Cầu Nhật Tân - Về tổ chức nhà nước, việc mọi quyền lực nhà nước tập trung vào trong tay một hoặc vài cá nhân chính là căn nguyên cho mọi hành vi độc tài, chuyên chế của các công việc nhà nước. Vì vậy, muốn chống lạm quyền phải có sự phân chia quyền lực, có cơ chế kiểm soát quyền lực.
Triết gia Pháp J.J. Rousseau (1712 – 1778) trong tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội” nêu:
“Quyền lực nhà nước luôn có xu hướngtự mở rộng, tự tăng cường vai trò của mình. Bất cứ ở đâu có quyền lực là xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, cho dù quyền lực ấy thuộc về ai. Do vậy, để đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, ngăn ngừa các hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước thì phải thiết lập pháp chế nhằm giới hạn quyền lực nhà nước. Cách tốt nhất để chống lạm quyền là giới hạn quyền lực bằng các công cụ pháp lý và cách thực hiện không phải là tập trung quyền lực, mà là phân chia nó ra, kiểm soát nó”.
Muốn hạn chế quyền lực nhà nước thì trước hết phải phân quyền, và sau đó phải làm cho các nhánh quyền lực đã được phân chỉ được phép hoạt động trong phạm vi quy định của pháp luật
Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ Thomas Jefferson (1743-1826) hoàn thiện tiếp:
“Sự phân chia các quyền lực đó theo một cách thức sao cho chức năng của một nhánh chính quyền trong một vấn đề cụ thể thì bị giới hạn bởi chức năng của một nhánh khác có thẩm quyền về cùng vấn đề ấy hoặc về một vấn đề khác có liên quan. Thường được gọi là: “các biện pháp kiểm soát và đối trọng quyền lực lẫn nhau” – “checks and balance.” Về cốt lõi, đây là một hệ thống nằm ngay bên trong chính quyền nhằm đảm bảo tính trách nhiệm của chính quyền, được gọi là kiểm tra, giám sát bên trong. Vì sự kiểm tra này tạo ra một cơ chế mặc nhiên ai nắm và được phân công sử dụng quyền lực nhà nước cũng phải bị kiểm tra, theo nguyên tắc phòng ngừa, còn cơ chế kiểm tra được tiến hành từ bên ngoài hầu như chỉ được tiến hành một khi đã có hậu quả xảy ra”.
Vừa qua, Việt Nam phải gánh chịu hậu quả rất lớn vì sự lạm quyền của Thủ tướng. Thực chất là quyền hạn đã tập trung quá lớn vào một tay mà không có sự kiểm soát, giám sát hữu hiệu nên mới sinh ra những vấn đề mà mấy Hội nghị của đảng đều bàn về vấn đề này nhưng dường như chưa có lối ra sáng sủa.
Ở Việt Nam, không có chuyện tam quyền phân lập mà có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan dưới sự lãnh đạo của Đảng – một lãnh đạo đã phát biểu. “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng” được đưa ra trong Hội nghị Trung ương 6 như một phương sách để hoàn thiện thể chế giám sát, kiểm soát quyền lực. Hoàn thiện Ban Phòng chống tham nhũng. Giảm bớt quyền lực Thủ tuớng, chuyển một số bộ sang để Chủ tịch nước phụ trách. Tái lập Ban Kinh tế Trung ương …
Thực chất, quyền lực lại vẫn tập trung vào một tay khác. Chỉ đơn giản là chuyển từ tay này sang tay khác mà vẫn chưa thấy được cơ chế kiểm soát và giám sát hữu hiệu. Hiện, việc hoàn thiện Ban Phòng chống tham nhũng vẫn gặp rắc rối vì cả ba phương án đưa ra đều “có vấn đề” – mà lớn nhất là sự xung đột giữa quyền lực của đảng và quyền lực của chính phủ. Tái lập Ban Kinh tế Trung ương để thực hiện chức năng giám sát thì có sự chồng chéo về chức năng và quyền lực giữa đảng và Quốc hội. Việc để Chủ tịch nước nắm một số Bộ trọng yếu (Quốc phòng , Công an, Ngoại giao) thì giảm hiệu quả hoạt động chính phủ và vô hình chung tạo sự tập quyền cực lớn trong tay Chủ tịch nước nhưng lại chưa hình thành cơ chế giám sát quyền lực này khi Chủ tịch nước vừa nắm Bộ lại vừa nắm cả Tòa án lẫn Viện Kiểm sát. Tức cả hành pháp và tư pháp tập trung vào một tay, còn nguy hiểm hơn mức độ tập quyền hiện nay trong tay Thủ tướng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét