Pages

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Thị trường ế ẩm, nhà máy đường chịu lỗ

SGTT.VN - Theo hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện nay các nhà máy đang gặp rất nhiều khó khăn, phải “ôm” hàng trăm ngàn tấn đường vì thị trường tiêu thụ ế ẩm…


Ảnh: Đức Toàn
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản gửi bộ Công thương đề nghị chấp thuận kiến nghị của hiệp hội Mía đường cho phép xuất khẩu 100.000 – 150.000 tấn đường nhằm giúp doanh nghiệp thu hồi vốn, phục vụ sản xuất.
Trưa ngày 18.2, hàng ngàn công nhân công ty đường Cần Thơ (Casuco) vẫn phải luân phiên nhau túc trực vận hành nhà máy để sản xuất cho kịp mùa vụ.
Những ngày này, dây chuyền sản xuất đường tại nhà máy đường Cần Thơ miệt mài chạy từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối, đưa lượng mía nguyên liệu sử dụng lên đến 6.000 tấn. Thế nhưng, hàng ngàn tấn đường sản xuất ra, chất đầy ắp các kho chứa lại “nằm im bất động” do thị trường tiêu thụ ế ẩm.

Giá đường giảm
Ông Nguyễn Thành Long, tổng giám đốc Casuco, cũng là chủ tịch hiệp hội Mía đường Việt Nam, nói không riêng gì Casuco mà tất cả các nhà máy đường đều đang gặp khó khăn vì hàng trăm ngàn tấn đường sản xuất ra tiêu thụ không được.
Ngày 18.2, giá đường bán sỉ tại mười nhà máy ở đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm thêm 100 – 200 đồng/kg, xuống còn trung bình 15.900 – 16.200 đồng/kg (đường RS) tuỳ loại, giảm hơn 2.000 đồng so với thời điểm trước tết.
Theo phân tích của lãnh đạo một số nhà máy, sở dĩ giá đường liên tục tụt giảm là do bước vào niên vụ sản xuất đường 2011 – 2012, các nhà kinh doanh thương mại không dám gom hàng dự trữ như trước đây, khi mà lãi suất quá cao, cộng với các chi phí khác đều tăng. Các phân tích khác về thị trường còn cho thấy, nguồn cung đường trong nước và thế giới tăng cao hơn so với nhu cầu. Như Thái Lan, nước sản xuất đường lớn nhất thế giới đã tăng thêm 1 triệu tấn, lên 10,6 triệu tấn so với niên vụ 2010 – 2011. Cung vượt cầu làm cho giá đường giảm liên tục từ giữa năm ngoái nên hiệu quả tung tiền gom đường dự trữ không còn hấp dẫn.

Mặc dù giá đường bán sỉ giảm khá mạnh, nhưng ngày 19.2, khảo sát thị trường bán lẻ tại TP.HCM, chúng tôi thấy giá bán lẻ vẫn đứng ở mức khá cao. Đường trắng RS loại một đóng túi 1kg dao động từ 20.000 – 20.500 đồng. Tại siêu thị Co.opmart bán đường bình ổn 20.500 đồng/kg, đường Biên Hoà RE không thuộc bình ổn 23.200 đồng/kg.
Nguy cơ hạ giá mía
Theo đánh giá của hiệp hội Mía đường, trong khi áp lực về nhu cầu vốn mua mía nguyên liệu vẫn rất lớn thì đến ngày 19.2, số đường tồn kho trong các nhà máy lên gần 300.000 tấn. Ông Trịnh Minh Châu, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần mía đường Sóc Trăng, cho hay, đơn vị này còn tồn 4.000 tấn đường trong kho. Tiền về từ bán đường không có, nhưng hiện nhà máy vẫn cần mỗi tháng không dưới 3 tỉ đồng để mua mía nguyên liệu. “Kế hoạch ép mía của chúng tôi phải đến hết tháng 3, số tiền cần khoảng 100 tỉ đồng. Nếu tình trạng đường sản xuất ra vẫn không bán được thì chúng tôi buộc phải hạ giá mía”, ông Châu nói.
Lãi suất vay hơn 20% được coi là quá cao trong điều kiện thị trường đường ế ẩm, giá liên tục tụt giảm như hiện nay. Theo tính toán của nhà máy đường, mức lãi suất như vậy sẽ làm đội thêm ít nhất 200 đồng trên mỗi ký đường trữ kho thời gian một tháng. Ông Nguyễn Thành Long nhẩm tính: giá mía 10 chữ đường tại nhà máy 1.200 đồng/kg, cộng chi phí chế biến ra giá thành sản xuất đường 16.000 đồng/kg. Theo giá thị trường hiện nay thì doanh nghiệp đang chịu lỗ tiền lãi vay mua dự trữ, cộng thêm chi phí thuế VAT 5%, tổng cộng lỗ khoảng 1.000 đồng/kg.
Cung vượt cầu
Trong văn bản chuyển đi vào ngày 16.2, bộ NN&PTNT đồng ý với đề xuất của hiệp hội Mía đường theo phương án: trước mắt, cho xuất khẩu 100.000 đến 150.000 tấn để giảm áp lực trong khâu lưu thông, tạo điều kiện cho các nhà máy đường thu hồi vốn, phục vụ sản xuất. Bởi theo phân tích của bộ, trong năm 2012 này sẽ xảy ra tình trạng nguồn cung đường cao hơn so với nhu cầu tiêu thụ. Cụ thể, tổng nguồn cung mặt hàng đường vào khoảng 1,57 triệu tấn, trong đó các nhà máy sản xuất được 1,4 triệu tấn, tồn kho vụ trước chuyển qua 100.000, cộng với 70.000 tấn nhập khẩu theo thoả thuận WTO. Như vậy, so với nhu cầu sử dụng cả năm khoảng 1,3 – 1,4 triệu tấn và gối đầu sang năm thêm 100.000 thì vẫn còn dư tới 70.000 tấn đường. Tuy nhiên, lượng đường dư thừa không chỉ dừng lại ở con số kể trên. Theo ông Diệp Kỉnh Tần, thứ trưởng bộ NN&PTNT, hàng năm thường có một lượng đường nhập lậu rất lớn từ Thái Lan qua Campuchia về các tỉnh biên giới phía Nam.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng uớc tính sản lượng đường nhập lậu từ Thái Lan vào Việt Nam qua biên giới Campuchia vài năm gần đây đã lên đến 200.000 – 300.000 tấn/năm. Nếu cộng thêm năng lực sản xuất của các nhà máy khoảng hơn 1,43 triệu tấn thì trong năm 2012 vẫn còn dư ít nhất 250.000 tấn đường.
Hoàng Bảy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét