Pages

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Trung Quốc lại “câu giờ”

Trần Kinh Nghị
 
Báo chí chính thức của cả Việt Nam vả Trung Quốc mấy ngày nay đều đưa tin về nội dung thỏa thuận vừa đạt được sau cuộc hội đàm cấp thứ trưởng hai nước diễn ra tại Bắc Kinh trong hai ngày 27 và 28/2. Mới đọc qua thấy thỏa thuận đó có vẽ bình thường cũng vẫn những lời hay ý đẹp như “nhất trí quán triệt thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước”… “đi sâu hợp tác” …”xử lý thỏa đáng”…” đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực và thế giới”,v.v…

Nhưng đọc kĩ một chút sẽ thấy nó không bình thường. Trên báo Tuổi trẻ ngày 29/2 đưa tin đầy đủ nhất với đoạn nói về biển như sau: “ Theo bộ Ngoại giao (VN) , hai bên đã nhất trí thành lập nhóm công tác cấp cục, vụ để đàm phán về việc phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Việt Nam và Trung Quốc thành lập nhóm công tác cấp cục, vụ về việc hợp tác trong các lĩnh vực ít nhậy cảm trên biển, bao gồm bảo vệ môi trường , nghiên cứu khoa học biển , tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, phòng chống giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra… và khởi động đường giây nóng giữa hai Bộ Ngoại giao để kịp thời trao đổi, xử lý thỏa đáng các vấn đề phát sinh trên biển”.
Có hai cụm từ đáng chú ý nhất là “phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ” và “các lĩnh vực ít nhậy cảm trên biển“. Chúng có nghĩa là loại ra ngoài hoàn toàn vấn đề biển Đông. Đọc toàn bộ nội dung Thỏa thuận cũng chỉ thấy vẻn vẹn có vậy, tất nhiên không có một từ ngữ nào như “Hoàng Sa”, “Trường Sa” ; thậm chí cũng không có cả từ ”ngư trường”, “vùng chồng lấn”, “vùng đặc quyền kinh tế” …là những phạm trù mà ngày nào cũng thấy phía Trung Quốc vi phạm của Việt Nam! Sự “thiếu vắng “ như vậy rất đáng lưu ý trong một văn kiện thỏa thuận song phương vào vào thời điểm hiện nay. Đó là một dấu hiệu “DỪNG” to tướng (nếu không nói là bước “thụt lùi”) so với toàn bộ tiến trình đáng có của cái gọi là “giải pháp song phương về biển Đông” mà phía Trung Quốc ra sức tuyên truyền.
Nội dung thỏa thuận lần này không phản ánh đúng diễn biến tình hình từ cuối năm 2011 đến nay. Đó là sự đi lại nhộn nhịp giữa các lãnh đạo hai nước với hàng chuỗi các sự kiện từ chuyến thăm Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng tháng 10/2011 qua đó hai bên đã ký được thỏa thuận “Những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”; tiếp đến là chuyến thăm của nhà lãnh đạo tương lai Tập Cận Bình đến Việt Nam tháng 12, cùng hàng tá các chuyến thăm qua lại ở hàng quan chức cao cấp khác. Đó là việc dư luận quốc tế cho rằng Trung Quốc đang bị thúc bách bởi sự tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại Châu Á –TBD trong khi không chỉ Việt Nam mà các nước ASEAN đã bắt đầu cảnh giác trước sự lấn lướt của nước láng giềng khổng lồ phương Bắc. Và điều này khiến Trung Quốc lo ngại và phải thay đổi; một trong những thay đổi đó có thể là việc chọn Việt Nam, nước láng giềng cận kề và có cùng ý thức hệ XHCN, để thỏa hiệp và qua đó nêu một tấm gương sáng cho thế giới yên tâm(!?). Đó là biểu hiện ít hung hăng hơn của lực lượng Trung Quốc trên biển Đông. Những động thái đó dù muốn hay không đã dấy lên một sự hoài nghi bất lợi cho Việt Nam trong dư luận ASEAN và quốc tế.
Cách lập luận này không phải là không có cơ sở, bởi Trung Quốc đã nỗi tiếng với thuyết “mèo trắng, mèo đen miễn là bắt được chuột”, và các nhà lãnh đạo nước này đã từng sẵn sàng từ bỏ đường lối cứng nhắc trong cách mạng văn hóa để chuyển sang đường lối thực dụng trong thỏa hiệp Thượng Hải 1972! Hơn nữa, dưới con mắt của người Mỹ và nhiều dân tộc không có chung biên giới với Trung Quốc, thì nền văn minh Trung Hoa vẫn rất đáng kính nể đến mức che lấp cả tính cách thủ đoạn của giới thống trị nước này. Có vị chuyên gia Mỹ nọ còn đón mò về khả năng đạt được một đường phân định dựa trên cơ sở đường trung tuyến giữa đảo Hải Nam với bờ biển miền Trung Việt Nam cắt ngang qua quần đảo Hoàng Sa với phần phía Tây giao trả lại cho Việt Nam(!?) (Xem thêm tại đây: http://trankinhnghi.blogspot.com/2012/01/toan-tinh-trung-viet-tai-bien-ong.html). Đó quả thật là một ảo tưởng ngọt ngào!
Nhưng giờ đây niềm lạc quan đó đã hoàn toàn biến mất nếu ta nhìn vào nội dung thỏa thuận mới đạt được nói trên đây. Hoàn toàn có cơ sở để phán đoán rằng các nhà đàm phán Việt Nam lần này đã phải chịu sức ép ghê gớm để phải ký vào một thỏa thuận quá khiêm tốn, không có gì mới như vậy. Bởi lẽ, họ thừa biết rằng không có lý gì để hai bên chỉ lại tiếp tục đàm phán về vùng cửa vịnh Bắc Bộ trong khi điểm nóng xung đột hàng ngày nằm ở vùng Biển Đông.Và hơn ai hết họ cũng biết rằng chính “bạn” Trung Quốc đã gây ra những rắc rối dọc đường biên giới đã có từ thời Pháp-Thanh để rồi buộc Việt Nam phải ngồi vào bàn đám phán hàng chục năm trời khiến Việt Nam phải chịu nhiều thua thiệt. Và giờ đây họ lại đang làm như vậy chỉ với vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ. Điều này có khác nào nói rằng: Hãy đợi đấy, còn lâu mới có đàm phán về đường phân định trên biển Đông!
Tóm lại, có thể nói với thỏa thuận mới lần này, cơ hôi của cái gọi là “giải pháp song phương Trung-Việt về biển Đông” đã được đẩy vế số 0. Nó một lần nữa cho thấy người Trung Quốc rất điêu luyện với thủ thuật “dương đông kích tây” nhằm một mặt gây ảo vọng đối với Việt Nam, một mặt gây nghi ngờ để chia rẽ nội bộ ASEAN. Bằng cách đó họ đang thực hiện một cách hoàn mĩ chiến thuật “câu giờ” để chờ thời cơ, chứ không bao giờ chịu nhân nhượng với ai cả. Thời cơ đối với họ là khi đạt được ưu thế sức mạnh tuyệt đối, kể cả việc loại bỏ nguy cơ can thiệp của Mỹ, tai Biển Đông. Đó là lý do tại sao họ đã và đang ráo riết tăng cường nhanh nhất lực lượng vũ trang với một ngân sách quốc phòng không lồ (năm 2011= 119,8 tỷ usd, đến năm 2015 = 238 tỷ usd với tốc độ bình quân 18,75% /năm).
Một Khi Trung Quốc “đủ mạnh” và rãnh tay hơn với Mỹ, chắc chắn họ sẽ không cần sử dụng chiêu bài đàm phán nữa, dù là song phương hay đa phương. Thiết nghĩ , đây là vấn đề mà Việt Nam cần nhận rõ để có một đối sách thích hợp và thực tế nhất, dứt khoát không mắt mưu của đối phương một lần nữa./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét