Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Bất an về điện hạt nhân lan rộng





Nhà nghiên cứu văn hóa gốc Chăm Inrasara



“Chẳng hạn như về kỹ thuật đảm bảo, nhân lực đảm bảo, nhưng về thiên tai như sự cố ở Nhật Bản thì làm sao đảm bảo được?” – Nhà nghiên cứu Inrasara
Một nhà nghiên cứu văn hóa Chăm cho BBC hay người dân Ninh Thuận, đặc biệt là cộng đồng người Chăm đang quan ngại và cảm thấy “bất an” về dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam đặt tại tỉnh này, một năm sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản.
Nhà thơ và nhà nghiên cứu gốc Chăm, ông Inrasara nói với BBC nhân đánh dấu một năm sự cố thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima (11/3/2011) rằng 90% người dân Ninh Thuận đang sống trong các làng mạc chỉ nằm cách nơi định xây nhà máy điện hạt nhân chừng 20-30 km.
Nhà nghiên cứu khẳng định nếu sự cố xảy ra, chắc chắn người dân địa phương, đồng bào Kinh, cũng như cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận sẽ bị “tác động” và ảnh hưởng nghiêm trọng.
Riêng người Chăm, theo ông, sự ảnh hưởng có thể liên quan tới các khía cạnh quan ngại tính mạng, xáo trộn văn hóa, kinh tế, truyền thống và tôn giáo, tâm linh.
“Tôi thấy sự bất an tràn lan trong dân tộc Chăm. Nhà máy điện hạt nhân, các làng Chăm đều xoay xung quanh nó. Có thể nói làng gần nhất cách nhà máy điện hạt nhân đầu tiên dự trù xây ở Ninh Thuận là 5 cây số.

“Rất nhiều làng Chăm quanh đó, từ 10 cây cho tới 15, 20 cây số. Có thể nói 90% dân Ninh Thuận đều cách nhà máy điện hạt nhân từ 20-30 cây số. Chính điều đó làm cho họ bất an.
“Tôi chỉ nói một cách chân thành nhất về sự bất an của đồng bào mà khi có sự cố điện hạt nhân Fukushima thì nỗi bất an này ngày một lớn rộng.”
“Chẳng hạn như về kỹ thuật đảm bảo, nhân lực đảm bảo, nhưng về thiên tai như sự cố ở Nhật Bản thì làm sao đảm bảo được?”
Nhà nghiên cứu Inrasara
Ông Inrasara nói nhà nước chọn Ninh Thuận để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vì ba lý do chính, theo đó đây là khu vực “có ít cư dân nhất”, “thềm lục địa vững chắc” và có đủ “các yếu tố vận chuyển” phục vụ vận hành “được tốt đẹp nhất.”
Tuy nhiên ông cho biết: “Điều quan trọng là không ít người Chăm nghĩ rằng nó sẽ có tác động. Và mặc dù các nhà chức trách có nói rất ít, qua hai cuộc họp giới trí thức Chăm ở Ninh Thuận, nhưng qua sự cố ở Fukushima đồng bào thấy là nó không đảm bảo gì hết.
“Chẳng hạn như về kỹ thuật đảm bảo, nhân lực đảm bảo, nhưng về thiên tai như sự cố ở Nhật Bản thì làm sao đảm bảo được?,” ông Inrasara đặt câu hỏi.
“Chưa có tiếng nói”

Một bác sỹ người Nhật đang kiểm tra độ bức xạ hạt nhân ở người hôm 09/3/2012, một năm sự cố Fukushima.
Trước câu hỏi nếu cảm thấy bất an, người dân và cử tri Ninh Thuận, trong đó có đồng bào Chăm, nên làm gì, nhà nghiên cứu gốc Chăm nói:
“Tôi có đặt vấn đề với người hữu trách, tôi nói bây giờ đồng bào bất an như vậy, các vị cần làm gì để cho đồng bào khỏi bất an. Có lần tôi đã tổ chức cho anh em một cuộc gặp mặt ở nhà tôi, khoảng 30 người, nhưng vẫn không có một sự giải thích thỏa đáng.
“Và dường như Đại biểu Quốc Hội Chăm cũng chưa nói trực tiếp với đồng bào Chăm về chuyện đó. Họ chỉ nói phong thanh, truyền tai nhau nghe về sự bất an này. Còn chính phủ đã làm gì với đồng bào thì cái đó ngoài tầm hiểu biết của chúng tôi.”
Ông Inrasara hé lộ một vấn đề đối với cộng đồng Chăm hiện nay về việc “lên tiếng: “Ở ngoài lề thì mọi người có nói, nhưng ai sẽ đứng ra? Vấn đề là như vậy. Người Chăm có một bộ phận trí thức đã có thể nói tiếng nói của mình chưa? Cái đó thì chưa.
“Họ (cử tri) nói qua Đại biểu Quốc hội, người đại diện cho họ. Nhưng Đại biểu Quốc hội lại dường như chưa có mặt trong các làng xóm Chăm, mà ngay cả người như tôi cũng rất khó gặp mặt”
Ông Inrasara
“Còn Đại biểu Quốc hội của Chăm, tiếng nói cũng không có trọng lượng và tiếng nói với quần chúng Chăm cũng rất yếu. Có thể nói là chưa có tiếng nói gì cụ thể. Mặc dù người Chăm có học rất nhiều, nhưng quần chúng vẫn gần như chưa có một tiếng nói quyết định.”
Ông Inrasara giải thích thêm: “Họ (cử tri) nói qua Đại biểu Quốc hội, người đại diện cho họ. Nhưng Đại biểu Quốc hội lại dường như chưa có mặt trong các làng xóm Chăm, mà ngay cả người như tôi cũng rất khó gặp mặt, thì làm sao họ có thể chuyển tải được tiếng nói để cơ quan trung ương biết được nỗi lòng, biết được sự lo lắng và bất an của đồng bào.”
Nhà nghiên cứu nói trong thời gian tới, ông và một số trí thức Chăm dự định “nói chuyện” với Đại biểu Quốc hội người Chăm để gửi tiếng nói tới “người đại biểu của dân tộc mình.” Nhưng ông bình luận thêm:
“Điều quan trọng là Đại biểu Quốc hội của tỉnh Ninh Thuận mà cụ thể hơn là Đại biểu Quốc hội đại diện cho đồng bào Chăm đã có ý kiến gì với đồng bào chưa? Cái đó mới quan trọng. Nếu họ đại diện, mà đại diện chính thức, đại diện rất sòng phẳng thì ý kiến của một đại biểu này thôi cũng có một ý nghĩa rất quyết định.”
“Phải trưng cầu dân ý

Một trạm phát điện hạt nhân ở nhà máy Fukushima Dai-ichi bị phá hủy ngay sau sự cố xảy ra một năm về trước.
Được hỏi có nên yêu cầu trưng cầu dân ý về xây hai nhà máy điện hạt nhân hay tại Ninh Thuận hay không, ông Inrasara nói: “Điều này động đến hai vấn đề rất lớn là đời sống của đồng bào, đồng thời là vấn đề tâm linh của một dân tộc, vùng đất đó họ đã sống rất lâu đời, 2000 năm nay. Nên chuyện đó rất là cần thiết.”
Nhà nghiên cứu lưu ý hai điều kiện trong trường hợp có trưng cầu dân ý. Ông nói: “Khi mọi người bất an, thì họ sẽ có một thái độ. Nhưng thứ nhất làm sao cung cấp đầy đủ thông tin tới họ, không thiếu sót cái gì.
“Thứ hai, làm sao để có được một không khí cởi mở để họ có thể nói được tấm lòng mình, nếu trưng cầu dân ý, họ dám nói lên ý kiến của mình. Còn nếu chúng ta chỉ đưa thông tin nhỏ lẻ, thông tin một chiều, hoặc thông tin chưa đầy đủ, e rằng sẽ rất khó.
“Tiếp nữa, khi đồng bào chưa hiểu rõ về ý thức dân chủ, về ý thức quyền tự quyết của một công dân. Cái đó cũng là một trở ngại. Khi giải quyết xong hai yếu tố đó, mới có thể đưa đến một sự nhất quán về vấn đề nào đó, để họ có thể tự do bày tỏ ý kiến của mình.”
Được biết, theo một nghị quyết được 77% Đại biểu Quốc hội thông qua, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ bao gồm 2 nhà máy. Mỗi nhà máy có 2 tổ máy, công suất 2.000 MW. Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.
Nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Thời điểm khởi công sẽ được xác định rõ thêm sau căn cứ vào tình hình chuẩn bị, với Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định.
Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam cũng nêu sẽ “chọn công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư”. Tổng mức đầu tư dự toán 200.000 tỷ đồng.
Ủng hộ hay phản đối điện hạt nhân và dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận vẫn đang là đề tài tranh cãi, gây chú ý của nhiều người Việt Nam trong, ngoài nước và dư luận xã hội. Bbbvietnamese.com sẽ tiếp tục giới thiệu các ý kiến đa chiều xung quanh chủ đề này, mời quý vị đón theo dõi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét