Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Chuẩn không cần chỉnh

Tô Văn Trường

Dự báo nền kinh tế Việt Nam, là câu chuyện thường ngày ở huyện của mọi người dân kể cả các bà nội trợ cho nên có ý kiến cho rằng các thày bói Việt Nam kể cả chuyên gia khi dự báo về kinh tế thì “chuẩn không cần chỉnh”!
Trước khi bàn luận về bài toán kinh tế, xin kể câu chuyện của các chuyên gia về cơ học đất, địa chất nền móng đang thảo luận về tính toán chuyển vị của cọc (ăn cơm dân gian nói chuyện âm phủ)! Có ý kiến cho rằng khi đóng cọc vào nền đất giống như cái chuyện nhét một cái gì đó vào môi trường tự nhiên thì sẽ xảy ra câu chuyện chiếm không gian dẫn đến cái môi trường đó sẽ có dịch chuyển để nhường chỗ (không nhường cũng không được) cho cái vật chen vào. Việc hạ cọc bao gồm cả đóng và ép. Cái bài toán này cho cọc đã được người ta nghiên cứu cả lý thuyết lẫn thực nghiệm từ lâu lắm rồi, từ những năm 70 của tận thế kỷ 20. Về mặt nguyên lý, khi đột nhiên có cái sự chiếm chỗ thì vật chất của cái môi trường bị chiếm chỗ sẽ có xu hướng chạy tán loạn theo đủ mọi phương, lên trên, xuống dưới, trái, phải, đủ cả. Mặc dù muốn chạy nhưng nó chỉ có thể chạy được khi lực cản lại yếu hơn cái anh lực chiếm chỗ. Với cọc đóng và ép thì vùng đất gần cọc sẽ dịch chuyển nhiều trong quá trình hạ cọc và giảm đi theo tỷ lệ gần với bình phương của khoảng cách đến cọc. Cái nơi mà ít bị cản nhất lại chính là bề mặt đất. Do dịch chuyển ngang của đất bé nên dịch chuyển ngang của cọc cũng bé theo. Dịch chuyển trồi lên của cọc là đáng kể. Theo các tính toán và quan trắc tại một số hiện trường thì cái anh trồi cọc này lớn, có nơi lên đến 70 cm. Lúc này thì khó mà có thể gân cổ cãi rằng đã làm đảm bảo chất lượng thi công được nữa. Để khắc phục vấn đề này thì trong thực tế người ta đã làm theo 2 cách. Cách 1 là tiến hành đóng vỗ hoặc ép lại các cọc bị trồi lên. Cách 2 đã được áp dụng ở nhiều nơi là cấm quan trắc cọc trồi lên hoặc nếu lỡ có quan trắc rồi thì cất cái kết quả quan trắc đó đi không phổ biến. Cách này có ưu điểm là làm cho các nhà lãnh đạo thấy an tâm vui vẻ phấn khởi khi thấy tiến độ công trình chạy phăm phăm.

Có chuyên gia khuyên về cái việc phương pháp tính toán này thì bạn chẳng phải ngại. Bạn có thể bịa ra bất cứ phương pháp nào để tính sao cho thấy nó hợp lý và nhiều người chấp nhận ít người phản đối là được. Kiểu gì thì kết quả tính được rồi cũng sẽ sai so với thực tế quan trắc mà thôi. Lúc này bạn sẽ tiến hành “hiệu chỉnh”. Sau nhiều lần tính toán và “hiệu chỉnh” thì bạn có thể tiến hành dự báo được cho các công trình sắp thi công. Thật ra thì các phương pháp tính toán trong Cơ học đất vào lúc ban đầu người ta cũng đều bịa ra cả đấy thôi. Thế rồi cứ “hiệu chỉnh” dần mới được như ngày nay. Vậy thì ta cũng có thể bịa ra được. Chỉ có điều là có được chấp nhận hay không mà thôi. Muốn được chấp nhận thì có 2 cách. Cách 1 là làm việc thật nghiêm túc tìm ra phương pháp tính hợp lý và “hiệu chỉnh” thật sự để rồi có khả năng dự báo tốt thì sẽ chấp nhận nhưng mà cách này mệt lắm và không oách. Có cách 2 đơn giản hơn và oách hơn là làm sao đó cho có uy văn tín, nói ra không ai dám phản đối thì cách tính của mình sẽ được vỗ tay hoan hô.
Có một cách đơn giản để giải bài toán chiếm chỗ của cọc này là sử dụng phần mềm Plaxis để tính. Mọi cái đều có sẵn trong đó cả, chỉ cần loay hoay một chút là ra được kết quả phù hợp với quy luật dịch chuyển quan trắc nhưng giá trị thì thỉnh thoảng mới thấy giông giống. Về cái chuyện dịch chuyển của đất và cọc đã hạ lân cận các cọc đang được hạ thì phương pháp đóng và ép có chỗ khác nhau rất lớn. Cái việc chiếm chỗ không gian của cọc thi công theo đóng và ép thì cũng na ná như nhau nhưng cái tải trọng của thiết bị thi công gây nên dịch chuyển nền đất thì rất khác nhau. Máy đóng cọc đâu chỉ có vài chục tấn trong khi máy ép cọc lại nặng đến vài trăm tấn bởi có đối trọng chất lên. Cái tải trọng này đã làm cho các cọc lân cận dịch chuyển cả đứng và ngang là đáng kể. Có nơi như ở Phú Mỹ Thuận, ở thành phố Hồ Chí Minh đầu cọc chạy đi khoảng 1,5 m so với vị trí được hạ trước đó. Cái dở của cái phương pháp ép này là rất khó cho máy ép cọc chạy đi chạy lại để ép lại giống như đóng vỗ của phương pháp đóng cọc bởi đầu cọc đã bị cắt đi mất rồi. Để giải cái bài toán tác động của trọng lượng máy ép cọc đến dịch chuyển của đất và cọc lân cận thì có thể dùng Plaxis được. Tất nhiên là phải loay hoay cải tiến một chút giống như bài toán chiếm chỗ không gian đã nêu ở trên thì mới có thể giải được bài toán. Tóm lại là không có việc gì khó cả, chỉ sợ ….và sợ tính sai mà thôi!
Từ câu chuyện về địa chất nền móng ở trên, mà đằng nào thì rồi cũng sai nên thôi không việc gì mà phải sợ nữa!?. Nhìn lại bài toán dự báo kinh tế năm 2012 của các chuyên gia, nhận thấy đang có những đánh giá trái chiều nhau, đại thể có hai luồng. Theo luồng của các quan chức thì tuy có nói đến khó khăn thách thức nhưng thường tô đậm một số chuyển biến bước đầu để chứng minh sự chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ. Luồng của dân, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế độc lập thì đánh giá xấu hơn. Trong bài viết 5 điểm về kinh tế Việt nam 2012 của Alan Phan ( Nhà nước sẽ can thiệp mạnh hơn vào vận hành kinh tế; Vàng và dầu sẽ gây lao đao cho tỷ giá và lạm phát; Các phi vụ M&A sẽ gia tăng mạnh; Hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập gây khó khăn cho hàng nội địa; Thị trường bất động sản có thể thoát hiểm với luật đất đai mới.) là những phân tích đánh giá có căn cứ thực tế nhưng chưa phải là bức tranh toàn cảnh bởi vì còn phải thấy sản xuất đang giảm sút, doanh nghiệp phá sản và nằm im ngày một tăng lên, kéo theo tình trạng mất việc làm càng trầm trọng, nợ xấu ở mức nghiêm trọng, nhiều ngân hàng khó khăn về thanh khoản. Điều đó, có nghĩa là khả năng lạm phát sẽ cao, tăng trưởng thấp, kinh tế vĩ mô không ổn định đang có nhiều dấu hiệu rõ nét. Gắn với kinh tế và đời sống khó khăn là sự tiếp tục xuống cấp về xã hội, văn hóa tới mức nghiêm trọng trên nhiều mặt, lòng dân không yên. Lối ra không thể chỉ dựa vào biện pháp trước mắt mà phải đổi mới sâu rộng, toàn diện đặc biệt là đổi mới kinh tế, xã hội phải gắn với (dựa vào) đổi mới chính trị, thực hiện dân chủ, giải phóng sức dân cả về vật chất, trí tuệ và tinh thần làm cơ sở cho việc đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền, làm trong sạch bộ máy cầm quyền. Nghị quyết Đại hội XI đã nêu quan điểm phát triển phải kết hợp đồng bộ đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, nhưng 4 kỳ hội nghị Ban chấp hành Trung ương vừa qua chưa nói gì đến đổi mới chính trị một cách rõ ràng, đầy đủ.
Ngay cách hiểu về lý thuyết lạm phát trong các chuyên gia kinh tế cũng khác nhau. Có ý kiến cho rằng những số liệu thống kê của ta độ tin cậy rất yếu kể cả con số lạm phát năm ngoái hơn 18%? Còn tín dụng thì con số thống kê có lẽ cũng thế. Vả lại các mô hình về lạm phát và tín dụng thì ở ta có thể khác vì ở ta kênh huy động vốn chính là tín dụng. Bởi thế cho nên mối quan hệ giữa M2 và lạm phát thì nhất quán hơn trong các mô hình. Có ý kiến nghi ngờ về kết quả tính toán của mô hình bởi vì tình hình lạm phát của Việt Nam nguyên nhân sâu xa là do đầu tư không hiệu quả. Qua một thời gian thắt chặt tín dụng và bóp chết sản xuất (phía cung) có 2 vấn đề cần đặt ra nếu Chính phủ không sớm nhận ra sẽ còn nguy hiểm hơn cả lạm phát đó là giảm sức mua và sản xuất đình đốn và một vòng xoay lại bắt đầu.
Tham vấn chuyên gia quốc tế, tôi nhận thấy có cách hiểu khác là nếu muốn bịp về tốc độ lạm phát năm thì hàng tháng phải thay đổi theo chủ ý, vì tốc độ lạm phát năm tính từ tốc độ lạm phát tháng. Có 2 cách tính tốc độ lạm phát tùy theo mục đích. Thứ nhất lấy tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm ngoái, phương pháp này dễ hiểu nhưng không nói lên được những tháng giữa năm lạm phát tăng thật cao nhưng đến tháng 12 thì giảm. Thứ hai lấy từng tháng năm sau so với từng tháng năm trước rồi sau đó lấy bình quân. Cách thứ hai khó làm và khó hiểu nhưng đây là phương pháp thế giới sử dụng. Như vậy, nếu làm sai phương pháp thì là chuyện do nhân thức, góc nhìn khác nhau.
Trong chính sách kinh tế, người cuối cùng cần nghe là doanh nghiệp bởi vì họ chỉ hành động theo lợi ích của chính họ. Tất nhiên có vấn đề chính trị mà các nhà chính trị phải đối phó khi làm chính sách nhưng đó là chuyện khác.
Lạm phát ở Việt Nam phải chăng là do phát hành tiền và tăng tín dụng quá đáng. Không thể tăng năng suất để giảm lạm phát. Năng suất ở Việt nam trung bình tăng khoảng 5-6% cho đến mới đây và đang xuống mức 3%. Như vậy giảm năng suất chỉ tạo ra 3% lạm phát nếu mức tiền tệ tăng như cũ. Khi lạm phát tăng đến 19-20% thì nguyên nhân là ở tăng tín dụng. Càng lạm phát thì có 2 khuynh hướng tạo ra. (1) Những người giầu có, chạy mua địa ốc, giá chứng khoán xuống, không ai muốn đầu tư (2) Những người nghèo và trung lưu, lương thật sự giảm và do đó phải giảm chi tiêu. Đa số là người nghèo do đó mà chi tiêu giảm. Khi đánh vào lạm phát, nhìn chung thì số người ở khu vực 1 (giàu có) sẽ thiệt cho nên các nhóm lợi ích càng cố lobby đòi chính phủ tăng tín dụng, bởi vì thật ra nhóm này đâu có tham gia vào sản xuất, mà chủ yếu đẩy giá ăn chênh lệch (nhất là địa ốc) hoặc cho vay nặng lãi. Chỉ khi nào tình hình giá cả ổn định thì lúc đó mới nói đến tăng sản xuất.
Riêng vấn đề tăng giá xăng, nên tham khảo thông tin giá xăng (không cồn) ở Lào và Thái cũng là 28 ngàn rồi. PVoil hiện nay khoái bán xăng cho Lào hơn là bán cho Petrolimex. Ở Lào xăng thả nổi theo thị trường nhưng lạm phát cũng chỉ có 7%, Thái Lan cũng chỉ dưới 5%. Trớ trêu là ở nước ta dù có “nhào nặn” con số lạm phát vẫn còn đến 18,6% thì ắt hẳn là có những nguyên nhân khác. Điều mà Chính phủ cần làm là tạo ra thị trường cạnh tranh như tách đôi Petrolimex thì lại không làm!? Cái mà Chính phủ không cần làm là đặt ra lãi định mức tính bằng VND/lít xăng dầu. Đúng ra lãi đó phải tính theo % giá xăng còn fix 300 VND từ đời tám hoánh nào thì chả khác gì buộc các đại lý phải “ăn gian” mới bù được chi phí mở cây xăng. Dù là chưa bù lỗ nhưng giảm thuế xăng cũng là gián tiếp đánh thuế vào những thứ khác để bù cho xăng dầu. Trong khi đó, thuế thu từ xăng dầu là dễ nhất và có chi phí thu thấp nhất, so với phí thu theo đầu xe mà Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải Đinh La Thăng đang đề xuất.
Có thể nhận thấy sản xuất của Việt Nam trong Quý I năm 2012 đình trệ trầm trọng. Nếu sắp đến, GSO lại công bố tăng trưởng bằng một con số khoảng 5 – 6% thì chỉ là con số “tự suớng”!
Nói tóm lại: Chuẩn không cần chỉnh! Những chuyện bói toán kinh tế, tôi thấy không có giá trị dù phần nào nói lên sự mất tin tưởng vào điều hành bài toán ổn định và phát triển của đất nước. Người dân nhận thấy thiết thực nhất là yêu cầu phải chấm dứt lạm phát. Muốn tăng trưởng cao hơn bắt buộc phải tăng năng suất. Nếu nhằm vào chính sách cứu đại gia chứng khoán và địa ốc thì kinh tế khó lòng mà ổn định. Chính phủ chỉ có một cách chọn lựa nếu muốn giữ được niềm tin trong dân chúng thì không thể đưa ra các cơ chế, chính sách chỉ nhằm cứu các “đại gia”!
(Bản gốc của tác giả)
Theo: Blog NLG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét