Pages

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

ỦY BAN LUẬT GIA VIỆT NAM BẢO VỆ DÂN QUYỀN CÔNG BỐ CÁO TRẠNG KẾT ÁN ĐẢNG CỘNG SẢN VN VỀ 6 TỘI PHẢN BỘI TỔ QUỐC

Theo: baotoquoc
Trước Tòa Án Quốc Dân và Tòa Án Lịch Sử, theo trình tự như sau:
I. NĂM 2009, ĐCSVN TỪ BỎ 60% KHU VỰC THỀM LỤC ĐỊA MỞ RỘNG TẠI VÙNG BIỂN HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA.
Về mặt pháp lý, Chiếu Điều 76 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, tại Biển Đông Nam Á hay Biển Đông, các quốc gia duyên hải được hưởng quy chế thềm lục địa pháp lý 200 hải lý chạy từ biển lãnh thổ ra khơi. Như vậy tối thiểu thềm lục địa của quốc gia duyên hải kéo dài từ đường cơ sở ven bờ (baselines) tới vùng hải phận 212 hải lý (trong đó có biển lãnh thổ 12 hải lý territorial sea).
Chiếu Điều 77 Luật Biển, Thềm Lục Địa thuộc chủ quyền tuyệt đối của quốc gia duyên hải. Mọi sự xâm chiếm của ngoại bang, dầu có võ trang hay không, đều vô giá trị và vô hiệu lực. Do đó dầu Trung Hoa đã chiếm đóng 13 đảo Hoàng Sa, và một số các đảo, cồn , đá, bãi tại Trường Sa, nhưng Việt Nam vẫn không mất chủ quyền lãnh thổ tại các quần đảo này.

Ngoài thềm lục địa pháp lý 200 hải lý các quốc gia duyên hải còn được hưởng quy chế thềm lục địa mở rộng (từ 200 đến 350 hải lý) nếu về mặt địa chất và địa hình, đáy biển là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa từ đất liền ra ngoài biển. Đó là trường hợp của Việt Nam tại Biển Đông. Bản Phúc Trình của Tiến Sĩ Khoa Học Armand Krempt năm 1925 và bản Phúc Trình năm 1995 của các Luật Sư Covington và Burling cùng xác nhận điều đó.
Theo Họa Đồ Mercator lập hồi tháng 12-1995 thềm lục địa mở rộng của Việt Nam từ Bắc chí Nam trải dài trên 11 vĩ tuyến từ Quảng Trị (vĩ tuyến 17) xuống Nam Cà Mau (vĩ tuyến 7), hai điểm cực nam có tọa độ 6.48 Bắc và 5.18 Bắc.
Ngày 7-5-2009 Nhà Cầm Quyền Hà Nội đệ nạp Ủy Ban Định Ranh Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc bản Phúc Trình kèm theo họa đồ và tọa độ ấn định giới tuyến Thềm Lục Địa Địa Chất hay Thềm Lục Địa Mở Rộng (TLĐMR) của Việt Nam (Extended Continental Shelf). Trong Phúc Trình này, bỗng dưng vô cớ, ĐCSVN tự ý thu hẹp thềm lục địa mở rộng chỉ còn 4 vĩ tuyến (từ Quảng Ngãi tại Vĩ Tuyến 15 xuống Bình Thuận tại Vĩ Tuyến 11). Và như vậy ĐCSVN đã từ bỏ 7 vĩ tuyến thềm lục địa mở rộng cả về phía Bắc và phía Nam:
1. Về phía bắc, ĐCSVN đã từ bỏ 3 vĩ tuyến TLĐMR (tại các vĩ tuyến từ 17, 16, 15, từ Quảng Trị xuống Quảng Ngãi). Đây là vùng biển tọa lạc 13 đảo Hoàng Sa: Đảo Trí Tôn tại vĩ độ 15.50, Đảo Hoàng Sa tại vĩ độ16.30, Đảo Phú Lâm tại vĩ độ 16.50, các Đảo Bắc và Đảo Cây tại vĩ độ 16.60. Kết quả là toàn thể quần đảo Hoàng Sa không còn nằm trên TLĐMR của Việt Nam về phía Bắc Quảng Ngãi. (Điểm 1 Họa Đồ có tọa độ 15.02 Bắc và 115 Đông).
Sự kiện này đi trái với Bản Phúc Trình năm 1925 của Tiến Sĩ Khoa Học Armand Krempt Giám Đốc Viện Hải Học Đông Dương.
Theo Phúc Trình Krempt quần đảo Hoàng Sa nằm trên Thềm Lục Địa Địa Chất hay Thềm Lục Địa Mở Rộng của Việt Nam. Vì quần đảo Hoàng Sa là một cao nguyên chìm dưới đáy biển Việt Nam. Về mặt địa chất, với đất đai, sinh thực vật, khí hậu v…v. .., các đảo Hoàng Sa thuộc cùng một loại địa chất như lục địa Việt Nam. Sau 2 năm nghiên cứu, đo đạc, vẽ các bản đồ về hải đảo và đáy biển, Tiến Sĩ Krempt lập phúc trình xác nhận rằng: “Về mặt địa chất, những đảo Hoàng Sa thuộc thành phần lãnh thổ của Việt Nam”. (Geologiquement les Paracels font partie du Vietnam).
Hơn nữa, về mặt địa hình, đáy biển Hoàng Sa là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền kéo dài ra ngoài biển. Nếu nước biển rút xuống khoảng 900m thì Quần Đảo Hoàng Sa sẽ biến thành môt hành lang chạy thoai thoải từ dãy Trường Sơn qua Cù Lao Ré đến các đảo Trí Tôn, Hoàng Sa, Phú Lâm, Đảo Bắc và Đảo Cây..
2. Về phía Nam Chính Phủ Việt Nam cũng chỉ vẽ Thềm Lục Địa Mở Rộng từ Quảng Ngãi xuống Bình Thuận (Điểm 45 Họa Đồ có tọa độ 10.79 Bắc và 112 Đông). Và như vậy Việt Nam đã mất 4 vĩ tuyến Thềm Lục Địa Mở Rộng từ vĩ tuyến 11 xuống vĩ tuyến 7 (từ Bình Thuận xuống Nam Cà Mau).
Hậu quả là tất cả các đảo lớn, các cồn và Bãi Tứ Chính tại vùng Biển Trường Sa, vì tọa lạc về phía nam vĩ tuyến 11, nên không còn nằm trên TLĐMR của Việt Nam: Như các đảo Trường Sa, Sinh Tồn, Nam Yết, Bình Nguyên (Flat Island), Thái Bình (Itu Aba), Loại Tá, Vĩnh Viễn (Nansha), Bến Lộc (West York), Thị Tứ, (cùng với Bãi Tứ Chính, và các cồn An Bang, Sơn Ca, và Song Tử Tây do Việt Nam chiếm cứ).
Như vậy theo Phúc Trình của Nhà Cầm Quyền Hà Nội, toàn thể các đảo, cồn, đá, bãi tại quần đảo Trường Sa đều tọa lạc ngoài khu vực Thềm Lục Địa Mở Rộng của Việt Nam, từ Điểm 1 tại Quảng Ngãi đến Điểm 45 tại Bình Thuận.
Sự kiện này đi trái với Bản Phúc Trình năm 1995 của các Luật Sư Covington và Burling theo đó Việt Nam có quyền được hưởng quy chế Thềm Lục Địa Mở Rộng (từ 200 đến 350 hải lý) tại vùng biển Trường Sa. Vì đáy biển Trường Sa là sự “tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền kéo rất xa ra ngoài biển khơi”. (Vietnam is entitled to claim (more than 200 nautical miles) because the natural prolongation of the Vietnamese mainland extends considerably farther seaward than 200 nautical miles).
Trong mọi trường hợp, với Phúc Trình năm 2009, ĐCSVN đã phản bội tổ quốc bằng cách vô cớ và vô lý từ bỏ 7 vĩ tuyến (3 vĩ tuyến về phía Bắc và 4 vĩ tuyến về phía Nam). Đây là những vùng hải phận và thềm lục địa mở rộng của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
II. TỘI CHUYỂN NHƯỢNG CÁC QUẦN ĐẢO HOÀNG SA TRƯỜNG SA CHO TRUNG CỘNG
Hơn 50 năm trước, năm 1958, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh là Chủ Tịch Đảng và Chủ Tịch Nước, Phạm Văn Đồng gửi văn thư cho Chu Ân Lai để dâng cho Trung Cộng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dầu các quần đảo này thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa chiếu Điều 4 Hiệp Định Geneva ngày 20-7-1954:
1) Ngày 15-6-1956, Ung Văn Khiêm (ngoại trưởng) minh thị tuyên bố: “Hà Nội nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa”.
2) Ngày 14-9-1958 qua lời Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh, đã hiến dâng cho Trung Cộng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
3) Để biện minh cho lập trường bán nước Biển Đông của Hồ Chí Minh, sau khi Trung Cộng xâm chiếm Trường Sa hồi tháng 3-1988, báo Nhân Dân, cơ quan chính thức của Đảng Cộng Sản trong số ra ngày 26-4-1988 đã viết: “Trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược thì Việt Nam phải tranh thủ sự gắn bó của Trung Quốc, và ngăn chặn Hoa Kỳ sử dụng 2 quần đảo nói trên”.
4) Và hồi tháng 5-1976, báo Saigon Giải Phóng trong bài bình luận việc Trung Cộng chiếm Hoàng Sa bằng võ lực hồi tháng giêng 1974, đã viết: “Trung Quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là người đồng chí, mà còn là người thầy tin cẩn đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có ngày hôm nay. Vì vậy chủ quyền Hoàng Sa thuộc Việt Nam hay thuộc Trung Quốc cũng vậy thôi”.
Từ 1956, mục tiêu chiến lược của Đảng Cộng Sản Việt Nam là “giải phóng Miền Nam” bằng vũ lực. Để chống lại Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và Đồng Minh, Hà Nội hoàn toàn trông cậy vào sự cưu mang nhiệt tình của người thầy phương Bắc. Vì sau cái chết của Stalin năm 1953, Liên Xô chủ trương chung sống hòa bình với Tây Phương, trong khi Mao Trạch Đông vẫn mạnh miệng tuyên bố “sẽ giải phóng một ngàn triệu con người Á Châu khỏi ách Đế Quốc Tư Bản”.
Mà muốn được cưu mang phải cam kết đền ơn trả nghĩa. Ngày 14-9-1958, qua Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh, Chủ Tịch Đảng, Chủ Tịch Nước cam kết chuyển nhượng cho Trung Quốc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Có 3 lý do được viện dẫn:
a) Vì Hoàng Sa, Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 17-7 (Quảng Trị- Cà Mâu) nên thuộc hải phận Việt Nam Cộng Hòa. Đối với Hà Nội nhượng Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Quốc trong thời điểm này chỉ là bán da gấu! (không phải tài sản của mình).
b) Sau này do những tình cờ lịch sử, nếu Bắc Việt thôn tính được Miền Nam thì mấy quần đảo tại Biển Đông đâu có ăn nhằm gì so với toàn thể lãnh thổ Việt Nam?
c) Giả sử cuộc “giải phóng Miền Nam” không thành, thì việc Trung Cộng chiếm Hoàng Sa Trường Sa thuộc lãnh hải Việt Nam Cộng Hòa sẽ có tác dụng làm suy yếu phe Quốc Gia về kinh tế, chính trị, chiến lược và an ninh quốc phòng.
III. TỘI NHƯỢNG ĐẤT BIÊN GIỚI CHO TRUNG CỘNG
Năm 1949, sau khi thôn tính lục địa Trung Hoa, mục tiêu chiến lược của Quốc Tế Cộng Sản là nhuộm đỏ hai bán đảo Đông Dương và Triều Tiên.
Qua năm sau, 1950, với sự yểm trợ của các chiến xa Liên Xô và đại pháo Trung Cộng, Bắc Hàn kéo quân xâm lăng Nam Hàn. Tuy nhiên âm mưu thôn tính không thành do sự phản kích của quân lực Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc.
Từ 1951 cuộc chiến bất phân thắng bại đưa đến hòa đàm (vừa đánh vừa đàm). Hai năm sau Chiến Tranh Triều Tiên kết thúc bởi Hiệp Định Đình Chiến Bàn Môn Điếm tháng 7, 1953.
Thất bại trong chiến tranh Triều Tiên, Trung Cộng tập trung hỏa lực và kéo các đại pháo từ mặt trận Bắc Hàn xuống mặt trận Bắc Việt.
Để tiếp tế võ khí, quân trang, quân dụng, cung cấp cố vấn và cán bộ huấn luyện cho Bắc Việt, các xe vận tải và xe lửa Trung Cộng đã chạy sâu vào nội địa Việt Nam để lập các căn cứ chỉ huy, trung tâm huấn luyện, tiếp viện và chôn giấu vũ khí. Thừa dịp này một số dân công và sắc dân thiểu số Trung Cộng kéo sang Việt Nam định cư lập bản bất hợp pháp để lấn chiếm đất đai.
Trong Chiến Tranh Đông Dương Thứ Hai khởi sự từ 1956, với các chiến dịch Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa Tết Mậu Thân (1968) và Mùa Hè Đỏ Lửa (1972), Bắc Việt huy động toàn bộ các sư đoàn chính quy vào chiến trường Miền Nam. Thời gian này để bảo vệ an ninh quốc ngoại chống sự phản kích của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ (như trong Chiến Tranh Triều Tiên), Bắc Việt nhờ 300 ngàn binh sĩ Trung Cộng mặc quân phục Việt Nam đến trú đóng tại 6 tỉnh biên giới Bắc Việt. Trong dịp này các binh sĩ, dân công và sắc dân thiểu số Trung Hoa đã di chuyển những cột ranh mốc về phía nam dọc theo lằn biên giới để lấn chiếm đất đai.
Trong Chiến Tranh Đông Dương Thứ Ba khởi sự từ 1979, để giành giật ngôi vị bá quyền, Trung Cộng đem quân tàn phá 6 tỉnh biên giới Bắc Việt. Và khi rút lui đã gài mìn tại nhiều khu vực rộng tới vài chục cây số vuông để lấn chiếm đất đai.
Ngày nay, do đề nghị của Bắc Kinh, Hà Nội xin hợp thức hóa tình trạng đã rồi, nói là thể theo lời yêu cầu của các sắc dân thiểu số Trung Hoa đã định cư lập bản tại Việt Nam.
Năm 1999 họ ký Hiệp Ước Biên Giới Việt Trung để nhượng cho Trung Cộng hơn 800 km2 đất biên giới, trong đó có các quặng mỏ và các địa danh như Ải Nam Quan, Suối Phi Khanh tại Lạng Sơn và Thác Bản Giốc tại Cao Bằng…
IV. TỘI BÁN NƯỚC BIỂN ĐÔNG CHO TRUNG CỘNG
Kinh nghiệm cho biết các quốc gia láng giềng chỉ ký hiệp ước phân định lãnh thổ hay lãnh hải sau khi có chiến tranh võ trang, xung đột biên giới hay tranh chấp hải phận.
Trong cuốn “Biên Thùy Việt Nam“(Les Frontières du Vietnam), sử gia Pierre Bernard Lafont có viết bài “Biên Thùy Lãnh Hải của Việt Nam” (La Frontière Maritime du Vietnam). Theo tác giả, năm 1887, Việt Nam và Trung Hoa đã ký Hiệp Ước Bắc Kinh để phân ranh hải phận Vịnh Bắc Việt theo đường kinh tuyến 108 Greenwich Đông (105 Paris), chạy từ Trà Cổ Móng Cáy xuống vùng Cửa Vịnh (Quảng Bình, Quảng Trị). Đó là đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Hoa tại Vịnh Bắc Việt. Vì đã có sự phân ranh Vịnh Bắc Việt theo Hiệp Ước Bắc Kinh 1887, nên “từ đó hai bên không cần ký kết một hiệp ước nào khác.” Do những yếu tố địa lý đặc thù về mật độ dân số, số hải đảo, và chiều dài bờ biển, Việt Nam được 63% và Trung Hoa được 37% hải phận.
Năm 2000, mặc dầu không có chiến tranh võ trang, không có xung đột hải phận, bỗng dưng vô cớ Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lén lút ký Hiệp Ước Vịnh Bắc Bộ để hủy bãi Hiệp Ước Bắc Kinh 1887.
Hiệp Ước Vịnh Bắc Bộ là một hiệp ước bất công, vi phạm pháp lý và vi phạm đạo ly.
Bất công và vi phạm pháp lý vì nó không tuân theo những tiêu chuẩn của Tòa Án Quốc Tế, theo đó sự phân ranh hải phận phải căn cứ vào các yếu tố địa lý, như số các hải đảo, mật độ dân số và chiều dài bờ biển. Ngày nay dân số Bắc Việt đông gấp 6 lần dân số đảo Hải Nam, và bờ biển Bắc Việt dài gấp 3 lần bờ đảo Hải Nam phía đối diện Việt Nam. Ngoài ra Việt Nam có hàng ngàn hòn đảo trong khi Hải Nam chỉ có 5 hay 6 hòn. Tại miền bờ biển hễ có đất thì có nước; có nhiều đất hơn thì được nhiều nước hơn; có nhiều dân hơn thì cần nhiều nước hơn. Vì vậy hải phận Việt Nam phải lớn hơn hải phận Trung Hoa (63% và 37% theo Hiệp Ước Bắc Kinh). Và cũng vì vậy vùng biển này có tên là Vịnh Bắc Việt (không phải Vịnh Quảng Đông).
Ngày nay phe Cộng Sản viện dẫn đường trung tuyến để phân ranh hải phận với tỷ lệ lý thuyết 53% cho Việt Nam. Như vậy Việt Nam đã mất ít nhất 10% hải phận, khoảng 12.000 km2. Tuy nhiên trên thực tế phe Cộng Sản đã không áp dụng nghiêm chỉnh đường trung tuyến. Họ đưa ra 21 điểm tiêu chuẩn phân ranh Vịnh Bắc Việt theo đó Việt Nam chỉ còn 45% hải phận so với 55% của Trung Quốc. Và Việt Nam đã mất 21.000 km2 Biển Đông.
Bất công hơn nữa vì nó không căn cứ vào những điều kiện đặc thù để phân ranh Vịnh Bắc Việt. Tại vĩ tuyến 20 (Ninh Bình, Thanh Hóa), biển rộng 170 hải lý, theo đường trung tuyến Việt Nam được 85 hải lý để đánh cá và khai thác dầu khí (thay vì 200 hải lý theo Công Ước về Luật Biển). Trong khi đó, ngoài 85 hải lý về phía tây, đảo Hải Nam còn được thêm 200 hải lý về phía đông thông sang Thái Bình Dương tổng cộng là 285 hải lý. Theo án lệ của Tòa Án Quốc Tế, hải đảo không thể đồng hóa hay được coi trọng như lục địa. Vậy mà với số dân chừng 7 triệu người, đảo Hải Nam, một tỉnh nhỏ nhất của Trung Quốc, đã được hưởng 285 hải lý để đánh cá và khai thác dầu khí, trong khi 45 triệu dân Bắc Việt chỉ được 85 hải lý. Đây rõ rệt là bất công quá đáng. Bị án ngữ bởi một hải đảo (Hải Nam) người dân Bắc Việt bỗng dưng mất đi 115 hải lý vùng đặc quyền kinh tế để đánh cá và thềm lục địa để khai thác dầu khí (chỉ còn 85 hải lý thay vì tối thiểu 200 hải lý).
Hơn nữa, Hiệp Ước này còn vi phạm đạo lý vì nó đi trái với những mục tiêu và tôn chỉ của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền như Công Lý, Bình Đẳng, Hữu Nghị, không cưỡng ép, không thôn tính và không lấn chiếm.
V. TỘI DÂNG CÁC TÀI NGUYÊN VÀ NGUỒN LỢI THIÊN NHIÊN CHO TRUNG CỘNG
Cùng ngày với Hiệp Ước Vịnh Bắc Việt năm 2000, Đảng Cộng Sản Việt Nam còn ký Hiệp Ước Hợp Tác Nghề Cá và thiết lập Vùng Đánh Cá Chung với Trung Cộng.
Năm 2004, Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp Ước Vịnh Bắc Việt. Tuy nhiên, trái với Điều 84 Hiến Pháp, Hiệp Ước Đánh Cá không được Quồc Hội phê chuẩn, chỉ được Chính Phủ “phê duyệt”.
Theo Hiệp Ước sau này, hai bên sẽ thiết lập một vùng đánh cá chung rộng 60 hải lý, mỗi bên 30 hải lý, từ đường trung tuyến biển sâu nhiều cá, khởi sự từ vĩ tuyến 20 (Ninh Bình, Thanh Hóa) đến vùng Cửa Vịnh tại vĩ tuyến 17 (Quảng Bình, Quảng Trị).
Tại Quảng Bình biển rộng 120 hải lý, theo đường trung tuyến Việt Nam được 60 hải lý. Trừ 30 hải lý cho vùng đánh cá chung, ngư dân chỉ còn 30 hải lý gần bờ ít cá. Trong khi đó Hải Nam được 290 hải lý để toàn quyền đánh cá.
Tại Ninh Bình, Thanh Hóa, biển rộng 170 hải lý, theo đường trung tuyến, Việt Nam được 85 hải lý. Trừ 30 hải lý cho vùng đánh cá chung, ngư dân Việt Nam chỉ còn 55 hải lý gần bờ. Trong khi đó Hải Nam được 315 hải lý.
Hơn nữa, theo nguyên tắc hùn hiệp, căn cứ vào số vốn, số tầu, số chuyên viên kỹ thuật gia và ngư dân chuyên nghiệp, Trung Cộng sẽ là chủ nhân ông được toàn quyền đánh cá ở cả hai vùng, vùng đánh cá chung và vùng hải phận Trung Hoa.
Ngày nay trên mặt đại dương, trong số 10 tầu đánh cá xuyên dương trọng tải trên 100 tấn, ít nhất có 4 tầu mang hiệu kỳ Trung Quốc.
Các tầu đánh cá lớn này có trang bị các lưới cá dài với tầm hoạt động 60 dặm hay 50 hải lý. Do đó đoàn ngư thuyền Trung Quốc không cần ra khỏi khu vực đánh cá chung cũng vẫn có thể chăng lưới về phía tây sát bờ biển Việt Nam để đánh bắt hết tôm cá, hải sản, từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tới Quảng Bình, Quảng Trị. Chăng lưới đánh cá tại khu vực Việt Nam là vi phạm hiệp ước. Tuy nhiên các đội tuần cảnh duyên hải Việt Nam sẽ ngoảnh mặt làm ngơ. Là cơ quan kinh tài của Đảng, họ sẽ triệt để thi hành chính sách thực dụng làm giàu với bất cứ giá nào như cấu kết chia phần với ngoại bang mặc dầu mọi vi phạm luật pháp và vi phạm hiệp ước.
Trong cuộc hùn hiệp hợp tác này không có bình đẳng và đồng đẳng. Việt Nam chỉ là kẻ đánh ké, môi giới mại bản, giúp Trung Cộng mặc sức vơ vét tôm cá hải sản Biển Đông, để xin hoa hồng (giỏi lắm là 5%, vì Trung Cộng có 100% tầu, 100% lưới và 95% công nhân viên).
Rồi đây Trung Cộng sẽ công nhiên vi phạm Hiệp Ước Hợp Tác Đánh Cá cũng như họ đã thường xuyên vi phạm Công Ước về Luật Biển trong chính sách “tận thâu, vét sạch và cạn tầu ráo máng” và chính sách thực dụng mèo đen mèo trắng của Đặng Tiểu Bình, làm giàu là vinh quang, làm giàu với bất cứ giá nào. Ngày nay tại vùng duyên hải Trung Hoa, các tài nguyên, hải sản và nguồn lợi thiên nhiên như tôm cá, dầu khí đã cạn kiệt. Do nhu cầu kỹ nghệ và nạn nhân mãn (của 1 tỷ 380 triệu người) Trung Quốc đòi mở rộng khu vực đánh cá và khai thác dầu khí xuống Trung và Nam Việt trong vùng hải phận và Thềm Lục Địa riêng của Việt Nam. Đó là những tai họa xâm lăng nhỡn tiền.
VI. TỘI ĐỒNG LÕA CỐ SÁT CÓ DỰ MƯU
Do những hành vi và hiệp định nói trên ĐCSVN đã tạo thời cơ và giúp phương tiện cho bọn côn đồ Trung Cộng (giả danh hải tặc) để bắn giết các ngư dân Việt Nam bằng súng đạn. Đồng thời ủi các tàu hải quân đâm vào các tàu đánh cá Việt Nam khiến cho tàu bị đắm và người mất tích trong lòng đại dương. Trong những vụ giết người này bọn côn đồ Trung Cộng là những kẻ chánh phạm sát hại ngư dân. Và ĐCSVN là những kẻ đồng lõa cố sát có dự mưu bằng cách giúp phương tiện và tạo cơ hội cho kẻ chánh phạm tàn sát các ngư dân và đánh chìm các tàu đánh cá Việt Nam.
Những hành động tàn ác và phản bội nói trên cấu thành 6 tội Phản Quốc bằng cách “cấu kết với nước ngoài xâm phạm chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc. Đồng thời xâm phạm quyền của người dân được hưởng dụng đầy đủ những tài nguyên và nguồn lợi thiên nhiên của đất nước”.
Theo chính sử Việt Nam, vào giữa thế kỷ 16, Mạc Đăng Dung dâng 5 động và 1 châu cho Nhà Minh. Do hành động nhượng đất này, từ hơn 4 thế kỷ nay, Mạc Đăng Dung bị Quốc Dân kết án về tội Phản Quốc, tên tuổi đề mạt của y bị di xú vạn niên.
Ngày nay phe lãnh đạo ĐCSVN, khởi sự từ Hồ Chí Minh, đã phạm 6 tội phản quốc với những hậu quả tai hại gấp trăm, gấp ngàn lần thời Mạc Đặng Dung.
Để hóa giải nạn nội xâm và thoát khỏi sự thống trị của Đế Quốc Bắc Phương, chúng ta chỉ còn một giải pháp duy nhất là kiên trì đấu tranh giải thể chế độ cộng sản để thiết lập chế độ dân chủ.
Cũng theo lịch sử Việt Nam, trong thế kỷ thứ 10 và thế kỷ 11, nhân dân ta đã kết hợp đấu tranh và đã 3 lần đánh thắng quân nhà Tống với các chiến công oanh liệt của Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt và Tôn Đản.
Và độc đáo hơn nữa, trong thế kỷ 13, dưới sự lãnh đạo của Trần Hưng Đạo, dân quân Đại Việt một lòng cũng đã 3 lần đánh thắng quân Nhà Nguyên. Đây là một trong những chiến công lừng lẫy nhất trong lich sử đấu tranh giải phóng dân tộc của loài người. Điều đáng lưu ý là thời đó dân tộc Việt Nam chỉ trông vào nội lực của chính mình mà không có sự yểm trợ của đồng minh.
Đó là hai bài học lịch sử của chúng ta hôm nay. Đó cũng là nguồn nuôi dưỡng Quyết Tâm và Niềm Tin của người Việt từ hơn một thiên niên kỷ.
Hôm nay Ủy Ban Luật Gia công bố Cáo Trạng kết án phe lãnh đạo ĐCSVN về 6 tội phản quốc. Đồng thời yểm trợ cuộc đấu tranh Giải Thể Cộng Sản và Xây Dựng Dân Chủ do các vị lãnh đạo tinh thần khởi xướng với sự kết hợp của các luật gia và mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.
Cầu Xin Anh Linh Các Bậc Tổ Phụ Lập Quốc Yểm Trợ Cuộc Đấu Tranh Lịch Sử Này
Hải Ngoại ngày 1-02-2011
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
Cố Vấn Sáng Lập Hội Luật Gia Việt Nam Tại California (1979)
Chủ Tịch Sáng Lập Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền (1990)
Cố Vấn Sáng Lập Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (1997)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét