Pages

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Bi kịch Việt Nam (1)

Phạm Đình Trọng

“Đảng Cộng sản tồn tại bằng độc quyền quyền lực. Xóa bỏ sự độc quyền quyền lực là xóa bỏ sự tồn tại của đảng Cộng sản. Hiện nay đảng Cộng sản đã là một sản phẩm lỗi thời của lịch sử. Muốn tồn tại, đảng Cộng sản chỉ còn hai lựa chọn: Hoặc dùng bạo lực hùng hậu có trong tay duy trì sự độc quyền quyền lực. Hoặc đổi mới đảng Cộng sản để tham gia vào tiến trình dân chủ đa nguyên, để đảng Cộng sản tồn tại bình đẳng cùng các đảng khác trong thể chế đa nguyên lành mạnh, trong xã hội dân chủ thực sự.”
NHỮNG TẤM LÒNG BAO DUNG
Nhận được những câu hỏi của nhà văn Phạm Thị Hoài tôi cứ nghĩ ngợi vân vi. Không phải nghĩ về câu trả lời mà nghĩ về chính câu hỏi. Đó là những câu hỏi mà mọi người Việt Nam đang quan tâm đến vận mệnh đất nước hôm nay vẫn thường tự hỏi. Bao giờ dân tộc Việt Nam thoát khỏi họa Cộng sản để lại trở về với chính mình, lại trở về với hồn cốt tinh hoa Việt Nam. Nhưng nhà văn không hỏi gay gắt như vậy. Câu hỏi của nhà văn thật nhẹ nhàng, bao dung.

Chúng ta thử hình dung một ngày nào đó không xa, trong vòng mươi năm tới, Việt Nam sẽ chuyển thành công từ thể chế độc quyền dưới sự lãnh đạo toàn diện của đảng Cộng sản Việt Nam sang dân chủ đa nguyên, với nhà nước pháp quyền dựa trên tam quyền phân lập, với tư tưởng tự do ngôn luận, tự do hội họp và xã hội dân sự. Khi đó cái di sản đã kéo dài ba phần tư thế kỉ ở miền Bắc và gần nửa thế kỉ trên cả nước sẽ đặt chế độ mới trước những thử thách nào? Xã hội Việt Nam cần bao lâu để vượt qua di sản đó? Có những điểm sáng hay truyền thống tốt đẹp nào từ các di sản đó cần giữ gìn? Khả năng diễn ra trong hòa bình của bước ngoặt đó lớn tới mức nào hay tình trạng bạo loạn mà nhiều người tiên đoán và dùng đó làm lập luận chống thay đổi thể chế sẽ xảy ra? Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đóng vai trò gì trong tiến trình chuyển hóa đó? . . .
Chấm dứt thể chế độc quyền lãnh đạo đất nước của đảng Cộng sản Việt Nam là điều đương nhiên, là tiến trình tất yếu của lịch sử. Càng chậm trễ, càng cản trở tiến trình đó càng có tội với dân tộc, với lịch sử, càng làm cho dân tộc li tán và suy yếu, càng làm cho đất nước tụt lại sau, càng kéo dài đau khổ của nhân dân. Nhà văn khẳng định tiến trình chấm dứt sự độc diễn trên sân khấu chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam là không thể đảo ngược nhưng vẫn trông mong đảng Cộng sản có vai trò chủ động trong tiến trình đó. Phải là một nhân cách văn hóa mới có được tấm lòng nhân hậu, bao dung như vậy. Đó là tấm lòng bao dung của nhà văn, đó cũng là tấm lòng bao dung của dân tộc Việt Nam đối với đảng Cộng sản Việt Nam, một tổ chức chính trị đã dùng bạo lực tàn nhẫn ứng xử với dân tộc Việt Nam văn hiến và đã đem lại cho dân Việt Nam gần một thế kỉ cách mạng, chiến tranh đẫm máu, li tán dân tộc, tan hoang đất nước.
Đảng Cộng sản tồn tại bằng độc quyền quyền lực. Xóa bỏ sự độc quyền quyền lực là xóa bỏ sự tồn tại của đảng Cộng sản. Hiện nay đảng Cộng sản đã là một sản phẩm lỗi thời của lịch sử. Muốn tồn tại, đảng Cộng sản chỉ còn hai lựa chọn: Hoặc dùng bạo lực hùng hậu có trong tay duy trì sự độc quyền quyền lực. Hoặc đổi mới đảng Cộng sản để tham gia vào tiến trình dân chủ đa nguyên, để đảng Cộng sản tồn tại bình đẳng cùng các đảng khác trong thể chế đa nguyên lành mạnh, trong xã hội dân chủ thực sự.
Chọn con đường tồn tại bằng bạo lực, dù có lực lượng bạo lực khổng lồ và hung hãn nhưng đã là sản phẩm lỗi thời của lịch sử thì đảng Cộng sản cũng chỉ tồn tại được ngày nào biết ngày đó, chỉ là khoảnh khắc. Khoảnh khắc tồn tại ngắn ngủi đó phải trả bằng giá đắt: Đảng Cộng sản tự đặt vào thế đối lập với nhân dân, trở thành vật cản của dòng chảy lịch sử, kìm hãm đất nước trong trì trệ, đưa đất nước vào khủng bố, đàn áp đẫm máu, vào bạo loạn, rối ren, giam cầm nhân dân trong ngục tù, nhục hình của chuyên chính vô sản, đày ải, vô hiệu, thủ tiêu nhiều tài năng, trí tuệ và khí phách dân tộc.
Đảng Cộng sản Việt Nam tham gia vào tiến trình dân chủ đa nguyên, mang lại dân chủ thực sự cho xã hội Việt Nam là hồng phúc cho dân tộc Việt Nam và cũng là hồng phúc cho chính đảng Cộng sản Việt Nam. Để làm được điều đó, những người Cộng sản Việt Nam phải có đủ tầm trí tuệ và lòng dũng cảm nhận ra khiếm khuyết, lỗi lầm của chủ nghĩa cộng sản đã đưa đến những thảm họa khủng khiếp cho loài người và cho dân tộc Việt Nam, phải có tâm hồn của người Việt Nam yêu nước thương nòi, đau nỗi đau khôn cùng của người Mẹ Việt Nam trước những đau thương mất mát quá lớn mà hàng triệu số phận, hàng triệu gia đình Việt Nam đã phải nhận từ năm 1930 đến nay. Trước hết họ phải nhận ra những lầm lẫn, những ảo tưởng, những hậu quả thê thảm của học thuyết đấu tranh giai cấp trong lí luận chủ nghĩa Marx mà họ đã thực thi.
KHÔNG CÓ CÁI TÔI CÁ NHÂN, CHỦ NGHĨA MARX LẠI ĐƯA XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI TRỞ VỀ BẦY ĐÀN
Cuộc đời mỗi người đều có ba giai đoạn: Tuổi ấu thơ ngơ ngác, tuổi còn bị sai khiến, dạy bảo, có nhà triết học coi đó là tuổi lạc đà, phải chia động từ “Mày phải”. Mày phải đến trường. Mày phải ngủ đúng giờ . . . . Tuổi của bầy đàn, chưa có cá nhân, cá nhân còn lẫn trong bầy đàn, đánh mất trong bầy đàn, chưa hình thành những nhân cách hoàn chỉnh. Đến tuổi trưởng thành, con người nhận thức được thế giới và nhận thức được bản thân, cá nhân được hình thành tách ra khỏi bầy đàn, cá nhân có tư duy, có chính kiến riêng cần được nhìn nhận, cần được khẳng định sự có mặt trong cuộc đời, đó là tuổi sư tử, tuổi chia động từ “Tôi là”. Tôi là người thợ. Tôi là cầu thủ bóng đá. Tôi là nhà giáo. Tôi là chính khách . . . . Thời mỗi công việc, mỗi hoạt động đều có tính chuyên nghiệp cao, là môi trường tốt nhất để cá nhân bộc lộ hết tài năng trong nghề nghiệp, trong hoạt động, tạo ra những ngôi sao, những đỉnh cao, những thần tượng xã hội. Cá nhân để lại dấu ấn trong cuộc đời bằng tư tưởng, chính kiến và bằng cả tài năng trong những hoạt động nghề nghiệp, hoạt động xã hội. Thời của những dấu ấn cá nhân. Đến giai đoạn xế chiều, con người lại trở về thời ấu thơ, lại trở về bầy đàn, tìm đến đám bạn cùng giới tính.
Xã hội loài người cũng phải qua thời ấu thơ là thời bầy đàn bộ lạc nguyên thủy, thời phong kiến trung cổ, chỉ có lãnh chúa, chủ đất mới có cá nhân, còn lại chỉ là đám đông lao xao, chỉ là công cụ sản xuất trong tay chủ đất và công cụ bạo lực trong tay vua chúa. Bước vào thời văn minh công nghiệp, xã hội loài người mới bước vào thời trưởng thành. Khoa học kĩ thuật cho con người sức mạnh khẳng định mình, cho trí tuệ làm chủ bản thân và làm chủ thế giới. Con người có mặt trong xã hội là những cá nhân với tư tưởng, chính kiến riêng phải được thể hiện và phải được xã hội nhìn nhận, tôn trọng.
Cùng với văn minh công nghiệp, cùng với chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa Marx ra đời ở giai đoạn đầu thời trưởng thành của xã hội loài người khi mới chỉ có vài nước châu Âu có văn minh công nghiệp, còn lại thế giới vẫn trì trệ trong xã hội phong kiến, trong nền sản xuất nông nghiệp thô sơ. Ở đó, người lao động nông nghiệp vẫn là những nô lệ của chủ đất, bị bóc lột tàn tệ hơn cả thời trung cổ và bị cột chặt vào đất đai. Ở các nước vừa chập chững bước vào công nghiệp, máy móc ở thế hệ đầu tiên, năng suất chưa cao và còn cần nhiều sức thợ, nguồn tích lũy tư bản lớn nhất của những ông chủ vừa khởi nghiệp là bóc lột tận cùng sức lao động của người thợ để có nhiều sản phẩm, nhiều lợi nhuận. Cùng với bóc lột thậm tệ công nhân trong nước, những ông chủ tư bản cũng đã làm chủ nhà nước tư bản còn ào ạt đưa quân đi xâm chiếm thuộc địa tìm nguyên liệu và mở rộng thị trường.
Nhìn thấy chủ nghĩa tư bản ở buổi sơ khai hoang dã hai tay ròng ròng máu công nhân trong nước và máu người dân thuộc địa, nhìn thấy cuộc sống khốn cùng của người lao động do bị tư bản buổi sơ khai hoang dã bóc lột, với lòng yêu thương con người, chàng thanh niên người Đức gốc Do Thái chưa đến ba mươi tuổi Karl Marx đang miệt mài nghiên cứu lịch sử kinh tế, triết học và đã viết nhiều tập Bản Thảo Kinh Tế Và Triết Học liền cho rằng: Mọi bất công đau khổ mà con người đang phải gánh chịu là do chiếm hữu tư liệu sản xuất. Và: Lịch sử của tất cả các xã hội từ trước đến nay là lịch sử đấu tranh giai cấp! Từ nhận thức vội vàng, nông nổi, lầm lẫn, cực đoan đó, chàng tiến sĩ triết học trẻ tuổi có bộ óc siêu vệt và trái tim nồng nàn yêu thương con người liền xây dựng lên học thuyết Đấu Tranh Giai Cấp để tạo dựng lên một xã hội không còn chiếm hữu tư liệu sản xuất, cội nguồn của bóc lột, bất công, mọi người đều được sống trong yêu thương, hạnh phúc, xã hội cộng sản. Đó là tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa Marx.
Chủ nghĩa Marx ra đời khi chủ nghĩa tư bản hoang dã đang hoành hành man rợ nhất, cả loài người đang chìm đắm trong máu và nước mắt. Công nhân bị bóc lột ở các nước công nghiệp quyết liệt đấu tranh giành quyền sống, người dân ở các nước thuộc địa sôi sục làm cách mạng giải phóng dân tộc đều coi chủ nghĩa Marx là cứu tinh và chủ nghĩa Marx đã nhanh chóng chiếm lĩnh cả thế giới. Marx công bố Tuyên ngôn Đảng Cộng sản năm 1848 và cuộc cách mạng xã hội cuối cùng mang tư tưởng cộng sản của Marx thành công ở Cuba năm 1959. Có thể coi nửa cuối thế kí 19 và nửa đầu thế kỉ 20 là một thế kỉ của chủ nghĩa Marx. Loài người đã bước sang thế kỉ 21. Thế kỉ của chủ nghĩa Marx đã vĩnh viễn kết thúc và lùi xa rồi!
Buổi đầu chủ nghĩa Marx đã thổi bùng lên được ý chí đấu tranh giành quyền sống, giải phóng được sức mạnh bị dồn nén của cả khối nhân loại bị bóc lột, áp bức, làm nên những cuộc cách mạng long trời lở đất và giành được thắng lợi ở một phần rộng lớn trên trái đất. Nhưng chủ nghĩa Marx chỉ giành được thắng lợi ở những nơi chưa có văn minh công nghiệp, những nơi chưa có cá nhân, cá nhân chưa được giải phóng, con người vẫn là đám đông, vẫn là bầy đàn. Nước Nga khi cách mạng vô sản tháng Mười năm 1917 nổ ra vẫn là nước Nga nông nghiệp thô sơ của Sa hoàng và chủ đất. Chủ nghĩa Marx là của đám đông, là sức mạnh của đám đông được kích động bởi những quyền lợi vật chất thiết thực bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình! Chủ nghĩa Marx chỉ là lí luận tập hợp đám đông, tập hợp khối người lao động làm thuê, khối dân nô lệ các nước thuộc địa tạo nên sức mạnh bạo lực của đám đông làm cách mạng vô sản, đập tan xã hội cũ của chủ nghĩa tư bản hoang dã.
Những nhà nước do cách mạng vô sản dựng nên, dùng lí luận chủ nghĩa Marx, lí luận làm mạng vô sản của đám đông xây dựng xã hội mới đều thất bại ê chề, cay đắng, đều để lại những tội ác lớn chưa từng có trong lịch sử loài người. Vì xã hội mới là xã hội công nghiệp văn minh, xã hội của ý thức cá nhân, cá nhân được nhìn nhận, thể hiện và khẳng định sự có mặt trong cuộc đời thì học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Marx chỉ nhìn nhận sự có mặt của đảng Cộng sản, chỉ có cá nhân của những người lãnh đạo Cộng sản, người dân dù là nhà văn hóa, nhà khoa học, là trí thức, nghệ sĩ kiệt xuất cũng chỉ là quần chúng, là bầy đàn lạc đà cam chịu, là công cụ trong tay đảng Cộng sản như thời phong kiến trung cổ chỉ có cá nhân lãnh chúa, chủ đất, còn lại chỉ là bầy đàn, là công cụ sản xuất và công cụ bạo lực.
Mục tiêu hướng tới của chủ nghĩa Marx là vô cùng nhân đạo, cao cả: Xóa bỏ bóc lột, bất công, xây dựng một xã hội phát triển cao tạo ra của cải vật chất dồi dào, con người được sống trong yêu thương, được thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất và tinh thần. Nhưng đi đến mục tiêu cao đẹp ảo ảnh đó bằng học thuyết đấu tranh giai cấp tàn bạo: Nhà nước chuyên chính vô sản sử dụng bộ máy công cụ bạo lực Nhà nước xóa bỏ cá nhân, chà đạp lên số phận con người là một mâu thuẫn tệ hại của chủ nghĩa Marx, là bi kịch lớn nhất mà chủ nghĩa Marx áp đặt cho một nửa nhân loại suốt một thế kỉ. Học thuyết đấu tranh giai cấp vươn hai cánh tay bạo liệt ra, cánh tay kinh tế: Xóa bỏ quyền làm chủ tư liệu sản xuất của tư nhân, lạnh lùng bóp nghẹt cuộc sống và cánh tay chính trị: Chuyên chính vô sản, thô bạo nắm cổ người dân, định đoạt số phận người dân theo ý muốn của quyền lực vô sản chứ không theo pháp luật.
Xóa bỏ quyền làm chủ tư liệu sản xuất của tư nhân là xóa bỏ vai trò cá nhân trong kinh tế. Những cá nhân có vốn liếng, có kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm tổ chức, quản lí sản xuất, làm cho đồng vốn ngày càng sinh sôi, tạo ra của cải vật chất và của cải tinh thần ngày càng nhiều cho xã hội, những người chủ tư nhân thao lược, tài năng bị tước đoạt quyền làm chủ, trở thành những người làm thuê tầm thường cho những ông chủ tầm thường là người đại diện nhà nước vô sản làm chủ khối tư liệu sản xuất chiếm đoạt của tư nhân. Quyền làm chủ tư liệu sản xuất của tư nhân, quyền sản xuất kinh doanh của tư nhân chuyển về tay những người trong bộ máy nhà nước vô sản hoàn toàn không có kĩ năng của người làm kinh tế, không có phẩm chất của người làm chủ, lại hoàn toàn vô trách nhiệm, dẫn đến sản xuất trì trệ, kinh doanh thua lỗ, xã hội nghèo đói là điều đương nhiên đã diễn ra ở tất cả các nước hăm hở, cuồng tín thực hiện chủ nghĩa Marx!
Công hữu hóa tư liệu sản xuất chỉ xóa bỏ cá nhân trong kinh tế thì chuyên chính vô sản đã xóa bỏ cá nhân trong toàn bộ đời sống xã hội. Với chuyên chính vô sản, chỉ những người nắm quyền lãnh đạo đảng Cộng sản mới có cá nhân. Khối nhân dân còn lại chỉ là một đám đông, một bầy lạc đà, một lũ trẻ thơ ngơ ngác phải học chia động từ “Mày phải”. Mày phải học nghị quyết Đảng. Mày phải nói theo Đảng. Mọi việc đã có Đảng và Nhà nước lo. Mày phải câm mồm, không được nói Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, không được biểu tình phản đối Trung Hoa lấn chiếm lãnh thổ thiêng liêng của tổ tiên. Ông ủy viên bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ nói Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam trên diễn đàn Quốc hội thì được nhưng người dân nói Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thì bị bắt, bị đánh, bị giam cầm. Hiến pháp cho người dân quyền tự do ngôn luận nhưng thực tế cho người dân bài học phải thuộc lòng là: Với Nhà nước của đảng Cộng sản, người dân nói trái ý Đảng liền bị khép ngay vào tội Tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội chủ nghĩa mà vụ án tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, vụ bắt giam rồi lén lút, phi pháp đưa bà Bùi Minh Hằng vào trại giam trá hình dưới tên gọi Cơ sở giáo dục là những minh chứng.
Ở các nước công nghiệp phát triển, nơi chủ nghĩa tư bản ngự trị, cá nhân được nhìn nhận, trí tuệ sáng tạo của cá nhân được giải phóng làm nên bộ mặt, làm nên tầm vóc, làm nên sức mạnh của nền văn minh công nghiệp. Khoa học kĩ thuật mang lại cho nhà tư bản lợi nhuận mau lẹ và dồi dào gấp nhiều lần thời bóc lột sức người. Không còn những ông chủ làm giầu bằng bóc lột. Chủ nghĩa tư bản hoang dã bóc lột sức người đã vĩnh viễn lùi xa vào quá khứ tội lỗi. Mọi người dân đều có thể trở thành người chủ. Quyền con người và những giá trị nhân đạo vì hạnh phúc và phẩm giá con người đều trở thành luật pháp xã hội, được Nhà nước Tư bản thực thi nghiêm chỉnh, minh bạch trong cuộc sống. Những sản phẩm tạo ra bằng bóc lột, bằng hủy hoại môi trường, bằng điều kiện làm việc tồi tệ của người sản xuất đều không được chấp nhận.
Những ông chủ thế hệ cũ, vẫn sử dụng công nghệ thấp, cần nhiều sức lao động, vẫn phải tích lũy tư bản bằng bóc lột phải tìm đến các nước đang công nghiệp hóa, đang mở rộng cửa hứng đồng vốn đầu tư nước ngoài như Việt Nam. Chính ở đây Nhà nước Việt Nam do đảng Cộng sản cầm quyền đáng ra phải lấy học thuyết đấu tranh giai cấp đấu tranh với sự bóc lột của chủ tư bản, bảo vệ quyền lợi người dân lao động ruột thịt của mình thì trớ trêu, cay đắng thay Nhà nước vẫn nói kiên định chủ nghĩ Marx, vẫn nhân danh Chủ nghĩa xã hội nhưng chỉ chăm chăm lấy sự hà khắc, phản dân chủ của đấu tranh giai cấp để cai trị, o ép dân và làm ngơ trước sự bóc lột của chủ tư bản nước ngoài với đồng bào minh!
Kiên định chủ nghĩa Marx tội lỗi, lỗi thời, kiên định học thuyết đấu tranh gia cấp bạo liệt, chỉ có Cái Tôi của người cầm quyền, không có Cái Tôi của người dân, người dân chỉ là bầy lạc đà cắm cúi đi trên sa mạc vô tận của thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội huyễn hoặc. Chủ nghĩa Marx khai sinh ra đảng Cộng sản. Kiên định chủ nghĩa Marx để duy trì sự tồn tại của đảng Cộng sản, những người Cộng sản lạnh lùng, cam tâm đưa xã hội trở về thời phong kiến trung cổ không nhìn nhận Cái Tôi, đưa nhân dân trở về thời ấu thơ, bầy đàn, khổ đau và tủi nhục.
Coi nhân dân chỉ là bầy đàn, là công cụ, không có cá nhân, không được có tư tưởng, chính kiến riêng bộc lộ rõ cả trong những văn kiện lịch sử của đảng Cộng sản. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên Chủ nghĩa xã hội được Đại hội 11 đảng Cộng sản Việt Nam bổ xung và phát triển ghi: Đi lên Chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử! Con người trưởng thành cần khẳng định sự có mặt trong cuộc đời bằng Cái Tôi cá nhân không khi nào chọn thứ Xã hội chủ nghĩa chà đạp lên Cái Tôi thiêng liêng. Coi người dân là bầy đàn, là đám trẻ, không được có tư tưởng chính kiến riêng, không cần điều tra xã hội học, không cần trưng cầu ý dân, những người Cộng sản tự cho họ cái quyền nói tiếng nói của dân, áp đặt cả tâm tư, tình cảm cho người dân và họ thản nhiên ghi trong những văn kiện lịch sử của đảng Cộng sản: Đi lên Chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân. Lựa chọn Chủ nghĩa xã hội là quyền của đảng Cộng sản nhưng đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có ba triệu đảng viên. Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là gần chín mươi triệu người dân Việt Nam.
Lịch sử còn ghi rõ những cuộc tắm máu mà Chủ nghĩa xã hội đã gây ra cho loài người. Sự bế tắc, cùng đường và sụp đổ vĩnh viễn của Chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới vừa diễn ra còn nóng bỏng tính thời sự, buộc cả nước Liên Xô Xã hội chủ nghĩa lâu đời nhất, hùng mạnh nhất, thành trì của cả khối Xã hội chủ nghĩa thế giới, buộc cả nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa nghèo khổ nhưng đầy quyết tâm hăm hở làm cách mạng Xã hội chủ nghĩa cũng phải từ bỏ nguyên lí kinh tế cốt lõi của Chủ nghĩa xã hội để trở về kinh tế thị trường Tư bản chủ nghĩa. Chính kinh tế thị trường Tư bản chủ nghĩa đã mở lối thoát, mở con đường sống cho thành trì Xã hội chủ nghĩa kém phát triển trở thành nước Nga có mặt trong nhóm nước G8 giầu mạnh nhất thế giới và cứu nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa khỏi suy sụp, tan vỡ trong bế tắc, nghèo khổ, cùng quẫn. Lịch sử đó, thực tế đó là lời khẳng định bằng máu và nước mắt của hơn hai tỉ người dân đã từng phải sống dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa rằng: Chủ nghĩa xã hội sản phẩm đầy khuyết tật nghiêm trọng của học thuyết Marx, là tai ương, là thảm họa của loài người, là ngõ cụt lầm lạc của lịch sử. Những người Cộng sản có trí tuệ, có lương tâm đều biết rõ điều đó. Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam vẫn ghi trong Cương lĩnh rằng Chủ nghĩa xã hội phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử là tự lừa dối mình và lừa dối nhân dân. Chỉ một đoạn Cương lĩnh ngắn vẻn vẹn bốn mươi mốt từ, những nhà lí luận và những nhà lãnh đạo Cộng sản đã bộc lộ rõ hai đặc tính truyền thống của đảng Cộng sản: Coi thường dân và lừa dối dân.
(còn một kỳ nữa)
3. 2. 2012. Ngày ĐCSVN tròn 82 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét