Pages

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Phải chăng 'đầu voi đuôi chuột'?


Bùi Văn Bồng


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đảng viên tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình

Từ cuối tháng Hai đến nay, có hai cuộc Hội nghị cán bộ toàn quốc xoay quanh việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương (NQTW) 4. Thông tin về hai cuộc hội nghị quan trọng này đã tạo được sự đồng thuận của dư luận, nhân dân có sự kỳ vọng vào sự đổi mới về chất trong công tác lãnh đạo của Đảng. 

Hội nghị quán triệt NQTW 4 bế mạc ngày 29-2, với gần 700 lượt ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm cao tại 40 tổ thảo luận. Các đại biểu thống nhất cao với Trung ương về sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); khẳng định Nghị quyết đã chọn đúng và trúng các vấn đề cấp bách, quan trọng, đánh giá đúng thực trạng, đề ra các giải pháp có tính khả thi để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Qua Hội nghị quán triệt, triển khai này, nhiều cán bộ, đảng viên và người dân, qua báo chí và dư luận xã hội, biểu thị sự đồng tình, tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp; khắc phục những bất cập của công tác cán bộ; khắc phục cơ bản tính hình thức trong thực hiện nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, thực hiện tự phê bình và phê bình.

Từ trên xuống dưới

Nhiều ý kiến tập trung bàn về công tác chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết, rằng: Bảo đảm đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận 6 điểm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó, nổi lên vấn đề thứ 2 là kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là khâu mở đầu, mấu chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Do vậy, trong triển khai, cần chuẩn bị thật tốt, hướng dẫn cụ thể về mục tiêu, quy trình, nội dung, bước đi, trong đó, tập trung giải quyết cơ bản ba nội dung trọng tâm nêu trong Nghị quyết. Tổng Bí thư nhấn mạnh tính gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tự phê bình và phê bình và khẳng định: Quy trình thực hiện tự phê bình và phê bình tiến hành từ trên xuống dưới, không cắt khúc, cần phải làm thường xuyên.

Để triển khai có hiệu quả việc thực hiện nghị quyết, tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo và gương mẫu thực hiện Nghị quyết. Phân công từng người, từng cơ quan trong bộ máy chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, căn cứ sự chỉ đạo của Trung ương, bám sát tình hình, nhiệm vụ của đơn vị mình để triển khai thực hiện Nghị quyết.

Đến cuối tháng 7, đầu tháng 8, sau 16 ngày kiểm điểm tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngày 13-8 Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở cấp tỉnh và tương đương theo Nghị quyết Trung ương 4.

Qua việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm Bộ Chính trị, Ban Bí thư, một số kinh nghiệm rút ra là: Chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình, phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư được thực hiện rất nghiêm túc, cẩn trọng, chu đáo, chặt chẽ và khoa học với nhiều điểm nổi bật khác với kiểm điểm hàng năm, giữa nhiệm kỳ và các đợt kiểm điểm của các khóa gần đây.

br /> 
Kiểm điểm qua quýt là có lỗi với nhân dân?

Trong kiểm điểm, nhìn chung, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu; không khí thảo luận thẳng thắn, góp ý dân chủ, đoàn kết, chân thành. Hầu hết các vấn đề nổi cộm, bức xúc được các tập thể và cá nhân góp ý với tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều được đặt ra, phân tích, mổ xẻ. Qua kiểm điểm đã làm rõ hơn, sâu hơn ưu điểm, khuyết điểm và hạn chế của tập thể, các cá nhân trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số vấn đề quan trọng, cấp bách về xây dựng Đảng (về trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước, nhất là về các vụ việc Vinashin, Vinalines; về thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XI và công tác cán bộ; về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách...). Ngay trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thực sự cầu thị, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, đã chỉ đạo khẩn trương khắc phục ngay một số khuyết điểm.

Yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đòi hỏi phải phân tích, mổ xẻ ưu điểm, khuyết điểm của chính bản thân mình, tổ chức của mình. Đây thực sự là một cuộc đấu tranh, không phải giữa người này với người kia mà là đấu tranh trong mỗi con người, giữa cái chính và cái tà, cái tốt và cái xấu, vì lợi ích tập thể và cá nhân. Như Bác Hồ đã dạy, chủ nghĩa cá nhân là thứ gian giảo, xảo quyệt, nó kéo người ta xuống dốc không phanh; nó bưng tai, bịt mắt người ta không thấy khuyết điểm.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh rằng: Chúng ta đang bước vào thời kỳ rất thiêng liêng và hệ trọng; đang làm những công việc rất thiêng liêng và hệ trọng. Thiêng liêng và hệ trọng không phải đối với bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng mà đối với toàn Đảng, toàn dân. Chúng ta có trách nhiệm rất lớn đối với đất nước, dân tộc, đối với Đảng. Chính vì thế, chúng ta phải phát huy đầy đủ tinh thần trách nhiệm để làm tốt việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân các cấp ủy cấp tỉnh và tương đương. Đã nói là phải làm và quyết tâm làm bằng được; nếu không làm được thì có lỗi với Đảng, với dân.

Hai hội nghị quan trọng như vậy, cũng chỉ nhằm mục đích trên làm trước, nêu gương, dưới làm sau cần chu đáo, kỹ càng, nghiêm túc, thật sự cầu thị, không nể nang xuê xoa, không đại khái “làm cho có”, cho xong việc để lãnh đạo còn lo phòng ngự, tự che chắn và nhờ bao che, lo chạy tội nếu bị “rờ đến”, còn lo đẩy mạnh, tăng cường tham nhũng, đàn áp dân chủ.

Cốt cho xong việc?

Thế nhưng, qua kiểm điểm tự phê bình – phê bình ở cấp Bộ, ban, ngành, ở cấp tỉnh, thành phố đã thấy làm “ào ào” cốt cho xong việc. Ba mặt yếu nhất và cũng là nguyên nhân chính làm cho “một bộ phận lớn cán bộ đảng viên có chức có quyền suy thoái, tham nhũng, mất đi “chất cộng sản” đều nằm ở khâu quản lý vĩ mô, nhất là về quản lý, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; quản lý tài cính, ngân hàng, quản lý các quy hoạch, dự án kèm đất đai. Tham nhũng lớn nhất, phổ biến nhất vẫn ở cấp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ, ban ngành của Trung ương và nơi phát triển nhiều quy hoạch, dự án ở các thành phố lớn.
"Với cái kiểu này, việc thực hiện một nghị quyết cả Đảng thể hiện sự mạnh bạo đổi mới, có tính chiến đấu, là nơi mà toàn dân đang đặt nhiều kỳ vọng rồi sẽ đi đến đâu? Sẽ mang lại gì? Hay chỉ là ném đá ao bèo mà thôi?"
Thế nhưng, việc kiểm điểm vừa qua cho thấy từ Ban cán sự Đảng Chính phủ, các bộ, các tỉnh thành đều thấy tốt đẹp, thành tích, trong sạch, vững mạnh cả. Bộ Chính trị kiểm điểm 16 ngày, đến nấc dưới là Bộ, ngành, tỉnh, thành phố thuộc Trung ương chỉ kiểm điểm 3- 6 ngày. Kiểu này đến cấp quận, huyện chỉ vài ngày là "a lê hấp, tấp đống cho xong", rồi đến xã, phường chắc chỉ một ngày, đến chi bộ vài tiếng đồng hồ là xong, còn dư thời gian đi nhậu (?!).

Cách tổ chức thiếu chuẩn bị, vội vàng, bỏ qua cả thục tiễn và khoa học, thái độ thiếu nghiêm túc, không cầu thị, né tránh sự thật, tư tưởng “hòa cả làng” trong kiểm điểm vừa qua ở cấp “dưới, cận kề Bộ chính trị” khiến người ta phải lắc đầu, bĩu môi mà nói rằng: “Vậy thì NQTW 4 đánh giá sai, từ chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương tốt đẹp, lành mạnh, nhiều thành tích như thế, tại sao lại có “một bộ phận không nhỏ…suy thoái”. Vậy, bộ phận ấy nằm ở đâu? Nghị quyết đánh giá, phân thích sai à? Nghị quyết không chọn đúng, không trúng vấn đề như Tổng Bí thư đã kết luận.

Nơi đâu cũng ngon lành cả, việc gì phải mất công triển khai thực hiện NQTW 4. Hội chứng hòa cả làng, “dĩ hòa vi quý”, đầu voi đuôi chuột đã quá rõ. Với cái kiểu này, việc thực hiện một nghị quyết cả Đảng thể hiện sự mạnh bạo đổi mới, có tính chiến đấu, là nơi mà toàn dân đang đặt nhiều kỳ vọng rồi sẽ đi đến đâu? Sẽ mang lại gì? Hay chỉ là ném đá ao bèo mà thôi?

Trên VTV1 ngày nào cũng đưa một chùm 4 đến 6 nơi cấp bộ, tỉnh thành hoàn thành đợt kiểm điểm mà thấy gai cả người. Vậy là dưới không noi trên. Trên nghiêm thì dưới thả. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kiểm điểm ở cấp Bộ Chính trị, Ban bí thư làm nghiêm túc, không né tránh, thực sự thẳng thắn, có bản kiểm điểm phải sửa đi sửa lại, bổ sung tới 4-5 lần. Vậy, việc kiểm điểm ở Chính phủ, Bộ, tỉnh, thành mà đã thấy rõ ràng lớt phớt như vậy, liệu có bắt làm lại cho thật chính xác, kỹ càng, nghiêm túc, đúng thực chất hay không?
Bùi Văn Bồng

Viết từ Cần Thơ

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Trưởng Đại diện báo Quân đội Nhân dân tại Đồng bằng sông Cửu Long. Bài đã đăng trênBấm blog của tác giả. 

(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét