Pages

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

"Vũ khí hạt nhân" mới

Quân đội các nước đang mạnh tay chi hàng tỷ USD đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bộ tư lệnh chiến tranh mạng được thành lập, tác chiến mạng được huấn luyện thường xuyên... khi tin rằng tâm điểm của chiến tranh thế kỷ 21 là chiến tranh mạng. Cuộc chiến ảo đã bắt đầu khai hỏa trong thế giới thực.
Chiến tranh mạng, theo cách đơn giản nhất, là ngồi trước máy tính nhấp "chuột", khiến toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng của đối phương bị phá hủy, hoặc chí ít cũng bị đánh cắp các bí mật về quân sự, kinh tế, công nghệ... Sức công phá của chiến tranh mạng được ví như vũ khí hạt nhân.
Một thập kỷ trước, hầu hết các virus và sâu máy tính đã được tung ra bởi các sinh viên tò mò, những người nghịch ngợm muốn biết có thể gây ra thiệt hại gì. Nhưng đến nay, các virus và sâu máy tính đang trở thành những vũ khí vô cùng lợi hại, có thể sánh ngang một đạo quân.
Thảm họa nối tiếp thảm họa
Chiến tranh, hay tác chiến mạng dựa vào hệ thống thông tin, thông qua không gian mạng để tiến hành các hành động phá hoại, phá hủy mạng các hệ thống tác chiến, hệ thống chiến tranh của đối phương. Đây là hình thức tác chiến hoàn toàn mới lấy thông tin làm chủ đạo, lấy hệ thống đối kháng, nhất thể mạng - điện tín là đặc trưng chủ yếu. Sử dụng các đặc trưng của không gian mạng như tính mô phỏng, tính thay đổi trong chớp mắt, tác chiến miền không gian ảo…, tác chiến mạng có ưu thế thâm nhập mọi hướng, tổng hợp cả năng lực tiến công và phòng thủ, vô hình khiến chi phí thấp nhưng hiệu quả quân sự rất cao.

Cựu nhân viên Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) Charles Miller, nhân vật hiện khá nổi tiếng trong giới tin tặc, cho rằng chỉ cần chưa đầy 100 triệu USD là có thể thành lập một nhóm tác chiến mạng có khả năng tấn công và làm tê liệt hoàn toàn hoạt động của Mỹ. Còn để tấn công hệ thống mạng máy tính của Nga thì không cần đến số tiền lớn như vậy.
Khi một quốc gia bị tấn công mạng thì tất các các hệ thống thông tin liên lạc tắc nghẽn, giao thông công cộng đình trệ, các hoạt động tài chính tê liệt, các hệ thống cung cấp năng lượng hỗn loạn. Và nếu bị chiếm quyền điều khiển thì thảm họa thực sự sẽ diễn ra với hệ thống đường ống dẫn dầu bốc cháy, các trạm cung cấp điện phát nổ, máy bay đâm xuống đất, hệ thống điều khiển quân sự mất phương hướng, cảnh giới, giám sát bị vô hiệu hóa.

Trụ sở USCYBERCOM tại bang Marryland.
Năm 2010, Thứ trưởng quốc phòng Mỹ W.J. Lynn cho rằng, thế kỷ XXI là kỷ nguyên công nghệ mới - kỷ nguyên an ninh mạng. Theo ông Lynn, các cuộc tấn công mạng tương tự như vũ khí hạt nhân, giúp cho một trong những bên tham chiến có khả năng đè bẹp ưu thế áp đảo của đối phương về mặt trang bị thông thường. Không gây tổn thất trên quy mô lớn như một cuộc tấn công hạt nhân, nhưng tấn công mạng có thể làm tê liệt hoàn toàn một xã hội, một quốc gia, từ đó châm ngòi cho lớp lớp thảm họa.
Dốc hầu bao bất chấp khủng hoảng
Trong khi cắt giảm mạnh ngân sách quân sự thì nước Mỹ vẫn chi tới 2,5 tỷ USD cải thiện tác chiến mạng trong năm 2012 tăng so với trước. Nga, Trung Quốc cũng không kém cạnh khi nỗ lực đầu tư nhằm ngăn cản mưu đồ bá chủ mạng của Mỹ. Tháng 6/2010, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố thành lập Bộ tư lệnh tác chiến mạng (USCYBERCOM) với ngân sách ban đầu là 120 triệu USD.
Với khoảng 1.000 nhân viên dân sự và quân sự, USCYBERCOM được giao 3 nhiệm vụ chính là bảo vệ mạng lưới thông tin quốc phòng, thực hiện các chiến dịch trên mạng theo lệnh và sẵn sàng bảo vệ quyền tự do của nước Mỹ trong các hoạt động trên không gian mạng.
Sau đó, tháng 12/2011, Lục quân Mỹ thông báo "lữ đoàn mạng" đầu tiên đã đi vào hoạt động. Hải quân và Không quân Mỹ sau đó cũng thành lập các "hạm đội" và "phi đội" mạng bên cạnh các đơn vị đặc trách an ninh mạng theo ngành dọc của USCYBERCOM.
Trong khi đó, tháng 5/2001, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lần đầu tiên cho biết đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm đối phó với tấn công trên mạng. Được coi là nòng cốt trong đội ngũ an ninh mạng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), lực lượng đặc biệt Cyber Blue Team gồm 30 chuyên gia xuất sắc, tuyển chọn từ nhiều nguồn trong và ngoài quân đội, đặt dưới sự chỉ huy của Bộ tư lệnh quân khu Quảng Đông.
Không chịu thua kém Mỹ, các nước châu Âu, Mỹ Latin, châu Á và Trung Đông cũng nhanh chóng nối gót trong việc chuẩn bị "đội ngũ chiến binh" cho các cuộc chiến tranh mạng tiềm ẩn trong tương lai. Rất nhiều trung tâm máy tính của quân đội đã được dựng lên, khác xa với thời điểm cách đây vài năm khi hầu hết quân đội các nước còn gần như không để ý tới mạng.
Cuối tháng 1/2012, phát biểu tại Học viện Khoa học Quân sự Nga, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga, tướng Nikolai Makarov cảnh báo, Moskva cần sẵn sàng cho các cuộc chiến tranh mạng. Theo ông, các cuộc chiến trên biển, trên bộ đã nhanh chóng chuyển sang lĩnh vực thông tin và không gian - vũ trụ, dẫn đến nguy cơ một cuộc chiến tranh mạng nguy hiểm và khốc liệt trên toàn nước Nga.
Theo các nguồn tin quân sự, Nga cũng đang chủ trương giảm bớt quân số và tăng cường áp dụng công nghệ cao cũng như các phương pháp tác chiến mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của quân đội.
Mỹ đang giữ ưu thế tuyệt đối về quyền kiểm soát mạng internet. 10/13 máy chủ trên toàn cầu đang được đặt ở Mỹ (3 máy còn lại đặt ở Thụy Điển, Anh và Nhật Bản, các máy chủ được đánh kí hiệu từ A đến M). Hai trong số 10 máy chủ ở Mỹ là do quân đội nước này kiểm soát, trong đó máy H nằm ở Trường thử nghiệm vũ khí Aberdeen (bang Maryland), máy G nằm ở Trung tâm Thông tin mạng thuộc Lầu Năm Góc. Ngoài ra, Công ty quản lý địa chỉ và tên miền Internet (ICANN) quản lý nội dung của cả 13 chiếc máy chủ cũng do Washington kiểm soát.
Theo Đất Việt Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét