Pages

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Suy nghĩ về đổi mới Đảng

Hạ Đình NguyênBBC

(Viết từ TP Sài Gòn)

“Giới trẻ bây giờ thì co giò chạy táo tác khắp năm châu bốn biển để tìm dưỡng khí, để tị nạn các kiểu, chạy để kiếm ăn, để tìm đất thở, để tìm tri thức mới. Chạy như tránh bão, chạy với thân phận bần cùng, chạy như bị bọn sai nha cầm dao và mã tấu đuổi sau lưng.” – Ông Hạ Đình Nguyên
Tôi viết những lời này cho một người bạn, nhưng cũng là cho những người, và nhiều người có suy nghĩ giống bạn của tôi. Quan hệ trong cuộc đời mênh mông mà chằng chịt, giữa lý và tình, lớn và nhỏ, chung và riêng, sau và trước. Lại có đủ ngũ vị, như một đĩa sà lách trộn trong các quán ăn…

Tôi tin là anh ăn được các món trộn, nhưng anh không hiểu rõ và không trực tiếp trộn được. Lại nữa, anh không biết người ta trộn cách nào.

Đặc biệt là những món hơi trừu tượng, trong tình trạng hỗn mang khó kiểm soát của nhiều thực phẩm ô nhiểm.
Anh nói rằng nhân quyền và ổn định chính trị có mối quan hệ hữu cơ. Đúng y là trong sách có nói vậy, nhưng dừng lại đây là không được.
Cái nào là chính, cái nào là phương tiện? Cái nào phải theo cái nào?
Anh lại cho rằng, nhân quyền hiện nay đang là một loại vũ khí đấu tranh của kẻ xấu nhằm lật đổ hay gây bất ổn cho nền cai trị.
Điều ấy là rất có thể.
Nhưng anh lại đem đổ ụp đĩa rau muống xào tỏi vào đĩa sà lách trộn mất rồi, làm sao ăn đây?
Kẻ xấu đã nhân danh nhân quyền, thế kẻ tốt nhân danh cái gì? Tránh nói nhân quyền, quay ra ủng hộ cái ổn định chính trị? Nai xào lăn, hay heo giả cầy, chẳng còn phân biệt được nữa!
Anh giao ngọn cờ chính nghĩa cho kẻ xấu nắm và anh nã pháo vào đó? Cái ổn định thật là bất ổn định!
Sự bộc phát thụ động nhưng không bất ngờ ở Tiên Lãng với ông Vươn – Hải Phòng có tính tiêu biểu về nền tảng, không bao lâu sau lời phát biểu tự kiểm điểm khá hoành tráng trong toàn Đảng của TBT Nguyễn Phú Trọng.
Tâm lý trùm chăn
Khởi đi từ chính nghĩa giành lại Nhân quyền, nay bỗng dưng vô tình quay lại khủng bố “nhân quyền” , thay vì cố công xây dựng, vun bón cho nó phát triển. Có sợi tóc nào vướng ở đây trong cái gọi là biện chứng?
Anh luyến lưu con suối có tiếng róc rách dưới ánh trăng mà dùng dằng chẳng chịu chảy ra sông, mà đại dương thì cũng rất gần. Không ra cũng được, thì cứ ở lại trong ao hồ. Nhưng không ai có thể ngăn được dòng chảy của con sông!
“Giới trẻ bây giờ thì co giò chạy táo tác khắp năm châu bốn biển để tìm dưỡng khí, để tị nạn các kiểu, chạy để kiếm ăn, để tìm đất thở, để tìm tri thức mới. Chạy như tránh bão, chạy với thân phận bần cùng, chạy như bị bọn sai nha cầm dao và mã tấu đuổi sau lưng.”
Ông Hạ Đình Nguyên
Anh không đọc, không nghe, không thấy mà chỉ “vững vàng về chính trị, tư tưởng…” theo như cách TBT Trọng nói, thì không khác như người đã trải chiếu, trùm chăn mà ngủ, gọi đó là kiên định, vững vàng, giữ chắc mí chiếu, mí mùng. Nếu có tiếng động nào làm trở giấc, thì anh hãy “hé” chăn mà nhìn, xin đừng lên tiếng. Bởi lên tiếng thì không thể trùm chăn, anh ạ, vì trong chăn, chỉ có bản năng thôi, chứ không có chân lý.
Vì lẽ, cơn gió của thời “nguyên phong” nay chẳng để lại gì, có gì chăng thì cũng vừa đủ cho anh nhâm nhi với rượu Bầu Đá là cùng, còn dư đến ai! Quá lắm, thêm nữa, là vài chiếc ghế vội vàng cho con cái, có vậy thôi.
Cho nên giới trẻ đã quay lưng. Cũng phải lắm, có còn lại gì cho nó đâu?
Vả chăng, cái khẩu vị cũng đã khác lắm rồi. Cái món nhắm nầy đã cũ, đã quá nặng mùi. Buổi tiệc đã tàn, chỉ còn lại ngổn ngang chén bát sứt mẻ, một thứ gia tài nát bét, te tua và nợ nần chồng chất, bụi bùn “lạc hậu” phủ đầy từ chân tới đầu, cả tai, cả mắt.
Kẻ no say hả hê cười với nước da láng màu hãnh tiến. Giới trẻ bây giờ thì co giò chạy táo tác khắp năm châu bốn biển để tìm dưỡng khí, để tị nạn các kiểu, chạy để kiếm ăn, để tìm đất thở, để tìm tri thức mới. Chạy như tránh bão, chạy với thân phận bần cùng, chạy như bị bọn sai nha cầm dao và mã tấu đuổi sau lưng.
Thời “nguyên phong” quả là một bản “anh hùng ca” của lịch sử dân tộc, nhưng càng ca, càng thấy xé lòng.
Anh thật sự không thấy như vậy sao? Thật đi!
Lỡ mai kia có chuyện can qua, vì phải bảo vệ Tổ quốc, các lão ông hẳn không còn đủ sức để nâng nổi cây AK47. Ngồi đấy, nhưng vẫn còn mắt nhìn, lỡ mà không nhìn được như cụ Đồ Chiểu, thì trí vẫn phải sáng, vẫn phải có một tâm thế vững vàng, không chọn hướng sai mà vùi thây con cháu một cách oan uổng, dìm dân tộc trở lại một nghìn năm bóng tối…
Chuyện gần chuyện xa
Nhìn gần thì nhột, vờ vờ cho qua, nhìn xa xa dễ nói.
Chỉ còn hai nơi: Bắc Triều Tiên thì nói gì nữa, ai ai cũng hiểu, gắng gượng lòng bảo lòng, rằng mình không như thế.
Liếc sang Trung Quốc, tiếng kêu la, nhầy nhụa máu me ở Thiên An Môn còn rành rành, tiếng thét đau đớn từ sự tra tấn của một số ( không ai có thể biết đích xác) trong một trăm triệu người của môn dưỡng sinh Pháp Luân Công, từ 2009 đến nay chưa chấm dứt, nội tạng tươi roi rói có thể cung cấp khắp thế giới cho ai cần…
Những vụ cướp đất, những vùng nô lệ kín, những trại giam bí mật, trấn áp và tham nhũng, vơ vét… Một hệ thống kèm kẹp với nhiều loại hình, đầy đủ các sắc màu.
Ta có cái nhìn với độ lệch từ tâm điểm, nên mặt trăng hóa thành mặt trời. Ta có điều gì na ná cùng một công thức. Công thức ấy đẫm máu, nhân loại đang nhìn vào, đang nguyền rủa và ghê tởm.
Lại có người sẽ nói, ta không giống như Trung Quốc.
Đúng thế, bọn cầm quyền Bắc Kinh đang kích động dân tộc họ theo chủ nghĩa Đại Hán, để an dân, để che cái ác của chúng. Ta có khác, chỉ vì ta không dám!
Nói “Dân chủ” thì sợ “Nhân quyền”, nói “Độc lập” thì ngại “Bành Trướng”, nói lý tưởng Chủ nghĩa thì nghẹn ngào không đủ lý, nên ta loanh quanh mấy chữ vô nghĩa “định hướng”, “diễn biến hòa bình”, “tư bản giẫy chết”, “kẻ xấu” không gọi được rõ tên…,

Hội nghị Trung ương 4 vào tháng 1/2012 bàn về chỉnh đốn Đảng
Ta lấy cái mơ hồ làm luận thuyết để nói năng, lấy bọn giang hồ làm điểm tựa.
Thân phận ta, vốn anh hùng, nay như con cá trong hồ xi măng, tạm đủ no và đủ ấm, vì có thằng bé rải cám cho, ta cứ đùa chơi với rong rêu tôm tép.
Hãy hài lòng đi, với những ngày quá khứ vất vả rủi may, đừng nghĩ gì thêm về con cháu, tạm dối gian một chút để yên lòng, bỏ qua cái nhân văn mà ta lỡ biết, dứt khoát quên đi những lời mà ta hưng phấn nói năng cạn cợt một thời, dù rằng ta đã hết lòng vì tin đó sẽ là sự thật.
Quá khứ không gì ân hận, nhưng hiện tại và tương lai, cái gì đang đáng để đón chờ ? Không vì một mảy may kích động của ai, không vì một kiếm chác mẩu bánh nào, cũng không đi tìm một tiếng vỗ tay đông hơn. Nhưng khó mà ỡm ờ cho mình là kẻ vô can.
Nhớ trong sách cũ, nhắc chuyện Khang Hy tự răn mình bằng câu khắc trong bồn tắm :
“Nhựt tân, nhựt tân, hựu nhựt tân”.
“Ngày mới, ngày mới, lại ngày mới” – đâu phải chỉ có ngày qua, đâu chỉ làm mới (sạch) thân xác bằng cách tắm mỗi ngày, mà không làm mới tinh thần, trí tuệ?
Bản lĩnh đổi mới
Quá khứ là vẻ vang, ta không hề phải sợ hãi, nhưng hiện tại phải xoay chiều ống ngắm, để biết rõ cái xấu và cái tốt, cái lạc hậu phải từ bỏ, cái cấp thiết mà toàn dân phải vươn mình tới…
Chữ Thời là một phạm trù phức tạp. Kẻ ti tiện thì bằng cách ti tiện mà nhặt nhạnh, gom góp lợi ích cho mình, hùa gió mà bẻ măng, càng nhiều càng tốt. Chữ Thời của kẻ Sĩ, của người lo cho dân cho nước thì phải khác.
Cũng chữ Thời mà Minh Trị Thiên Hoàng đưa nước Nhật tiến lên văn minh phát triển, trong khi Nhà Nguyễn, vì hướng tầm nhìn về “Bắc Quốc” mà phải ngậm ngùi ký Hiệp Ước đầu hàng Patenôtre, khởi đầu cho cuộc lệ thuộc, để sau đó Dân tộc phải đánh đổi một trăm năm xương máu.
Cũng chữ Thời mà Hồ Chí Minh và Dân tộc có mùa thu 1945, có Tuyên Ngôn Độc Lập ,và Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, mang tầm nhìn sống động của Thời đại.
Nhắc lại một câu nói của Hegel, cái gì hợp lý thì tồn tại, cái không hợp lý thì không tồn tại.
Đúng như vậy, tự “nó” đã chứng minh, “nó” đang trên đà không còn hợp lý nữa. “Nó” đã hoàn thành một giai đoạn lich sử. Kéo lê thêm nữa chỉ là thêm những tháng ngày thoái hóa và đến điểm di căn.
“Việc kêu gào chỉnh đốn Đảng đã từng diễn ra mấy mươi năm, kết quả vẫn thế nếu không muốn nói tệ hơn.”
Ông Hạ Đình Nguyên
Điều tích cực nổi bật của ngài TBT Nguyễn Phú Trọng là nói về tiêu cực của Đảng CSVN. Ngài đã dũng cảm, vì giữa những người không dũng cảm, đã nói lên sự thật hiển nhiên, bình thường trong bối cảnh không bình thường mà ở đó có người không biết, không dám, không muốn, hoặc thậm chí muốn che dấu sự thật.
Nhưng ngài TBT đã sai lầm một điều căn bản.
Ngài đã nói lên sự thoái hóa về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý chí, trách nhiệm, tri thức…trong cán bộ và trong Đảng, rải đều các cấp. Ngài đã kêu gọi họ phê bình, tự phê bình, tự giác ngộ để sửa đổi.
Ngài quy lỗi cho cá nhân là một tư duy không khoa học. Có cán bộ nào mà không do Đảng bố trí cất nhắc? Có Đảng viên nào mà không do Đảng rèn luyện, từ khi họ là quần chúng tích cực, yêu nước, được đưa vào Đoàn TNCS, đưa vào Đối tượng Đảng, rồi trở thành Đảng viên, trở thành cấp ủy ở các cấp, có tổ Đảng, có Chi bộ theo sát kèm cặp và đào tạo? Tổ chức Đảng thì có đủ ban bệ : Tổ chức, Thanh tra, Kiểm tra, Văn hóa, Tư tưởng, có cả Trường lý luận chính trị, từ địa phương đến trung ương, rõ ràng không thiếu.
Không một kẻ ở phương xa nào có thể bố trí họ vào đây, hay họ đã tự thay máu cho mình lúc nào mà Đảng không biết?
Việc kêu gào chỉnh đốn Đảng đã từng diễn ra mấy mươi năm, kết quả vẫn thế nếu không muốn nói tệ hơn. Câu trả lời nằm ngay ở huyệt đạo, bằng từ ngữ rất bóng bẩy : “Lỗi hệ thống”.
Người Cộng sản Việt Nam đã đứng lên từ vũng máu, vì khát vọng Độc lập Tự do của Dân tộc. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Độc lập mà Dân không hưởng được Dân Chủ, Tự Do… thì Độc lập chẳng có nghĩa gì”.
Lấy hạnh phúc của nhân dân làm cứu cánh, lấy dân chủ, nhân quyền làm mục tiêu, lập tức Đảng sẽ được thay máu.
Phải là một Đảng với cương lĩnh mới, hợp lý cùng thời đại, với sự cộng hưởng của toàn dân, mới là nền tảng vững chắc đưa đất nước đi lên, nhưng không phải “đi lên” theo hướng nào khác, mà về hướng Độc Lập, Dân Chủ, để biến ước mơ của Hiến Pháp 1946 trở thành hiện thực.
Sau 36 năm thực hiện một mô hình, Đảng có ở khắp nơi, nhân dân đều nhìn thấy, nhưng không có trong lòng họ.
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả, nguyên chủ tịch Ủy ban tranh đấu Tổng hội Sinh viên Sài Gòn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét