Việt-Long - RFA
Mặc cho bao nhiêu lời kêu gọi, bao nhiêu áp lực từ quốc tế, Việt Nam vẫn liên tục đàn áp mọi quyền tự do của người dân trong nước. Quốc tế phải giải quyết vấn đề này ra sao? Đài RFA đặt câu hỏi này với Phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế Human Rights Watch, ông Phil Robertson, trong cuộc phỏng vấn sau đây.
Việt-Long: Ông nhận thấy tình trạng nhân quyền tại Việt Nam nay ra sao sau khá nhiều những thông cáo, tuyên bố, lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về việc cải tiến nhân quyền tại nơi đó?
Phil Robertson: Thật không may chúng tôi phải nói chính quyền Việt Nam đã làm cho tình trạng nhân quyền ở Việt Nam hiện nay suy thoái rất trầm trọng trong hai năm qua. Chúng ta thấy toà án Việt Nam càng ngày xử càng nhiều những bloggers, những người dân phản đối chính quyền chiếm đất đai nhà cửa của họ, và những tín đồ tôn giáo. Nói chung là chính quyền đàn áp quyền tự do bày tỏ ý kiến và tự do hội họp của rất nhiều người thuộc mọi giới. Chính quyền Việt Nam đã tỏ ra rất mạnh mẽ trong việc sách nhiễu những người hoạt động và bất đồng chính kiến, không phải chỉ riêng những cá nhân đó mà còn cả gia đình họ cùng những người liên hệ, như gây sức ép với thân nhân, với chủ nhà chủ đất, cả chủ công ty nơi họ làm việc, để tăng cường tối đa áp lực làm im tiếng những người dám nói những lời chống đối chính phủ. Bản án mới nhất bỏ tù ba nhà báo tự do Điếu Cày, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải với những bản án mà nặng nhất là 12 năm, chỉ vì phổ biến ý kiến cá nhân trên internet. Đó là những hành vi đáng lẽ không thể bị đem truy tố, đừng nói phải bị án nặng nề như vậy.
Việt-Long: Ông nghĩ vì sao nhà cầm quyền Việt Nam tai ngơ mắt lấp trước mọi lời kêu gọi và lên án của cộng đồng quốc tế?
Phil Robertson: Trước hết vì chính quyền Hà Nội lo cho an ninh của chính họ, thứ nhì là không muốn chuyện tham nhũng của những người cao cấp nhất bị đem ra ánh sáng và bị coi là làm nguy hại cho nền kinh tế. Những chuyện xấu lại liên quan đến khả năng quản trị điều hành kém của những người ở cấp cao, liên quan đến những người lạm dụng quyền lực để lấy đất hay kinh doanh theo đường lối xâm phạm quyền sử dụng hay cư trú trên mảnh đất cố hữu của người dân, rồi những nạn nhân đó đã bị quyền lực cấp cao buộc họ im tiếng.
Việt-Long: Chính phủ Hoa Kỳ cũng như các tổ chức nhân quyền luôn luôn kêu gọi Việt Nam cải tiến về nhân quyền, Tổng thống Barrack Obama còn nêu đích danh blogger Điếu Cày để yêu cầu Việt Nam phóng thích, nhưng mọi việc đều như nói với người điếc. Cộng đồng quốc tế có thể làm gì cho nhân quyền ở Việt Nam?
Phil Robertson: Chính phủ Hoa Kỳ có nói công khai đến vấn đề đó nhưng như vậy chưa đủ, mà còn phải tiến xa hơn. Vấn đề nhân quyền phải được đề cập đến trong cuộc thương thảo về hiệp ước tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP chẳng hạn. Đó là hiệp ước thương mại quan trọng giữa Hoa Kỳ với 11 nước kể cả Việt Nam. Hà Nội phải hiểu rằng họ cần được tham dự một “câu lạc bộ” như vậy để làm kinh tế với Hoa Kỳ cũng như nhiều nước khác trong cộng đồng quốc tế. Mới trước đây Việt Nam đã viện cớ Miến Điện, nói là Việt Nam còn hơn Miến Điện về nhân quyền nhưng tại sao quốc tế cứ để ý đến Việt Nam hơn. Nay thì Miến Điện đã thay đổi theo chiều hướng tốt cho nhân quyền tuy rằng đường còn xa để tới đích, Việt Nam không còn đem Miến Điện ra làm lý cớ để không bị chú ý về nhân quyền, và nay Việt Nam trở thành nước xâm phạm nhân quyền nặng nề nhất trong toàn khối ASEAN. Cho nên quốc tế phải làm sao cho Chính phủ Việt Nam phải nhận ra rằng họ không thể có quan hệ kinh tế, thương mại, ngoại giao tốt đẹp với thế giới nếu họ không cải thiện được nhân quyền trong nước.
Việt-Long: Ông nghĩ sao về việc Việt Nam xin vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc?
Phil Robertson: Chuyện đó cũng còn lâu, đến 2014 mới có cuộc đầu phiếu cho chiếc ghế ở Hội đổng Nhân quyền này. Tuy nhiên căn cứ vào những tì vết về nhân quyền của Việt Nam thì Việt Nam chưa xứng đáng được ngồi vào chỗ đó. Việt Nam vẫn còn liên tục vi phạm các quyền căn bản như quyền tự do ngôn luận, mà chỉ riêng một vi phạm đó cũng đã đi ngược lại Công ước về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam phê chuẩn và tham gia. Khi bộ trưởng ngoại giao Việt Nam nói bản án của Điếu Cày và các blogger là phù hợp với luật pháp Việt Nam thì như vậy vấn đề là luật pháp Việt Nam không phù hợp với luật pháp quốc tế. Thế nên vấn đề đó phải được chính phủ Việt Nam giải quyết trước khi họ có thể tham dự Hội Dồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Việt-Long: Tuy nhiên chúng tôi được biết dường như bộ ngoại giao Hoa Kỳ có thể ủng hộ cho Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền, theo quan niệm rằng Việt Nam được “gần đèn thì sáng”?
Phil Robertson: Nếu bộ ngoại giao nói như vậy thì quả là khá ngây thơ! Tôi thì tôi nhìn vào hành động của Việt Nam trong đôi ba năm qua và thấy rõ họ có một vai trò tiêu cực về nhân quyền. Họ đưa những nhóm NGO do Việt Nam tố chức tới hội nghị của Tổ chức xã hội dân sự ASEAN hầu cản trở tiến trình hội nghị. Họ đòi chính phủ Thái Lan cấm cản những cuộc họp báo tại Băng Kốc của những tồ chức nhân quyền quốc tế tố giác những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Việt Nam đã theo dõi sát tổ chức của người Khmer Krom và loại được họ ra khỏi vị trí quan sát trong Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hiệp Quốc UNESOC nhóm họp tại New York. Vì thế Việt Nam chỉ là một thành phần phá phách tiêu cực trong những hoạt động nhân quyền quốc tế, cho nên vào được Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc thì Việt Nam sẽ hành xử giống như Cuba, đã gây những ảnh hưởng rất tiêu cực cho Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Chỉ phá ngang tiến trình hội nghị, ủng hộ những hành vi xâm phạm nhân quyền của các nước xấu, và nỗ lực ngăn cản Liên Hiệp Quốc điều tra về nhân quyền.
Việt-Long: Xin cám ơn ông Phil Robertson đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét