Một khả năng chiến tranh ở Biển Đông & Cuộc Chiến Sắp Tới
“Chỉ có một quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ mới có thể giữ được Biển Đông. Lúc này những người lãnh đạo nhà nước phải nhanh chóng xúc tiến thiết lập một lộ trình nhằm xây dựng quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ. Lộ trình này bao gồm các đòi hỏi không thể thỏa hiệp của Mỹ là thực thi nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam. Nếu những người lãnh đạo Đảng có bản lĩnh thì lộ trình vẫn có thể bảo đảm quyền lực chính trị của họ.” ( Trần Minh Khôi )
Trần Minh Khôi – Một khả năng chiến tranh ở Biển Đông
Những hành động quyết đoán gần đây của Bắc Kinh đối với Biển Đông không chỉ là phản ứng để làm vừa lòng các tầng lớp chủ xướng chủ nghĩa dân tộc và giới tướng lãnh diều hâu của Giải phóng Quân Trung Quốc trước sự ra đời của Luật Biển Việt Nam. Chúng có thể là bước đầu của những thỏa hiệp chính trị ở Trung Quốc có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh chớp nhoáng ở Biển Đông nhằm cưỡng chiếm Trường Sa và đặt mọi chuyện trước sự đã rồi.
Chỉ còn vài tháng là đến Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi xảy ra cuộc chuyển giao quyền lực cho thế hệ mới, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa thương lượng xong vai trò đứng đầu Ủy ban Quân ủy Trung ương cho ông Tập Cận Bình. Hồ Cẩm Đào có thể sẽ phải ở lại hai năm nữa trong vị trí đầy quyền lực này. Điều này gợi ý rằng giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc có những toan tính khác và có thể sẽ tạo áp lực với ông Tập Cận Bình để có tiếng nói quyết định hơn trong các vấn đề của Biển Đông. Như đã nói trong các bài viết trước, khả năng chiến tranh lớn nhất là khi Trung Quốc cần phải giải quyết những vấn đề chính trị nội bộ. Chúng ta đang đứng trước một khả năng lớn như thế.
Nếu Trung Quốc quyết định cưỡng chiếmTrường Sa, hoặc chỉ cưỡng chiếm một số đảo, lúc này thì ngoài những tuyên bố phản đối của các quốc gia Đông Nam Á và phương Tây nó sẽ không gặp phải trở ngại nào lớn, đặc biệt là khi Trung Quốc bảo đảm quyền tự do hàng hải cho các quốc gia này. Nhà nước Việt Nam hiện đang gặp phải cuộc khủng hoảng về tính chính đáng lãnh đạo và sẽ không có đủ ý chí chính trị để tổ chức một cuộc chiến tranh du kích cắt đứt đường hàng hải trên Biển Đông đối với tàu hàng Trung Quốc, mối đe dọa lớn nhất đối với Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc quyết định thực hiện một cuộc chiến tranh cưỡng chiếm cục bộ lúc này, có khả năng chúng ta sẽ mất Trường Sa và không bao giờ lấy lại được nữa.
Đã hai năm trôi qua kể từ tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton ở Hà Nội nhưng quan hệ quân sự Việt-Mỹ vẫn chưa có tiến triễn gì đáng kể, ngoài những việc có tính biểu tượng như đưa tàu hải quân Mỹ vào thẳng Cam Ranh để sửa chửa chứ không còn phải giấu mình ở cảng Vân Phong. Người Mỹ đã làm những gì có thể làm để kéo Việt Nam ra khỏi sự cương tỏa của Trung Quốc. Họ làm những điều đó với một đòi hỏi khá đơn giản: thực thi nhân quyền cho chính công dân Việt Nam. Nhưng chính quyền Việt Nam vẫn không có một động thái nào để tự cứu mình và cứu lấy quốc gia trước mối nguy xâm lược của Trung Quốc. Cứ theo tiến độ này thì phải mất ít nhất một thập niên nữa quan hệ Việt-Mỹ mới đủ sự tin cậy để có những hỗ trợ quân sự. Bắc Kinh hiểu rõ điều này. Nếu Bắc Kinh lúc này quyết định cưỡng chiếm các đảo Trường Sa hiện đang được bảo vệ bởi hải quân Việt Nam thì Mỹ sẽ đương nhiên bị đặt ra ngoài vòng chiến sự. Mỹ sẽ không thể làm gì giúp Việt Nam ngoài việc lên tiếng phản đối.
Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay phải hiểu rằng mất Trường Sa là mất Đảng. Bắc Kinh chắc chắn đã chuẩn bị một giải pháp thay thế với những gương mặt hiện nay gắn bó với Bắc Kinh. Chỉ cần một động thái mị dân như trả lại một vài đảo Trường Sa cho Việt Nam là Bắc Kinh có thể để đổi lấy tính chính đáng cho đám lãnh đạo mới được Bắc Kinh dựng lên này. Đảng sẽ vỡ ra nhiều mảnh. Bắc Kinh có thể sẽ rót tiền vào để cứu nền kinh tế và cứu nhóm lãnh đạo nô bọc. Nhưng đất nước sẽ rối loạn. Lịch sử lặp lại. Nhân dân sẽ đi theo một tầng lớp lãnh đạo mới tổ chức kháng chiến để cứu quốc gia.
Hai năm qua là một khoảng thời gian quan trọng trong chiến lược bảo vệ Biển Đông và nhà nước Việt Nam đã để cho cơ hội đó đi qua. Nhưng không phải là đã quá trễ.
Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay phải thức tỉnh để hiểu rằng Bắc Kinh có tổ chức chiến tranh hay không là để nhằm phục vụ các mục tiêu chính trị của nó chứ không phục thuộc vào bất cứ điều gì nhà nước Việt Nam làm hoặc không làm. Nhà nước Việt Nam không có khả năng tác động Bắc Kinh để giúp ngăn chặn chiến tranh và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chỉ có một quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ mới có thể giữ được Biển Đông. Lúc này những người lãnh đạo nhà nước phải nhanh chóng xúc tiến thiết lập một lộ trình nhằm xây dựng quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ. Lộ trình này bao gồm các đòi hỏi không thể thỏa hiệp của Mỹ là thực thi nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam. Nếu những người lãnh đạo Đảng có bản lĩnh thì lộ trình vẫn có thể bảo đảm quyền lực chính trị của họ.
Sự sợ hãi mất quyền lực ở những người lãnh đạo Đảng Cộng sản đã nhiều lần làm lỡ mất cơ hội phát triển và bảo vệ quốc gia. Lần nay họ đứng trước một lựa chọn khó khăn hơn: sự sợ hãi sẽ làm họ mất tất cả. Nhưng tệ hại hơn nó sẽ làm cho quốc gia vĩnh viễn mất đi một phần lãnh thổ.
Và lịch sử sẽ không bao giờ tha thứ cho họ.
Trần Minh Khôi
Trần Khải – Cuộc Chiến Sắp Tới
Các nhà chiến lược quân sự tại Hà Nội đã nghĩ tới những trận chiến sắp tới và kế hoạch phòng thủ hay chưa? Nhiệm vụ của nhà quân sự chiến lược là phải luôn luôn nghĩ tới các kịch bản từ tệ hại nhất cho tới tốt nhất, và tùy từng kịch bản sẽ có một số kế hoạch đáp trả — trong đó phương án hữu dụng nhất là Plan A, và nếu bất lợi sẽ là Plan B, và vân vân. Vì nếu không sẵn sàng kế hoạch và nếu không từng tập trận để cho quen, hẳn là sẽ trở tay không kịp khi hữu sự.
Mỹ đã nghĩ tới kế hoạch chiến tranh với Trung Quốc rồi. Ít nhất, là một văn phòng quân sự Hoa Kỳ đã soạn trước những diễn tiến có thể xảy ra và kế hoạch đánh trả.
Báo Washington Post hôm 1-8-2012 đã viết về kế hoạch quân sự này.
Khi Tổng Thống Obama kêu gọi quân lực Mỹ chuyển hướng về Châu Á đầu năm nay, nhà chiến lược 91 tuổi Andrew Marshall nghĩ ngay tới việc phải chạm trán quân sự. Văn phòng của Marshall trong Ngũ Giác Đài đã làm việc trong 2 thập niên qua về kế hoạch tác chiến chống TQ.
Không ai nghĩ ra là cuộc chiến có thể khởi sự thế nào. Nhưng phảỉ nghĩ tới việc Mỹ phải ứng phó, và kế hoạch đó được một người từng làm việc với Marshall gọi là “Air-Sea Battle” – nghĩa là, Trận Đánh Không Hải, tức là với Không Quân – Hải Quân.
Các phi cơ tàng hình và tàu ngầm tàng hình của Mỹ sẽ đánh sập hệ thống radar và hệ thống phi đạn chính xác của TQ nằm sâu trong lãnh thổ TQ. Chiến dịch này gọi là “chiến dịch chọc mù mắt” và rồi kế tiếp mới tấn công bằng không quân và hải quân.
Chi tiết cuộc chiến thuộc loại mật, nên chưa lộ ra. Nhưng chỉ cần nghe có kế hoạch như thế, quân đội TQ đã giận dữ sôi máu rồi. Một số nhà phân tích Châu Á lo sợ các cú đánh kiểu chiến tranh quy ước nhắm vào TQ có thể khởi ra cuộc chiến nguyên tử.
Kế hoạch Trận Đánh Không Hải ít gây chú ý vì lính Mỹ nhiều năm nay còn trú đóng nhiều ở Iraq và Afghanistan. Bây giờ thì lính Mỹ rút nhiều từ 2 cuộc chiến chống khủng bố này, và khi có lệnh hướng về Châu Á, người ta mới chú ý về kế hoạch của văn phòng của nhà chiến lược Marshall.
Trong mấy tháng gần đây, Không Quân và Hải Quân Mỹ đã đưa ra hơn 200 đề khởi mà họ nói là cần thực hiện Trận Đánh Không Hải. Danh sách các đề khởi này có từ việc tập trận thực hiện bởi văn phòng của Marshall, và gồm cả các vũ khí mới và việc phối hợp Không Quân và Hải Quân.
Là một nhà chiến lược về nguyên tử, Marshall trong 40 năm qua điều hành Sở Thẩm Định Tình Hình thuộc Ngũ Giác Đài, suy nghĩ về những hiểm họa đối với sức mạnh Hoa Kỳ. Qua đó, ông đã xây dựng mạng lưới đồng minh trong Quốc Hội, trong kỹ nghệ quốc phòng, trong các viện nghiên cứu và trong Ngũ Giác Đài.
Những người ủng hộ Marshall ca ngợi Sở này là có tầm nhìn chiến lược, trong khi những người không ưa thì nói là Sở này chỉ phóng đại các hiểm họa.
Marshall bác bỏ những lời chỉ trích rằng Sở của ông tập trung nhiều vào việc xem TQ như kẻ thù tương lai, và nói nhiệm vụ của Ngũ Giác Đài, bộ não của Bộ Quốc Phòng Mỹ, là phải nghĩ tới những kịch bản tệ hại nhất.
Ông nói gần đây, “Chúng tôi có khuynh hướng không nhìn về những tương lai quá hạnh phúc.”
Tất nhiên là khi lộ tin, phía Tàu nổi giận liền. Một số sĩ quan cao cấp TQ cảnh cáo rằng nỗ lực mới của Ngũ Giác Đài có thể khởi ra cuộc đua vũ trang.
Đại Tá Gaoyue Fan năm ngoaí nói trong một cuộc tranh luận bảo trợ bởi Center for Strategic and International Studies (Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS), một viện nghiên cứu quốc phòng, “Nếu quân lực Mỹ triển khai Trận Đánh Không Hải để đối phó với quân lực TQ (viết tắt PLA), thì PLA sẽ buộc phảỉ triển khai Phản Trận Không Hải.”
Các viên chức Mỹ mới bào chữa rằng kế hoạch đó chủ yếu tập trung vào việc đánh bại các hệ thống phi đạn chính xác, chứ không nhắm cụ thể vào một chế độ nào.
Trong khi đó, các sĩ quan chỉ huy Không Quân và Hải Quân Mỹ nói rằng Trận Đánh Không Hải ứng dụng vượt xa hơn chiến tranh, vì khái niệm này có thể giúp quân lực Mỹ vươn xa tới các mỏm băng đá Bắc Cực hay một lò nguyên tử bị tan chảy ở Nhật Bản, theo lời Đô Đốc Jonathan Greenert, Tư Lệnh Hành Quân Hải Quân, nói hồi tháng 5-2012 tại viện Brookings Institution.
Nhưng trong chỗ riêng tư, các viên chức cao cấp Ngũ Giác Đài nhìn nhận rằng mục tiêu Trận Đánh Không Hải là để quân lực Mỹ đánh trả khi PLA tấn công trước.
Nỗi lo của họ là do TQ tiêu xài quốc phòng, tăng tới mức 180 tỷ đôla/năm, tức 1/3 ngân sách Bộ Quốc Phòng Mỹ, và với thái độ ngày càng hung hăng của TQ ở Biển Đông.
Hầu hết những gì Marshall viết trong 4 thập niên qua đều thuộc hồ sơ tối mật. Ông cũng không bao giờ nói chuyện chỗ công chúng, và ngay cả khi gặp gỡ riêng tư ông cũng thường im lặng trầm ngâm.
Nhưng ảnh hưởng của ông cho thấy mức tăng ngân sách của Sở này về ngân sách nghiên cứu của ông, ccá năm gần đây tăng tới 13 triệu đô và rồi 19 triệu đôla, và thường trích ra cho ccá viện nghiên cứu làm việc với Sở của ông. Hơn nửa số tiền là chủ yếu đưa vào 6 công ty nghiên cứu.
Trong nhóm nhận tiền nhiều nhất là Trung Tâm Lượng Định Ngân Sách và Chiến Lược CSBA, một viện nghiên cứu quốc phòng điều hành bởi Trung Tá về hưu Andrew Krepinevich, người tốt nghiệp Harvard đã viết những bàì viết đầu tiên cho Marshall về cuộc cách mạng trong vấnd 9ề quân sự.
Trong 15 năm qua, CSBA thực hiện hơn 2 tá cuộc tập trận trận chống TQ tại văn phòng của Marshall và đã viết hàng chục bản nghiên cứu.
Những cuộc tập trận do CSBA thực hiện đặt trong bối cảnh tương lai 20 năm sau và xem TQ như đối thủ hung hiểm. Những phi đạn chính xác của TQ bắn chìm các hàng không mẫu hạm Mỹ và các tàu chiến trên biển. Đồng thời, TQ bắn phi đạn vào các căn cứ không quân Mỹ, nhằm làm Mỹ không đưa phi cơ tác chiến tấn công trả đũa. Và rồi Mỹ trong trường hợp này phiả đánh trả vào lục địa TQ, phá sập trước tiên là dàn radar và hệ thống phi đạn chính xác.
Có thể hay không? Một cuộc chiến như thế có thể chưa xảy ra, nhưng viễn ảnh TQ đưa quân chiếm toàn bộ các đảỏ ở Biển Đông là điều dễ thấy rõ hơn.
Hà Nội đã nghĩ gì về các kế hoạch đối phó?
Trần Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét