Pages

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Ví nhà nước, túi nhân dân


Đào Tuấn



Niềm hân hoan của đồng tiền ngân sách lại là nỗi khốn khổ, nếu như không muốn nói là khốn cùng- của không ít thường dân 

Chỉ sau 3 năm thi hành luật Thuế thu nhập cá nhân, 15.894.719 mã số thuế đã được cấp. Tốc độ thu, được gọi mỹ miều là “tăng trưởng” hàng năm tăng cực nhanh: 2009 là 14,3 tỷ đồng; 2010, gần gấp đôi 26,2 tỷ; năm 2011 lên 37,1 tỷ và dự toán 2012 là 42,4 tỷ tăng hơn gấp 3 lần 2009. Những con số này được một quan chức Bộ Tài chính hân hoan tuyên bố.

Nhưng niềm hân hoan của đồng tiền ngân sách lại là nỗi khốn khổ của không ít thường dân. Sự “tăng trưởng” chóng mặt của thuế thu nhập cá nhân, với mức giảm trừ thấp đến mức có người gọi đó là một thứ “thuế thân”- lại diễn ra trong bối cảnh DN chết hàng loạt, mức thu nhập từ lương, từ tiền công, từ kinh doanh cá nhân đều giảm- mà biểu hiển không gì sinh động hơn là sự thờ ơ với hàng hóa đại hạ giá chất đống trong kho DN.

Thật buồn, câu chuyện “ví-túi” xoay quanh những đồng thuế thu nhập có lạc quan đến mấy cũng thấy là không hề cá biệt, nếu như không muốn nói là phổ biến trong tư duy làm giá, đánh thuế.

Hôm qua, sau khi xăng tăng giá, trái ngược với thông lệ, các cây xăng “dậy khuya thức muộn” tiếp tục điệp khúc nhỏ giọt, hoặc trắng trợn hơn, “trùm mền cột chó” cây xăng. Lý do rất đơn giản, dù xăng tăng giá, mỗi lít xăng DN bán ra vẫn lỗ từ 500-800 đồng/lít. Và vì thế, việc tăng giá xăng là chuyện nhãn tiền khi cơ chế thị trường, trao giá do DN- định ra một mật độ mà mỗi 10 ngày các cây xăng lại có thể thay biển giá bán.

Mặc định là DN lỗ thật, đại lý lỗ thật, thì vấn đề đặt ra lại đơn giản là 6.500 đồng thuế, phí mà mỗi lít xăng đang gánh.

Câu chuyện càng trở nên hài hước hơn khi trong vô số loại thuế, phí đó, mỗi lít xăng phải gánh 10% thuế tiêu thụ đặc biệt- loại thuế dành cho loại hàng hóa xa xỉ, hàng hóa không khuyến khích, hàng hóa…hạn chế nhập khẩu.

Năm 2008, khi Dự thảo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được đưa ra, đã có không ít ý kiến phàn nàn rằng việc đánh loại “thuế hạn chế” này đối với mặt hàng không ai không dùng, mặt hàng chiến lược liên quan đến an ninh năng lượng, mặt hàng đầu vào của nền kinh tế, liên quan trực tiếp đến đời sống của gần 90 triệu dân là cực kỳ vô lý. Bấy giờ, Một quan chức Bộ Tài chính, thứ trưởng Trần Xuân Hà, lý giải một cách hết sức mơ hồ và nhạt nhẽo là nhằm “như một nỗ lực thúc đẩy tiết kiệm năng lượng”.

Đến giờ, khi đồng tiền trở nên khốn khó trong túi thường dân, cây kim về sự kỳ quặc đến ngớ ngẩn mới bắt đầu lộ ra.

Có người nói giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT cần được Quốc hội bật đèn xanh, nhưng việc giảm thuế nhập khẩu là việc trong tay của Bộ Tài chính. Vấn đề chỉ là họ có muốn hay không, cân nhắc ra sao giữa một bên là “ví nhà nước” và “túi người dân”.

2 hôm trước, Bộ Tài chính gật đầu cho giá xăng dầu tăng. Tăng trong sự kêu khó về sự thâm thủng cái túi của người dân, và tăng trong sự than vãn của DN, đại lý về việc…vẫn lỗ. Tăng, còn tiềm ẩn trong nó mầm mống của đợt tăng giá có khi chỉ ngay sau đây 10 ngày. Nhưng Bộ Tài chính vẫn “giữ chặt túi” nhà nước. Cục trưởng Cục quản lý giá lý giải, một lần nữa cũng rất nhạt nhẽo: “khó thực hiện do ảnh hưởng tới cân đối ngân sách”.

Cái “ví nhà nước”, tất nhiên phải được ưu tiên, phải được đặt lên hàng đầu, nhưng rõ ràng không phải vì cái “ví nhà nước” mà bất chấp tình trạng những cái “túi nhân dân” có khi đã thủng tự bao giờ. 

Theo Đào Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét