Pages

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

'Tranh chấp biển Đông không thể giải quyết riêng lẻ'

Các học giả quốc tế cho rằng, tranh chấp chủ quyền biển, trong đó có biển Đông, đang ngày càng tạo thêm khó khăn cho việc thực thi an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên vấn đề này không thể giải quyết riêng lẻ từng quốc gia. Chiều 30/3, Hội thảo quốc tế “An ninh hàng hải tại Đông Nam Á: An toàn hàng hải và môi trường biển” đã kết thúc tại TP HCM sau 8 phiên thảo luận. Hội nghị có 13 tham luận và hơn 80 lượt ý kiến đóng góp của 35 đại biểu đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vấn đề được "mổ xẻ" nhiều nhất là khuôn khổ pháp lý cho an ninh và an toàn môi trường biển. Nhiều ý kiến cho rằng, sự tồn tại của các tranh chấp chủ quyền biển đang tạo thêm khó khăn trong việc thực thi an toàn hàng hải và quản lý, bảo vệ môi trường. Theo các chuyên gia, giải pháp tốt nhất cho vấn đề này là tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực nhằm góp phần tạo ra môi trường hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Hàng loạt khuôn khổ pháp lý cũng được đề xuất dùng làm cơ sở giải quyết các tranh chấp trên biển.

Đại diện Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, Carl Baker (ngồi thứ tư từ trái qua), phát biểu ở hội thảo An ninh hàng hải tại Đông Nam Á: an toàn hàng hải và môi trường biển. Ảnh: Vũ Lê

Các học giả phân tích, Công ước luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982, các công ước của Tổ chức hàng hải quốc tế IMO là những khuôn khổ pháp lý quan trọng cho an ninh và an toàn môi trường biển. Bởi lẽ, trong đó có quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong vùng biển và ven biển.

Bên cạnh luật về biển của quốc tế, các nước Đông Nam Á cũng đã thiết lập một số khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển. Đó là các cơ chế hợp tác của ASEAN/ARF, bản Ghi nhớ Tokyo về kiểm soát của các quốc gia cảng biển, Hiệp định ReCAAP về chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển đối với tàu thuyền trong khu vực Châu Á...

Các chuyên gia quốc tế cũng nhấn mạnh, một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra môi trường biển và hàng hải an toàn là ý chí chính trị của các quốc gia trong việc phối hợp chính sách và hành động.

Theo đó, thách thức về an toàn hàng hải và các mối đe dọa đối với môi trường biển hiện nay đều cần sự chung tay, góp sức của nhiều tổ chức và quốc gia chứ không thể giải quyết đơn phương, riêng lẻ.

Một học giả nêu quan điểm tại hội nghị An ninh hàng hải tại Đông Nam Á lần 2 tổ chức tại TP HCM. Ảnh: Vũ Lê
Điển hình là sáng kiến hợp tác bảo vệ môi trường biển trong khu vực Tam giác san hô – Biển Đông nhằm bảo vệ môi trường biển và bảo tồn các loài cá. Hay dự án “Xây dựng chiến lược quản lý sản phẩm đánh bắt ngẫu nhiên trong nghề lưới kéo đáy” được thực hiện bởi 5 quốc gia thành viên là Indonesia, Philippines, Papua New Ghine, Thái Lan và Việt Nam.

Nhiều đại biểu đề xuất nên thúc đẩy hợp tác lựa chọn nên theo thứ tự từ dễ đến khó, ưu tiên các biện pháp khẩn cấp, các lĩnh vực phi truyền thống. Ngoài ra, những biện pháp hợp tác lâu dài về các lĩnh vực như bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh vật biển, bảo vệ môi trường biển, xây dựng năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển… cũng cần được đẩy mạnh.

Để đảm bảo tính khả thi của các mô hình hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường biển, các đại biểu khuyến nghị đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền của các chính phủ với doanh nghiệp. Trọng tâm sẽ là các công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, thuỷ sản, dầu khí. Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đề xuất sự tham gia của các tổ chức quốc tế và khu vực. Theo đó, Liên Hiệp quốc, IMO, ASEAN, SEAFDEC cũng có thể trợ giúp kỹ thuật và nâng cao năng lực quản lý các vấn đề liên quan đến an toàn hảng hải và môi trường.

Hà Thanh (TinTucO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét