Pages

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Hoa Kỳ có nên theo đối sách của TS. Kissinger?



The Washington Post tường thuật lại cuộc hội thảo đã được tổ chức tại trung tâm Woodrow Wilson mà diễn giả là TS. Kissinger, nói về đối sách với Trung Quốc mà hai ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ nên theo qua kinh nghiệm của ông ta.
AFP photo
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong cuộc thảo luận về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và phản ứng của Hoa Kỳ tại Trung tâm Woodrow Wilson, Washington, DC hôm 03/10/2012
Mặc Lâm phỏng vấn nhà nghiên cứu Trung Quốc Trần Bình Nam, người có theo dõi những hoạt động chính trị của ông Kissinger trong cuộc chiến Việt Nam cũng như về sau này để biết thêm một góc nhìn khác của người Việt trước sự vận động cho Trung Quốc của nhà ngoại giao nổi tiếng là giảo hoạt này.

Cái nhìn về Trung Quốc
Mặc Lâm : Thưa, ông nghĩ thế nào về vai trò đi đêm của Kissinger trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là những đàm phán với Trung Quốc xảy ra giữa Kissinger và Chu Ân Lai? Ông này dưới mắt người Mỹ là một người tài năng, nhưng cũng tỏ ra không ngại hy sinh đồng minh của mình, đặc biệt là trong cuộc chiến Việt Nam như chúng ta đã thấy. Với những thành quả có vẻ thiếu lương thiện như thế thì liệu khi ông lên tiếng để góp ý cho hai ứng viên tổng thống Hoa Kỳ có đáng để dư luận chú ý hay không ạ?
Ông Trần Bình Nam : Tôi thấy ông Kissinger khi đưa ý kiến có tính phê bình chính sách đối với Trung Quốc của hai ứng cử viên Mitt Romney và ông Tổng Thống Obama trong thời gian đang tranh cử tôi nghĩ là ông đưa ý kiến không đúng lúc, vì thường thường khi các ứng cử viên tuyên bố trong thời gian tranh cử thì nó có nhu cầu tranh cử và cũng nhằm đáp ứng những đòi hỏi của quần chúng để kiếm phiếu, nhưng bình thường sau khi đắc cử rồi thì vị tổng thống nào, Dân Chủ hay Cộng Hòa, thì họ sẽ áp dụng chính sách thích hợp với sức mạnh và thế đứng của quốc gia vào lúc đó.
Đối với TS Kissinger thì chúng ta cũng không nên ngạc nhiên vì ông xuất thân là một giáo sư và lại là người mở đường tiếp cận với Trung Quốc cho nên ông vẫn tự xem mình là người có thẩm quyền nhất để lên tiếng về các liên hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Dù vậy, tôi nghĩ ý kiến của ông hiện nay cũng không có trọng lượng lắm đâu, bằng chứng là trong 30 năm qua thì không một vị tổng thống Cộng Hòa nào giống ông ta hết cả.
Sự đánh giá của TS Kissinger đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ Mao Trạch Đông đến nay thì nó gần như có tính ngoại giao và phải nói là hơi cường điệu một chút.
Ông Trần Bình Nam
Mặc Lâm : Theo như The Washington Post ghi nhận lại thì ông Kissinger đã ca tụng Mao Trạch Đông là một nhà cách mạng nhìn xa trông rộng, Chu Ân Lai là một nhà ngoại giao lỗi lạc, rồi Đặng Tiểu Bình là một nhà cải cách tuyệt vời, rồi Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào cho tới người mới nhất là Tập Cận Bình…tất cả dưới cái nhìn của Kissigner đều có cá tính và ít nhất là có công giúp Trung Quốc hòa nhập với thế giới như ngày nay. Theo ông, cái nhìn như vậy của TS Kissinger sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến tầm nhìn của người dân Hoa Kỳ vốn rất lờ mờ về các chính khách Trung Quốc?
Ông Trần Bình Nam : Vâng, tôi thấy sự đánh giá của TS Kissinger đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ Mao Trạch Đông đến nay thì nó gần như có tính ngoại giao và phải nói là hơi cường điệu một chút, vì thật ra trong những người lãnh đạo đó ngoài Mao Trạch Đông là người đã đưa cuộc cách mạng vô sản Trung Quốc đến thành công thì có lẽ chỉ có Đặng Tiểu Bình là người lỗi lạc nhất, chứ còn các vị khác sau ông như là Giang Trạch Dân, rồi Hồ Cẩm Đào thì tôi thấy các ông này cũng chỉ là những nhà lãnh đạo trung bình thôi, và họ lãnh đạo có tính cách tập thể cho nên cũng không có gì để mà ca ngợi như những lời lẽ mà TS Kissinger đã dùng.
Về ảnh hưởng đối với dân chúng Hoa Kỳ thì tôi nghĩ thế này, dân chúng Hoa Kỳ bây giờ họ tiếp cận với rất nhiều thông tin cho nên họ sẽ có nhận xét riêng của họ, chứ không đến nỗi vì tiếng tăm của ông Kissinger mà họ sẽ đánh giá quá cao hay nhầm lẫn về các nhà lãnh đạo Trung Quốc đâu.

Mối quan hệ Mỹ - Trung

000_Hkg7870089-250.jpg
Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 29/9/2012. AFP photo
Mặc Lâm : Ông Kissinger cho rằng sẽ không có bất cứ đe dọa nào từ Trung Quốc đối với Mỹ ít nhất là chưa thấy xuất hiện trong nghị trình sắp tới của tân chủ tịch Tập Cận Bình. Liệu những kết luận này có ngây thơ hay không đối với một nước Trung Quốc có truyền thống luôn luôn thay đổi trong các ván bài chính trị?
Ông Trần Bình Nam : Vâng. Về điểm này thì tôi thực sự ngạc nhiên khi tôi đọc bài báo trên Washington Post khi họ thuật lại nhận định này. Một ngạc nhiên nữa là ông Kissinger đưa ra kết luận này từ một cuộc nói chuyện ngắn ngủi với ông Tập Cận Bình. Tôi nghĩ rằng trong vòng 10 năm tới thì ông Tập Cận Bình sẽ để nhiều thì giờ lo chuyện kinh tế và củng cố sức mạnh của Trung Quốc, nhưng củng cố để làm gì? Có lẽ trong nghị trình của ông thì củng cố để chuẩn bị đương đầu với Hoa Kỳ. Và tôi nghĩ việc Trung Quốc sẽ đương đầu với Hoa Kỳ và sẽ đương đầu như thế nào, đáp ứng với Hoa Kỳ như thế nào, đó là quan tâm số 1 của ông Tập Cận Bình trong 10 năm tới, ngoài vấn đề kinh tế. Có thể nói rằng Trung Quốc trong 10 năm tới dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình thì ông ta không có kế hoạch tấn công Hoa Kỳ, nhưng nếu Hoa Kỳ lấn át Trung Quốc ở đâu đó thì ông Tập Cận Bình chắc là sẽ không nhượng bộ đâu.
Mặc Lâm : Ông Kissinger hoàn toàn không nhắc gì tới nỗ lực trở lại Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ cả. Phải chăng nước Mỹ thật sự không chú ý lắm tới vần đề này hay còn nguyên nhân nào khác, thưa ông?
Trong 10 năm tới dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình thì ông ta không có kế hoạch tấn công Hoa Kỳ, nhưng nếu Hoa Kỳ lấn át Trung Quốc ở đâu đó thì ông ta chắc là sẽ không nhượng bộ đâu.
Ông Trần Bình Nam 
Ông Trần Bình Nam : Nói Mỹ không có chú ý thì rõ ràng là không đúng sự thật. Sự quan tâm của Hoa Kỳ đối với vấn đề Tây Thái Bình Dương, hay Châu Á-Thái Bình Dương thì rất rõ ràng. Năm 2010 khi bà Clinton đến Hà Nội thì bà đã tuyên bố chính sách của Hoa Kỳ đối với Biển Đông, đối với Tây Thái Bình Dương. Và từ đó đến nay cũng có những chuyến đi rất quan trọng như là chuyến đi của Bộ Trưởng Quốc Phòng Panetta đến Việt Nam, đến căn cứ Cam Ranh, thì như vậy rõ ràng là Hoa Kỳ có quan tâm đến vấn đề Tây Thái Bình Dương. Nhưng có lẽ ông Kissinger không nhắc lại việc này là vì có lẽ ông cho rằng nỗ lực đó là quá sớm và không cần thiết, vì chúng ta nhớ ở một diễn đàn khác mà tôi nhớ hình như trong cuốn sách On China của ông thì TS Kissinger từng cho rằng quan hệ giữa Trung Quớc và Hoa Kỳ sẽ là một quan hệ tiệm tiến, mỗi bên một bước, nên không có gì phải hoảng hốt mà điều bình khiển tướng đến Châu Á-Thái Bình Dương cả. Tôi thì hoàn toàn không đồng ý với cách nhìn này của ông TS Kissinger.
Mặc Lâm : Vâng. Một lần nữa xin cám ơn nhà nghiên cứu về Trung Quốc – ông Trần Bình Nam đã giúp chúng tôi hoàn thành cuộc phỏng vấn ngày hôm nay ạ.
Ông Trần Bình Nam : Vâng. Xin cảm ơn anh Mặc Lâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét