Pages

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Nhắc lại cuộc gặp Tổng thống Bush 2007



Ông Đỗ Thành Công hoạt động cho Đảng
Dân chủ Việt Nam
Bùi Văn Phú

Gửi cho BBC Tiếng Việt từ San Jose

“Trên phương diện quan hệ ngoại giao phiá Mỹ sẽ không thể làm gì cho nhân dân Việt Nam nếu nhân dân không chủ động đấu tranh. Nếu có đấu tranh, đòi hỏi dân chủ, tự do thì sẽ có yểm trợ vì đó là những giá trị mà Hoa Kỳ luôn cổ súy” -Tổng thống George W. Bush
Trước buổi chính quyền Obama gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ dự kiến vào ngày 5/3 tới, ông Đỗ Thành Công, một người đã được Tổng thống George W. Bush đón tại Bạch Ốc vào năm 2007 kể lại cuộc gặp năm đó và nêu ra các đánh giá về tình hình chung.
Theo ông, lí do Tổng thống Bush tiếp phái đoàn người Việt trước chuyến thăm của Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết là để “lắng nghe về tình hình nhân quyền đồng thời cũng là để gửi tín hiệu bất bình tới Hà Nội vì họ gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến sau khi Việt Nam được gia nhập WTO và được đưa ra khỏi danh sách CPC”.
Buổi tiếp xúc vào cuối tháng 5/2007 có bốn đại diện cho các tổ chức chính trị người Việt là các ông Nguyễn Quốc Quân, Đỗ Hoàng Điềm, Lê Minh Nguyên và Đỗ Thành Công.

Không bán vũ khí
Hai nhà hoạt động dân chủ Đỗ Nam Hải và Nguyễn Chính Kết được mời nhưng vì còn trong nước nên không thể đến dự.
Dịp đó ông Đỗ Thành Công đưa ra một số đề nghị, như yêu cầu Hoa Kỳ hủy bỏ chuyến đi của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, có thái độ cụ thể trước việc Hà Nội bắt giam những người bất đồng chính kiến, vi phạm tự do tôn giáo và hỗ trợ cho tiến trình dân chủ tại Việt Nam.
Ngoài ra ông cũng kêu gọi Tổng thống Bush không viện trợ, không bán vũ khí, thiết bị quân sự cho Hà Nội vì họ sẽ dùng vũ khí này để vừa bảo vệ chế độ độc tài toàn trị, kéo dài sự thống trị của chế độ cộng sản, vừa dùng nó để trực tiếp đàn áp những người bất đồng chính kiến và nhân dân Việt Nam.
Theo lời ông Công, Tổng thống Bush đã nói,“Trên phương diện quan hệ ngoại giao phiá Mỹ sẽ không thể làm gì cho nhân dân Việt Nam nếu nhân dân không chủ động đấu tranh. Nếu có đấu tranh, đòi hỏi dân chủ, tự do thì sẽ có yểm trợ vì đó là những giá trị mà Hoa Kỳ luôn cổ súy”.
Bất ngờ trước yêu cầu không bán vũ khí, Tổng thống Bush đã quay sang hỏi ngay các cố vấn an ninh quốc gia và một vị cho biết là “Hiện nay vấn đề đó chưa diễn ra”,
Ông Công kể, “Rồi ông Bush nói với tôi: “Ông Đỗ yên tâm, chuyện này sẽ không xảy ra được”.
“Ông Đỗ yên tâm, chuyện [bán vũ khí] sẽ không xảy ra được”
Tổng thống Bush
Nhìn vào tình trạng nhân quyền ở Việt Nam sau buổi gặp, ông Công nhận xét: “Cụ thể là Hà Nội trong các năm từ 2007 đến 2009 đã không tuyên án nặng nề các nhà bất đồng chính kiến như bây giờ”.
Qua vận động của người Việt, phiá Hoa Kỳ đã có áp lực cụ thể đòi hỏi Hà Nội hủy bỏ qui định quản chế hành chánh có từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt và bỏ điều 88 luật hình sự.
Ông Công nói đây các điều luật được dùng “tùy tiện và được dùng để trấn áp quyền tự do tư tưởng và phát biểu”.
Ông cũng nhận xét rằng giới chức ngoại giao Mỹ tại Hà Nội và Sài Gòn đã rất tích cực hỗ trợ cho việc đấu tranh nhân quyền qua những thăm viếng, thường xuyên ủng hộ, bảo vệ các nhân vật đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ.
Gây áp lực
Cuộc tiếp xúc tại Tòa Bạch Ốc tháng 5/2007 diễn ra trước khi Tổng thống Bush đón Chủ tịch Nguyễn Minh Triết
Ngày 5/3 ông Đỗ Thành Công sẽ có mặt trong phái đoàn người Việt vào Bạch Ốc trao thỉnh nguyện thư. Về những hy vọng từ cuộc gặp tới, ý kiến của ông như sau:
“Một nguyện vọng với hơn 100 ngàn chữ ký có giá trị cụ thể và sức mạnh để chính giới Hoa Kỳ hiểu là cộng đồng người Việt tại Mỹ muốn gì trong quan hệ Mỹ-Việt. Về lâu dài chính phủ sẽ phải dè dặt và cân nhắc các giá trị để có thể vừa đạt được quyền lợi của Mỹ nhưng cũng sẽ không làm phật lòng cộng đồng người Việt. Bản thỉnh nguyện thư sẽ tạo áp lực lên phiá chính quyền Obama cũng như lập pháp Hoa Kỳ, cụ thể là Thượng viện khi họ cứu xét một số chính sách liên quan đến Việt Nam”.
Tuy nhiên ông cũng dè dặt về sự thay đổi các quyết định có tính chiến lược của Hoa Kỳ. Theo ông, quyền lợi của Mỹ phải được xét ưu tiên rồi mới đến những vấn đề như nhân quyền, quyền lợi của người thiểu số.
Đối với Nhà nước Việt Nam, theo ông Công thì thành quả của vận động được 100 ngàn chữ kí là nói thẳng cho Hà Nội hiểu là ngày nào Việt Nam còn chế độ toàn trị, Đảng Cộng sản Việt Nam còn nắm chính quyền, ngày đó họ sẽ không có đồng minh là cộng đồng Việt Nam trên mặt trận ngoại vận.
Là kỹ sư tin học ở San Jose, ông thường ký tên Trần Nam và là phát ngôn nhân của Đảng Dân chủ Nhân dân, một tổ chức chính trị hoạt động trong nước.
Ông bị bắt mùa hè 2006 khi về Việt Nam hoạt động nhưng được thả nhờ vận động và can thiệp của giới chức Hoa Kỳ.
Sau buổi tiếp xúc với giới chức tại Tòa Bạch Ốc tới đây, ông Đỗ Thành Công dự kiến cũng sẽ có buổi gặp với đại sứ Mỹ David Shear để trình bày rõ thêm về tình hình nhân quyền ở nước này và nêu ra quan tâm riêng của Đảng Dân chủ Nhân dân.
Hiện nay tại Hạ việnHoaKỳ có một dự luật về nhân quyền Việt Nam H.R. 1410 đã được thông qua ở tiểu ban.
Ngoài ra còn có Bấm Nghị quyết H. Res. 484 do Dân biểu Loretta Sanchez đệ trình với yêu cầu Hà Nội trả tự do cho hơn 30 tù chính trị như Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Nguyễn Tiến Trung, Phạm Thanh Nghiên, Paulus Lê Sơn, Phan Thanh Hải…
Bản nghị quyết cũng yêu cầu Việt Nam ngưng áp dụng các điều 79 và 88 của bộ luật hình sự đối với những người phát biểu quan điểm bất đồng trong tinh thần ôn hoà.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Bùi Văn Phú từ San Jose. Quý vị có ý kiến bình luận về chuyện này xin chia sẻ trên trang Bấm Facebook.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét