Pages

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

“Bỏ phiếu bằng chân”

Nguyễn Quang A

“Bỏ phiếu bằng chân” là lặng lẽ (hoặc thi thoảng ồn ào) rời khỏi nơi nào đó, một cửa hàng, một nơi làm việc, thậm chí một nước, để bày tỏ thái độ. Đó là một lựa chọn, một quyền đôi khi rất mạnh và rất hữu hiệu của con người mà khỏi phải tranh cãi, nêu lý lẽ dài dòng.
Về mặt kinh tế học, hiện tượng này đã được Albert Hirschman nghiên cứu kỹ trong cuốn “Exit, Voice, and Loyalty” (Đi khỏi, Tiếng nói, và Lòng trung thành) xuất bản năm 1970 của ông. Người tiêu dùng, người mua, với quyền lựa chọn của mình, có thể lặng lẽ chuyển sang mua hàng hay dịch vụ của nhà cung cấp khác mà khỏi phải to tiếng phản đối nhà cung cấp cũ. Đấy là một cơ chế thúc đẩy phát triển rất mạnh mẽ của thị trường và cũng có thể áp dụng ở các lĩnh vực khác. Nếu họ ý thức được sức mạnh của “quyền bỏ phiếu bằng chân” này họ có thể góp phần làm thay đổi xã hội một cách mạnh mẽ.

Người ta có thể dùng quyền bỏ phiếu bằng chân của mình không chỉ khi đối mặt với các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ, đối với các đối tác, mà cả với những người sử dụng lao động và thậm chí đối với cả chính quyền nữa.
Trong bài “Nghịch lý lương” của tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, tác giả [hay/và tòa soạn] đã nhấn mạnh, “Lương của 1 vị tiến sỹ, trưởng phòng nghiên cứu khoa học có thâm niên trên 20 năm cũng chỉ bằng lương của một “osin” trong gia đình trung lưu hiện nay và thấp hơn lương trung bình của một lái xe taxi…”.
Đúng là hết sức nghịch lý. Không rõ vị tiến sỹ mà tác giả lấy làm điển hình ấy có ý thức được quyền “bỏ phiếu bằng chân” của mình hay không? Vị ấy hoàn toàn có thể lựa chọn bỏ cái “cơ quan” ấy, để đi làm ở chỗ khác có lương cao hơn, bằng cách đó báo động cho cơ quan rằng chính sách lương của nó có vấn đề, và việc cảnh báo ấy là có ích về mặt xã hội.
Như tác giả cũng nhắc đến, có thể lương thì thấp, còn thu nhập thì ngất ngưởng ở các cơ quan nhà nước khiến cho vị tiến sỹ ấy rất vui lòng làm việc ở đó. Hay vị tiến sỹ ấy thực ra cũng chẳng có năng lực gì nên mới cam chịu làm việc 20 năm ở một cơ quan như thế, và trong trường hợp ấy lẽ ra lương cho vị tiến sỹ chỉ nên trả bằng một phần ba lương của “Ôsin” để cảnh báo vị ấy đừng ngồi đó làm mất chỗ của người khác. Trong các trường hợp này vị tiến sỹ chẳng có gì phải than phiền.
Thậm chí người ta có thể rút lui, “bỏ phiếu bằng chân”, để từ chối quyền làm chủ, quyền sở hữu. Các bạn bè hùn vốn lập công ty trách nhiệm hữu hạn để làm ăn. Lúc nảy ra tranh chấp, hay khó khăn, một người có thể chuyển nhượng phần hùn của mình cho người khác để rút lui mà khỏi phải cãi cọ om sòm. Việc này không phải lúc nào cũng dễ. Liệu có ai nhận chuyển nhượng không? Họ có trả giá xứng đáng không? Điều lệ của công ty có cho phép đối tác ngăn cản sự chuyển nhượng như vậy hay không? Và vân vân. Công ty cổ phần và việc niêm yết công ty trên thị trường chứng khoán giúp các “ông chủ” rút lui, “bỏ phiếu bằng chân” dễ dàng hơn rất nhiều (và đó cũng là một lý do cho sự tồn tại của thị trường chứng khoán, tạo ra cách để các ông bà chủ rút lui một cách văn minh).
Sự di cư cũng có thể có khía cạnh “bỏ phiếu bằng chân” của nó. Tại địa phương mà công việc làm ăn khó khăn, hay người ta không ưa chính sách của chính quyền sở tại, hay vì nhiều lý do khác, và người ta rời bỏ đến chỗ khác định cư, làm ăn. Thông tin về di cư cũng là thông tin hữu ích để đánh giá về mặt chính sách ở nơi đó có thuận lợi hay không, có tạo ra môi trường “đất lành chim đậu” hay không. Cũng có khi sự quẫn bách buộc người ta phải di cư, và đó là một trong những biểu hiện cực đoan của quyền bỏ phiếu bằng chân.
Tất nhiên, lựa chọn, quyền “bỏ phiếu bằng chân” là chỉ là một trong những lựa chọn, một trong những quyền, mà chúng ta có thể có, và nhiều khi là những lựa chọn bất đắc dĩ. Tuy nhiên, đó là lựa chọn và quyền hết sức mạnh mẽ. Khi người dân ý thức được quyền đó của mình, họ sẽ có thêm khả năng lựa chọn, quyền tự do (hiểu theo khía cạnh quyền được lựa chọn) của người đó tăng lên. Nhất là khi quyền tự tổ chức, cũng là một quyền con người cơ bản, được đảm bảo, hay được giành lấy qua đấu tranh, thì quyền biểu quyết bằng chân khó có thể bị bất cứ ai bỏ qua.
Những người tiêu dùng có thể tổ chức (một cách tự phát hay có ý thức) việc tẩy chay. Khi nghe nói về thịt lợn nạc có thể do người chăn nuôi sử dụng thuốc kích thích “siêu nạc”, các bà nội trợ do e sợ mà ít mua thịt lợn, đó cũng là cách “bỏ phiếu bằng chân” tự phát, không có tổ chức, nhưng có thể rất hiệu quả hay có thể gây tác hại khôn lường như làm phá sản những người chăn nuôi tử tế. Nếu những người chăn nuôi không lập các tổ chức của chính mình để ngăn nhau, giám sát nhau đừng sử dụng các chất kích thích như vậy hay cố giữ an toàn vệ sinh thực phẩm, loại trừ các thành viên sử dụng thuốc kích thích, thì họ đã bỏ qua cách tốt nhất để chống việc “bỏ phiếu bằng chân” của người tiêu dùng gây hại cho họ. Nhà nước nên có chính sách ủng hộ việc làm đó.
Có thể thấy, chính sách của nhà nước là hết sức quan trọng để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền này của mình. Từ việc cho phép các tổ chức xã hội dân sự phát triển, đến việc cung cấp thông tin, cũng như các biện pháp khác để người dân có thể thực hiện, hay đấu tranh để đòi thực hiện các quyền con người, trong đó có quyền “bỏ phiếu bằng chân”, của mình, cũng như để khắc phục các tác hại mà việc sử dụng quyền ấy khi thiếu thông tin xác đáng gây ra. Làm được vậy là góp phần dắc lực vào sự phát triển đất nước.
Theo: LĐ Cuối tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét