Pages

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Cư dân mạng Trung Quốc tìm cách phá vỡ hàng rào kiểm duyệt vụ Trần Quang Thành.




Luật sư mù Trần Quang Thành. Reuters

Ngay sau khi thông tin về vụ nhà luật sư mù Trần Quang Thành trốn thoát khỏi nơi quản chế được loan báo hôm 27/04/2012, guồng máy kiểm duyệt tại Trung Quốc đã cấp tốc khởi động để ngăn chặn không cho tin tức và bình luận về vụ này được phát tán rộng rãi, đặc biệt là trên mạng Vi bác. Một loạt từ ngữ bị đưa vào danh sách đen và các thông tin chứa đựng các từ đó đã bị xóa bỏ. Thế nhưng hàng rào này đã không cản được giới sử dụng Internet tại Trung Quốc.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, vào hôm qua 29/04, nhiều thông điệp vẫn len lỏi được qua hàng rào kiểm duyệt để bày tỏ thái độ ủng hộ ông Trần Quang Thành trên mạng Vi bác, phiên bản địa phương của mạng Twitter, vốn bị cấm tại Trung Quốc.
Một người tên "Sikeyadi" – với ảnh minh họa là một người đeo kính đen ở sau song sắt - đã viết : "Tuyệt vời ! Quả thực là nhà luật sư mù đã được giải cứu. Ánh sáng tự do bùng cháy mạnh mẽ…" Một người khác, bí danh là "sporadicspor" thì tuyên bố : "Những thành tựu của nhà luật sư mù này làm tôi có thể mạnh dạn nói rằng tại Trung Quốc, chúng tôi có những con người thực sự bất khuất".

Phải nói rằng tấm gương dũng cảm của luật sư Trần Quang Thành, dù tật nguyền, nhưng vẫn đứng lên chống lại tệ nạn lạm quyền tại Trung Quốc đã được rất nhiều người khâm phục, coi ông là một anh hùng dân tộc. Việc ông cùng gia đình bị quản thúc nghiêm ngặt, đôi khi bị đánh đập, đã khiến nhiều người bất bình, và họ đã không ngần ngại bày tỏ cảm tình với vị luật sư.
Việc ông Trần Quang Thành đào thoát được khỏi nơi quản chế và đang ở tại Sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh là một sự kiện làm chính quyền Trung Quốc mất thể diện, vì thế ngay khi vụ việc được báo chí phương Tây tiết lộ, mạng Vi Bác với hàng trăm triệu người sử dụng đã bị kiểm duyệt ngay lập tức.
Theo ghi nhận của website China Digital Times, từ hôm 27/04 đến nay, một loạt từ ngữ đã bị chặn trên Vi bác, hầu hết là tên của những người có liên can đến vụ đào thoát. Ngoài tên ông Trần Quang Thành, còn có tên nhà ly khai Hồ Giai cùng người vợ là bà Tằng Kim Yến, hai bạn thân của luật sư Thành, hay bà Hà Bồi Dong, người đã lái xe chở ông Trần Quang Thành đến nơi “an toàn” trước khi bị công an câu lưu.
Từ “trân châu”, bút danh của Hà Bồi Dong cũng nằm trong danh sách đen, tương tự như “Lâm nghi” - tên thành phố tiến hành chính sách triệt sản dã man bị ông Trần Quang Thành tố cáo- tên viết bằng chữ latinh của ông Thành, thậm chí các từ tắt nhu GC ( tức là Guang Cheng – Quang Thành), CNN, BBC, hai cơ quan truyền thông đưa nhiều tin về vụ này.
Các từ hết sức bình thường như “manh nhân” hay “hạt tử” – nghĩa là “người mù” - cũng bị kiểm duyệt, thậm chí từ “sứ quán” cũng bị coi là nhạy cảm.
Thế nhưng, quen thuộc với cách kiểm duyệt của chế độ đối với các thông tin bất lợi, cư dân mạng Trung Quốc đã lập tức sáng tạo ra cách đối phó. Theo hãng Reuters, trong những ngày qua, trên mạng Internet Trung Quốc đã xuất hiện thành ngữ “bước vào ánh quang”, để nói về vụ ông Trần Quang Thành, vừa gợi lên vụ ông đào thoát khỏi nơi tăm tối, vừa ám chỉ tên lót của ông là Quang.
Tần số xuất hiện thành ngữ này nhiều đến nỗi một cư dân mạng đã tự hỏi là liệu nhóm từ thông thường và vô hại đó có thể trở thành một từ ngữ nhạy cảm hay không ?
Một số người khác, thay vì dùng chữ Hán giản thể thông dụng tại Trung Quốc, thì đã dùng loại chữ phồn thể truyền thống dùng ở Đài Loan và Hồng Kông. Các nhà kiểm duyệt Trung Quốc thường có thiên hướng không chú ý đến chữ Hán truyền thống, vốn không được nhà nước công nhận cũng như không được giảng dạy trong nhà trường. Họ cho rằng không còn ai sử dụng nó hoặc đọc trôi chảy loại chữ này nữa.
Một người bí danh "Carlos24" đã khuyên bằng chữ viết truyền thống rằng : “Đừng nói đến việc đất nước này được cai trị bằng pháp luật làm gì, ngày nào mà nhà luật sư mù chưa được trả tự do”. Nhiều người khác thì chuyền nhau một bức ảnh chụp nhiều cặp kính đen chồng lên nhau với lời kêu gọi : “Hãy đeo kính đen, hãy viết một bài hát cho nhà luật sư mù”.
Trọng Nghĩa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét