Pages

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Đời Thừa Hay Sứ Mệnh

Hoàng Trọng Thắng
(Viết riêng cho TTHN)

“Tội nghiệp! Hình như hai chữ tội nghiệp giờ đã mất hết giá trị nhân bản của nó rồi. Nếu còn, không biết ai phải tội nghiệp cho ai. Có lẽ, tội nghiệp cho người bất hạnh, và tội nghiệp cả cho người còn chút lương tâm!”
Vào mục Câu Chuyện Hàng Tuần của Đài Á Châu Tự Do, hiếu kỳ khi thấy tựa bài “Đời Thừa” ngộ nghĩnh đượm tính triết lý, tôi bấm nghe để tìm một chút thư giản. “Có những cuộc đời đơn độc, lẻ loi. Có những người sống lặng lẽ, chấp nhận đi bên lề xã hội. Họ loay hoay giữa quá khứ và không biết được tương lai. Và họ gọi đời họ là “đời thừa”…
Bằng giọng đọc êm ái và lối dẫn nhập nhẹ nhàng, Quỳnh Chi đã đưa tôi dần sâu vào câu chuyện.
Câu chuyện về ông già ngoài sáu mươi vô gia cư Nguyễn Hữu Phước.
Lại thêm một câu chuyện kể về một mảnh đời bất hạnh, trong vô vàn mảnh đời bất hạnh mà tôi đã từng thấy, từng nghe trên đất nước này.

Tội nghiệp!
Mà sao đất nước tôi có nhiều tội nghiệp đến thế? Người ta cứ nói “ra ngõ gặp anh hùng”. Ra ngõ anh hùng đâu chẳng thấy, chỉ thấy tội nghiệp. Thấy tội nghiệp riết nên dường như mắt người đã quen, tai người đã nhàm và lòng người đã trở nên chai sạn. Nghĩ cũng phải. Quen quá hóa lờn, người đời vẫn thường hay nói thế.
Câu chuyện tội nghiệp mà Quỳnh Chi đang kể, làm tôi nhớ lại một cảnh tội nghiệp khác mà tôi mới được chứng kiến.
Trong một quán cà phê, đứa bé gái gầy còm đến mời hai anh thanh niên mua vé số:
_ Chú… Chú mua giùm con vé số đi chú…
Anh thanh niên quay lại, quơ tay buông một câu gọn lỏn:
_ Không mua.
Em nhẫn nại, ngập ngừng nói thật nhỏ:
_ Chú… Chú mua giùm con vé số đi chú…
Anh thanh niên phì khói thuốc vào mặt em, nói gằn đầy khó chịu:
_ Tao đã nói rồi! Không mua. Đi chổ khác chơi!
Em bé cúi đầu, hai tay cầm xấp vé số đưa ngang trước mặt, như một tín đồ đang thành kính nguyện cầu đấng linh thiêng ban ơn phước.
_ Chú… Chú mua giùm con vé số đi chú…
Anh thanh niên bỗng trở nên giận dữ, chỉ ngón tay vào sát mặt em gầm lớn:
_ Đụ má mày! Lỳ hả mày? Lớn chớn trước mặt tao… tao đá cho một đá chết thằng cha mày bây giờ… Cút khỏi mắt tao mày!
Như trút xong cơn giận, anh xoay người, hút thêm một hơi thật sâu rồi ngả đầu nhìn lên trần nhà. Hai mắt lim dim, anh thở mạnh một luồng khói trắng như thả hồn vào giữa khoảng không trầm bổng tiếng hát Hồng Nhung…”Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không…?”
Em bé tội nghiệp lủi thủi bước qua bàn khác. Khuôn mặt em không thoáng một nét tủi giận, chỉ vẫn một nét buồn, buồn như khi mới đến. Chắc lòng em cũng đã chai cứng vì quá quen với những lời xua đuổi như thế này. Em đã quen như mọi người đã quen để thấy mọi chuyện trái khuấy là bình thường, không có gì đáng trách hay áy náy.
Nghèo hèn, đói khổ đè nặng lên thân xác và tâm hồn tội nghiệp của em, nghĩ cũng đã quá đủ rồi. Đành lòng nào trút thêm tội tình lên đầu em nữa làm chi!
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Cần để làm gì nhỉ? Có phải để mủi lòng, để đau lòng, để xót lòng,… và rồi, để chai lòng?
Một người bạn cứ hay nói với tôi: Bây chừ, nếu cứ thấy tội nghiệp mà thương. Mi không đủ sức mà thương mô. Đúng! Nó nói đúng. Nhiều cảnh tội nghiệp quá nên lắm lúc tôi phải tránh đi vì không thể làm gì được. Có chăng cũng chỉ nói thầm với riêng mình: Tội nghiệp.
Tội nghiệp! Hình như hai chữ tội nghiệp giờ đã mất hết giá trị nhân bản của nó rồi. Nếu còn, không biết ai phải tội nghiệp cho ai. Có lẽ, tội nghiệp cho người bất hạnh, và tội nghiệp cả cho người còn chút lương tâm!
Chợt giọng nói của ông Phước kéo tôi trở về câu chuyện. Cứ ngỡ giọng nói của ông già vô gia cư, với bộ râu bạc trắng dài tới ngực, chắc phải đục trầm, nào ngờ trong khỏe như của một thanh niên. Tôi mến ông ngay từ khi nghe được lời tâm sự mộc mạc, chân tình. Trong giọng nói ấy, tôi thấy nét buồn nhưng không nhục lụy, tủi nhưng không ai oán.
Nhà tôi là mái hiên người, để rồi…nhà ai nấy ở. Lối ví von và dụng ngữ tự nhiên của ông nghe đến não lòng.
Một điều làm tôi ngạc nhiên và thích thú, khi ông mở đầu cho câu nói bằng ba tiếng “Dạ thưa cô”. Hình như người Việt Nam bây giờ ít còn ai nói chuyện như thế. Ngày nay, người ta chỉ “dạ”, “thưa” với những người quyền chức hơn mình, hay là người mình đang cần nhờ cậy. Dạ và thưa đã đồng nghĩa với hèn và yếu, nên người ta chỉ còn nói chuyện với nhau trống không, cộc lốc. Đâu còn cái thời “Dạ thưa cô”, “Dạ thưa anh” theo phép lịch sự xã giao tối thiểu. Bây giờ, tìm lại được nét đẹp của người xưa qua một người vô gia cư, không ngạc nhiên, không thích thú sao được.
Càng nghe Quỳnh Chi kể, tôi càng mến ông. Cuối cùng, sự cảm mến mà tôi dành cho ông đã trở thành sự nể phục. Một người vô gia cư, già cả bệnh hoạn tự lực cánh sinh, sống bằng chính sức lực tàn tạ của mình, quyết không làm phiền ai. Thà nhịn đói chứ không chịu nhục ngửa tay xin lòng thương hại. Thà ngày mai nhịn đói nhưng hôm nay vẫn bỏ năm ngàn tắm rửa sạch sẽ. Chuyện ông nhịn đói để được sạch làm tôi nhớ đến những điều được dạy từ lớp vỡ lòng; Giữ gìn vệ sinh cá nhân là tôn trọng mình và tôn trọng mọi người. Đúng là một con người lịch sự và có lòng tự trọng.
“Mình biết là mình tủi vậy thôi… nhưng không sao hết cả”!
Không sao hết cả. Lời ông nói làm tôi nhớ đến một vị Tuyên Uý Phật Giáo của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong trại tù cải tạo vùng Tuyên Hóa. Giữa cảnh địa ngục trần gian đó, vị chân sư vẫn an nhiên, tự tại như đang ở chốn thiền môn. Mọi khổ ải đều được Ngài bình thản đón nhận bằng một câu nói nhẹ tênh: Không Sao Cả.
Dù gì xảy ra, tất cả vẫn là “không sao cả”. Đó là Bi, Trí, Dũng của một Đại Minh Sư.
Và hôm nay, tôi lại thấy đuợc nét bi, trí, dũng qua một người Vô Gia Cư bên lề xã hội. Không biết ông theo đạo giáo nào, nhưng với tôi, ông đã đạt quả đạo Nhân.
“Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Nghèo nhưng không hèn”; Tất cả đều đúng với ông. Một người sống dưới đáy tận cùng của xã hội, sao lại có một nhân cách sống đẹp đến thế? Không biết ông xuất thân từ đâu, nhưng nhìn vào nhân cách sống đó, ắt hẳn phải từ một gia đình có gia phong, gia giáo. “Áo rách vẫn giữ lấy lề”. Chắc rằng ông đang cố giữ cái cốt cách, tinh thần của một gia đình đã mất.
“Lớn lên, ông ở tại Sài Gòn trong ngôi nhà của ông nội mình. Sau năm 1975, ông bị đưa đi vùng kinh tế mới và khi trở về thì căn nhà đã thuộc về người khác, trong sự ngỡ ngàng và phẫn uất của chính ông”.
Giọng nhẹ nhàng truyền cảm của Quỳnh Chi càng làm tôi rúng động.
Trời ơi!
Tôi thật sự đau đớn khi biết ông là một trong hàng triệu nạn nhân của ngày đất nước hòa bình, thống nhất.
Kinh Tế Mới. Ba tiếng mỹ miều nhưng chất chứa lắm nỗi thương đau với người dân miền Nam. Một chính sách tàn độc mà người chiến thắng dùng như một mũi tên bắn cùng hai con chim sẻ; Vừa đuổi được thành phần ngụy quân, ngụy quyền ra khỏi thành phố, vừa chiếm đoạt được tài sản, nhà cửa của nạn nhân.
Tôi nhớ mãi buổi sáng buồn của ngày những gia đình trong xóm bị đuổi đi Kinh Tế Mới. Bảy gia đình bị dồn ép lên hai chiếc xe tải không mui. Vì không đủ chổ nên tất cả những vật dụng kềnh càng đều phải bỏ lại. Họ chỉ mang theo được những gì có thể trong những túi xách tay. Nồi, niêu, soong, chảo treo lủng lẳng bên ngoài. Trong âm thanh inh ỏi của loa phóng thanh, tuyên dương những người có tinh thần giác ngộ cách mạng, tình nguyện hưởng ứng phong trào Kinh Tế Mới, nhằm phấn đấu trở thành con người mới XHCN, góp phần xây dựng đất nước XHCN ngày thêm giàu mạnh; Tôi vẫn nghe tiếng khóc nghẹn ngào nức nở của đàn bà con gái và thấy được ánh mắt đau buồn uất hận của đàn ông con trai.
Buổi sáng, bảy gia đình ngụy quân, ngụy quyền khốn khổ bị đuổi ra khỏi nhà để lên vùng Kinh Tế Mới rừng thiêng nước độc A Sao, A Lưới với hai bàn tay trắng và một bao “gạo chính sách” đủ cho 30 ngày. Buổi chiều, bảy gia đình cách mạng hân hoan dọn vào tiếp quản bảy ngôi nhà mới với đầy đủ tiện nghi, mà họ vừa tiếp thu.
Và sau một thời gian…
Tôi đã thấy, những người con gái duyên dáng ngày xưa, nay tàn tạ trở về làm thân gái điếm bên bờ sông Hương và sống chui rúc dưới gầm cầu Tràng Tiền hay Lầu Vọng Cảnh.
Tôi đã thấy, những đứa bé kháu khỉnh ngày xưa, nay lếch thếch trở về với túi vải trên vai và thanh sắt móc rác trên tay.
Tôi đã thấy, trên đường Trần Quý Cáp – Nha Trang, một người mẹ trẻ và hai đứa con nhỏ, ba tấm thân rách nát đi từ nhà này sang nhà khác để hỏi bán những món đồ đáng lý ra đã phải liệng vào thùng rác. Họ làm người ăn xin trá hình để mong giấu được tủi hổ, và cứu vớt chút sĩ diện còn lại trong tâm hồn. Mọi người trên con đường Trần Quý Cáp đều biết ba mẹ con bà. Chồng bà là bác sĩ Thiếu Tá Quân Y đang bị tù cải tạo ngoài Bắc. Ba mẹ con bị đưa đi Kinh Tế Mới để chồng bà sớm được Đảng, Nhà Nước và nhân dân khoan hồng. Khốn nạn cho chuỗi ngày lê thê vô tận chờ lượng khoan hồng; Chồng tiếp tục mang thân tù tội, và vợ con vất vưỡng bờ bụi để bắt đầu một kiếp ăn xin.
Tôi đã nghe, ông ấy đã bỏ mạng vì đói, bà kia chết vì bệnh tật không nơi cứu chữa, nhà nọ vì vô vọng nên đã có một bửa ăn thịnh soạn tẩm thuốc chuột cuối cùng….
Biết bao cảnh thương tâm như thế đã xảy ra trên khắp miền Nam? Chắc mãi mãi sẽ không có một con số thống kê chính xác, chỉ biết rằng nhiều và rất nhiều.
Những tưởng chuyện thương tâm Kinh Tế Mới đã là quá khứ, để có thể khép lại vết thương lòng. Ngờ đâu những nạn nhân của nó vẫn còn sống trong lây lất khổ đau.
“Đôi khi đạp xe qua khu phố ngày xưa, nơi ông và nguời em trai từng chạy chơi trong căn nhà ông nội; là tim ông lại đập mạnh, chân lại cuống và mắt lại hoe.”
Đó là tâm trạng cay đắng uất nghẹn không chỉ của riêng ông, mà còn của bao gia đình người dân miền Nam.
Thấy bi kịch đời ông mới biết được vẫn đang còn nhiều người, đã gắng sức gần hết cuộc đời nhưng vẫn không sao gượng dậy nổi.
“Tuy nhiên, nếu không còn những người như ông, xã hội mất đi một người bơm xe chân chính”.
Không! Quỳnh Chi ơi! Chị đã lầm. Nếu không có ông, xã hội không những mất đi một người bơm xe chân chính, mà còn mất đi tấm gương của một nhân cách sống đẹp.
Dạ thưa ông Nguyễn Hữu Phước. Ông nói đời ông là đời thừa, vì sự tồn tại của ông không mang lại một sự khác biệt nào trong xã hội?
Dạ thưa ông. Đời ông không phải đời thừa.Đời ông rất hữu ích và sẽ góp phần đem lại nhiều thay đổi cho đất nước này.
Dạ thưa ông. Cuộc đời đau khổ bất hạnh của ông là cả một sứ mệnh thiêng liêng mà trời đất đã trao. Sứ mệnh của người làm chứng.
Ông là nhân chứng sống cho thế hệ trẻ hôm nay thấy đuợc một khoảng dài đen tối của lịch sử dân tộc; Cho đồng bào miền Bắc thấu được thảm cảnh đồng bào miền Nam đã phải gánh chịu sau ngày 30-4-1975, để hiểu được tại sao những nạn nhân của chế độ Cộng Sản vẫn còn nuốt hận mà thông cảm; Cho những người cầm quyền Việt Nam hiện nay thấy được sự tàn ác của mình mà thay đổi, hầu cứu chuộc tội lỗi trước dân tộc và lịch sử.
Đau lòng khi nói ba tiếng: Cám ơn ông!
Mong tất cả mọi người chung dòng máu Việt thấu chung một niềm đau.
Mong em bé gái tội nghiệp tôi mới gặp vẫn còn một mái gia đình, dẫu rằng ủ dột. Mong gia đình em không phải là nạn nhân mới của một chính sách kinh tế mới. Cầu mong em sẽ không và không bao giờ phải nhận lãnh sứ mệnh làm nhân chứng sống cho các thế hệ mai sau, như nhân chứng sống khốn khổ Nguyễn Hữu Phước của ngày hôm nay.
Cúi lạy hồn thiêng sông núi, đừng thêm nữa những sứ mệnh đau thương.
Hoàng Trọng Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét