Pages

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Việt Nam: Cần xóa bỏ bản án đối với nhà hoạt động viết blog


Người Bảo vệ Nhân quyền bị trừng phạt vì bày tỏ quan điểm

  • Xin Trả Cho Tôi Quyền Được Làm Người
    Human rights activist Ho Thi Bich Khuong
    © Ho Thi Bich Khuong



Đây là lần thứ ba trong vòng bảy năm, Hồ Thị Bích Khương bị vào tù vì đã thực thi quyền bày tỏ quan điểm của mình. Việc áp dụng điều 88 một cách có hệ thống để tùy tiện trừng phạt các blogger và những người phê phán chính phủ cho thấy mức độ coi thường tự do ngôn luận của Việt Nam vẫn không hề suy giảm.
Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói
(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ bản án dành cho blogger Hồ Thị Bích Khương, 44 tuổi và ngay lập tức trả tự do cho bà. Tòa án Nhân dân Tỉnh Nghệ An dự kiến mở phiên phúc thẩm vào ngày 30 tháng Năm năm 2012 để xử việc kháng án của bà đối với bản án năm năm tù giam vì vi phạm điều 88 bộ luật hình sự, có nội dung cấm “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa  hội Chủ nghĩa Việt Nam.”
Bà Hồ Thị Bích Khương bị xử sơ thẩm vào ngày 29 tháng Mười Hai năm 2011 vì đã trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, với nội dung bị chính quyền cho là phê phán chính phủ, và vì đã làm ra, tàng trữ và phát tán các tài liệu bị coi là chống nhà nước.

“Đây là lần thứ ba trong vòng bảy năm, Hồ Thị Bích Khương bị vào tù vì đã thực thi quyền bày tỏ quan điểm của mình,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Việc áp dụng điều 88 một cách có hệ thống để tùy tiện trừng phạt các blogger và những người phê phán chính phủ cho thấy mức độ coi thường tự do ngôn luận của Việt Nam vẫn không hề suy giảm.”
Vào tháng Năm năm 2005, chính quyền bắt giữ Hồ Thị Bích Khương ở Hà Nội, nơi bà tới văn phòng khiếu tố của chính phủ để nộp đơn khiếu nại về việc chính quyền địa phương tịch thu các cửa hàng của bà. Tòa án Nhân dân quận Ba Đình, Hà Nội, xử bà sáu tháng tù giam vì hành vi “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 bộ luật hình sự. Vào tháng Tư năm 2007, công an bắt giữ bà tại một tiệm Internet ở Nghệ An vì đang đọc thông tin trên các trang mạng nước ngoài. Tháng Tư năm 2008, một năm sau khi bắt giam Hồ Thị Bích Khương, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An xử bà hai năm tù về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 258.
Hồ Thị Bích Khương là một thành viên tích cực của một nhóm dân oan đang phát triển rất nhanh, gồm những người đi khiếu kiện đã sử dụng mạng Internet để bảo vệ quyền lợi của mình và của những người bị oan ức khác. Bà công bố những thông tin chi tiết về các hành động đàn áp và sách nhiễu nhằm vào bản thân và gia đình mình, và viết về những nỗi khổ cực của những người nông dân nghèo và những người bảo vệ nhân quyền phải chịu đựng. Bà được trao giải thưởng uy tín Hellman-Hammett năm 2011.
Ngày 28 tháng Ba năm 2012, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An dự định mở phiên phúc thẩm vụ Hồ Thị Bích Khương. Bà đã thành công trong việc yêu cầu hoãn phiên xử khi tuyên bố trước tòa rằng mình đã bị biệt giam và thậm chí không được thông báo trước về ngày xử phúc thẩm. Bà kể với người nhà rằng mình đã bị một phạm nhân khác đánh bốn lần trong khi quản giáo ngoảnh mặt làm ngơ.
Đó không phải là lần đầu Hồ Thị Bích Khương bị đánh đập trong khi bị tạm giam. Hồi ký ngục tù của bà được báo Người Việt Online, một tờ báo có nhiều ảnh hưởng của người Mỹ gốc Việt ở Quận Cam, bang California đăng nhiều kỳ trong tháng Bảy và tháng Tám năm 2009. Trong hồi ký, bà thuật lại chi tiết việc bị công an điều tra đánh trong khi tạm giam, đồng thời tả khái quát về điều kiện sống khủng khiếp sau song sắt.
“Công an vẫn tiếp tục tra tấn những người bị tạm giam, tạm giữ một cách có hệ thống,” ông Robertson nói. “Chính quyền cần tiến hành điều tra kỹ càng và công khai về những cáo buộc nghiêm trọng của Hồ Thị Bích Khương và quy trách nhiệm đối với những cán bộ đã đánh đập hoặc dung túng cho những tù nhân khác lạm dụng bà.”
Sau khi được thả vào tháng Tư năm 2009, Hồ Thị Bích Khương tiếp tục lên án chính quyền đã gây ra những nỗi bất công cho mình và gia đình mình. Bà từng tham gia vào ít nhất là hai cuộc biểu tình tự phát của những người mất đất hoặc đòi quyền lợi ở Nghệ An trong năm 2010 và viết bài trên mạng Internet về những vi phạm bà cho là do chính quyền địa phương gây ra đối với quyền lợi người dân ở đó.
Trong tháng Mười Một năm 2010, Hồ Thị Bích Khương đi thăm gia đình các nạn nhân bị chết dưới tay công an trong một cuộc xung đột về quyền lợi đất đai ở Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, vào tháng Năm năm 2010, và chất vấn sự im lặng của chính quyền trước vụ việc này. Tháng Mười Hai cùng năm đó, bà thuật lại việc chính quyền địa phương dùng bạo lực đối với các nhóm Tin lành Mennonite độc lập ở Thanh Hóa khi họ cố họp mặt tổ chức thánh lễ mừng Giáng sinh. Ba tuần sau đó, Hồ Thị Bích Khương bị bắt.
“Đáng lẽ Việt Nam phải biết ơn những người như Hồ Thị Bích Khương đã kêu gọi sự chú ý về những hành vi lạm dụng của chính quyền địa phương,” ông Robertson nói. “Họ tạo cho chính phủ một cơ hội điều tra sự việc và thể hiện cam kết tôn trọng pháp quyền. Khi chính quyền phản ứng ngược lại bằng cách xiết chặt báo chí và bắt giam các blogger độc lập, họ đương nhiên khuyến khích các hành vi tham nhũng và lạm quyền hơn nữa.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét