Pages

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Lượng Định Thành Quả Của Chiến Dịch Vận Động Nhân Quyền Cho Việt Nam


.
Hôm nay là đúng 30 ngày kể từ khi nhạc sĩ Trúc Hồ và SBTN khởi xướng chiến dịch thỉnh nguyện thư. Đây là lúc nhìn lại chặng đường đã qua để lượng định thành quả.

Muốn lượng định, chúng ta phải đối chiếu những gì gặt hái được so với mục tiêu ban đầu: lấy cho đủ 25 ngàn chữ ký để có câu trả lời chính thức của Toà Bạch Ốc về yêu cầu của chúng ta; đó là chính phủ Hoa Kỳ cần vận dụng việc thương thảo phát triển mậu dịch để đòi hỏi Việt Nam trả tự do cho toàn bộ các tù nhân chính trị, tôn giáo và lương tâm. Do sự hưởng ứng ồ ạt và rộng khắp của đồng hương, đặc biệt của lớp trẻ quen sử dụng kỹ thuật tin học, mỗi người một tay tập thể người Việt ở Hoa Kỳ không những đạt mà còn vượt xa con số 25 ngàn ấy. Chúng ta có thể yên tâm rằng Hành Pháp Hoa Kỳ sẽ có một văn thư trả lời chính thức cho trên 140 ngàn người ký thỉnh nguyện thư.

Khi biết chắc sẽ đạt được mục tiêu nguyên thuỷ, chúng tôi đã đề ra thêm một số mục tiêu mới. Trong ngôn ngữ chuyên môn thì đấy là những mục tiêu nới giãn ra (stretch goals). Các mục tiêu nới giãn gồm có:

(1) Vận động để Toà Bạch Ốc tiếp xúc với phái đoàn người Việt trình bản in thỉnh nguyện thư. Đây là một hành động mang tính cách biểu tượng nhưng sẽ tăng thêm ý nghĩa cho chiến dịch. Thoạt đầu chúng tôi chỉ nghĩ đến một phái đoàn mươi người của SBTN do anh Trúc Hồ hướng dẫn để vào Toà Bạch Ốc trao bản thỉnh nguyện. Thế nhưng, chính Văn Phòng Tiếp Cận Quần Chúng của Toà Bạch Ốc đề nghị một buổi tiếp xúc rộng rãi hơn. Vì chiến dịch thỉnh nguyện thư của chúng ta đáp ứng đúng chức năng của văn phòng này, họ rất cảm kích và phấn khởi về khả năng huy động quần chúng của chúng ta. Vậy là chúng ta đã đạt thêm một mục tiêu không nằm trong kế hoạch ban đầu.

(2) Vào tuần thứ hai của chiến dịch, chúng tôi đẩy thêm một bước nữa: yêu cầu sự hiện diện của một số giới chức hữu trách, nghĩa là những người sẽ góp phần soạn thảo văn thư trả lời của Toà Bạch Ốc. Họ gồm có Phụ Tá Ngoại Trưởng Mike Posner, Giám Đốc Văn Phòng Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động của Bộ Ngoại Giao; Phụ Tá Ngoại Trưởng Kurt Campbell, Giám Đốc Văn Phòng Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại Giao; và Bà Barbara Weisel, người đặc trách khu vực Đông Nam Á của Văn Phòng Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ; bà là người chịu trách nhiệm thương thảo mậu dịch với chính quyền Việt Nam. Ông Posner đã hiện diện. Ông Campbell cử vị phụ tá là Eric Barboriak tham dự. Bà Weisel trả lời là phải đi công tác xa nhưng có theo dõi chiến dịch thỉnh nguyện thư và sẽ hội ý với các giới chức hiện diện. Vậy là chúng ta đã đạt được mục tiêu nới giãn thứ hai này.

(3) Và rồi chúng tôi lại đẩy thêm một bước nữa: yêu cầu một tiến trình để tập thể người Việt thường xuyên đóng góp vào chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ liên quan đến Việt Nam. Chẳng hạn, các bản phúc trình nhân quyền và bản phúc trình về tự do tôn giáo hàng năm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về Việt Nam có những thiếu sót và sai lệch trầm trọng vì thiếu sự hội ý với tập thể người Mỹ gốc Việt. Toà Bạch Ốc trên nguyên tắc đã đồng ý với yêu cầu này và đang nghiên cứu thể thức cho tiến trình hội ý ấy. Vậy là chúng ta xem như đạt được mục tiêu nới giãn thứ ba.

(4) Trong những ngày chót, khi biết chắc có đông đảo đồng bào từ rất nhiều tiểu bang đổ về, chúng tôi đẩy thêm một mục tiêu nới giãn thứ tư: vận động tại Quốc Hội để thúc đẩy một số đạo luật và kêu gọi các vị dân cử đôn đốc các cơ quan hữu trách của Hành Pháp có hành động cụ thể về nhân quyền ở Việt Nam. Đây là một sinh hoạt nằm ngoài chiến dịch thỉnh nguyện thư và đã thành công; chưa bao giờ có một khối trên 500 người Việt quy tụ về Quốc Hội để vận động các giới chức dân cử. Và một kết quả "nhãn tiền" là đạo luật Nhân Quyền Cho Việt Nam đã được Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện thông qua ngay ngày hôm sau (7 tháng 3).

Xem vậy, chúng ta không những đạt được mục tiêu nguyên thuỷ mà còn đạt thêm bốn mục tiêu nới giãn.

Trong suốt chiến dịch, chưa bao giờ chúng tôi đặt mục tiêu là gặp gỡ Tổng Thống Obama mặc dù có đôi lần chúng tôi thăm dò với Toà Bạch Ốc về điều này. Nếu được, thì đó sẽ chỉ là một bất ngờ thú vị chứ không ảnh hưởng gì đến mục tiêu gần hay mục đích tối hậu của hành trình vận động cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Do tâm lý cảm xúc và phấn khởi, có một số đồng hương đã vô tình biến nó thành một ước vọng cá nhân để rồi cảm thấy thất vọng vì không có sự hiện diện của TT Obama.

Lại có một số đồng hương xem lần tiếp xúc với Toà Bạch Ốc như là cơ hội duy nhất, để rồi đánh cuộc thắng thua trong tâm lý được ăn cả ngã về không. Thực ra, công cuộc của chúng ta là một hành trình dài. Cứ mỗi bước đi chúng ta phải nhận diện và gặt hái thành quả của bước ấy để làm nền tảng cho những bước kế tiếp. Chỉ trong 30 ngày ngắn ngủi vừa qua, chúng ta đã tiến được nhiều bước trên hành trình ấy, vượt xa dự kiến ban đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét