Pages

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Ảnh hưởng của Giang Trạch Dân vẫn ngự trị tại Đại hội 18



Cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân trên đoàn chủ tịch Đại hội đảng 18 đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc ngày 8/11/2012. REUTERS/Jason Lee

Cựu lãnh đạo số một Trung Quốc Giang Trạch Dân, người mà cách nay một năm có tin đồn là đã qua đời, vẫn khỏe mạnh và ảnh hưởng của ông vẫn thấy rõ trong đảng Cộng sản Trung Quốc, đến mức có thể nói là ban lãnh đạo mới của Đảng mang dấu ấn của ông.

Năm nay 86 tuổi, ông Giang Trạch Dân làm tổng bí thư Đảng từ 1989 đến 2002. Kể từ năm 2005, sau khi chuyển giao nốt chức chủ tịch Quân ủy Trung ương cho ông Hồ Cẩm Đào, ông Giang Trạch Dân nghỉ hưu, không còn giữ chức vụ chính thức nào trong Đảng và Nhà nước.
Thế nhưng, theo giới quan sát, ông Giang Trạch Dân vẫn có thế lực mạnh trong Đảng. Cách nay vài năm, chính ông cùng với đương kim tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đã đóng góp vào việc lựa chọn ông Tập Cận Bình làm lãnh đạo số một của Trung Quốc nhân Đại hội đại biểu toàn quốc đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18.


Đồng thời, những nhân vật trung thành với ông Giang Trạch Dân và với di sản của ông dường như sẽ chiếm đa số trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo tối cao của chế độ Bắc Kinh.
Ông Lâm Hòa Lập (Willy Lam), thuộc đại học Hồng Kông, chuyên gia phân tích chính trị và nghiên cứu về tiểu sử của Giang Trạch Dân, nhận định, ảnh hưởng của cựu lãnh đạo số một Trung Quốc tỏ ra rất hữu hiệu trong các cuộc đấu đá phe phái.
Năm ngoái, vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, sự vắng mặt của ông Giang Trạch Dân đã làm dấy lên nhiều tin đồn là ông đã qua đời, đến mức mà Tân Hoa Xã phải lên tiếng cải chính. Tuần trước, ông Giang Trạch Dân đã đi cùng với chủ tịch Hồ Cẩm Đào, tiến vào Đại lễ đường Nhân dân, nơi tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 18, trong lễ khai mạc.
Đương nhiên, về mặt chính thức, đảng Cộng sản Trung Quốc không thừa nhận là các cựu lãnh đạo như Giang Trạch Dân, có ảnh hưởng đến việc lựa chọn những nhân vật lãnh đạo cấp cao và nói rằng chính các đại biểu của Đại hội bỏ phiếu bầu.
Ông Trương Xuân Hiền (Zhang Chunxian), bí thư tỉnh ủy Tân Cương, người được cho là đồng minh của ông Giang Trạch Dân đã từ chối trả lời câu hỏi của AFP về ảnh hưởng của cựu lãnh đạo số một Trung Quốc và cho rằng đó chỉ là những tin đồn.
Giới chuyên gia nhấn mạnh, thế lực của ông Giang Trạch Dân dường như lại được củng cố mạnh hơn, sau khi ông Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), một người thân cận của ông Hồ Cẩm Đào, đã bị mất chức chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, do những bê bối trong gia đình.
Về phần mình, ông Tăng Nhuệ Minh (Steve Tsang), giáo sư về Trung Quốc đương đại, ở trường đại học Nottingham, Anh Quốc, lại cho rằng vai trò của ông Giang Trạch Dân không còn nhiều, thậm chí ảnh hưởng của ông có thể không kéo dài nổi qua Đại hội lần này. Ông ta có thể còn giật dây được một vài vụ nhưng đó không phải là một người có thế lực nữa, đủ sức kháng cự với thế hệ lãnh đạo mới.
Trong khi đó, chuyên gia Lâm Hòa Lập lại có một cái nhìn khác về sự hiện diện của cựu tổng bí thư Đảng trên chính trường Trung Quốc : Điều cơ bản đối với ông Giang Trạch Dân là bảo vệ quyền lợi cho hai người con và ngăn chặn mọi nguy cơ ông và gia đình bị cáo buộc tham nhũng.
Theo AFP, một người con trai của ông Giang Trạch Dân là Giang Miên Hằng (Jiang Mianheng) đang đứng đầu một công ty đầu tư Trung Quốc có liên quan đến những tập đoàn lớn của nước ngoài như Microsoft, Nokia và một nguời con khác thì phụ trách một trung tâm nghiên cứu./Đức Tâm (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét