Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Bắc Kinh ngăn chận người Tây Tạng tưởng niệm cuộc khởi nghĩa 10/03/1959






Người Tây Tạng tại Kathmandu kỷ niệm cuộc khởi nghĩa ngày 10/03/1959. REUTERS/Rajendra Chitrakar



Tú Anh RFI

Từ nhiều tháng qua, chính quyền Trung Quốc phát động chiến dịch trấn áp người Tây Tạng. Mục tiêu của Bắc Kinh là không cho người Tây Tạng kỷ niệm ngày tổng khởi nghĩa 10/03/1959. Các biện pháp kềm kẹp này chỉ làm gia tăng phong trào tự thiêu phản kháng của người dân.
Từ vùng Tây Tạng tự trị đến bốn tỉnh miền Tây Trung Quốc có đông đảo dân cư Tây Tạng sinh sống thì việc tưởng niệm ngày nổi dậy chống Trung Quốc xâm lăng 10/03/1959 luôn được ghi nhận bằng những hành động phản kháng.
Theo phóng viên của AFP tại Thanh Hải thì đặc biệt năm nay biện pháp kiểm soát các tu viện đã được tăng cường hầu tránh mọi bất ổn. Một tu sĩ tại tu viện Kumbum nói với phóng viên Tây phương là tu viện đang bị giám sát chặt chẽ và không phải lúc thuận tiện để trao đổi với nhà báo về vấn đề này.

Từ những tuần qua, các biện pháp gia tăng kềm kẹp đã được thi hành, đặc biệt là kiểm duyệt thông tin và giới hạn tự do đi lại tại vùng tự trị, cũng như ở bốn tỉnh miền Tây Trung Quốc. Cán bộ tôn giáo « trụ » ngay trong chùa để theo dõi sinh hoạt và tổ chức « học tập cải tạo chính trị ». Tuy nhiên, chân dung của Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn được tôn thờ chứng tỏ các biện pháp cấm đoán không làm người dân Tây Tạng lo sợ.
Đối với người dân Tây Tạng thì ngày 10/03 là một ngày lịch sử bi hùng, ghi dấu tinh thần bất khuất của một dân tộc bé nhỏ của xứ Phật ôn hòa, một mình đương đầu với đoàn quân xâm lược của láng giềng Trung Quốc.
Vào năm 1951, chỉ hai năm sau ngày thống trị Trung Quốc, chế độ Mao Trạch Đông gây sức ép buộc Tây Tạng phải ký « hiệp ước 17 điểm » từ bỏ chủ quyền quốc gia.
Đây chỉ là bước đầu trong chính sách « sống chung hòa bình » giữa Tây Tạng Phật giáo và Trung Hoa Cộng sản. Kéo dài được khoảng 9 năm thì những đơn vị quân đội « giải phóng » của Mao tràn qua biên giới phá hủy chùa chiền, hạ sát tu sĩ, gây sức ép lên tinh thần dân chúng, làm hàng trăm ngàn người phải di tản về thủ đô Lhassa với tâm trạng hoài nghi « thiện chí hòa bình » của ban lãnh đạo Bắc Kinh.
Ngày 10/03/1959, hàng chục ngàn dân kể cả phụ nữ và tu sĩ đã tuần hành tại Lhassa đòi Trung Quốc phải trả tự do cho Tây Tạng.
Phong trào tranh đấu bị đàn áp trong biển máu. Trong vòng ba ngày « giải phóng quân » đã dẹp tan cuộc khởi nghĩa với gần 87.000 người thiệt mạng kể cả tu sĩ nam nữ. Tuy nhiên phong trào kháng chiến đã lan khắp Tây Tạng và những nơi có cộng đồng Tây Tạng sinh sống ở Trung nguyên.
Hậu quả của chính sách đàn áp là Đức Đạt Lai Lạt Ma lúc đó tuổi mới đôi mươi đã phải cùng toàn bộ chính phủ và 80 ngàn dân chạy sang Ấn Độ tị nạn. Từ đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma lãnh đạo cuộc tranh đấu bất bạo động chống Trung Quốc xâm lăng, và từ cuộc tranh đấu này đã phát sinh phong trào đòi tự do cho Tây Tạng lan tỏa khắp thế giới.
Trong ngày 10/03 năm nay, tại châu Âu có 49 thành phố kết nghĩa với 49 thành phố Tây Tạng, trong đó quận 11 Paris đã chọn Lhassa.
Ngược lại, từ Bắc Kinh, chủ tịch Hồ Cẩm Đào kêu gọi phải duy trì « ổn định và hài hòa » tại Tây Tạng. Lãnh đạo Trung Quốc đã từng nổi danh với cuộc đàn áp đẫm máu vào tháng 3/1989 khi ông chỉ huy đảng Cộng sản tại Tây Tạng.
Từ một năm nay, hơn 26 thanh niên nam nữ Tây Tạng, phần đông là tu sĩ tại Tứ Xuyên đã dụng giải pháp biến thân làm đuốc để cảnh tỉnh đảng Cộng sản Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét