Pages

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Sự chuyển đổi đầy rủi ro ở Bắc Kinh

Thụy MyTrung Quốc, hiện là nước có thu nhập trung bình, muốn trở thành quốc gia thu nhập cao từ nay cho đến năm 2030. Như vậy cần phải có những cải cách sâu sắc. Những cải cách này có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân, nhất là các chính quyền địa phương và các công ty quốc doanh. Có thể đây là một trong các nguyên nhân khiến ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách chính trị, một thử thách lâu dài của Trung Quốc.
Le Monde quan tâm đến « Sự chuyển đổi đầy rủi ro ở Bắc Kinh », qua bài viết của cây bút chuyên về kinh tế Martin Worf. Theo tác giả, thì tăng trưởng và đô thị hóa nhanh chóng trong lúc tỉ lệ sinh sản giảm đi, là các nguyên nhân khiến cho giá lao động ở Trung Quốc tăng lên.

Trung Quốc bắt đầu một quá trình chuyển đổi khó khăn, vừa phải giảm tăng trưởng, vừa phải thay đổi cách vận hành. Đó là kết luận mà tác giả rút ra từ Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, tổ chức vào ngày 18/3 tại Bắc Kinh. Chuyển đổi về chính trị cần phải song hành với chuyển đổi trong kinh tế, và hai quá trình này có quan hệ tương tác với nhau theo những dạng thức phức tạp.


Tình hình kinh tế tốt đẹp cho đến nay, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, không đảm bảo được là kết quả trong tương lai cũng tích cực như thế. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã tuyên bố hôm 14/3 : « Công cuộc cải cách ở Trung Quốc đã đạt đến giai đoạn quyết định. Nếu không tiến hành cải cách cơ cấu chính trị, thì không thể hoàn thành trọn vẹn cải cách cơ cấu kinh tế. Những thành tựu mà chúng ta đã đạt được có thể bị mất mát, các vấn đề nổi lên trong xã hội Trung Quốc không thể được giải quyết đến nơi đến chốn, và một bi kịch lịch sử tương tự như cuộc Cách mạng văn hóa lại có thể xảy ra ».

Theo tác giả, các vấn đề chính trị là rất quan trọng, nhưng bản thân quá trình chuyển đổi kinh tế cũng hết sức khó khăn. Trung Quốc đã đạt đến cuối thời kỳ mà các nhà kinh tế gọi là « tăng trưởng căng thẳng », với nguồn cung lao động và vốn gia tăng ; và nay phải hướng về « tăng trưởng mạnh mẽ » dựa trên việc cải thiện kỹ năng, kỹ thuật. Điều này dẫn đến việc tăng trưởng sẽ giảm hẳn so với tỉ lệ khoảng 10% hàng năm trong suốt ba thập kỷ qua. Các yếu tố gây phức tạp cho quá trình chuyển đổi là đầu tư quá cao và sự lệ thuộc quá nhiều vào đầu tư.

Về mô hình phát triển, dựa theo định nghĩa của giải Nobel kinh tế Arthur Lewis, thì Trung Quốc dần dà không còn là một đất nước dư thừa lao động. Thu nhập ở mức chỉ đủ ăn của lao động nông thôn đóng góp vào việc duy trì lương bổng trong các ngành tân tiến ở mức thấp, giúp các ngành này thu được rất nhiều lợi nhuận. Khi các món lợi tức này được tái đầu tư, thì tỉ lệ tăng trưởng trong các ngành hiện đại và cho nền kinh tế nói chung lên rất cao. Nhưng đến một lúc nào đó, lao động nông nghiệp trở nên hiếm hoi, khiến giá thành trong các lãnh vực hiện đại tăng lên. Kết quả là kinh tế chín muồi hơn thì lợi tức càng giảm đi, tiết kiệm và đầu tư cũng giảm.

Le Monde nhận định, ba mươi lăm năm trước, Trung Quốc là đất nước dư thừa lao động. Nhưng nay thì đã khác : nền kinh tế bành trướng gấp 20 lần, hơn phân nửa dân số sống ở đô thị, và tỉ lệ sinh sản thấp. Ông Thái Phưởng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nhấn mạnh : « Tình trạng thiếu hụt lao động được nhận thấy trước tiên tại vùng duyên hải năm 2004, đã lan rộng trên toàn quốc. Năm 2011, các công ty sản xuất gặp khó khăn chưa từng thấy trong việc tuyển dụng », khiến lương tăng và lợi nhuận giảm.

Theo tác giả bài báo, thì nay Trung Quốc đã tiến đến ngã rẽ mà Lewis đã báo trước. Một trong các hậu quả là tỉ lệ vốn đầu tư/ lao động tăng nhanh, còn lợi nhuận từ đồng vốn giảm. Trong khi đó tăng trưởng bền vững cần phải dựa trên việc gia tăng tổng hiệu suất, chứ không phải là tăng tỉ lệ vốn/ lao động.

Khó khăn trong việc chuyển sang tăng trưởng dựa trên tiến bộ kỹ thuật, là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nước đã bị lọt vào « bẫy thu nhập trung bình ». Trung Quốc, hiện là nước có thu nhập trung bình, muốn trở thành quốc gia thu nhập cao từ nay cho đến năm 2030. Như vậy cần phải có những cải cách sâu sắc, đã được nêu ra trong bản báo cáo chung của Ngân hàng Thế giới và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc.

Những cải cách này có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân, nhất là các chính quyền địa phương và các công ty quốc doanh. Có thể đây là một trong các nguyên nhân khiến ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách chính trị, một thử thách lâu dài của Trung Quốc. Khi đi theo hướng này, kinh tế Trung Quốc có thể bị giảm sút nặng nề. Bắc Kinh đã ấn định mục tiêu tăng trưởng năm nay là 7,5% và 7% cho cả kế hoạch năm năm. Tăng trưởng chậm lại, thì tỉ lệ đầu tư cũng giảm.

Tuy nhiên, nếu muốn tỉ lệ đầu tư từ 50% so với tổng sản phẩm nội địa xuống còn 35% mà không gây ra xáo trộn, thì tiêu dùng phải tăng. Trong khi Trung Quốc không có phương tiện nào dễ dàng kích thích tiêu dùng, điều này giải thích vì sao câu trả lời cho khủng hoảng của Bắc Kinh chỉ là tăng thêm đầu tư. Trung Quốc đang lệ thuộc rất nhiều vào đầu tư trong lĩnh vực xây dựng : trong 13 năm gần đây, đầu tư vào nhà ở tăng mỗi năm 26%. Theo tác giả, thì không thể tiếp tục một tỉ lệ tăng nhanh như thế.

Bài báo nhận định, Trung Quốc có khả năng đạt được thành công trong việc chuyển đổi sang một mô hình tăng trưởng kinh tế khác, mà nhiều nước có thu nhập trung bình không làm được. Qua những thành tựu trong quá khứ, khó thể nói khác đi, nhưng với điều kiện là các nhà lãnh đạo Bắc Kinh không tự thỏa mãn với chính mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét