Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Pháp lạnh nhạt với ngoại giao Trung Quốc


Chính quyền của Tổng thống Nicolas Sarkozy muốn Trung Quốc thay đổi quan điểm tại Hội đồng Bảo an
Nước Pháp công khai tỏ thái độ lạnh nhạt khi được nghe về sứ mệnh ngoại giao sắp tới của quan chức Trung Quốc muốn tới giải thích quan điểm của Bắc Kinh về Syria.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp, ông Bernard Valero nói với báo chí hôm 9/3/2012 rằng Paris sẽ chỉ ra cho Bắc Kinh thấy 'tình hình ở Syria là một thảm kịch' và đề nghị Trung Quốc ủng hộ nghị quyết Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Syria.
Nói về chuyến thăm Paris dự kiến vào khoảng từ ngày 14 đến 16 tháng này của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Trương Minh, giới chức Pháp tỏ thái độ 'lạnh nhạt', theo hãng thông tấn AFP.


'Hãy nhìn thảm kịch'
Chuyến công du Trung Đông và Pháp kéo dài sáu ngày của nhà ngoại giao Trung Quốc có mục tiêu giải thích quan điểm của Bắc Kinh sau những lời phản đối từ một số giới khi Trung Quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết LHQ về Syria.
Tin này được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lưu Vi Dân nói trước đó.
Ông Lưu cho biết vòng công du của ông Trương có mục tiêu "tăng cường trao đổi và tham vấn với mọi bên quan tâm về một giải pháp chính trị cho khủng hoảng tại Syria".
Nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp, ông Bernard Valero nay nói thẳng nước Pháp sẽ chờ đón ông Trương như thế nào:
"Tất nhiên là chúng tôi sẽ nghe ông ta nhưng cũng sẽ nhắc cho ông ta biết quan điểm của chúng tôi về tình hình và tầm quan trọng của việc Trung Quốc cần thay đổi quan điểm của họ ở Hội đồng Bảo an,"
Ông Bernard Valero nói tiếp, "Ý định của chúng tôi là chỉ ra cho ông ta thấy mức độ tình hình tại Syria là thảm kịch, gây lo ngại và điều quan trọng chúng tôi muốn chuyển tới các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc rằng Hội đồng Bảo an cần có hành động".
Chỉ riêng chuyện Trung Quốc, nước thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ cử các quan chức không phải cao cấp nhất sang tìm hiểu tình hình Trung Đông cho thấy nước này chưa quyết định về chủ đề Syria.

Ahmed Khrer khóc cha bị lính bắn tỉa của quân chính phủ Syria bắn chết hôm 8/3 tại Idlib
Gần đây, Trung Quốc cử ông Lý Hoa Tân, cựu đại sứ tại Syria quay trở lại nước này để nói chuyện với chính quyền Assad.
Trong khi đó, các nước Ả Rập ủy nhiệm cựu tổng thư ký LHQ Kofi Annan lo việc tương tự và EU cử cao ủy nhân đạo, bà Valerie Amos vào cuộc.
Nga, nước tuy ủng hộ Syria nhưng cũng cử đương kim Ngoạit trưởng Sergei Lavrov đến Trung Đông tuần này để tham gia các cuộc hội đàm.
Quan điểm của Trung Quốc là mở cuộc đối thoại với Ả Rập Saudi, Ai Cập và Pháp nhằm "xây dựng một đồng thuận" cho vấn đề Syria, theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lưu Vi Dân nói trước đó.
Trung Quốc đang tỏ ra muốn hàn gắn với Phương Tây sau tranh cãi vì Syria.
Hôm cuối tháng 2 vừa qua, báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton là 'siêu cấp ngạo mạn' sau khi bà gọi phiếu phủ quyết của Trung Quốc về vấn đề Syria là "hèn hạ".
Tại châu Âu, cả Pháp và Anh đều coi chính quyền của tổng thống Bashar al-Assad là đã mất tính chính danh vì dùng xe tăng và trọng pháo bắn phá các khu vực dân cư ở Homs, giết chết hàng trăm người chỉ mấy tuần qua.
Nhiều dãy phố ở quận Baba Amr thuộc Homs bị san thành bình địa và phe đối lập cáo buộc quân chính phủ 'thảm sát thường dân'.
Gần đây, chính quyền Syria cử các đội bắn tỉa vào hạ sát những người họ cho là "khủng bố" nhưng các nhóm quan sát cho rằng dân thường bị bắn chết vô tội vạ chỉ vì ở trong khu vực 'chống đối'.
Các lãnh đạo Anh gần đây như Bộ trưởng Ngoại giao William Hague đã gọi chế độ của ông Assad là "tội phạm".
Hoa Kỳ, tuy chia sẻ quan điểm của một số nước thuộc Liên Đoàn Ả Rập kêu gọi ông Assad từ chức nhưng bác bỏ khả năng can thiệp quân sự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét