong chương trình nghị sự ông Campbell có thể bàn luận các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và quan hệ hai bên.
Mới đây nhất, nhóm thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã có buổi trao đổi về các vấn đề nhân quyền với những nhà hoạt động dân chủ, gồm bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Quốc Quân và luật sư Nguyễn Văn Đài, nhằm thúc đẩy và cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Chưa rõ trong chuyến thăm lần này ông Campbell có đề cập hay không các trường hợp bắt bớ và bỏ tù các nhân vật bất đồng chính kiến gây dư luận chú ý ở trong và ngoài nước như vụ giam bắt giữ bà Bùi Thị Minh Hằng và các blogger khác như blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.

Muốn Mỹ ủng hộ

Các nhà phân tích nhận định rằng Việt Nam đang muốn tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ trong tranh chấp Biển Đông.
Đặc biệt, Hà Nội đang muốn tăng cường năng lực quốc phòng với mục tiêu mà họ nói là để tự vệ.
Các vị S. Whithouse, Nguyễn Văn Đài, J. McCain,  Phạm Hồng Sơn, J.Lieberman, Lê Quốc Quân và bà Kelly Ayotte
Gặp các nhân vật đấu tranh dân chủ Việt Nam, Washington muốn cho thấy sự quan tâm toàn diện đến quan hệ với Hà Nội
Trong khi đó, Hoa Kỳ muốn gắn việc buôn bán vũ khí với tình hình dân chủ ở Việt Nam.
Hôm 21/1, thượng nghị sĩ John McCain nói với các nhà báo tại Bangkok rằng đoàn của ông "đã nhấn mạnh với phía Việt Nam rằng quan hệ về an ninh giữa hai bên sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các vấn đề nhân quyền".
Theo tổ chức Human Rights Watch, riêng năm 2011, Việt Nam đã kết án 33 bloggers và nhà hoạt động nhân quyền, bắt giữ ít nhất 27 người khác, hai người bị bắt hơn một năm mà không được ra tòa xét xử.
Cambodia là một trong ba nước châu Á, sau Hàn Quốc và Việt Nam, nằm trong chương trình công du khu vực châu Á lần này của ông trợ lý Ngoại trưởng, chỉ dấu cho thấy Hoa Kỳ muốn có sự tham vấn sâu sắc hơn tại các nước Đông Nam Á.
Dự kiến, ông Kurt Campbell sẽ bàn về vai trò của Cambodia trong cương vị Chủ tịch Asean 2012.
Câu hỏi đặt ra là Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào trước tuyên bố của Thủ tướng Hunsen hôm 24/1 rằng, Cambodia sẽ đóng vai trò trung lập trước các vấn đề khu vực và quốc tế với vai trò chủ tịch Asean 2012, bao gồm vấn đề Biển Đông.
Tại Nam Hàn hôm 31/1, ông Campell, nhân vật cao cấp nhất của ngoại giao Mỹ phụ trách châu Á phát biểu rằng nước chủ nhà sẽ nhận được sự́ ủng hộ̣ 'không lay chuyển' của Hoa Kỳ khi phải ứng xử với Bắc Hàn về ngoại giao.
Phát biểu tại Hội Hàn Quốc (Korea Society) ở Seoul, ông nói có hy vọng trong quan hệ với Bắc Hàn nhưng đấy là "niềm hy vọng căn cứ vào khả năng răn đe mạnh về quân sự".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét