Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Chính sách cứng rắn của Bắc Kinh là nguyên nhân của phong trào tự thiêu







Thủ tướng chính phủ Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay trả lời phỏng vấn tại New Delhi ngày 16/02/2012. REUTERS/B Mathur



Tú Anh RFI


Khi những phương tiện phản kháng ôn hòa truyền thống như biểu tình hay tuyệt thực bị đàn áp thì người bị áp bức phải làm gì trong cơn tuyệt vọng ? Theo Thủ tướng chính phủ Tây Tạng lưu vong thì nguồn cội làm cho 26 thanh niên Tây Tạng tự thiêu trong một năm qua là chính sách cứng rắn của ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay.
Theo bản tin của AFP từ New Delhi, Thủ tướng Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay tố cáo thành phần « cứng rắn » trong chính quyền Trung Quốc là thủ phạm gây ra hàng loạt vụ tự thiêu tại Tứ Xuyên và Cam Túc trong 12 tháng qua.
Thủ tướng Tây Tạng lưu vong đưa ra lời nhận định này nhân ngày 10/03 hôm nay, ngày nhân dân Tây Tạng nổi dậy năm 1959 và bị đàn áp trong biển máu.

Thủ tướng Lobsang Sangay nhắc lại lập trường bất bạo động, nhưng ông nhấn mạnh rằng hành động tự thiêu của 26 người Tây Tạng trong một năm qua là hành động dứt khoát vất bỏ « thiên đường xã hội chủ nghĩa ». Nguyên nhân thứ hai là vì người dân không có hình thức phản đối ôn hòa nào khác, vì biểu tình hay tuyệt thực cũng bị cấm nên họ phải chọn giải pháp tự thiêu.
Hôm nay là ngày mà cộng đồng Tây Tạng gọi là « ngày toàn quốc nổi dậy ». Tại New Delhi và nhiều thủ đô Tây phương đều có những cuộc biểu tình đòi tự do cho Tây Tạng.
Từ Dharamshala, ông Lobsang Sangay đề nghị Liên Hiệp Quốc gởi báo cáo viên đặc biệt đến thăm Tây Tạng. Ông kêu gọi thành phần nhân sự lãnh đạo Trung Quốc sắp thay thế Hồ Cẩm Đào phải nhìn nhận chính sách đàn áp đã thất bại, và thay thế nó bằng một giải pháp trung dung : nhìn nhận nền tự trị của Tây Tạng.
Tại New York, vợ của nhà điện ảnh Tây Tạng Dhondup Wangchen bị cầm tù cũng lên án Bắc Kinh là cội nguồn của làn sóng tự thiêu. Theo AFP, trong niềm xúc động, bà Lhamsoto kêu gọi tự do cho chồng và tất cả tù nhân chính trị. Cuốn phim tài liệu « Vượt lên nỗi sợ » do chồng bà thực hiện bí mật đã được trình chiếu trong cuộc họp báo.
Trong khi đó tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố là cần phải duy trì « ổn định và hài hòa » ở Tây Tạng.
Chủ tịch Trung Quốc không lạ gì tình hình Tây Tạng, nơi mà 20 năm trước đây ông đã chỉ huy một cuộc đàn áp thẳng tay, mà nhiều nguồn tin nhân quyền nói là có 130 nạn nhân tử vong. Theo nhiều nhà quan sát, sự kiện này đã giúp Hồ Cẩm Đào thăng quan tiến chức một cách nhanh chóng.
Vào tháng Ba năm 2008, những cuộc biểu tình của tu sĩ tại Lhassa nhân kỷ niệm 49 năm cuộc nổi dậy và 49 năm lưu vong của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã biến thành bạo động tấn công hàng quán người Hán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét