Pages

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Việt Nam bác bỏ chỉ trích của thế giới về bản án đối với 3 blogger


 
Blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSaigon
Chính quyền Việt Nam tiếp tục bỏ ngoài tai những chỉ trích dồn dập và mạnh mẽ của thế giới về các bản án nặng nề đối với ba blogger Điếu Cày, AnhbaSG, và Tạ Phong Tần.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói các bản án này đúng theo quy định của pháp luật và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế về quyền con người.  Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lương Thanh Nghị, ngày 25/9 khẳng định chính quyền Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Ông Nghị nói các hành vi vi phạm pháp luật của ba blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG bị xử lý theo luật pháp Việt Nam, phù hợp với quy định luật pháp quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của công dân.
Vẫn theo lời ông, phiên sơ thẩm hôm 24/9 xét xử ba thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do đã diễn ra công khai và đúng luật.  Tuy nhiên, thân nhân và những người ủng hộ các blogger này cho biết họ đã bị lực lượng an ninh ngăn chặn, giam giữ, không cho tham dự phiên tòa bằng nhiều hình thức, kể cả dùng võ lực.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam được đưa ra giữa những quan ngại và những lời lên án mạnh mẽ của quốc tế trước bản án 12 năm tù mà chính phủ Hà Nội đối với blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải), 10 năm tù cho Tạ Phong Tần, và 4 năm tù cho AnhbaSG (Phan Thanh Hải) về tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’.
Việt Nam cho biết trong số hơn 400 bài viết của họ đăng tải trên blog có 26 bài có nội dung ‘xuyên tạc’, ‘chống nhà nước’. Ba nhà báo tự do này là tác giả của các bài phản ánh quan điểm về tham nhũng, chủ quyền đất nước, bất công xã hội, cổ xúy cho nhân quyền và kêu gọi dân chủ.
Việc kết tội ba blogger này phản ánh xu hướng ngày càng gia tăng giới hạn quyền tự do ngôn luận của người dân tại Việt Nam, đặc biệt đối với những người lên tiếng chỉ trích nhà nước…
Navi Pillay, Cao ủy Nhân quyền LHQ.
Cùng với Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu, hôm 25/9, Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các bản án khắc nghiệt của nhà cầm quyền Việt Nam đối với ba blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG.
Người đứng đầu Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc, bà Navi Pillay, tuyên bố việc kết tội ba blogger này phản ánh xu hướng ngày càng gia tăng giới hạn quyền tự do ngôn luận của người dân tại Việt Nam, đặc biệt đối với những người lên tiếng chỉ trích nhà nước.
Bà Pillay nói việc tòa phán quyết ba bản án nặng nề trong phiên xử kéo dài chỉ vài giờ đồng hồ đặt ra nghi vấn về quyền của bị can được có một tiến trình xét xử công bằng.
Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc gọi quyết định của Hà Nội là một điều đáng tiếc gây tổn hại cho các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong việc bảo vệ và phát huy quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân.
Cao ủy lưu ý rằng trong quá trình đánh giá định kỳ của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc về thành tích nhân quyền của Việt Nam hồi năm 2009, chính phủ Hà Nội đã chấp nhận một số khuyến nghị về quyền tự do bày tỏ tư tưởng, trong đó có đề nghị Việt Nam bảo đảm đầy đủ quyền của công dân được nhận, tìm kiếm, và phổ biến thông tin  và ý tưởng phù hợp với điều 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của con người.
Cùng ngày 25/9, Thượng nghị sĩ Ron Boswell của Australia ra thông cáo lên án việc cầm tù ba thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do là một vết nhơ cho nhân quyền Việt Nam.
“Tôi cảm thấy tức giận khi được biết bản án quá khắc nghiệt. Bản án đã làm dư luận quốc tế phẫn nộ, là một biểu tượng rõ ràng cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam không chấp nhận sự bất đồng chính kiến của người dân và tiếp tục đàn áp các tiếng nói lương tâm” …
Dân biểu Loretta Sanchez.
Ông Boswell nói chính phủ Việt Nam đang cố tình dẹp sạch tất cả những ý kiến bất đồng bày tỏ trên mạng internet như họ từng làm qua việc cấm báo chí tư nhân và kiểm soát chặt chẽ báo chí nhà nước.
Vẫn theo Thượng nghị sĩ Boswell, các bản án tù nặng nề dành cho 3 blogger này càng cho thấy rằng chính phủ Australia cấp thiết phải có hành động hơn nữa thúc đẩy cải thiện nhân quyền tại Việt Nam. Ông Boswell kêu gọi là một đất nước dân chủ hàng đầu, Australia phải có trách nhiệm bảo đảm rằng các bản án kinh khủng như thế này tại Việt Nam phải lùi về quá khứ.
Hôm 24/9, Chủ tịch Nhóm nhân quyền Việt Nam tại Quốc hội Mỹ, dân biểu Loretta Sanchez cũng ra thông cáo phản đối mạnh mẽ bản án và phiên toà bất công của ba blogger Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải. Bà Sanchez nói: “Tôi cảm thấy tức giận khi được biết bản án quá khắc nghiệt. Bản án đã làm dư luận quốc tế phẫn nộ, là một biểu tượng rõ ràng cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam không chấp nhận sự bất đồng chính kiến của người dân và tiếp tục đàn áp các tiếng nói lương tâm.”
Hai tuần trước, Hạ Viện Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua Dự luật nhân quyền Việt Nam HR1410 và Nghị quyết HR 484 về nhân quyền Việt Nam, một lần nữa thể hiện sự quan tâm sâu sắc của giới lập pháp Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền xuống dốc tại Việt Nam và kêu gọi Hà Nội phải thay đổi, cải thiện.
Theo dân biểu Sanchez, bản án dành cho ba blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG cho thấy rõ ràng nhà nước Việt Nam không tôn trọng chính sách và khuyến nghị nghiêm túc của Hoa Kỳ, và vì vậy, Washington cần phải hành động ngay lập tức trước những sự đàn áp nhân quyền tồi tề ngày càng gia tăng ở Việt Nam.
Dân biểu Sanchez nói chính phủ Mỹ không thể tiếp tục bình thường hóa bang giao với Việt Nam cho đến khi Hà Nội tôn trọng các quyền tự do căn bản như tự do hội họp, tự do phát biểu ý kiến và tự do ngôn luận của công dân.
Trước đó, hàng loạt các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới trong đó có Ân xá quốc tế, Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, Tổ chức Phóng viên không biên giới đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích các bản án dành cho blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG, điều mà họ mô tả là hành động ‘vô nhân đạo’, ‘chà đạp nhân quyền’, ‘gây phẫn nộ’ thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét