Pages

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Phỏng vấn Đại sư Thupten Phelgye, một cựu đại biểu quốc hội lưu vong Tây Tạng

California, USA - Tuần trước Ngọc Hiếu (NH) hân hạnh được phỏng vấn Đại sư Thupten Phelgye (TP), một cựu đại biểu quốc hội lưu vong Tây Tạng. Nhân dịp Tháng Tư Đen, Đài Truyền Hình SBTN chiếu thương trình “Nhân quyền và Tự Do Tôn Giáo với Cao Tăng Tây Tạng”. Lilly chưa có video của cuộc phỏng vấn này nên xin chia sẻ với mọi người bản dịch cuộc phỏng vấn với Đại sư Phelgye.
Lời giới thiệu:
Ngọc Hiếu (NH) xin kính chào quý thính giả của Đài Truyền Hình SBTN. Hôm nay NH rất hân hạnh được gửi đến quý vị một chương trình đặc biệt với khách mời là một cao tăng Tây Tạng. Trước khi vào cuộc trò chuyện, NH xin giới thiệu đôi nét về Đại sư Thupten Phelgye.

Đại sư Phelgye sinh năm 1956 tại Tây Tạng. Khi Trung Cộng xâm lăng đất nước này vào năm 1959, Ngài và cha mẹ đã vượt thoát quê nhà tìm tự do. Hành trình đi bộ ròng rã kéo dài 2 năm mới đến được đất Phật Ấn Độ. Năm 1973, Ngài xuất gia ở tuổi 17, theo học chương trình đào tạo tiến sĩ Phật học 18 năm rất nghiêm khắc của Phật giáo Tây Tạng và được trao bằng tiến sĩ từ Phật Học Viện Sera. Sau đó Ngài tiếp tục nghiên cứu về Mật tông tại tu viện Gyumeh. Vào những năm đầu của thập niên 90, dưới sự hướng dẫn của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài đã nhập thất ẩn tu khổ hạnh trong 5 tại Ấn Độ. Sau khi ra thất, Ngài tập trung vào việc chăm sóc và hộ niệm cho bệnh nhân, công việc mà Ngài đã thực hiện trước đó từ năm 1984 khi còn trụ xứ tại tu viện Sera.
Sau khi bế quan tu hành nhiều năm, với sự ban phước lành của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài sáng lập phong trào tình thương hoàn vũ (Universal Compassion Movement) để cổ võ ăn chay trên toàn thế giới. Kể từ năm 2001, Ngài là thành viên của Quốc Hội Tây Tạng Lưu vong, đại diện cho dòng truyền Gelugpa. Với tư cách là thành viên Quốc Hội, Ngài đã vận động thành công một số nghị quyết kêu gọi ăn chay trong cộng đồng Tây Tạng để phát triển tình thương.
Trong những năm gần đây, Đại Sư Thupten Phelgye đi du hóa khắp nơi trên thế giới như Ấn Độ, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Pháp, Đài Loan, Do Thái, Canada, và Mỹ v.v., để thuyết giảng và cổ võ ăn chay và tình thương rộng lớn cho nền hòa bình thế giới. Ngài thường là khách mời đặc biệt của các đại học lớn như Harvard, đại học tại California và các trung tâm Phật giáo khác.
Và sao đây xin kính mời quý vị chào đón Đại Sư Geshe Thupten Phelgye:
(NH): Đại sư, thật là hân hạnh cho con được sự có mặt của Thầy tại đây với đài SBTN. Thầy có khỏe không và Đức Đại Lai Lạt Ma có khỏe không ạ?
(TP): Tôi khỏe và Ngài Lạt Ma cũng rất khỏe.
(NH): Cám ơn Thầy đã dành thời giờ đến dự buổi nói chuyện này. Theo lý lịch mà con được biết thì Thầy rất nhiệt tình trong lãnh vực ăn chay và cứu các con vật khỏi các lò giết thịt. Thầy cũng có đến một ngôi chùa Việt Nam tại đây mấy tháng trước để giảng thuyết về phong trào tình thương hoàn vũ. Để quí khán giả có thể theo dõi, Thầy có thể tóm tắt về phong trào này và tại sao nó quan trọng trong đời sống hàng ngày không ạ.
(TP): Cám ơn. Phong trào tình thương hoàn vũ đặt nền tảng trên các giá trị Phật giáo và Phật pháp. Cùng lúc nó cũng chỉ là những điều hợp lý thông thường thôi. Ngày nay, người ta nghĩ đến súc vật như là món ăn thôi. Con người ăn hầu như mọi loại súc vật. Và rất tiếc, nhiều loại động vật sống dưới nước bị gọi là đồ biển. Chúng không còn được coi là những sinh linh, biết đau và khổ. Đó là điều mà tôi cố gắng tạo sự hiểu biết nơi mọi người. Từ khởi điểm đó tôi mở rộng ra nhiều vấn đề khác bên dưới phong trào tình thương hoàn vũ.
(NH): Thầy đi rất nhiều nơi, từ các đại học đến chùa chiền, cộng đồng khắp nơi trên thế giới để nói về phong trào này. Người ta phản ứng thế nào khi nghe điều này?
(TP): Cơ bản là tôi rất may mắn. Người ta đón nhận điều này rất nghiêm chỉnh tại hầu hết các nơi. Nhưng cùng lúc, tôi cũng phải nói thành thật là khi tôi bắt đầu cuộc hành trình này tôi đã phải vượt qua nhiều thử thách. Ngay cả trong cộng đồng của tôi. Trong chính thiền viện của tôi. Bởi vì như bạn biết, Tây Tạng là vùng cao nguyên. Người ta phải sống nhờ ăn súc vật. Có yếu tố văn hóa trong đó nữa. Và người ta không có nhiều chọn lựa gì khác ở Tây Tạng …
(NH): … Để sống còn.
(TP): Đúng vậy. Nhưng rồi khi đi lưu vong, trở thành người tỵ nạn tại Ấn Độ, người ta có nhiều loại thực phẩm và không cần phải dựa vào thịt nữa. Nhưng lúc đó thì đã nghiện thịt rồi hoặc không biết về cái đau và khổ của các sinh linh khác. Vì thế tôi thấy cần phải nâng mức hiểu biết về súc vật. Suốt mấy chục năm qua, tôi hãnh diện là đã nâng mức hiểu biết này khá tốt. Nhiều người đã chấp nhận cách sống ăn chay.
(NH): Con là một Phật tử và đã từng ăn chay rất nhiều năm. Nhưng nay con đã trở lại ăn mặn và thấy rất là khó ăn chay hết ngày này sang ngày khác. Con hiểu mức khó khăn và cũng muốn ăn uống lành mạnh và thương yêu muôn loài. Cám ơn Thầy đã chia sẻ.
Ngoài vai trò là một cao tăng, Thầy cũng là một đại biểu quốc hội Tây Tạng lưu vong. Thầy có thể chia sẻ về các nỗ lực của chính phủ Tây Tạng mới không ạ. Cộng đồng người Việt cũng rất muốn biết về lãnh vực này.
(TP): Cám ơn. Nhưng tôi phải nói rõ chuyện đó. Thứ nhất, tôi không có “cao tăng” chút nào hết. Tôi thấp lè tè dưới mặt đất thôi. Tôi nhìn tôi cỡ như con côn trùng bay lòng vòng. Thứ nhì, đúng, tôi có phục vụ tại quốc hội 10 năm trong vai trò đại diện hệ phái Gelugpa. Nhưng chuyện đó đã qua. Hiện giờ tôi không còn trong quốc hội nữa.
(NH): Có lý do gì không hay chỉ vì Thầy muốn đi khắp nơi để nói về phong trào tình thương hoàn vũ?
(TP): Nói thành thật với bạn thì đi vào chính trường không hề là ước mơ hay có trong suy nghĩ của tôi. Đơn giản chỉ vì vào thời điểm bầu cử, thiền viện bầu tôi ra. Thế là tôi phải tự hỏi tôi có muốn từ chối sự đề cử, hy vọng, kỳ vọng của mọi người không hay là dấn thân thực hiện. Điều làm tôi suy nghĩ nhất là tấm gương của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Từ tuổi 16, ông đã phải gánh trọng trách của dân tộc Tây Tạng. Ông làm việc rất nhiều mỗi 24 tiếng. Vì thế tôi nghĩ khi có khó khăn thử thách đặt trước mặt tôi lại tránh đi, thì làm sao tôi có thể nhìn mặt Đức Lạt Ma. Những suy nghĩ đó cột tôi vào trách nhiệm. Và tôi lãnh việc đó được 5 năm. Rồi trước lần bầu cử thứ nhì, tôi có dịp gặp Đức Lạt Ma. Tôi hỏi ông, tôi đã cố gắng hết sức 5 năm rồi. Còn có nhiều chuyện khác tôi có thể làm nữa. Ông nói tôi còn trẻ và dân chúng đang tin tưởng nơi tôi, tại sao tôi không phục vụ thêm ít năm nữa. Thế là tôi ở lại 5 năm nữa và tổng cộng được 10 năm. Tôi thấy như vậy là lâu lắm rồi … cho một người không có ý định tham gia chính trị. Và tại quốc hội tôi đã luôn coi mình như một người làm việc xã hội và đại diện hệ phái Phật giáo của tôi chứ chưa hề coi mình như một chính trị gia.
(NH): Kinh nghiệm 10 năm tại quốc hội đã ảnh hưởng thế nào và đưa Thầy vào hướng đi hiện tại?
(TP): Để tôi chia sẻ câu chuyện thế này. Khi tôi hoàn tất chương trình học vào năm 1991 và lãnh bằng Geshe, tôi tìm gặp Đức Lạt Ma. Tôi hỏi ngài tôi học xong rồi, xin hướng dẫn tôi nên làm gì trong cuộc đời trước mặt. Ngài nói sao tôi không đi tịnh tâm đi. Chúng sinh đang khát Phật pháp. Tôi đã học xong và nói được tiếng Anh. Đó là điều Ngài khuyến khích tôi nên đến và phục vụ trong khả năng của mình. Đó là duyên cớ khiến tôi đi khắp nơi từ năm 1991.
(NH): Đó là một thời gian dài. Cám ơn Thầy đã chia sẻ. Gần đây, chúng con rất cảm động và buồn khi đọc tin về các vụ tự thiêu của các sư tăng, ni cô, và thanh niên Tây Tạng. Thầy có thể cho biết các lý do và hoàn cảnh đằng sau những hy sinh này không ạ.
(TP): Đó thật là điều đau đớn và bất hạnh đã xảy ra tại Tây Tạng. Theo tôi và từ quan điểm của một Phật tử, quan điểm của chính phủ Tây Tạng lưu vong, hành động như vậy là không nên. Rất tiếc lại đang xảy ra. Chúng tôi cố gắng thuyết phục họ đừng làm. Sinh mạng quí giá. Có những cách khác để bày tỏ cảm giác, nỗi đau. Có cách khác để phản đối ôn hòa. Hy sinh tính mạng như vậy không đưa đến lợi ích nào cả. Những gì đang xảy ra rất là đáng tiếc.
(NH): Từ trang mạng Save Tibet, con thấy từ năm 2009 đến nay đã có tới 35 vụ tự thiêu. Mà đa số còn rất trẻ, chỉ độ 18, 19, 20 tuổi. Cách đây mấy ngày, Đức Lạt Ma có tới vùng Long Beach, California. Trong một buổi họp báo, có người hỏi về 2 vụ tự thiêu gần đây. Câu trả lời nguyên văn của Ngài là: “Đó là điều rất, rất đáng buồn nhưng cùng lúc cũng đang là một vấn đề rất chính trị. Tôi muốn giữ im lặng.” Vậy thì nhà nước Trung Cộng phản ứng thế nào về hàng loạt những cuộc tự thiêu thế này và Thầy nghĩ sao về sự kiện này?
(TP): Một mặt bất hạnh khác của chuyện đó là tôi thấy trên truyền thông, phát ngôn nhân Trung Quốc luôn luôn nói đây là do kích động từ bên ngoài, từ Đức Lạt Ma, từ cộng đồng Tây Tạng lưu vong. Điều đó hoàn toàn sai. Cả thế giới biết đều đó không đúng sự thật. Tôi có thể khẳng định là không đúng. Và cũng như Đức Lạt Ma chọn thái độ im lặng, chúng tôi đã khuyên giải họ đừng làm và có cách khác để biểu lộ nỗi đau và khát vọng một cách ôn hòa. Tuy nhiên, rất khó dưới chế độ cai trị như thế. Có cách khác chứ không nên hy sinh tính mạng. Mọi mạng sống đều quí giá. Ngay cả những con vật mà tôi vận động để cứu mà còn quí thì sinh mạng con người còn quí hơn nhiều. Không nên hy sinh bằng cách đó.
(NH): Nhưng nếu chính phủ mà Thầy muốn đối thoại lại coi họ có quyền lực tuyệt đối và không muốn tìm giải pháp trung dung thì sao?
(TP): Đúng, đúng. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Đây không chỉ là vấn đề của người Tây Tạng. Chính người Trung Quốc gốc Hán cũng không có tiếng nói. Họ bị trấn áp. Nhưng mặt tích cực hiện nay là thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Đây là thế kỷ của hiểu biết. Người ta ngày càng hiểu biết, càng được giáo dục cao. Và ngày càng nhiều người Hoa trên khắp thế giới nhìn ra sự thật. Mặc dù mỗi người Hoa đều có lòng yêu nước; thái độ ái quốc; “Trung quốc của tôi”; nhưng thâm sâu trong lòng họ vẫn có tiếng nói của sự thật. Sự thật đó từ từ hiện rõ lên. Thế hệ mới sẽ lên tiếng đòi tự do, dân chủ, nhân quyền của họ. Và khi họ nhận ra tình trạng tham nhũng của chính quyền, giới lãnh đạo sẽ phải thay đổi. Họ bắt buộc phải thay đổi. Nếu giới lãnh đạo sáng suốt, đừng chờ dân phải nổi loạn, hãy chủ động thay đổi. Thêm tự do, thêm cởi mở thì Trung Quốc sẽ phát triển tốt hơn hiện nay rất nhiều.
(NH): Nghĩa là hiện nay toàn là những kẻ chuyên trấn áp, vi phạm nhân quyền, v.v.
(TP): Họ muốn nói gì thì nói nhưng cả thế giới nhìn họ khác hẳn. Đó là điều rất đáng tiếc về Trung Quốc. Họ đang phát triển tốt về mặt vật chất nhưng thế giới mang hình ảnh khác về Trung Quốc. Họ phải cải thiện về mặt đó. Nếu họ muốn làm điều tốt và đem lại hạnh phúc cho dân chúng họ phải cởi mở xã hội.
(NH): Tương tự như vậy tại Việt Nam. Các vi phạm nhân quyền cứ tiếp diễn. Các nhà đấu tranh cho nhân quyền, các tiếng nói lương tâm bị đàn áp. Tuy nhiên, nhà nước luôn luôn báo cáo với thế giới tình hình nhân quyền cơ bản tại Việt Nam vẫn tốt đẹp; không có ai bị bắt vì các phát biểu của mình.
(TP): Đúng vậy. Các lời lẽ tuyên truyền của chính phủ luôn rất khác với thực tế. Có lẽ đó là hiện tượng chung trong chính trị. Tôi thấy rất nhiều sự việc trong thực tế, không chỉ tại Việt Nam, Tây Tạng, Trung Quốc. Nhưng tại những nước do cộng sản cai trị, tình trạng này nặng nề hơn nhiều. Đó là điều đáng quan ngại. Nhưng tôi vẫn tin là thay đổi sẽ phải đến. Giới lãnh đạo Trung Quốc không quá đui mù đâu. Họ thấy thực tế chung quanh chứ nhưng họ cũng có những khó khăn trong chính trường của họ. Họ có khó khăn không thể thay đổi ngay. Họ chỉ đang thay đổi từ từ từng bước thôi. Tôi tin là tương lai sẽ khá hơn.
(NH): Dĩ nhiên vẫn phải nhờ vào sự thúc đẩy của các tiếng nói lương tâm phải không ạ. Bây giờ, xin chuyển qua lãnh vực đấu tranh bất bạo động mà dân tộc Tây Tạng được biết đến nhiều, đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đó có còn là đường hướng của chính phủ Tây Tạng mới không? Và nếu trở lại chuyện tự thiêu khi nãy, Thầy có xem đó là những nỗ lực bất bạo động không?
(TP): Có vài phương diện cần nói tới. Thứ nhất, Bộ Phận Hành Chánh hiện nay – có lẽ dùng chữ đó cho an toàn mặc dù hầu hết thế giới, truyền thông, chính giới gọi là chính phủ Tây Tạng lưu vong. Chúng tôi rất biết ơn về sự công nhận đó. Nhưng chúng tôi tự gọi mình là bộ phận hành chánh — Bộ Phận Hành Chánh Tây Tạng mới hoàn toàn ủng hộ chính sách mà chúng tôi đã chọn dưới sự lãnh đạo của Đức Lạt Ma. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào chính sách “trung đạo”. Tìm giải pháp thích ứng với Hiến pháp và chính quyền Trung Quốc với điều kiện họ phải thành thật thực hiện các điều khoản về các sắc dân thiểu số. Hiện nay rất nhiều điều cao đẹp được viết trong Hiến pháp nhưng thực tế thì khác xa. Đó là lý do nhiều người đã tuyệt vọng và đi đến tự thiêu. Họ không thấy sống để làm gì khi không thể sống theo văn hóa của mình, không thể hành đạo, không có tiếng nói. Đó là nguồn gốc của nỗi bực bội. Tôi cũng phải nói về khoảng cách giữa Bắc Kinh và chính quyền địa phương. Rất nhiều vụ kỳ thị, giết chóc, tra tấn diễn ra ở địa phương mà Bắc Kinh không biết. Nên nếu chính quyền Trung Quốc quan tâm hơn về nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do văn hóa. Tất cả đều đã có viết trong Hiến pháp. Nếu họ thành tâm thực hiện các điều khoản đó. Chúng tôi không tranh đấu để giành chế độ hay vị thế chính trị. Chúng tôi muốn hòa bình và hạnh phúc. Đó là mơ ước chung của cả loài người chứ không riêng gì với dân Tây Tạng hay Trung Quốc. Chúng tôi không có vấn đề gì cả với người dân Trung Quốc. Tôi có thể nói thay cho toàn thể dân Tây Tạng về điều đó. Nếu chính quyền Trung Quốc để chúng tôi có quyền tôn giáo, quyền văn hóa và những quyền bình thường khác mà mọi con người đáng được hưởng thì họ đã thấy hạnh phúc rồi. Đó là chính sách của chúng tôi và đã viết thành văn bản để đưa cho giới lãnh đạo Trung Quốc. Thật khó có thể hiểu được tại sao giới lãnh đạo hay phát ngôn nhân lại cứ giả vờ không biết những điều đó và cứ nói chúng tôi chủ trương tách lìa. Nói thế là hoàn toàn sai. Cả thế giới biết chúng tôi muốn đối thoại. Chúng tôi muốn trở về quê hương của chúng tôi nếu họ chịu để tâm một chút.
(NH): Như vậy hiện có bức tường ngăn trở đối thoại giữa Bộ Phận Hành Chánh Tây Tạng và nhà nước Trung Quốc?

Ngọc Hiếu và thầy Thupten Phelgye
(TP): Đúng. Hiện giờ tình trạng cứ đẩy qua đẩy lại. Nhưng tôi tin giới lãnh đạo Trung Quốc là những người sáng… hay nói đúng hơn họ đủ sức biết quyết tâm của chúng tôi về hòa bình và đối thoại. Và họ cũng nên biết là họ sẽ không thể tẩy xóa Tây Tạng khỏi mặt địa cầu. Muốn vậy, họ sẽ phải giết hết tất cả mọi người Tây Tạng trên thế giới và họ sẽ không bao giờ làm được chuyện đó. Mặc dù dân số của chúng tôi nhỏ nhưng cũng may nhờ biến cố hồi đó mà bây giờ chúng tôi sống trên khắp thế giới. Người Tây Tạng, văn hóa Tây Tạng, đạo Phật Tây Tạng được quí hóa khắp thế giới. Chúng tôi đã đặt nền tảng văn hóa và tôn giáo khắp thế giới. Không có cách gì Trung Quốc có thể xóa sạch chúng tôi đi. Và nếu họ cứ tiếp tục làm ngơ các yêu cầu của chúng tôi, tôi không biết tương lai sẽ như thế nào. Hiện nay chúng tôi có Đức Lạt Ma tuyệt vời. Dưới sự lãnh đạo của ông, chúng tôi đi theo. Thế hệ của tôi đi theo. Tương lai chưa chắc còn được như thế. Thí dụ như từ năm 2008, như bạn thấy, tất cả những phản đối, biểu tình xảy ra tại Tây Tạng trong mấy năm qua đều do một thế hệ hoàn toàn mới ở độ tuổi mười mấy thôi. Họ chẳng hề thấy cuộc xâm lấn của Trung Quốc năm 1949, 1950. Họ cũng chẳng thấy cả cuộc Cách Mạng Văn Hóa thời thập niên 1960. Rất nhiều chia cắt ở nhiều mặt. Họ không biết gì về những chuyện đó. Nhưng, là những con người, họ vẫn biết họ là ai khi đọc lịch sử. Họ biết họ không phải người Trung Quốc. Họ có lịch sử riêng. Họ chỉ ở tuổi mới lớn thôi. Như thế mới thấy, sau bao nhiêu năm, ý chí con người bất tử. Và thí dụ hay nhất là người Việt, người Do Thái ở Trung Đông. Ý chí con người bất tử.
Do đó, không có cách gì nền văn hóa này có thể giết chết nền văn hóa khác. Rất tiếc những trò tra tấn vẫn diễn ra.
(NH): Đang nói về đấu tranh bất bạo động thì Thầy có thể chia sẻ về những suy tư đằng sau sự chọn lựa của dân tộc Tây Tạng khi tiến hành đấu tranh chống lại sự xâm chiếm của Trung Quốc và… có thành công không?
(TP): Tôi cho là rất thành công. Thứ nhất, trước thời 1950, không mấy ai biết đến Tây Tạng. Chúng tôi chỉ biết nhau trên rặng núi Himalaya. Chúng tôi được nhìn như một loại văn hóa kỳ bí. Nhiều người nói tới Sangri-la, v.v… Người ta nhắc tới nhưng thường không biết Tây Tạng là gì. Chính vì bị Trung Quốc xâm lấn mà Đức Lạt Ma phải chạy sang Ấn Độ. Khoảng 80 ngàn người Tây Tạng đi theo ngài thành dân tỵ nạn và sau đó tản ra khắp thế giới. Ngày nay, thứ nhất, chúng tôi rao giảng Phật pháp khắp thế giới. Điều may mắn lớn nhất từ khi xảy ra tai họa đó. Thứ nhì, chính nhờ vậy mà như hồi Thế Vận Hội 2008, cả thế giới đứng với chúng tôi, đứng với sự thật. Nhân loại cảm thông và ủng hộ chúng tôi. Chẳng phải vì Tây Tạng có dầu hỏa hay quyền lực mà chỉ vì lòng họ ủng hộ sự thật. Cho nên, một cách tổng quát, chúng tôi đã thành công trong việc trình bày trước thế giới bản thể, tôn giáo, và các vấn nạn của chúng tôi. Rất thành công.
(NH): Có điều gì mà dân tộc Tây Tạng và Việt Nam có thể giúp lẫn nhau trong công cuộc đấu tranh giành tự do và nhân quyền không ạ.
(TP): Có chứ. Là một Phật tử, tôi biết Việt Nam từng là quốc gia theo đạo Phật hàng ngàn năm. Chúng tôi cũng vậy. Nên về văn hóa, chúng ta có chia sẻ cùng một truyền thống Phật giáo nhưng dĩ nhiên chúng ta mở lòng với mọi tôn giáo và văn hóa khác. Chúng ta cùng có nhiều giá trị văn hóa sâu thẳm không chỉ cho chúng ta mà còn để chia sẻ với thế giới.
(NH): Đối với những nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam, những người tiếp tục lên tiếng cho những vấn đề xã hội, thì thông điệp của Thầy là gì ạ?
(TP): Bất luận làm việc gì, xã hội, văn hóa, v.v., tôi biết ý hướng của các bạn luôn luôn tốt, nhưng trong khi thực hiện, phương pháp tiến hành cũng cần khôn ngoan, khéo léo, và hợp đạo lý. Nếu bạn bước ra khỏi ranh giới của giá trị và đạo đức, bạn có thể trở thành sai. Với viễn kiến, ý hướng và sứ mạng tốt của bạn, bạn cũng cần phương tiện khéo léo để biến thành hiện thực. Với đạo đức, nguyên tắc, và hiểu biết. Căn bản đầu tiên là bất bạo động. Chúng tôi, là Phật tử, là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, chúng tôi rao giảng tình thương và phản đối bạo động mà nếu chúng tôi cũng dính vào bạo động thì có gì khác biệt giữa chúng tôi và họ đâu. Bạn cũng không còn thể gọi là người xấu nữa. Vậy nếu bạn phản đối bạo lực và tham nhũng thì hãy tránh xa những thứ đó. Bạn cần can đảm tìm hiểu về tha thứ và tình thương. Rất khó đó. Nhưng bạn cần sự can đảm và quyết tâm đó trên đường đi tới.
(NH): Không ngờ mà đã gần hết giờ. Trước khi chấm dứt, mời Thầy có đôi lời với cộng đồng người Mỹ gốc Việt và người Việt khắp nơi đang theo dõi chương trình này.
(TP): Cám ơn rất nhiều. Tôi rất cảm động. Tôi có một số bạn người Việt ở vùng Sacramento và nhiều nơi, nhưng phần lớn là ở vùng Los Angeles. Tôi có dịp đến thuyết giảng Phật pháp vào tháng Giêng và có dịp trò chuyện, hòa mình với nhiều giới người Việt. Tôi rất lấy làm sung sướng và thân thiết. Nên tôi nói ra những điều từ đáy lòng, chứ tôi chẳng dám khuyên bảo ai cả. Tôi hết lòng mong các bạn trẻ hãy trở nên người tốt, chăm chỉ học hành, kính trọng cha mẹ. Trong khi thăm viếng cộng cộng người Việt quanh đây, có một chuyện làm tôi quá sung sướng được thấy, và cũng giống như trong văn hóa của chúng tôi. Đó là 3 thế hệ sống dưới cùng một mái nhà. Đó chính là văn hóa Phật giáo. Đó là giá trị của chúng ta. Chúng ta không bỏ cha mẹ, người lớn tuổi vào các nhà dưỡng lão. Đó là giá trị nhân bản, giá trị Phật giáo. Những giá trị đó phân biệt giữa chúng ta và loài vật. Chim chóc một khi có cánh, chúng bay đi và không quay lại. Súc vật một khi đủ lớn, chúng bỏ đi sống riêng. Nhưng con người có cội nguồn cha mẹ, tổ tiên để trở về. Tôi rất cảm động khi thấy 3 thế hệ trong cùng một nhà. Xin hãy tiếp tục duy trì văn hóa và tình người.
(NH): Cám ơn Thầy.
Lời kết thúc:
Và kính thưa quý vị, đó là kết thúc chương trình nhân quyền và tự do tôn giáo với cao tăng Tây Tạng. Qua chương trình, chúng tôi mong muốn quý vị thấy sự khác biệt và tương tự giữa Việt Nam và Tây Tạng đối với chính sách đàn áp của Trung Cộng. Dĩ nhiên chúng ta không muốn đất nước Việt Nam giống như số phận của đất nước láng giềng Tây Tạng vì thế chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết và tiếp tục sánh vai với người dân trong nước.
Một lần nữa, xin cám ơn quý khán giả đã theo dõi chương trình, cám ơn đài truyền hình SBTN và các anh chị em trong ban kỹ thuật đã đóng góp trong chương trình.
Lilly cũng xin cám ơn Ban Biên Tập của Radio Chân Trời mới đã giúp Lilly dịch cuộc trò chuyện qua tiếng Việt.
Lilliy Ngọc Hiếu
Gởi trực tiếp cho VRNs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét