Nam Nguyên, phóng viên RFA
Ngay thời điểm Trung Quốc đưa chục ngàn tàu cá xuống phía nam đánh bắt hải sản trên vùng Biển Hoàng Sa Trường Sa thuộc Việt Nam, báo chí trong nước kêu gọi cần có hành động bắt giữ các tàu xâm phạm chủ quyền, để giữ vững lợi thế pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp.
Báo Thanh Niên hôm 7/8/2012 đưa lên mạng bài viết trích ý kiến của một số chuyên gia, nhà khoa học nhận định rằng: “Trước việc tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam, các cơ quan chấp hành pháp luật Việt Nam cần tiến hành bắt giữ và thực hiện các quyền tài phán khác theo luật định. Điều này nhằm khẳng định chủ quyền của mình. Nếu không hồ sơ pháp lý, lợi thế lớn nhất của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề biển Đông, sẽ bị tổn hại.”
Lợi thế pháp lý của Việt Nam sẽ bị tổn hại
Nhận định về sự chuyển biến này qua việc đưa tin về ý kiến cần bắt giữ tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Nhà Xuất bản Tri thức từ Hà Nội phát biểu:
“Đáng lẽ những đề nghị như thế là phải có từ lâu rồi trên báo chí, tôi rất tiếc là những đề nghị hết sức hợp lý, hết sức đứng đắn, hết sức phù hợp với luật pháp quốc tế, hết sức phù hợp với lòng dân lại được đưa ra muộn như vậy.”
“Đáng lẽ những đề nghị như thế là phải có từ lâu rồi trên báo chí, tôi rất tiếc là những đề nghị hết sức hợp lý, hết sức đứng đắn, hết sức phù hợp với luật pháp quốc tế, hết sức phù hợp với lòng dân lại được đưa ra muộn như vậy.”GS Chu Hảo
Từ nhiều năm nay, đặc biệt trong thời gian gần đây Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược lấn chiếm biển đông, với ý đồ khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên dầu khí và hải sản trên một vùng biển Đông bao la. Bắc Kinh đã thiết lập thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng sa mà họ xâm chiếm của VNCH năm 1974. Leo thang một bước nữa Quân ủy Trung ương Trung Quốc còn thiết lập bộ chỉ huy quân sự ở Tam Sa và loan báo đây là đơn vị phụ trách an ninh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Trung Quốc trên Nam Hải tức Biển Đông Việt Nam, kẻ bá quyền dựa theo cái gọi là đường lưỡi bò 9 điểm, vốn không có một cơ sở pháp lý nào để chứng minh. Song hành với các hành động vừa nêu, ngày 1/8 truyền thông Trung Quốc loan báo đưa 9.000 tàu cá đi thác hải sản trên Biển Đông và khuyến khích ngư dân đóng tàu to hơn để có thể xuống sâu hơn ở phía nam.
Theo dòng thời sự, có đến hàng trăm vụ tàu cá của ngư dân Việt Nam bị trấn lột, ngư dân và cả con tàu bị bắt giữ như tội phạm, gia đình ngư dân phải gởi tiền nạp phạt đến sạt nghiệp mới đưa được chồng con người thân trở về quê hương. Chúng tôi trích phát biểu của Thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh ở huyện đảo Lý Sơn Quảng Ngãi như một bằng chứng về sự bạo ngược của Trung Quốc trên biển Đông và nỗi thống khổ của ngư dân Việt Nam:
Trong khi Bắc Kinh hành xử như thế, nhưng khi tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền Việt Nam, thì Hà Nội ngược lại hoặc lờ đi như không biết, hoặc chỉ lên tiếng phản đối một cách hữu nghị.
Đi ra Hoàng Sa thì nó đuổi, chạy miết gặp nó thì phải “nộp” nhưng “nộp” thì “nộp” làm cứ làm. Không làm thì đói, tàu nó chạy nhanh lắm nó mười mình một thôi. Đầu năm tới giờ bị “nộp” nhiều rồi, mười chuyến nộp hết sáu….”Thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh
Trễ còn hơn không
Ông Nguyễn Quốc Thái, nguyên Tổng Thư ký báo Doanh Nghiệp là một nhà báo ký tên trong hai bản kiến nghị năm 2011 và thơ ngỏ ngày 6/8/2012, phát biểu với Đài ACTD:
“Đã đến lúc phải lên tiếng một cách rõ ràng và quyết liệt hơn thì Việt Nam mới được sự hỗ trợ của những nước khác trên thế giới. nếu không lên tiếng như vậy thì họ cho rằng đó là một sự chọn lựa của Việt Nam và họ thấy không cần hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này. Khi chính quyền Việt Nam, những cơ quan báo chí Việt Nam lên tiếng thì thế giới họ thấy rằng đã đến lúc cần phải hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề thực hiện công lý trên biển Đông.
Nếu ông theo dõi báo chí Việt Nam thời gian gần đây thì thấy rõ có một biến chuyển và thái độ rất rõ rệt trước những thái độ hung hăng hiếu chiến của một số người trong giới lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam. Việc báo chí lên tiếng như vậy là điều cần thiết, là sự thúc bách không thể thiếu được trong việc giải quyết vấn đề biển Đông bằng công pháp quốc tế, bởi vì nếu những tàu của Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Việt Nam mà chúng ta không bắt giữ thì lấy bằng chứng nào để nói chuyện với thế giới và Trung Quốc là họ đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Trễ còn hơn không.”
Nếu những tàu của Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Việt Nam mà chúng ta không bắt giữ thì lấy bằng chứng nào để nói chuyện với thế giới và Trung Quốc là họ đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Trễ còn hơn không.Ông Nguyễn Quốc Thái
Bài báo ngày 7/8/2012 trên báo Thanh Niên Online có thể là một khởi đầu cho “sự trễ còn hơn không” vừa nói. Về chi tiết, nhà báo Thanh Niên đã phỏng vấn TS Đinh Hoàng Thắng thuộc Viện Nghiên cứu công nghệ và phát triển cho rằng: “Trước đây có dự đoán là Trung Quốc có thể thuê công ty nước ngoài vào nhận thầu trên biển Đông, rồi họ cho tàu hải giám đi theo lấy cớ bảo vệ để khiêu khích, nhưng nay họ đã bỏ qua các động tác giả ấy, trực tiếp ra mặt và ngang nhiên xâm phạm biển đảo của Việt Nam bằng việc cho hàng chục ngàn tàu cá tràn ra biển Đông. Đây rõ ràng là một bước leo thang nghiêm trọng”.
Tờ Thanh Niên cũng trích ý kiến TS Lê Vĩnh Trương, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông, bày tỏ về ý đồ khiêu khích quân sự dưới vỏ bọc dân sự của Trung Quốc: “Họ cố ý dùng các tàu dân sự, mà khả năng rất cao là có binh lính của họ điều khiển hoặc đi cùng, một mặt vẫn tỏ ra hòa bình, mặt khác khiêu khích phía Việt Nam. Đó là cái bẫy mà họ giăng ra”.
TS Lê Vĩnh Trương nhấn mạnh với báo Thanh Niên Online, theo đó điều đáng lo ngại là nếu không bắt giữ tàu cá Trung Quốc, lợi thế pháp lý của Việt Nam có thể bị tổn hại. Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương nhận định: “Trong khi đưa tàu cá vào Việt Nam vừa để khiêu khích vừa để đánh bắt nguồn lợi hải sản, họ vẫn có thể ngang nhiên tuyên bố rằng vào thời điểm này, tại tọa độ này, tàu cá Trung Quốc đã tiến hành hoạt động khai thác bình thường mà phía Việt Nam chỉ phản đối chứ không ngăn chặn. Và điều này rất bất lợi cho phía Việt Nam”.
Cũng liên quan đến tình hình biển Đông VnExpress đưa tin, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 9/8 tuyên bố: các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền các quốc gia khi thực hiện họat động nghề cá trên biển. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi số lượng lớn tàu cá Trung Quốc được cho là sẽ hiện diện trên Biển Đông.
Theo VnExpress người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khi trả lời báo chí nêu rõ: "Mọi hoạt động của các bên liên quan, trong đó có hoạt động nghề cá trên Biển Đông, cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982". Ông Lương Thanh Nghị nhấn mạnh, những hoạt động này cũng cần "phù hợp với tinh thần Tuyên bố Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia, đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực, bảo vệ môi trường và tài nguyên biển.
Chưa thấy người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đề cập gì tới khả năng tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trên vùng biển chủ quyền Việt Nam sẽ bị bắt giữ và nộp tiền phạt, như đề xuất của các chuyên gia học giả trên báo Thanh Niên. Dù rằng những hành động này nếu có cũng hoàn toàn phù hợp Luật Biển VN, luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét