Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA MỘT ĐƠN VỊ CÔNG BINH



Lão Ngoan Đồng
Thành Ông Năm, nơi đồn trú của 2 đơn vị Công Binh : Liên Đoàn 30 Công Binh Chiến Đấu (CBCĐ) và Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo (CBKT), là vị trí yết hầu, phòng tuyến của Thủ Đô Sài Gòn từ hướng Củ Chi, cách quận lỵ Hốc Môn gần 2 cây số. Trong doanh trại của LĐ 5 CBKT gồm 5 tiểu đoàn, 1 đại đội Xe Trút (dump trucks) và 1 đại đội công sự nặng (heavy equipments).
Tôi là sĩ quan trực của tiểu đoàn 51 Công Binh Kiến Tạo trong đêm thứ hai ngày 28 tháng 4 năm 1975. Vào khoảng 22 giờ, nhìn về phía Củ Chi thấy ánh sáng của lửa cháy cao ngất trời, nghe âm thanh từ xa vọng lại của tiếng đạn đại bác nổ dồn, tôi đoán là Củ Chi, nơi Sư Đoàn 25 bộ binh trấn nhiệm, đang bi Việt cộng pháo kích hay tấn công gây nên những đám cháy đó. Mở máy vô tuyến PRC 25, liên lạc trên tần số hành quân với Chi Khu Hốc Môn, nghe nhiều báo cáo của các đồn Nghĩa Quân chung quanh quận lỵ, đang bị Việt cộng tấn công. Tôi gọi điện thoại cho Tiểu Đoàn Trưởng để báo cáo, thì được Ban Truyền Tin cho biết là Tiểu Đoàn Trưởng, và cả Tiểu đoàn Phó không có trong doanh trại, nên tôi quyết định ra lệnh báo động cho tất cả anh em quân nhân còn hiện diện trong đơn vị (khoảng 30 quân nhân), ra tăng cường các vọng gác quanh bờ thành phòng thủ và cổng chánh (hướng ra quốc lộ Sài Gòn Củ Chi), phải ẩn nấp trong các giao thông hào hoặc hố cá nhân, để tránh bị pháo kích và ở vị thế sẵn sàng khi bị Việt cộng tấn công.

Quả nhiên như dự đoán, vào khoảng 23 giờ 30 thì đạn pháo kích của Việt cộng bắt đầu rớt xuống doanh trại của Liên Đoàn 5 CBKT, khoảng 10 phút đầu tiên, có chừng 100 quả đạn đại bác 130 ly và hỏa tiển 22 ly rớt xuống hàng loạt (pháo bầy) vào doanh trại, sau đó thì Việt cộng pháo kích từng 2 viên đạn 130 ly, cách khoảng chừng 10 giây đến 20 giây. Cùng thời gian nầy, tôi cũng nghe tiếng đạn pháo kích rớt vào doanh trại của Liên Đoàn 30 CBCĐ kế cạnh, chỉ cách doanh trại của tôi bằng một con đường nhỏ. Đến khoảng 4 giờ sáng ngày 29 thì ngưng pháo kích, rồi có tiếng xích của thiết giáp, và hằng loạt tiếng nổ của súng không giật (SKZ) 75 ly hoặc 105 ly trong doanh trại của Liên Đoàn 30 CBCĐ. Tôi không còn để ý đến đơn vị bạn nữa vì đơn vị tôi cũng đang trong tình trạng nguy hiểm. Tôi bảo anh Thượng Sĩ Thường Vụ cố gắng vào kho đạn lấy súng M72 chống tăng ra phân phát cho các vọng gác. Độ 20 phút sau thì anh ta cho tôi biết là chúng tôi chỉ có 4 súng M72 của Đại Đội Chỉ Huy Công Vụ thôi, và đã phân phối cho tuyến phòng thủ mặt ngoài đường. Tôi thầm nghĩ, với 4 súng M72 được xử dụng bởi những quân nhân chưa được huấn luyện kỷ lưởng, trong đơn vị yểm trợ kỹ thuật cùa chúng tôi, thì hiệu quả sẽ như thế nào ? Tuy nhiên có còn hơn không.
Đến khoảng 5 giờ 30 sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, không còn nghe tiếng đạn pháo kich nữa. Ra khỏi hầm chỉ huy, tôi thấy kho của ban quân xa trúng đạn pháo kích đang bốc cháy. Hệ thống liên lạc nội bộ bằng điện thoại đã bị cắt đứt. Sợ bị cháy lan qua kho vũ khí đạn dược gần đó, tôi bảo anh Thượng sĩ thường vụ thay tôi chỉ huy anh em, và không được nổ súng nếu không bị tấn công, riêng tôi và anh tài xế của tôi lên xe tưới nước chạy sang lầu chứa nước (water tower) trong khu vực của Tiểu Đoàn 53 CBKT (nằm chung doanh trại) cách xa chừng 200 thước, để lấy nước chữa cháy, nhân tiện xem tình hình của anh tôi, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 53 CBKT, anh tôi cho biết, quân số còn lại vào khoảng 1 trung đội (trên dưới 30 người), và sĩ quan thì chỉ có anh và tôi 2 người thôi trong toàn thể Liên Đoàn 5 CBKT. Tất cả những người khác, kể cả đại tá Liên Đoàn Trưởng, đã dùng xe ủi đất (buldozer) ủi bờ thành phía sau doanh trại, thoát ra ngoài rồi. Biết thế, lòng tôi chán nãn lắm, hy vọng thượng cấp hướng dẩn đơn vị trong lúc nguy nàn nầy đã thành ảo vọng. Vì thế, tôi tự nhủ rằng dù không thể kháng địch, nhưng phải cố gắng làm thế nào tránh bị địch tàn sát. Trở lại đơn vị, sau khi dập tắt lửa, tôi cho tất cả quân nhân lảnh 3 ngày lương khô (gồm gạo xấy và thịt hộp) và chờ đợi trong vị thế tác chiến. Tôi không có đủ thì giờ và nhân lực để đi vòng quanh doanh trại, xem xét coi có ai thuộc các tiểu đoàn khác bi thương hoặc tử thương vì pháo kích không?
Nhìn sang doanh trại của Liên Đoàn 30 CBCĐ, thấy đài quan sát trung ương đã bị cháy và sập xuống, không có hoạt động gì, chỉ thấy có 4 tên Việt cộng đội nón tai bèo đứng gác, vậy là LĐ 30 đã bị VC tràn ngập rồi. Lòng tôi rất lo lắng, không biết chừng nào chúng nó sẽ tấn công mình đây ? Thôi thì áp dụng chiến thuật “địch bất động ta bất động” là tốt nhất. Tình trạng bất động nầy kéo dài đến khoảng 14 giờ thì bỗng nhiên có một người đàn bà từ trại gia binh bên ngoài cổng trại xin được vào trại, tôi cho gọi chị vào, chị là vợ của một quân nhân trong đơn vị của tôi, chị nói rằng mấy ổng (chỉ Việt cộng) đang chiếm giữ khu gia binh và Liên Đoàn 30 CBCĐ, bảo tôi vào nói với các anh là mấy ổng sẽ không tấn công, nếu các anh ra khỏi trại và đi về nhà, họ sẽ không làm khó dể gì, xong rồi chị ấy trở về nhà.
Tấn thối lưỡng nan, quyết định thế nào đây? Nhìn lại các quân nhân dưới quyền, đa số có gia đình ngoài trại gia binh, họ đang lo lắng cho vợ con họ đang bị Việt cộng bắt làm con tin. Nếu chống cự, thì với quân số khoảng hơn 2 tiểu đội, không thể kiểm soát hết toàn thể một doanh trại quá rông (chừng 10 mẫu đất), với hỏa lực yếu thế hơn chúng, chắc chắn sẽ bị tàn sát, hơn nữa chúng cũng sẽ tàn sát các gia đình binh sĩ bên ngoài. Cuối cùng tôi đành phải quyết định rời bỏ doanh trại, một quyết định hết sức đau đớn cho một cấp chỉ huy. Tập hợp tất cả anh em lại, tôi phân tích rõ tình hình và thực trang, và nói quyết định “tan hàng” cho mọi người hiểu. Câu nói cuối cùng cuả tôi với mọi người là; “ chúng ta tạm thời tan hàng, vũ khí cất vào kho và khóa lại, thay quần áo dân sự, ai về nhà nấy, tránh đi ra bằng cổng chánh, bờ thành phía sau đã được ủi xuống, có thể dùng ngã đó mà ra khỏi trai. Xin tạm biệt các anh, nếu còn sống, chúng ta sẽ gập lại nhau“. Tôi bắt tay từng người mà lòng đau nhói, nước mắt chảy dài hai bên má.
Sau khi tất cả anh em chuẩn bị cho chuyến ra đi không biết ngày trở lại xong xuôi, chúng tôi đi về phía bờ thành phía sau doanh trại. Nhìn anh em đã thoát ra khỏi doanh trại, lúc ấy vào khoảng 16 giờ 30, tôi quay trở lại, đi về hướng TĐ 53 CBKT, nơi anh tôi đang chờ. Gặp nhau, tôi hỏi ý kiến của anh như thế nào về hai chúng tôi. Anh tôi trả lời là phải tìm đường về nhà chúng tôi ở Hàng Xanh Gia Định, rồi mới tính tới được. Tôi đồng ý và đề nghị là nếu không thể về nhà được thì chúng tôi sẽ tìm đường về Vùng IV, vì ở đó là vùng đồng lúa sình lầy, xe tăng của Việt công khó có thể di chuyễn, và có 2 con sông Tiền và Hậu Giang cản trở nên chắc là Vùng IV vẫn còn an toàn. Sau khi anh tôi ra lịnh cho các anh em còn lại của Tiểu Đoàn 53 CBKT tan hàng để ai về nhà nấy, hai anh em tôi thay thường phục, lấy theo mỗi đứa 2 ngày lương khô, và theo lối ngã bờ thành phía sau doanh trại thoát ra ngoài ruộng, đi về hướng chợ Hốc Môn, lúc đó là 17 giờ 05. Nhìn lại doanh trại , nơi mà tôi đã phục vụ đơn vị vỏn vẹn chỉ hơn 6 tháng, sau khi thuyên chuyển từ công trường làm cầu và đường xa lộ Sóc Trăng-Cà Mau, của Tiểu Đoàn 71 CBKT thuộc Vùng IV vào tháng 10 năm 1974, tuy ngắn ngủi nhưng đây là nơi mà tôi có một ấn tượng thật xót-xa: một quân nhân bị bắt buộc phải “giã từ vũ khí”, phải rời bỏ đơn vị mình không có giấy phép, như một kẻ đào ngũ.
Sau khi di chuyển trong chợ Hốc Môn để ra xa lộ Sài Gòn – Củ Chi thì gập được hai vị Đại Tá Liên Đoàn Trưởng 30 CBCĐ và Liên Đoàn Trưởng LĐ5 CBKT, chúng tôi mời họ nhập bọn vì nghĩ đến tính nghĩa Huynh Đệ Chi Binh, nhưng trong lòng tôi có sự khinh bỉ, những cấp chỉ huy bất xứng. Gần đến xa lộ, lại gập thêm một Trung Úy thuộc Sư Đoàn 25 Bộ Binh, đã chạy thoát được khỏi Củ Chi từ đêm qua. Nhóm chúng tôi 5 người băng qua xa lộ nhìn ngược về hướng Ngã Ba Hồng Châu, thấy có xác của 2 thiết giáp T54 của Việt cộng, nằm chông chênh nghiêng ngửa, tôi đoán là bị đạn M72 của các quân nhân thuộc LĐ 30 CBCĐ bắn cháy. Chúng tôi len lỏi vào xóm nhà bên kia bờ xa lộ đi dài xuống Xã Bùi Môn. Trên xa lộ rất đông người đủ mọi lứa tuổi, và rất nhiều loại xe chở đầy người chạy giặc, di chuyển từ Củ Chi về hướng Sài Gòn. Đến xã Bùi Môn thì đoàn người di tản dồn đống lại vì có người cho biết, phía trước, ở khoảng Ngã Tư Xa Lộ Đại Hàn vẫn còn đang đánh nhau giữa Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù và Việt cộng. Lúc đó là khoảng 18 giờ 40 ngày 29 tháng 4 năm 1975.
Biết rằng không thể đi xa hơn, tôi hỏi các vị kia có ai quen biết người nào ở khu nầy thì đến đó tạm trú, vì không thể ở ngoài đường quá lộ liễu. Đại tá Liên Đoàn Trưởng LĐ30CBCĐ nói ông có biết một Thượng sĩ quản gia của Chuẩn Tướng Lân, cựu Cục Trưởng Cục Công Binh, ở khu nầy, ông ta có thể cho chúng tôi tạm trú. Chúng tôi đến nhà ông Thượng sĩ kia, cách xa đường lộ khoảng chừng 400 thước, thấy không có người, cửa cái đã khóa bên ngoài, nhưng cửa sổ thì không có khóa. Tôi trèo cửa sổ vào nhà, ngó quanh quất không có ai, tôi mở cửa sau, kêu gọi mọi người vào. Lúc bấy giờ trời đã nhá nhem tối, nhưng không dám mở đèn, sợ rằng bọn Việt cộng đang ruồng trong xóm sẽ tìm đến, chúng tôi thì thào bàn bạc và quyết định trú ngụ qua đêm ở đây. Cả ngày không ăn uống gì, đã quá đói và khát, tôi lấy lương khô ra phân phát cho mọi người, ăn trong im lặng .
Đến khoảng 20 giờ, tôi và anh Trung Úy Sư Đoàn 25 BB ra ngoài hàng ba để nghe ngóng động tỉnh. Ngoài xa lộ có tiếng xích của thiết giáp Việt cộng di chuyễn từ phía Hóc Môn về hướng Sài Gòn, thỉnh thoảng nghe tiếng loa của VC kêu gọi “nguỵ quân, ngụy quyền” ra đầu thú. Ngoài tiếng xe thiết giáp, còn có những tiếng xe khác, tôi đoán là xe vận tải của VC, đang chuyễn quân và trọng pháo, vì tôi nghe có tiếng nổ về hướng Tân Sơn Nhất, tiếng trọng pháo nghe phát xuất rất gần, có lẽ từ phía trường huấn luyện tài xế của Trường Quân Vận. Tình trạng như vậy kéo dài suốt đêm. Tất cả 5 người chúng tôi không chợp mắt được vì lo sợ VC sẽ tìm được chúng tôi, và chắc là ai cũng lo lắng cho gia đình, không biết có sống sót được không với đạn pháo kích của Việt cộng vào Sài Gòn.
Thế rồi trời cũng sáng dần lên, mãi đến khoảng gần 8 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, mới nghe có tiếng xe gắn máy và các loại xe dân sự khác chạy ngoài đường , và có tiếng người miền Nam nói vang trong xóm, chúng tôi mới dám ra ngoài, nhắm hướng nhà thờ Bùi Môn cách chúng tôi khoảng chừng non một cây số về hướng xa lộ Đại Hàn. Mày mò, dò dẫm băng đường ruộng chừng 30 phút rồi cũng đến được nhà thờ. Nơi đây có một vị Linh Mục, có lẽ biết chúng tôi là quân nhân, đã vội vã mời chúng tôi vào phòng riêng của ông và nói: “Các anh hãy tạm ở đây, chờ thuận tiện rồi mới đi, Việt cộng còn đang đánh nhau với quân mình ở xa lộ Đại Hàn“. Nói xong, ông gọi một người trong nhà thờ đi ra ngoài xem tình hình như thế nào, rồi trở về cho ông biết. Vị Linh Mục nầy, tôi không nhớ tên, đã đối xử với chúng tôi như người trong thân quyến, pha cà phê mời chúng tôi uống, và mở radio đài phát thanh Sài gòn để theo dõi tin tức. Trong khi chờ đợi, tôi suy nghĩ là nếu không về nhà được, thì đường tốt nhất để về vùng IV là dùng đường ruộng, men theo xa lộ Đại Hàn đi về Phú Lâm và sẽ đi theo quốc lộ 4 xuông Bến Lức, Long An, qua Mỹ Tho rồi đi thẳng về Vĩnh Long, Cần Thơ. Lương tháng 4 mới lãnh hôm thứ sáu tuần trước còn nguyên ,chưa kịp xài, có thể mua thức ăn dọc đường. Còn đang miên man suy nghĩ, thì nghe xướng ngôn viên đài phát thanh lưu ý : sau đây là lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh. Chúng tôi lắng nghe, thì hỡi ôi, ông ta ra lệnh đầu hàng Việt cộng. Chúng tôi nhìn nhau mà mắt ai cũng đầy lệ. Thế là chúng ta đã mất nước rồi, mà mất nước là mất tất cả. Thảm thương thay cho Miền Nam Việt Nam!
Chúng tôi nói với nhau là “hồn ai nấy giữ“, mỗi người mạnh ai nấy đi đến nơi nào tùy ý, và chúc may mắn cho nhau. Sau khi ngõ lời tạ ơn vị Linh Mục, chúng tôi thất thiểu bước chân ra khỏi nhà thờ Bùi Môn, lúc đó là 10 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975.Anh tôi và tôi, mỗi người một túi xách tay đi ra đường lộ, lúc đó rất đông người và xe cộ, cùng hướng về phía Sài Gòn.
Ra đến ngả tư Trung Chánh, nửa muốn đi về phía Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung về nhà qua ngã Gò Vấp, nhưng nghĩ lại, đi tiếp về ngã tư Bảy Hiền vẫn hơn vì có nhiều người chạy nạn, lẫn lộn trong đám đông sẽ tránh được sự chú ý Việt cộng. Hai anh em nhắm hướng xa lộ Đại Hàn mà đi bên lề trái đường, vì phía bên kia, ở đưới ruộng khô, có hai xe thiết giáp T54 và 2 khẩu đại bác 130 ly cùng các xạ thủ Việt công đang nhìn các bộ hành trên đường, và trên lề đường là một đôi quân Việt cộng đội nón tai bèo, mang dép râu, mặt còn rất trẻ chưa tới 20 tuổi, đang ngơ ngác nhìn quanh, đi hàng một cũng nhắm về hướng Sài Gòn. Đi đến ngang Trường Quân Vận và Trung Tâm 3 Tuyển mộ nhập ngũ, thấy như có một đội quân chừng 1 đại đội, xếp hàng 4 ngay ngắn trên lề đường, đầy đủ giày trận, nón sắt, túi đeo lưng, áo trận, nhưng không có người. Tôi đoán rằng đây là quân trang của anh em tân binh hoặc khoá sinh Quân vận, đã tan hàng trong vị thế hết sức trang trọng và kỹ luật cao, dù rằng các anh chỉ là binh sĩ. Mắt tôi cay xé, muốn bật khóc vì nghĩ đến thân phận của kẻ bị ép buộc phải bại trận.
Đến ngã tư Đại Hàn, trời đang mưa lâm râm, nhìn về phía trái bên kia đường là doanh trại của Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù, thấy không có bóng người, chỉ có 2 cái xác của Việt cộng, chân mang dép râu, nằm vắt thây trên rào kẽm gai, và phía bên phải là một xác xe thiết giáp T54 của Việt cộng vẫn còn đang nghi ngút cháy, trên mặt đường thì có vài xác chết Việt cộng còn nằm đó, máu đã chảy lan ra mặt đường, hòa tan với nước mưa dính vào đôi chân mang dép Nhựt Bổn của tôi, tự nhiên thấy một cảm giác hết sức tội nghiệp cho những người đã chết đó, vì họ không biết đã chết cho ai ? Chết vì cái gì ?
Đến ngang trại Hoàng Hoa Thám của Nhảy Dù, thấy tầng 2 của mặt tiền doanh trại bị sụp xuống, và trước mặt, phía bên kia đường cũng có xác của 2 xe thiết giáp T54 bị đứt xích và vẫn còn cháy cùng với vài tên VC chết cháy nám đen.
Đến Ngã Tư Bảy hiền, khoảng 16 giờ, định về nhà qua ngã Chi lăng về Bà Chiểu, bổng thấy hướng Bộ Tổng Tham Mưu, một chiếc trực thăng vừa cất cánh bay lên thì bị một hỏa tiển bắn trúng, bốc cháy và rớt xuống khoảng sân golf phía sau Bộ TTM, lúc đó có 2 xa thiết giáp T54 chạy từ Lăng Cha Cả, hướng về ngã tư Bảy Hiền, chúng tôi vội băng qua đường đi vào ngỏ hẻm xuyên qua xóm nhà bên kia đường ngang mặt Bô TTM, định đi đến đường Võ di Nguy Phú Nhuận. Đi trong ngỏ hẻm được chừng 300 thước thì thấy 4 quân nhân thuộc binh chủng nhảy dù, vừa di chuyển ra, vừa bắn ngược lại với bọn Việt công đang đuổi theo các anh ấy, và nghe tiếng gọi “ngụy quân hãy buông súng đầu hàng”. Nghe thấy vậy, tôi mới biết là vẫn còn người đang chiến đấu dù đã có lệnh đầu hàng. Anh em tôi thối ngược lại ngã tư Bảy Hiền, rẻ vào đường Lê Văn Duyệt để đi. Lộ trình chúng tôi là Lê Văn Duyệt, Trần Quốc Toản, Hiền Vương, Đinh tiên Hoàng , Phan Thanh Giản ,qua cầu xa lộ đi về Hàng Xanh. Trên đoạn đường nầy, chúng tôi gập rất nhiều xe chở bọn “cách mạng 30” với cờ của “mặt trận giải phóng”. chúng dùng súng AK và M16 bắn tứ tung lên trời, giống như bọn thổ phỉ vừa chiếm được làng, bắn súng thị oai vậy. Và chúng còn phá cửa kho Quân Tiếp Vụ, để cướp hàng hóa trong kho như lũ quỷ đói.
Về đến đầu đường hẻm dẫn vô nhà, lúc đó vào khoảng 19 giờ ngày 30 tháng 4, chúng tôi thấy ba má, chị em, vợ con tôi đang đứng trông ngóng chúng tôi, vì đã mất liên lạc 3 ngày rồi, họ không biết chúng tôi còn sống hay đã chết, vì Việt cộng tấn công quá khốc liệt mấy ngày qua. Gặp lại nhau, không còn nỗi vui nào hơn, cả nhà ôm nhau mà khóc. Về đến nhà, tôi mới biết là còn một đứa em, hiện đang phục vụ tại Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu Vĩnh Bình (Trà Vinh) chưa về nhà được. Chúng tôi định chờ cho thằng em nầy về nhà rồi sẽ trốn về quê, vì ở đây, hàng xóm đều biết 4 anh em tôi đều là quân nhân.
Vào ngày 6 tháng 5 năm 1975, em tôi đã từ Trà vinh về đến, và có một người bà con ở dưới quê chở trái cây bằng ghe, đem bán ở chợ Cầu Ông Lảnh, còn kẹt lại Sài Gòn đến thăm chúng tôi, do vây Ba tôi nhờ ông ấy chở đại gia đình chúng tôi về quê bằng đường sông. Chúng tôi về đến quê nhà vào ngày 12 tháng 5 an toàn. Chúng tôi chưa có một kế hoạch gì chắc chắn để tìm đường đi. Sau đó vào đầu tháng 6 năm 1975 thì cả 4 anh em tôi bị Việt cộng đến nhà bắt đi ở tù cải tạo. Riêng tôi thì vượt nguc được sau hơn 4 năm bị tù, và sau đó vượt biên thành công, hiện taị đang sinh sống ở Canada, và lúc nào tôi cũng nghĩ rằng mình vẫn còn trách nhiệm của một quân nhân tại ngũ.
Tôi viết bài hồi tưởng nầy, sau 37 năm, chỉ với mục đích là thăm hỏi và chúc sức khỏe cho các anh em đã cùng ở với tôi đến phút cuối cùng của đơn vị chúng ta, và xin cầu nguyện Thượng Đế phù trợ cho chúng ta còn sống để nhìn lại quê hương mình khi không còn cộng sản nữa. Và sau hết tôi muốn nói lại cho những chiến hữu cùng đơn vị Công Binh với tôi, những người đã không hiện diện trong những ngày cuối cùng đó, biết rằng vẫn còn những người trong đơn vị, chịu đựng những hiểm nguy cho đến phút sau cùng để khai tử cho đơn vị. Và cũng mong rằng đừng cho chúng tôi là hèn nhát, không dám chiến đấu với quân thù cho đến giọt máu cuối cùng.
Lão Ngoan Đồng
Tháng 4 Đen 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét