Pages

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

TÁI CƠ CẤU ĐỂ NUÔI THAM NHŨNG ?


Phạm Trần
Đảng, Nhà nước và Quốc hội Cộng sản Việt Nam đang khẩn trương tìm cách cứu nguy kinh tế trong năm 2012, nhưng  không  dám cắt đi bướu ung thư “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” nên có tái cơ cấu cũng chỉ để nuôi tham nhũng.
Đó là thực tế của lực cản. Ai cũng biết, từ Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng xuống tới  anh Bí thư chi bộ nhưng không ai dám đưa đầu ra chịu báng vì tâm không có và lực đã tàn.
Bằng chứng sau 13 năm tìm thuốc chống tham nhũng và 5 năm học theo lời dậy “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong “chiến dịch” “Học, làm, sống theo Tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh” , hầu như  không còn đảng viên nào dám đứng lên cầm súng bắn vào con khủng long Tham nhũng để  cứu nguy đất nước, mặc dù biết rằng nếu nó thắng thì mình sẽ chết và  đảng cũng tiêu luôn.
Tại sao lại có nghịch cảnh này ? Tại vì cán bộ, đảng viên Tham nhũng nhiều đến nỗi dân không thể từ chối sống riêng nếu muốn sống.
Đó là lý do  mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ngày 31/12/2011 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã viết : “ Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”
Tình trạng khẩn trương đến nỗi chỉ hai tháng sau,  Bộ Chính trị  phải tổ chức  Hội nghị “quán triệt, triển khai thực hiện” Nghị quyết Trung ương 4 , quy tụ 1,000 cán bộ lãnh đạo chủ chốt,  diễn ra tại Hà Nội từ 27 đến 29/02/2012.
Trong diễn văn khai mạc, Trọng nói : “Thực tế đã có bộ phận suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Có người công khai bày tỏ ý kiến trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, làm trái nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, thậm chí có người “sám hối”, “trở cờ”; tình trạng tham nhũng, quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm. Đây là điều đáng lo ngại nhất và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền, như Lê-nin và Bác Hồ đã từng cảnh báo.”
Nhưng nguy cơ  lại không do “các thế lực thù địch” hay “diễn biến hòa bình”  gây ra cho đảng mà do chính nội bộ đảng viên, đa số nằm trong các Doangh Nghiệp Nhà Nước (DNNN) đã tạo ra khó khăn cho đảng mới là điều đáng nói.
Một số lãnh đạo đảng đã đổ cho “mặt trái của nền kinh tế thị trường” là thủ phạm làm cho “một số không nhỏ cán bộ, đảng viên”  sống mất phẩm chất, suy thóai tư tưởng.  Nhưng tại sao cùng sống chung trong môi trường này mà người dân lại không bị ô nhiễm đạo đức hay mất định hướng mà chỉ có cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ có chức có quyền mới bị nhiễm độc ?
Hay là khi đã có thể dùng quyền uy để tham ô, lãng phí của công và làm giầu bất chính  thì con mắt, cái tâm của người cán bộ bị thui chột, tối đen như mực  và lạnh cảm trước những đau khổ của  dân  ?
Sự bất lực của cơ chế và của hệ thống cai trị trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã tê liệt  Đảng, Nhà nước, Quốc hội và cả  Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ngọai vi của đảng, khiến Bộ Chính trị phải lấy lại  “Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng”  từ tay  Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, sau 5 năm bất lực,  để giao cho Nguyễn Phú Trọng trực tiếp điều hành.
Nhưng liệu cuộc “đánh bùn sang ao” này có làm cho tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong công tác phòng, chống lãng phí, tham nhũng của đảng khá hơn không?
Có lẽ Nguyễn Phú Trọng biết rõ lý do tại sao Dũng không chống nổi tham nhũng nên đã rào đón khi nói rằng : “ Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng không làm thay các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước; không phải cứ lập Ban chỉ đạo là xoay chuyển ngay được tình hình như “một chiếc đũa thần”. Bởi vì, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, gian khổ, lâu dài, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Trong đó, vai trò của các đồng chí Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, quản lý của các ngành, các cấp là cực kỳ quan trọng. Mỗi đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng hãy là một chiến sĩ tiên phong, đi đầu trong cuộc đấu tranh này. Phải gương mẫu, giữ mình cho trong sạch, không vướng vào tham nhũng, lãng phí; đồng thời phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt trong đơn vị công tác của mình.”
Khốn nỗi, cán bộ đảng viên là người của đảng, do đảng bổ nhiệm, phân phối vào các chức vụ, đến khi bị phát giác có tham nhũng thì phần nhiều lại không do đảng phanh phui ra mà do dân nhưng đảng lại nắm quyền điều tra, xét tội thì có công bằng, khả thi chăng ?
Ngay đến Quốc hội, Mặt trận Tổ Quốc là hai cơ cấu có quyền giám sát, điều tra tham nhũng mà cũng không được tự do thi hành nhiệm vụ, vì cả hai tổ chức đều là của đảng và phải làm theo lệnh đảng thì chống tham nhũng chỉ còn là chuyện “huề vốn” như  đã xẩy ra !
Hơn nữa, những cán bộ, đảng viên đứng đầu đơn vị có tham nhũng chưa bao giờ tự họ tìm ra tham nhũng mà còn tìm cách bao che, xí xóa, thuyên chuyển, thậm chí còn đề bạt kẻ có tội vào chức vụ cao hơn để được an tòan và có lợi.
VÀO DOANH NGHIỆP ĐỂ THAM NHŨNG
Vì vậy khi “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)” tiếp tục khẳng định ““kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” như đã viết từ Cương lĩnh năm 1991 thì các Doanh nghiệp Nhà nước không chỉ là cái đầu tầu của nền kinh tế mà còn là “kho bạc” để cho lãnh đạo và cấp dưới bám lấy ăn chia.
Cương lĩnh còn  bảo đảm “quyền quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế” và xác quyết rằng  “Nhà nước quản lý nền kinh tế, định hướng, điều tiết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất”  thì khối DNNN và Nhà nước đương nhiên là ông chủ độc quyền của nền kinh tế.
Nhưng các tiêu chí  “thua lỗ” và “làm ăn minh bạch” lại không bao giờ được  đặt ra như những điều kiện  bắt buộc để các DNNN được vay tiền ngân hàng, thuê đất và nhận sự hỗ trợ khác của chính phủ.  Nhiều DNNN đã phung phí hàng tỷ “tiền chùa” vào các dịch vụ đầu tư ngòai khả năng, không thuộc phạm vi của mình nên thất bại là chuyện đương nhiên nhưng cấp lãnh đạo lại không bị trừng phạt mà nhiều khi còn được “nâng đỡ” chuyển ngành vì “cùng là người trong tổ chức với nhau” !
Nhiều doanh nghiệp làm ăn “thua lỗ dài hạn” lại được nhà nước cho “xóa bài làm lại” hay tập hợp nhau lại thành các “tổng công ty” vì các “ông chủ cán bộ lãnh đạo” nhất định không chịu giải thể hay bán cổ phần cho dân vì sợ mất ghế, mất lợi nhuận.
Kinh tế tư nhân và kinh tế có đầu tư của nước ngòai, vì vậy, chỉ  còn đóng vai “phụ diễn” cho chủ trương “không giống ai” được gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” !
Chính vì sự mập mờ, mở của một nửa này mà nền kinh tế  được gọi là “Đổi mới” của Việt Nam từ 1986 đến năm 2012 đã không có một lối đi rõ rệt, thay đổi chính sách tùy theo hòan cảnh nội bộ và tình thế nên đã gây nhiều bất ổn định.
Tình trạng này đã được Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ Tướng báo cáo với Quốc hội hôm 21/05 (2012) rằng : “ Trong nước, kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thị trường trong nước thu hẹp, sức mua giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, lãi suất còn cao; số doanh nghiệp bị giải thể, đình đốn sản xuất tăng cao (đặc biệt là khối doanh nghiệp liên quan đến xây dựng, bất động sản), nhiều lao động mất việc làm.”
Phúc không nói vào chi tiết, nhưng Báo chí Việt Nam đã nói đến con số trên 50 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải ngưng hoạt động đến cuối năm 2012.
Phúc nói tiếp ở Việt Nam  từ đầu năm 2012 : ”Đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm 2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011 (5,57%) và năm 2010 (5,84%). Trong đó công nghiệp, xây dựng chỉ tăng 2,94%…. Lãi suất vay còn cao, nhiều doanh nghiệp khótiếp cận và hấp thụ vốn; chi phí đầu vào lớn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho cao, dẫn đến quy mô sản xuất phải thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, lao động mất việc làm tăng, gây sức ép lớn đến ổn định xã hội và đời sống của nhân dân. Trong 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có trên 17,7 nghìn doanh nghiệp đã làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ.”
Trong khi đó tại kỳ họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ nhìn nhận tình hình kinh tế: “ Vẫn nổi lên một số khó khăn, thách thức: Lạm phát có chiều hướng giảm ở mức thấp hơn so với định hướng điều hành; lãi suất tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế giảm, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có nguy cơ tăng lên. Tăng trưởng kinh tế đạt mức thấp, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp nhất trong 3 năm qua, doanh nghiệp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tồn kho lớn. Nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, trang thiết bị giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng, làm ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động.”
CỨU NGUY HAY TIẾP HƠI THAM NHŨNG ?
Để cứu vãn nguy cơ, Phúc loan báo một số  biện pháp được gọi là ”tái cơ cấu kinh tế”, trong đó có : ” Cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả kinh doanh và bảo đảm an toàn của cả hệ thống; thực hiện các giải pháp xử lý phù hợp đối với nhóm ngân hàng yếu kém, đồng thời bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Thúc đẩy sự phát triểnlành mạnh của thị trường chứng khoán và các dịch vụ tài chính, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo kênh huy động vốn dài hạn, bền vững cho nền kinh tế.
Đẩy mạnh thực hiện theo hướng xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước để khu vực doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu tổ chức hợp lý, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện tốt hơn vai trò, nhiệm vụ được giao.   Thực hiện tốt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. ‘’
Ngòai ra, Chính phủ cũng tính chuyện : ”Thực hiện việc kéo dài thời hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất, miễn thuế môn bài đối với một số đối tượng doanh nghiệp; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư nhà nước; đồng thời trình Quốc hội xem xét miễn giảm thêm một số loại thuế.”
Tuyên bố của Phúc đã lập tức bị nhiều Đại biểu Quốc hội chê là mơ hồ, chắp vá tạm bợ, thiếu bền vững và chỉ nhằm tô son điểm phấn cho nền kinh tế thực tế đang lâm nguy.
Báo điện tử của đảng CSVN viết ngày 26-05 (2012) : “ Mới đây, tại Hà Nội, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp về “Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế” của Chính phủ. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho rằng, Đề án đã chỉ ra đúng được thực trạng khó khăn hiện nay của nền kinh tế nhưng chưa giải quyết được điều gì cụ thể.”
Bà Dương Thu Hương, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam phê bình tiếp rằng  : “Đề án tái cơ cấu nền kinh tế có hướng đi đúng nhưng đường đi thì chưa thấy. Đề án chỉ định hướng mà không nêu cụ thể việc cần làm thì thực hiện rất khó. Giải pháp phải nói rõ thì doanh nghiệp mới biết sân chơi nào, cơ hội nào giành cho mình”.
Cũng tại cuộc họp, theo báo này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại – ông Trương Đình Tuyển cho rằng : “Cần xác định rõ vai trò của khối doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế. Thực tế hiện nay, nhóm này sử dụng nhiều nguồn lực nhưng không mang lại nhiều lợi ích, do đó, doanh nghiệp nhà nước nên chăng chỉ nắm một số lĩnh vực mũi nhọn, còn lại cần tái cơ cấu hoàn toàn để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia.”
Nhưng tại sao phải chỉnh đốn lại DNNN ? Vì khối này,  khỏang ngót 1 ngàn Doanh nghiệp đã “ăn mất” không biết bao nhiều tiền của dân mà lợi ích đem lại chẳng bao nhiêu.
Bằng chứng đã được  Thời báo Kinh tế Việt Nam, trong số ra ngày 29/05 (2012) viết rằng: “ Trong đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước” mà Bộ Tài chính vừa hoàn thiện thì “ Đến tháng 9/2011 dư nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp nhà nước là 415.347 tỷ đồng, chiếm tới 16,9% tổng dư nợ tín dụng.
Đáng chú ý là chỉ riêng 12 tập đoàn kinh tế của nhà nước dư nợ đã lên tới 218.738 tỷ đồng, chiếm 8,76% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng và chiếm 52,66% dư nợ cho vay doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) với 72.300 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực (EVN) đứng thứ hai với 62.800 tỷ đồng; thứ ba là Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản (TKV) với 20.500 tỷ đồng; kế đến là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) với 19.600 tỷ đồng.
Về tình hình nợ, đề án cho biết có đến 30/85 tập đoàn và tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn 3 lần, đặc biệt có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ này trên 10 lần (như Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Tổng công ty Thành An và Tổng công ty Phát triển đường cao tốc).
“Tình hình tài chính tại nhiều tập đoàn, tổng công ty chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn tài chính, đang tiềm tàng nhiều nguy cơ rủi ro và đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả. Mức lỗ bình quân của các tập đoàn, tổng công ty còn lớn: theo báo cáo thống kê mức lỗ bình quân của một doanh nghiệp nhà nước cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước”, đề án đưa ra đánh giá.
Cụ thể, có một số tập đoàn có lỗ lớn như EVN (năm 2010 lỗ 12.313 tỷ đồng, lũy kế hợp nhất 2010 là 24.262 tỷ đồng), Vinashin (năm 2009 lỗ 5.000 tỷ đồng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ), Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (năm 2009 theo kết luận của kiểm toán là 1.026 tỷ đồng) và một số tổng công ty khác…  Tổng số lỗ lũy kế của các tổng công ty, tập đoàn đến ngày 31/12/2011 là 26.110 tỷ đồng.”
Ngòai những DNNN  ‘’nuốt tươi ‘’  tiền mồ hôi nước mắt của dân trong danh sách này, còn có  công ty tầu biển Vinalines mới bị phát giác đã thua lỗ trên 42 ngàn tỳ đồng trong 3 năm từ năm 2009 đến 2011 mà  người đứng đầu Dương Chí Dũng, Cục trưởng Cục Hàng hải,nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã bỏ trốn là một trò hề trơ trẽn khác cho đảng CSVN, sau khi Vinashin đã thua lỗ ngót 100 tỷ đồng cách nay vài năm.
Như vậy, chuyện tái cơ cấu kinh tế, trong đó tái phối trí lại các DNNN và ngân hàng là chính,  thì có khác gì nhà nước lại lấy tiền dân chạy nợ cho các công ty ăn hại đái nát này ?
Nói cho đúng cách thì tái cơ cấu cũng chỉ để nuôi tham nhũng. -/-
Phạm Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét