Pages

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Mỹ sẵn sàng tăng cường trừng phạt Iran về dầu lửa

Thụy My

Ngày 30/03/2012 Tổng thống Barack Obama tăng cường áp lực lên chương trình nguyên tử của Iran. Hoa Kỳ khẳng định trữ lượng dầu lửa thế giới đủ để các nước ngưng nhập khẩu dầu từ nước Cộng hòa Hồi giáo này, và áp dụng các biện pháp trừng phạt kể từ tháng 6/2012. Thổ Nhĩ Kỳ loan báo giảm 20% lượng dầu nhập của Iran.

Theo Tổng thống Obama : « Trong trạng huống kinh tế hiện nay, một số nước đã tăng sản xuất dầu, bên cạnh đó còn có lượng dầu dự trữ chiến lược và một số nhân tố khác. Sản lượng dầu và sản phẩm từ dầu hỏa của các quốc gia khác có thể làm giảm đáng kể nhu cầu mua dầu của Iran ».


Chính quyền Mỹ cho biết có thể tăng cường trừng phạt các nước nào tiếp tục mua dầu lửa của Teheran. Ông Obama tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ để đảm bảo rằng thị trường có thể bù đắp lại lượng cung từ Iran.

Một đạo luật được thông qua từ tháng 12/2011 buộc Tổng thống Mỹ vào ngày 30/03/2012 và sau đó sáu tháng mọt lần, phải quyết định có tiếp tục trừng phạt Iran hay không, trong khi vẫn đảm bảo giá cả và trữ lượng dầu đáp ứng được nhu cầu của người tiêu thụ Mỹ. Đạo luật này cũng cho phép từ sau ngày 28/06/2012, trừng phạt các ngân hàng ngoại quốc nào tiếp tục giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran về các mặt hàng liên quan đến dầu hỏa, và khai trừ khỏi hệ thống tài chính Hoa Kỳ.

Thông báo trên đây của Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh giá dầu thô thế giới đang tăng do tình hình căng thẳng ở Trung Đông. Giá xăng dầu tại Hoa Kỳ đang tiến dần đến mức lịch sử, có thể là một mối đe dọa cho sự phục hồi kinh tế cũng như cho việc tranh cử tiếp một nhiệm kỳ của ông Obama.

Cũng ngày 30/03/2012, Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những đồng minh chủ yếu của Washington nhưng có chung đường biên giới trên bộ với Iran, loan báo sẽ giảm 20% lượng dầu thô mua từ Teheran.

Tuần trước Hoa Kỳ đã đe dọa sẽ trừng phạt các khách hàng mua dầu của Iran nếu không giảm đáng kể đơn đặt hàng. Thổ Nhĩ Kỳ vốn là nhà nhập khẩu dầu từ Iran đứng hàng thứ 5, lâu nay vẫn từ chối tẩy chay Teheran với lý do quá lệ thuộc vào dầu hỏa của nước láng giềng. Nhưng rốt cuộc Ankara đã nhượng bộ trước sức ép của Washington.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, xuất khẩu dầu lửa của Iran có thể bị giảm xuống phân nửa, sau khi lệnh cấm vận của châu Âu có hiệu lực, cùng với việc các khách hàng lớn như Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc giảm lượng mua. Trung Quốc nay là khách hàng quan trọng cuối cùng không hề cam kết giảm nhập khẩu dầu từ Teheran. (rfi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét