Pages

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Trách nhiệm của Quốc Hội trong vụ Tiên Lãng

AFP photo
Từ trái sang: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí
Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú
Trọng tham dự khai mạc kỳ họp thường niên
thứ hai của Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 20
 tháng 10 năm 2011.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Vụ cưỡng chế đất đai trái pháp luật tại Tiên Lãng vẫn là câu chuyện thời sự nóng bỏng nhất của báo chí Việt Nam hiện nay.
Rất nhiều ý kiến của các tầng lớp từ trí thức đến các cán bộ cao cấp trong hệ thống, về hưu hay còn tại chức, đã tham gia đóng góp vào vấn đề này một cách nghiêm túc. Tuy nhiên người dân, đặc biệt là cử tri Hải Phòng vẫn thắc mắc tại sao gần một tháng trôi qua mà đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hải Phòng vẫn không một ai lên tiếng. Mặc Lâm phỏng vấn nguyên đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông để ghi nhận ý kiến của ông.

Luật không đầy đủ

Mặc Lâm : Thưa ông, với tư cách là một nguyên đại biểu quốc hội ông có đánh gía gì về hành động chống lại người thi hành công vụ bằng các loại hung khí mà gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã sử dụng để chống lại đơn vị thi hành cưỡng chế trên miếng đất của gia đình anh?


Ông Lê Văn Cuông : Vi phạm của anh Vươn thì cũng đã rõ theo pháp luật, nhưng con người khi mà đã bị chính quyền, tổ chức, cá nhân mà dồn ép người ta đến một bước đường cùng, dùng mọi cách để tước đoạt mọi thành quả lao động mà người ta đã bỏ ra bao nhiêu năm mới có được, thì khi đã bị ức chế, đã bị các cơ quan giải quyết không công bằng, không đáp ứng được các quyền lợi của người lao động, thì người ta có những căng thẳng, không làm chủ được bản thân mình do bị mất mát quá lớn, hay bị ức chế quá lớn, hay là bị oan sai quá lớn cho nên con người có lúc không biết dựa vào ai hoặc tìm cách nào để giải quyết được oan sai của mình, cho nên họ đã dùng đến những hành động rất là cực đoan và bước đường cùng, liều chết để thể hiện cho mọi người biết được vấn đề này là vấn đề mà bản thân hay gia đình bị oan sai.
Mặc Lâm : Thưa, qua vụ cưỡng chế đất đai này của chính quyền Hải Phòng thì ông có nhận định như thế nào về hành vi cưỡng chế, đặc biệt là đưa một lực lượng rất lớn để cưỡng chế một gia đình thôi ạ?
Ông Lê Văn Cuông : Đáng tiếc là không biết đàng sau cái cưỡng chế này có những động cơ gì không trong sáng, thì vấn đề này các cơ quan sẽ làm rõ, nhưng mà cách thức tổ chức cưỡng chế đã để lại một dư âm, hay là một hậu quả rất là nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín của các cấp chính quyền ở Hải Phòng.
Những tổ chức, cá nhân thực hiện hợp đồng thuê đất và giải quyết cái hậu quả sau khi thu hồi đất mà nó không đáp ứng được quyền lợi của người sử dụng đất. Vấn đề là dư luận cũng bất bình về cách thức tổ chức cưỡng chế ở huyện Tiên Lãng, và cũng cảm thông với gia đình anh Vươn. Bởi vì người ta đã đổ bao nhiêu công sức từ những ngày ban đầu để mà lấn biển và đã được kết quả góp phần phát triển kinh tế, cảnh quan, môi trường, rồi các công ăn việc làm và thu nhập, thì đây là vấn đề mà xã hội phải hoan nghênh, biểu dương và ghi nhận, và chính quyền các cấp thấy được đây là việc thực hiện được các chủ trương, đường lối, chính sách của đảng và nhà nước, thì cũng phải biết được cái công sức người ta bỏ ra.
Mặc Lâm : Thưa ông, có nhiều người đồng ý rằng chắc chắn nguyên nhân đầu tiên dẫn đến vụ này là luật đất đai, nó rất bất cập, và Quốc Hội đã nhiều lần đem luật này ra nhưng không bàn cãi thấu đáo để đi đến quyết định sau cùng. Có nhiều người, kể cả đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, nói vấn đề trách nhiệm đầu tiên của việc này là của Quốc Hội. Ông có chia sẻ nhận xét này như thế nào ạ?
Ông Lê Văn Cuông : Vấn đề ông Dương Trung Quốc nói về trách nhiệm của Quốc Hội thì đúng là Quốc Hội là cơ quan lập pháp, theo quy định của pháp luật Quốc Hội không ban hành đầy đủ, chất lượng luật không tốt, để cho tình trạng xã hội thứ nhất là không có luật để mà thực hiện, hoặc là chất lượng luật không tốt thì không đưa luật vào cuộc sống được.
Quốc Hội thấy luật còn vướng, trong quá trình thực thi còn nhiều vi phạm, nhưng cũng không kịp thời sửa chữa dù nhiều đại biểu quốc hội đã ra kiến nghị.
Ông Lê Văn Cuông
Nhưng đây cũng có phần của bộ máy thực thi bên chính quyền. Luật đã ban hành, mặc dù nó chưa đầy đủ, hoặc là chưa đáp ứng được, hoặc là chưa kịp thời, thế nhưng mà trên hết vụ việc thấy cái sai sót cũng thuộc về người thực thi pháp luật, tức là chính quyền các cấp từ thành phố Hải Phòng cho đến huyện Tiên Lãng, tức chính quyền cơ sở, là chưa nghiêm.
Chúng tôi thấy vấn đề là kể cả hai phía, thứ nhất là Quốc Hội thấy luật còn vướng, trong quá trình thực thi còn nhiều vi phạm, nhưng cũng không kịp thời sửa chữa dù nhiều đại biểu quốc hội đã ra kiến nghị. Thế nhưng bên thực thi pháp luật, từ chính phủ cho đến chính quyền địa phương các cấp thi hành pháp luật chưa được nghiêm minh cho nên nó càng làm cho tình hình trầm trọng thêm. Và pháp luật Việt Nam thông thường do chính phủ chuẩn bị và trình ra quốc hội. Mặc dù quốc hội có đề nghị nhiều lần mà chính phủ không trình ra thì quốc hội cũng không có cơ sở để mà xem xét.

Cử tri bức xúc

Mặc Lâm : Thưa ông, cử tri cả nước nói chung, và nhất là tại Hải Phòng họ rất bức xúc tại sao đã gần một tháng trôi qua nhưng các đại biểu quốc hội thuộc đơn vị này vẫn im lặng, không có một lời nào để chia sẻ với vụ việc này? Chúng tôi cũng có thắc mắc rằng cơ cấu để cho một quan chức nhà nước kiêm nhiệm luôn chức đại biểu quốc hội như trường hợp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông cũng đang là đại biểu của đơn vị Hải Phòng, hai vị trí cùng một lúc như vậy, việc bênh vực quyền lợi cho cử tri làm sao cho chu toàn được ạ?
Ông Lê Văn Cuông : Vấn đề vai trò của đại biểu quốc hội để thể hiện cái chính kiến của mình bảo vệ lợi ích công dân nói chung và cái vụ Tiên Lãng nói riêng, thì cái này không phải là vấn đề mới.
Tất cả các đại biểu quốc hội từ trước đến nay thông thường chỉ dựa vào các cơ quan nhà nước, và bản thân cũng không tiếp cận với từng vụ việc cụ thể, xem đúng sai như thế nào, cho nên có thể nói là thông thường là chỉ biết thông qua các cơ quan thông tin đại chúng thôi. Chứ còn nếu như với một chức năng của đại biểu quốc hội mà tổ chức đi nắm tình hình sâu sát hay là có trách nhiệm với dân thì tình hình nó lại khác.
Nếu như với một chức năng của đại biểu quốc hội mà tổ chức đi nắm tình hình sâu sát hay là có trách nhiệm với dân thì tình hình nó lại khác.
Ông Lê Văn Cuông
Truyền thống lâu nay của Quốc Hội Việt Nam thì chủ yếu là dựa vào các cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc. Thứ hai là thường có quan điểm vụ việc xảy ra ở nơi đâu, địa phương nào thì do đoàn đại biểu quốc hội ở đó chịu trách nhiệm, ví dụ ở Hải Phòng thì do đoàn đại biểu quốc hội từ Hải Phòng, các đại biểu quốc hội thành phố Hải Phòng chịu trách nhiệm là chính. Cái đó thì ta đã định hình lâu nay, cho nên trách nhiệm của vụ Tiên Lãng thì do đoàn đại biểu quốc hội với các đại biểu quốc hội ở thành phố Hải Phòng. Chứ còn các đại biểu ở các địa phương khác, trừ các cơ quan của quốc hội đi giám sát hoặc là nắm bắt tình hình để có kiến nghị, chứ còn các đại biểu của các địa phương khác chắc cũng khó.
Tuy nhiên, đây là mô hình Quốc Hội Việt Nam, chắc ông cũng nắm được, nó có những cái còn nhiều bất cập cho nên tiếng nói hoặc là đại biểu đứng ra bảo vệ hay là kiến nghị quyết liệt để làm rõ các oan sai của công dân thì nó cũng còn rất hạn chế, nó chưa đáp ứng được các nguyện vọng của cử tri.
Mặc Lâm : Vâng. Xin cảm ơn ông rất nhiều về những ý kiến của ông trước vấn đề Tiên Lãng này. Một lần nữa, đầu năm chúng tôi xin kính chúc ông và gia quyến được mọi sự bình an và may mắn.
Ông Lê Văn Cuông : Vâng. Xin cảm ơn ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét