Pages

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Du đãng Trung Quốc gặp cao thủ Bắc Hàn


Ngô Văn
29 ngư phủ Trung Quốc bị Bắc Hàn bắt giữ.
Ngày 09/05/2012 lúc 9 giờ 30 sáng, giới lãnh đạo Bắc Kinh nhận được báo cáo khẩn cấp đồng loạt từ sở cảnh sát duyên hải ở Đại Liên, sở cảnh sát duyên hải ở Đan Đông, sở Ngư nghiệp ở Đan Đông và sở cảnh sát vũ trang ở Thẩm Dương, rằng Bắc Triều Tiên đã bắt 29 ngư phủ Trung Quốc trên 3 tàu đánh cá.
Tin này nhanh chóng rò rỉ lên mạng Internet và làm kinh ngạc giới quan sát quốc tế. Ai cũng biết trong nhiều năm qua, Trung Quốc là nước viện trợ chính yếu và liên tục cho Bắc Hàn, đặc biệt trong những giai đoạn thế giới cấm vận ngặt nghèo vì những hành động hiếu chiến của chế độ này. Vì vậy, ít ai nghĩ Bình Nhưỡng dám làm Bắc kinh mất lòng, hay giận dữ.


Có lẽ chính các lãnh tụ Trung Quốc cũng nghĩ như vậy. Họ lập tức yêu cầu xác nhận lại là 3 tàu đánh cá nêu trên bị Bắc Hàn hay Nam Hàn bắt giữ. Sau hơn một tuần lễ giàn xếp kín bên trong hậu trường không có kết quả, mãi đến ngày 17/05/2012, truyền thông ở Hoa lục mới được công khai loan tin này.

Ấn bản của sự việc theo báo đài Trung quốc như sau: vào ngày 08/05/2012, khi 3 tàu đánh cá thuộc sở Ngư nghiệp Đan Đông đang đánh cá trong lãnh hải của Trung Quốc, một tiểu pháo hạm của Bắc Triều Tiên đã đến bắt cả 3 tàu rồi chạy về phía lãnh hải Bắc Hàn. Các tàu đánh cá khác đang hành nghề gần đó chứng kiến cảnh tượng “bắt giữ phi pháp” này và gọi về cấp báo với cảnh sát Đại Liên, Đan Đông và Thẩm Dương. Cũng theo báo đài ở Hoa lục, phía Bắc Hàn đưa điện thoại di động cho các ngư dân Trung Quốc “bị bắt cóc” đó gọi về nhà bảo đóng tiền phạt. Muốn cả 3 tàu được thả phải nạp 1,2 triệu đồng tiền nguyên, tức 40 vạn nguyên mỗi chiếc.
Khoảng 90 phút sau, phía Bắc Hàn gọi lại và hạ tổng số tiền chuộc xuống còn 900 ngàn nguyên. Báo đài Trung Quốc cũng không quên kết án hành động này của Bắc Hàn chẳng khác nào “bọn hải tặc”, “không thể tha thứ”. (Và đó cũng chính là những động thái rất “hải tặc” và “không thể tha thứ” của hải quân Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam).
Trước những bài bản lên án hùng hổ trên báo đài Trung Quốc, phía Bắc Hàn vẫn không thả người nhưng cũng không lên tiếng chính thức. Rồi đột nhiên trang mạng của Tổng liên hội người Triều Tiên ở Nhật phản pháo lại các luận điểm của báo đài Trung Quốc và trưng bằng cớ cho thấy tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập trái phép lãnh hải Bắc Triều Tiên để “ăn cắp cá”. Các tàu này bị bắt và bị phạt tiền về tội xâm phạm lãnh hải. Trang mạng này kết luận: “Đáng lẽ phía Trung Quốc phải biết phản tỉnh để không tái phạm, đằng này còn tố ngược người khác là hải tặc. Đúng là vừa ăn cướp vừa la làng!”
Các chứng cớ cũng cho thấy đây không phải là lần đầu tiên tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Bắc Triều Tiên. Đáng kể nhất là lần tàu tuần duyên Bắc Hàn rượt đuổi tàu đánh cá Trung Quốc ra khỏi lãnh hải của họ vào tháng 10/2010. Trước đó vào năm 2008, Bắc Kinh đã đặt điều kiện với Bình Nhưỡng rằng nếu muốn nhận viện trợ phải để cho Trung Quốc vào đánh cá ở duyên ngạn Đông Hải và vùng cận hải Kim Sách của Bắc Triều Tiên. Nhưng khi vào hai ngư trường này, ngư phủ Trung quốc đánh cá theo cách “cào biển bằng lưới”, bất chấp luật lệ ngư trường. Họ vét sạch mọi loại sinh vật, dù lớn hay nhỏ, dù là loại ăn được hay không. Các tàu Trung Quốc còn ngang nhiên cắt lưới, cướp cá của ngư dân Bắc Hàn bất kể làn sóng căm phẫn trong toàn vùng. Các tàu Trung Quốc càng ngang tàng vì biết máy tàu của họ mạnh hơn và chạy nhanh hơn các tàu tuần duyên của Bắc Hàn vào lúc đó. Và ngay cả nếu bị bắt, các ngư phủ Trung Quốc tin là công an Bắc Hàn cũng chẳng dám làm gì họ ngoài vài câu cảnh cáo.
Từ cuối năm 2010, Bình Nhưỡng đã âm thầm trang bị động cơ mới có tốc độ nhanh hơn cho các tàu tuần duyên với kết quả như đã thấy trong các vụ đuổi bắt tàu cá Trung Quốc trên biển Hoàng Hải, phần chủ quyền của Bắc Triều Tiên; và nay chính sách cảnh cáo miệng trước đây cũng đã được nâng cấp.
Ngày 18/05/2012, trang web của sứ quán Bắc Kinh ở Bình Nhưỡng loan tin cho hay một số ngư phủ Trung Quốc đã được thả. Tất cả đều khỏe mạnh và sứ quán đang tiếp tục can thiệp cho những ngư phủ còn lại. Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế đặt nhiều dấu hỏi về tuyên bố này. Trước hết, “một số” là bao nhiêu? và tại sao lại không thả hết toàn bộ khi tội trạng của họ giống nhau? Hơn thế nữa, ngay từ đầu, mặc dù cho báo đài lên tiếng ầm ĩ, nhưng có chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh không dám làm mạnh trong vụ này. Một trong các chỉ dấu là trong các tuyên bố chính thức, Bắc Kinh gọi đây là một ’’án kiện’’ và đang “xác minh tình huống để can thiệp với nhà chức trách Bắc Triều Tiên nhằm giải quyết vấn đề”. Thuật ngữ ’’án kiện’’ mà Trung Quốc sử dụng mang thông điệp họ chỉ xem sự kiện này liên quan đến án hình sự mà thôi chứ không ảnh hưởng đến lãnh vực ngoại giao, chính trị.
Cũng cần nhắc lại, từ 2 đời trước – Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật – thỉnh thoảng chế độ cộng sản Bắc Hàn vẫn dám làm trái ý Bắc Kinh trong một số chính sách lớn. Cụ thể trong những năm gần đây là tại các cuộc Hội Đàm Sáu Nước về việc chế tạo vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, hay việc đi đêm kêu gọi Nga vào đầu tư mà chẳng hề báo cho Trung Quốc biết trước, v.v…
Là một nước đang lệ thuộc Trung Quốc nặng nề về cả kinh tế lẫn chính trị, Bình Nhưỡng vẫn dám chỉ thẳng mặt Bắc Kinh phản đối, và phản đối bằng hành động khi các tàu “Đại Hán” chỉ vào ăn cắp cá. Trong khi đó, tại biển Đông và ở các quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa của Việt Nam đủ loại tàu của Trung Quốc từ tàu đánh cá, tàu hải giám, tàu điều tra hải dương, và cả tàu công khai mang nhãn quân sự … tha hồ làm mưa làm gió, kể cả thọc sâu vào hải phận Việt Nam ngang nhiên cắt cáp ngay trước mắt tàu ngụy trang của hải quân Việt đi theo để “bảo vệ”. Nhưng khác với Bắc Hàn, trước mỗi sự kiện gây hấn từ Trung Quốc, toàn bộ giới lãnh đạo đảng CSVN chỉ biết:
(1) lên tiếng phản đối Trung Quốc… riêng CHO NGƯỜI VIỆT nghe;
(2) âm thầm bảo ngư dân nộp tiền chuộc;
(3) lập tức báo động lực lượng công an xiết TRƯỚC các tiếng nói phản đối của dân Việt; và
(4) gởi ngay từng phái đoàn cao cấp sang tận Bắc Kinh để bắt tay, chụp hình và hát lại bài 16 chữ vàng, 4 tốt trong quan hệ hữu hảo.
Trong tuần qua, thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn còn cẩn thận hơn một bước nữa. Sau khi đại diện hàng ngũ lãnh đạo CSVN hát điệp khúc 16 chữ vàng tại Bắc Kinh, ông vẫn chưa hết lo. Thứ trưởng đã gặp tận mặt để căn dặn cộng đồng nhỏ bé của người Việt đang sống trên đất Tàu tuyệt đối không được nói điều gì làm Bắc Kinh bực mình!
Dù dở ở mặt nào đi nữa, nhưng trong lãnh vực bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền đất nước, có lẽ ít ai có thể phủ nhận: “cậu nhỏ” Kim Chính Ân còn nhiều tự trọng, đảm lược, và tinh thần trách nhiệm hơn xa các “bác” Sang – Trọng – Hùng – Dũng… và dĩ nhiên, đáng làm thầy dạy những kẻ như Nguyễn Thanh Sơn, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Chí Vịnh về quốc nhục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét