Pages

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Đi thăm Cù Huy Hà Vũ

Phạm Đình Trọng
 
Đã sang xuân nhưng vẫn còn những đợt rét dai dẳng. Năm giờ sáng, đường phố Hà Nội còn chìm trong bóng đêm và giấc ngủ sâu. Quầng sáng từ những ngọn đèn cao áp thả xuống đường như càng sáng trắng hơn, lung linh hơn. Chúng tôi lên ô tô của ông chủ doanh nghiệp Phan Trọng Khang rời Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ ở 24 phố Điện Biên Phủ đi thăm người tù nổi tiếng Cù Huy Hà Vũ.
Ông chủ xe Phan Trọng Khang ngồi ghế lái. Người vợ hiền của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà ngồi ghế bên. Hàng ghế sau có ba người: Người phụ nữ trẻ sắp làm mẹ, sắp cho tiến sĩ Vũ, luật sư Hà đứa cháu đích tôn, cô con dâu Hoàng Kim Thanh, nhà giáo tám mươi mốt tuổi vẫn đang say nghề Phạm Toàn và tôi, người lính từ một thời bom đạn Phạm Đình Trọng.
Đã nhìn thấy những ống khói lò gạch cao vút ở Chương Mỹ, trời mới tang tảng sáng. Nhìn những tên đất trên những bảng hiệu bên đường: Hà Đông, Chương Mỹ, Lương Sơn…, tôi lại nhớ chặng đường khởi đầu con đường ra trận của tôi thời trai trẻ ngày chiến tranh. Từ doanh trại dã chiến trong rừng Lương Sơn, Hòa Bình, chúng tôi đeo ba lô trước ngực, máy thông tin cỏng trên lưng, nối hàng một trong đội hình một tiểu đoàn thông tin, lội qua suối ra đường số Sáu, qua thị trấn đìu hiu Lương Sơn, qua cánh đồng hun hút gió bấc Chương Mỹ, qua những mái tranh nghèo xơ xác trong những làng mạc thân thuộc, dừng lại hai ngày ở làng cổ Nhị Khê, Thường Tín, ngày đó còn thuộc tỉnh Hà Tây, rồi lên xe lửa vào thành phố Vinh đổ nát tan hoang, chuyển sang ô tô chạy vào đất Quảng Bình ngổn ngang hố bom, xuống ca nô ở dòng sông Gianh lịch sử chạy đến làng Ho gần biên giới Việt – Lào. Kết thúc chặng đường ca nô ngắn ngủi, bắt đầu chặng cuốc bộ dằng dặc trên những sườn núi chót vót chon von.
Hơn bốn mươi năm sau tôi lại được đi lại chặng đường khởi đầu con đường ra trận xa lắc xa lơ trong không gian ngày ấy, xa lắc xa lơ trong thời gian hôm nay. Ngày ấy, sức nặng hơn bốn mươi kilogam của ba lô, máy móc, súng đạn đè trên vai, chúng tôi đi trên con đường mòn chênh vênh bằng ý chí, bằng tình yêu nước, dù canh cánh trong lòng nỗi xót thương người Mẹ lủi thủi, đơn độc ở thành phố quê hương mà tôi vẫn thấy con đường tôi đi là đương nhiên, không thể không đi. Hôm nay, đi thăm người bạn phải ngồi tù vì sự khẳng khái, trung thực, vì mãnh liệt tình yêu nước, tôi vẫn đi với nguyên vẹn lòng yêu nước như ngày nào nhưng ngồi trong ô tô máy lạnh chạy bon bon trên con đường thênh thang mà lòng tôi nặng trĩu nỗi buồn, gập ghềnh nỗi lo âu khắc khoải và nhức nhối nỗi đau!
Hơn bốn mươi năm trước tôi đi chặng đường này trong nỗi xót thương người Mẹ nhỏ bé của tôi. Tôi đi vào bom đạn, đi vào cái chết, đi vào vô định để Mẹ tôi âm thầm, vò võ lo âu. Hôm nay tôi đi trong nỗi xót thương người Mẹ Tổ quốc Việt Nam lớn lao của tôi.
Những người con khẳng khái, trung thực, nồng nàn lòng yêu nước như tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, như blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, như người mẹ giỏi giang Bùi Thị Minh Hằng, như cô gái trung trinh Phạm Thanh Nghiên, như người cán bộ sắc sảo, chân thực Vi Đức Hồi, như những luật sư tài ba Phan Thanh Hải, Lê Công Định, như người trai ưu tú, khí phách Trần Huỳnh Duy Thức, như cô gái tận tụy vì mọi người Trần Thị Minh Hạnh… đều bị tống vào ngục tù chỉ vì những tội vu vơ, áp đặt “Tuyên truyền chống nhà nước” thì người Mẹ Tổ quốc Việt Nam của tôi sẽ ra sao?
Những kẻ mất gốc đã đặt lợi ích của một giai cấp mơ hồ, nhất thời, giai cấp vô sản thế giới, đã đặt lợi ích của một phe nhóm xôi thịt lên trên lợi ích sống còn của cả dân tộc Việt Nam, đã cắt đất đai xương máu của tổ tiên Việt Nam cho nước ngoài, những người vong nô đó đang quản lý đất nước, đang đàn áp, tù đày những người dân thẳng thắn bộc lộ lòng yêu nước thì người Mẹ Tổ quốc Việt Nam của tôi sẽ ra sao?
Những kẻ nắm quyền lực nhà nước chỉ lo bòn rút tài sản nhà nước, cướp bóc đất đai của dân, đang lộng hành khắp mọi miền đất nước thì người Mẹ Tổ quốc Việt Nam của tôi sẽ ra sao?
Những kẻ hưởng lương cao, lộc lớn từ tiền thuế của dân nhưng lại tráo trở coi dân là các thế lực thù địch, thẳng tay đàn áp dân. Những kẻ như trung tá công an Nguyễn Văn Ninh ở ngay thủ đô ngàn năm văn hiến mà hùng hổ đánh gãy cổ người dân vô tội ngay trên đường phố. Những kẻ như đại tá Đỗ Hữu Ca, giám đốc công an thành phố lớn Hải Phòng huy động hàng trăm công an bao vây xả súng vào ngôi nhà của gia đình người nông dân lương thiện Đoàn Văn Vươn rồi nhơn nhơn, hí hửng, huênh hoang coi việc bắn vào dân là một chiến công, một trận đánh đẹp mẫu mực phải đưa vào sách giáo khoa của trường công an! Những kẻ không còn tính người đó, những kẻ không còn chút tâm hồn Việt Nam đó đang được dung túng, đang được tin dùng thì người Mẹ Tổ quốc Việt Nam của tôi sẽ ra sao?
Đến với những người con yêu của dân tộc Việt Nam đang phải ngồi tù vì lòng yêu nước không thể không có nỗi lo âu và nhức nhối những nỗi đau này.
Xe chúng tôi đi vào đường Hồ Chí Minh ở cuối huyện Chương Mỹ. Tôi không ngờ đường Hồ Chí Minh thênh thang chạy dọc phía tây hùng vĩ của đất nước lại dẫn tôi đến một nhà tù giam giữ người con của một gia đình có công lớn với nhà nước do Hồ Chí Minh dựng lên, có công lớn với chính nhà nước đã bỏ tù người con đó! Vì lòng yêu nước mà Hồ Chí Minh dựng lên sự nghiệp, dựng lên nước Việt Nam hôm nay. Cũng vì lòng yêu nước mà Cù Huy Hà Vũ bị nhà nước do Hồ Chí Minh dựng lên bỏ tù! Sự trớ trêu, tráo trở cay đắng đó đã nói lên một sự thật phũ phàng rằng nhà nước Việt Nam hôm nay không còn là nhà nước do Hồ Chí Minh dựng lên nữa rồi! Các nhà tù nghiệt ngã nhất ở Việt Nam đều đặt giữa rừng núi cô liêu phía tây đất nước vì thế đường Hồ Chí Minh không chỉ dẫn đến trại giam số Năm bên những dãy núi đá vôi xã Yên Giang, huyện Yên Định, Thanh Hóa, nơi giam giữ Cù Huy Hà Vũ mà còn dẫn đến nhiều trại giam khắc nghiệt khác trên đất nước này.
Rời đường Hồ Chí Minh, rẽ vào con đường tỉnh 518, xe chúng tôi chạy ngược những chiếc xe tải lặc lè chở đá từ trong núi ra. Chị Dương Hà trù tính thời gian đến trại giam sớm để cuộc gặp của chúng tôi với người tù khăng khăng không nhận tội Cù Huy Hà Vũ trong thong thả buổi sáng. Chín giờ xe chúng tôi đã dừng trước trụ cổng cao có tấm biển nhỏ màu xanh với hai hàng chữ trắng: Trại giam số 5. Phân trại 3. Mặt đỏ ửng vì khấp khởi sắp được gặp người chồng thân yêu, Dương Hà cầm sổ thăm nuôi và tập giấy chứng minh của những người đi thăm nuôi bước vào khung cổng nhỏ trước vọng gác. Dương Hà đã lui tới đây nhiều lần, tưởng rằng việc làm thủ tục sẽ rất nhanh nhưng chúng tôi ngồi lại xe phải đợi khá lâu mới thấy Dương Hà ra khỏi cổng, mặt còn đỏ gay gắt hơn lúc trước vì chị đang bừng bừng giận dữ: Họ không cho gặp! Mỗi tháng một lần thăm nuôi, từ trước đến giờ muốn đi ngày nào thì đi. Bây giờ họ lại bảo phải đủ một tháng mới được gặp. Các anh vào nói với họ xem sao.

Trong gian nhà nhỏ phía sau vọng gác có chiếc bàn và hai ghế dài hai bên. Hai người mặc sắc phục công an. Một người hàm trung tá, ngực áo gắn bảng tên Nguyễn Viết Phú 079 350, đầu đội mũ cối bộ đội. Một người hàm đại úy, không mang bảng tên. Cả hai ngồi về một phía bàn, khinh khỉnh nhìn cụ già ngoài tám mươi tuổi Phạm Toàn và tôi bước vào phòng, không một lời, không một cử chỉ xã giao. Họ coi cụ giáo Phạm Toàn và tôi như hai kẻ tù tội mà hàng ngày họ vẫn quát nạt, hạch xách nay đến van xin họ điều gì ư? Chào và bắt tay hai chức sắc trại giam, thầy giáo Phạm Toàn lúc gọi họ là bạn, lúc gọi là cậu, đưa họ vào câu chuyện thân tình, suồng sã. Đến khi nghe trung tá Phú vẻ giận dữ lớn tiếng trách Dương Hà lần thăm nuôi trước đã vi phạm qui định, đã lén chụp ảnh cuộc thăm nuôi đưa lên mạng làm cho họ bị phê bình thì tôi hiểu rằng họ bất ngờ đưa ra quy định mới, hôm nay không cho thăm nuôi chỉ để trả đũa việc hình ảnh ở trại giam của họ bị đưa lên mạng toàn cầu, tôi nói với trung tá Phú rằng: Anh Phú ạ, qui định mỗi lúc một thay đổi cũng như bộ quần áo công an anh mặc rồi cũng thay đổi. Không phải anh cứ là công an mãi. Rồi anh sẽ trở về làm dân. Chỉ có cái tình là không thay đổi, là còn mãi. Cư xử ở đời cần có tình người. Người đàn bà còn trẻ phải xa chồng đằng đẳng, phải đi hơn trăm cây số để mong gặp chồng giây lát mà không được gặp, anh thấy có đành lòng không và đối xử với một người đàn bà như vậy có còn tình người không? Tôi mong ở các anh cái tình người. Trung tá Phú còn to tiếng, hằn học một thôi nữa về việc hình ảnh của trại bị đưa lên mạng rồi ông mới bảo chị Dương Hà đưa lại sổ thăm nuôi để ông vào báo cáo xin ý kiến chỉ huy trại.
Ngồi chờ phán quyết của chỉ huy trại về số phận cuộc thăm nuôi của chúng tôi, thầy Phạm Toàn nheo mắt nói rằng sao hình hài và giọng điệu trung tá Phú ở đây lại giống đại tá Đỗ Hữu Ca ở Hải Phòng đến thế, như hai anh em ruột. Phải gọi ông trung tá Phú này là Đỗ Hữu Phú thôi! Không phải chỉ có trung tá Phú mà phần lớn lực lượng công an Việt Nam hôm nay đều giống đại tá Đỗ Hữu Ca. Hình ảnh đại tá Đỗ Hữu Ca trong vụ Tiên Lãng, Hải Phòng chính là hình ảnh tiêu biểu của công an Việt Nam hôm nay nên họ giống nhau là phải. Nghĩ vậy nhưng tôi không nói ra.
Thầy Phạm Toàn lại dẫn ra một câu trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 lên án tội ác của thực dân Pháp đối với dân ta: Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học và ông bảo rằng nay ta lập ra nhà tù đẹp hơn trường học! Đúng vậy! Trong khi những người tù phải sống trong những phòng giam chật chội, ngột ngạt, ăn ngủ trên bệ xi măng trần trụi, thùng phân ngay cạnh bệ nằm, cuộc sống tồi tệ hơn cả nhà tù thời đế quốc thực dân thì nơi ăn ở và làm việc của những người coi tù ngày càng nguy nga, tiện nghi sinh hoạt ngày càng hiện đại.
Tôi hỏi thầy Phạm Toàn: Anh đoán xem họ có cho ta được vào gặp Cù Huy Hà Vũ không? Thầy Phạm Toàn lại nheo mắt, lom lom nhìn vào mặt tôi, chờ tôi phải trả lời chính câu hỏi của tôi. Tôi đành nói: Theo em, họ chỉ giải quyết cho ta được một nửa mong muốn thôi, tức là chỉ có mẹ con Dương Hà được vào gặp chồng, gặp cha, còn em với anh thì đừng hy vọng. Quả đúng như vậy. Người mang phán quyết của chỉ huy trại phóng xe máy ra. Đồ thăm nuôi trong chiếc túi lớn hai người khiêng phải bày ra bàn cho ba viên công an săm soi kiểm tra rồi lại xếp vào túi, đưa lên xe ba gác. Buồng giam có hai người. Đồ thăm nuôi Cù Huy Hà Vũ phải mang cho cả hai dùng trong một tháng. Mẹ Dương Hà ngoài năm mươi tuổi quần đen áo đỏ lao người về phía trước kéo xe như con kiến kéo hạt gạo. Con dâu Kim Thanh kềnh càng bụng chửa lom khom đẩy xe trên con đường đất đỏ gập ghềnh xa hút giữa hai hàng xà cừ, đi vào trại. Ba viên công an trai trẻ thanh thản đi theo sau chiếc xe lắc lư, chậm chạp!
Thầy giáo già Phạm Toàn, nhà doanh nghiệp hôm nay và là người lính đặc công đầy thương tích trận mạc hôm qua Phan Trọng Khang cùng với tôi vất vưởng ở cổng trại giam chờ hai người đàn bà đi gặp niềm yêu thương của họ đang bị cầm tù.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét