Pages

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Hàn Quốc 'trừng phạt thẳng tay' nếu Triều Tiên tấn công

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc hôm nay kêu gọi binh sĩ nước này phát động những đòn đáp trả nếu Triều Tiên "động binh".

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin bắt tay binh sĩ ở đảo Yeonpyeong. Ảnh: Yonhap
Ông Kim Kwan-jin cho hay bất cứ cuộc tấn công mới nào từ Triều Tiên sẽ được coi là cơ hội để quân đội Hàn Quốc trả đũa việc Bình Nhưỡng nã pháo lên đảo tiền tiêu Yeonpyeong của Seoul hồi tháng 11/2010, AFP đưa tin.

"Nếu Triều Tiên tiến hành bất cứ một hành động khiêu khích nào, các bạn có thể trừng phạt họ một cách thẳng tay, bằng cách không chỉ nã đạn vào nơi phát sinh sự khiêu khích, mà còn cả những đơn vị hỗ trợ, cho tới khi họ hoàn toàn đầu hàng", ông Kim nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đưa ra phát biểu nói trên khi tới thăm đảo tiền tiêu Yeonpyeong ở gần khu vực tranh chấp giữa Seoul và Bình Nhưỡng trên Hoàng Hải.
Hồi tháng 11/2010, Triều Tiên đã nã pháo lên hòn đảo này, khiến 4 người Hàn Quốc thiệt mạng, trong đó có hai thường dân, khiến không khí chiến tranh bao trùm bán đảo Triều Tiên suốt thời gian đó. Vụ nã pháo xảy ra khi căng thẳng giữa Seoul và Bình Nhưỡng chưa lắng dịu, sau khi Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên bắn ngư lôi làm chìm tàu chiến Cheonan của nước này hồi tháng 3/2010, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng.
Chuyến thăm của ông Kim tới Yeonpyeong diễn ra chỉ 10 ngày sau khi lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên, Kim Jong-un tới thị sát một đơn vị pháo binh ven biển đồng thời chính là đơn vị đã nã pháo lên hòn đảo tiền tiêu của Hàn Quốc. Ông Kim Jong-un khích lệ binh sĩ Triều Tiên phát động một cuộc tấn công đáp trả mạnh mẽ nếu Hàn Quốc tấn công.
Triều Tiên hôm 29/2 tuyên bố ngừng chương trình hạt nhân để đổi lại việc được Mỹ viện trợ 240.000 tấn lương tực. Tuy nhiên, quan hệ liên Triều không vì thế mà tan băng. Triều Tiên mới đây đe dọa phát động một cuộc thánh chiến nhằm vào Hàn Quốc, đồng thời coi các cuộc tập trận chung của Seoul và Washington là "lời tuyên chiến ngầm", cũng như buộc tội Hàn Quốc phỉ báng và bất kính với lãnh đạo Triều Tiên.
"Giọng điệu thù địch gần đây của Triều Tiên và những chuyến thị sát thường xuyên của lãnh đạo nước này tới các đơn vị quân đội cho thấy cuộc chuyển giao quyền lực vẫn chưa hoàn tất", Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc nhận định.
Giới chức Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể đang từng bước tiến hành những cuộc "khẩu chiến" nhằm vào Seoul, nhằm gây ảnh hưởng tới những cuộc bầu cử sắp tới ở Hàn Quốc.
Giáo sư Kim Yong-hyun của đại học Dongguk ở Seoul thì nhận định Triều Tiên không có khả năng biến "đấu võ mồm" thành các hành động quân sự, do e ngại điều này có thể làm hỏng các nỗ lực ngoại giao. Tuy nhiên, ông Cheong Seong-chang của Học viện Sejong, lại cho rằng đại tướng Kim Jong-un có phần mạnh bạo hơn nhiều so với cố chủ tịch Kim Jong-il, và vì thế Hàn Quốc cần phải cảnh giác cao độ trước những cuộc tấn công có thể xảy ra.
Sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Triều Tiên và Hàn Quốc về lý thuyết vẫn ở trong tình trạng chiến tranh, vì mới chỉ có một thỏa thuận ngừng bắn được ký chứ chưa có một hiệp ước hòa bình nào được hai bên thông qua.
Nhật Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét