Không một ai - kể cả Israel, Mỹ và Iran – mong muốn thùng thuốc súng Trung Đông bùng nổ thành thế chiến III mặc dù những gì diễn ra ở Địa Trung Hải, New Delhi, Tbilisi và Bangkok trong tuần qua rất đáng lo ngại.
Không chắc Iran là thủ phạm
Sự kiện nổi bật là chiều hôm qua (19-2), cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv bàn về vấn đề Iran, một ngày sau khi hai tàu chiến Iran đi qua kênh đào Suez để vào Địa Trung Hải với mục đích “chứng tỏ sức mạnh” của Iran, khiến hải quân Israel được đặt trong tình trạng báo động. Đây là lần thứ hai kể từ 1979 – năm bùng nổ cách mạng Hồi giáo Iran - Iran đưa tàu chiến vào Địa Trung Hải.
Cảnh sát Ấn Độ điều tra hiện trường vụ đánh bom gần tòa đại sứ Israel ở New Delhi ngày 13-2 Ảnh: AFP
Dan Fayutkin, chuyên gia về chiến lược quân sự Israel, nhận xét rằng hành động của Iran có nguy cơ làm bùng nổ chiến tranh bởi “bất cứ động thái quân sự nào dù của Iran hay Israel đều bị coi là gây hấn” vì thời điểm hiện nay đặc biệt nhạy cảm.
Tuần trước, Israel đã lớn tiếng chỉ trích Iran đứng đằng sau các vụ đánh bom nhắm vào nhân viên tòa đại sứ Israel tại New Delhi, Tbilisi và âm mưu tấn công các nhà ngoại giao Israel tại Bangkok, trong khi Chính phủ Ấn Độ và Thái Lan tỏ ra hết sức dè dặt bởi có nhiều điều chưa rõ ràng.
Cảnh sát Ấn Độ nghi ngờ đây là đòn trả thù cho Imad Mughniyeh, tư lệnh quân đội Hezbollah, bị Mossad giết cách đây 4 năm, của tổ chức Hezbollah chứ không phải của Iran mặc dù Hezbollah được coi là “đàn em” của Iran. Cuộc tấn công diễn ra trước ngày giỗ ông Mughniyeh một ngày.
Tại Bangkok, các tay sát thủ bị bắt toàn là dân nghiệp dư từ công đoạn chế tạo bom đến cách ứng xử tình huống, không giống chút nào người của Qud, lực lượng đặc nhiệm của Vệ binh Cách mạng Iran, đối trọng của Mossad. Vì vậy, còn quá sớm để kết luận đây là âm mưu của Iran.
Phản ứng của Iran rất nhạy. Một mặt, họ cảm ơn Chính phủ Ấn Độ và Thái Lan; mặt khác, Tehran tố cáo Israel cố tình tạo ra những sự kiện kể trên để tìm cớ tấn công quân sự Iran. Chuyện Israel hăm dọa tấn công Iran vì cho rằng nước này âm mưu chế tạo vũ khí hạt nhân không mới. Ai cũng biết hiện nay trong nội các Israel có hai phe “diều hâu” và “bồ câu”. Những vụ nổ ở Ấn Độ, Georgia và Thái Lan-thực hư ra sao chưa biết - đang có lợi cho phe “diều hâu”.
Bình luận về những động thái mới đây của Iran, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak tuyên bố một cách nghiêm chỉnh: “Chúng tôi sẽ không loại trừ khả năng nào” (hàm ý bao gồm cả khả năng tấn công quân sự) nếu các biện pháp trừng phạt Iran về vấn đề hạt nhân của cộng đồng quốc tế vô hiệu. Đây lại là điều mà nhiều quan chức cao cấp Mỹ tin rằng Iran đang cố gắng chứng minh, theo một quan chức Nhà Trắng giấu tên tiết lộ trên tờ The Guardian.
Tuy nhiên, theo ông Mohammad Reza Djalili, chuyên gia về Trung Đông, các biện pháp trừng phạt Iran hiện nay là hữu ích và có thể ngăn chặn chiến tranh ở Trung Đông mặc dù nó không phải là vũ khí tuyệt đối. Chính phủ Iran không giỏi về quản lý kinh tế và điều này sẽ được bộc lộ không sớm thì muộn bắt buộc Iran phải xem xét lại lập trường cứng rắn của họ.
Nếu Israel tấn công ?
Israel có tấn công Iran hay không tùy thuộc vào bạn hỏi ai, theo nhà báo Ofira Koopmans viết trên tờ báo mạng Monsters and Critics. Bởi những người biết chuyện không bao giờ nói và những người nói thì không biết gì. Tất cả đều là phỏng đoán.
Tuy nhiên, không thể không lưu ý về tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hồi đầu tháng này, theo tờ The Washington Post. Ông Panetta cho rằng có thể Israel sẽ tấn công Iran trong tháng 4, tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hồi tuần rồi, ông Panetta lại nói: “Tôi nghĩ rằng Israel chưa quyết định như thế”.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak cũng phát biểu trên đài phát thanh quân đội Israel: “Chưa có quyết định nào tấn công Iran trong lúc này. Mọi chuyện còn xa lắm”.
Một trong hai tàu chiến Iran đi qua kênh Suez. Ảnh: AP
Theo chuyên gia Djalili, có nhiều lý do để Israel phải cân nhắc. Tấn công Iran chắc chắn là sẽ tốn kém rất nhiều và không đơn giản chỉ là chuyện bay đi ném bom rồi bay về như vụ tấn công lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq năm 1981. Chắc chắn Iran sẽ dùng mọi lá bài để tự vệ từ chuyện phong tỏa eo biển Hormuz đến chuyện Hamas và Hezbollah, đồng minh của Iran phối hợp tấn công Israel. Điều này sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng toàn khu vực.
Theo Người Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét