Pages

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Nhận thức an ninh hàng hải dựa trên lợi ích quốc gia.

Ngày 13/11, Hải quân Indonesia (AL) đã tổ chức cuộc hội thảo quốc tế về an ninh hàng hải, với chủ đề "Xây dựng một nhận thức về an ninh hàng hải dựa trên lợi ích quốc gia vì sự thành công của công cuộc xây dựng đất nước."

Tham dự có các quan chức cấp cao AL, đại diện lực lượng Hải quân Singapore, Tùy viên trưởng Quốc phòng các nước tại Indonesia cùng nhiều học giả về an ninh hàng hải.

Tại cuộc hội thảo, các quan chức và chuyên gia quân sự, an ninh chia sẻ nhận thức về tầm quan trọng chiến lược của an ninh biển đối với an ninh và phát triển của quốc gia. Hội thảo đánh giá môi trường an ninh, an toàn hàng hải ở Đông Nam Á và nhiều khu vực khác trên thế giới đang và sẽ tiếp tục bị đe dọa, ảnh hưởng bởi sự tồn tại, đan xen phức tạp của các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống như thiên tai, khủng bố, cướp biển, vận chuyển vũ khí trái phép, đánh bắt cá bất hợp pháp, nguy cơ chạy đua vũ trang, đụng độ quân sự trên biển và tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông.



Những đại biểu tham gia hội thảo cho rằng các nước dù tiếp giáp hay không tiếp giáp với các tuyến đường biển và vùng biển quan trọng, trong đó có eo biển Malacca, vịnh Aden hay Biển Đông đều có những chuỗi lợi ích khác nhau và phụ thuộc vào sự biến động môi trường sinh thái, tình hình an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải tại những khu vực này.

Các đại biểu nhấn mạnh nhiều nước Đông Nam Á như Indonesia, Singapore, Malaysia là những quốc gia quần đảo hay quốc đảo án ngữ trên các tuyến đường biển nhộn nhịp, chiến lược và cũng phức tạp nhất thế giới. Tuy nhiên, không một nước đơn lẻ nào có thể tự phòng ngừa, giải quyết được mọi yếu tố tác động đến an ninh và chủ quyền lãnh hải.

Nguyên nhân bởi vì sự hạn chế về năng lực, trình độ so với yêu cầu thực tế, sự phức tạp, phân tán về điều kiện địa lý của mỗi nước, cũng như sự đan xen phức tạp liên quốc gia, liên khu vực của các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Các đại biểu cho rằng trong bối cảnh nói trên, để bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia và góp phần vào nỗ lực chung bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định của các khu vực lợi ích chung và toàn khu vực, mỗi nước cần có cách tiếp cận toàn diện, tổng thể và mang tính xây dựng về an ninh hàng hải, cả ở cấp độ quốc gia và hợp tác khu vực.

Các chuyên gia hải quân và an ninh nhận xét, trong tình hình hiện nay, các quốc gia biển đều tăng cường công tác bảo vệ bờ biển, chủ quyền lãnh hải và an ninh trên các vùng biển thuộc chủ quyền, nhằm vừa bảo đảm an ninh quốc gia, vừa phục vụ giao thương, khai thác các nguồn lợi dầu khí, thủy hải sản, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển...

Ở cấp độ khu vực, các nước cần phối hợp duy trì một trật tự tốt trên biển, trên cơ sở tuân thủ các điều luật quốc tế liên quan, cho phép các nước theo đuổi lợi ích và phát triển các nguồn lợi về thủy hải sản một cách hợp pháp, bền vững. Việc tạo dựng và duy trì an ninh trên biển là hết sức quan trọng đối với việc giảm thiểu nguy cơ chiến tranh, nạn cướp biển, khủng bố và các hình thức tội phạm trên biển khác.

Để làm được điều đó, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp xây dựng lòng tin, chia sẻ thông tin, phối hợp đào tạo, diễn tập, tuần tra chung, tuần tra phối hợp và triển khai các lực lượng tác chiến hỗn hợp đa quốc gia trên một số lĩnh vực như chống cướp biển, cứu trợ, giảm nhẹ thiên tai, trong đó có việc phối hợp triển khai có hiệu quả "Chương trình Hành động ASEAN về chống tội phạm xuyên quốc gia" (ASEAN-PACTC).

Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại tình trạng khó giải quyết về các vùng chồng lấn trên biển, tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các nước và cạnh tranh chiến lược của các nước lớn tại khu vực. Bởi vậy, các quốc gia cần triệt để tôn trọng, thực thi đầy đủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS-1982), cũng như phối hợp xử lý những quan ngại, hiểu nhầm.

Tại cuộc hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cụ thể về chính sách, sự phát triển và hoạt động của các lực lượng chức năng thường xuyên hoạt động trên biển và hải cảng của mỗi nước./TTXVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét